Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

NHÓM MÁU CỦA TÔI

Loài người có nhóm máu A, B,O hoặc A-B. Tôi đến giờ vẩn chưa có dịp đi xét ngiệm xem mình có nhóm máu nào nhưng tôi biết rất rỏ ràng rằng tôi có một nhóm máu phụ mà các bác sĩ không hề hay biết. Đó là nhóm máu: NLSBL. Đây là loại máu giúp tôi làm được nhiều điều khá ngoạn mục mà người bình thường phải lắc đầu bó tay.
     Điều đầu tiên ngay sau khi ra trường tôi đã làm đó là đưa thằng Hải Bầu về Cần Thơ.
Tôi chứa nó ở tại nhà và tôi dạy nó sao cho nó có thể thi lại được bằng tú tài. Cả lớp tin là tôi làm được và bản thân Hải cũng đã rất tin tôi. Trước hết tôi bắt hắn dậy 3 giờ sáng để học. Hàng ngày, tôi bắt hắn làm 20 bài toán và lý. Tôi tự tay pha cà phê cho hắn nhưng tôi quên bẵng đi việc cho hắn vài điếu thuốc. Tôi giải thích bài, dạy hắn những nguyên lý, công thức một cách dể hiểu, ấn tượng. Ngày qua ngày, Hải tiến bộ rỏ ràng và sau 7 tuần lễ hắn trở về nhà, Dốc Mơ- Gia Kiệm. Hắn đã thi đậu khá dể dàng. Thầy Minh Còi hoặc thầy Hy Lèo không thể hiểu nổi làm sao tôi có thể làm được cái điều khó tin ấy. Nhóm máu NLSBL đã giúp tôi đấy thôi.
      Điều thứ hai mà những người cùng trang lứa với tôi khó lòng làm được. Đó là trong những tối Vân qua thăm tôi trong những ngày nghỉ hè năm lớp 11- 1973, tôi chỉ trò chuyện với nàng khoảng nửa tiếng, không thậm chí nắm tay, không cợt nhả, không hẹn hò đi chơi ở đâu cả, không một lời trăng hoa ong bướm gì hết. Nàng cười nhẹ khi chào tôi ra về, nhưng trong lòng nàng, tôi tự nghỉ, thể nào nàng cũng mếu máo tự hỏi:
- Không biết ảnh có cái loại máu gì mà sao thấy ảnh nguội lạnh với mình quá? Nhà không có ai, ảnh cũng không có gì để ngại ngùng. Còn ta thì chỉ biết ngồi yên chờ đợi ảnh.
Vân đã không biết rằng tôi nhờ nhóm máu NLSBL mới làm được như vậy đấy.
Khi đón nàng đến thăm hay lúc tiển nàng ra về, tôi đều tự dặn lòng:
- Ta chỉ là một thằng học trò, học hành chưa đến đâu. Yêu thương rồi cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Nắm tay hay hôn lên má nàng hoặc ôm nàng vào lòng thì chẳng có gì khó, nhưng không tiến tới những chuyện gì gì đó xa hơn thế mới thật là quá khó.
      Điều thứ ba tôi đã làm còn khiến tôi ngạc nhiên đến tận ngày nay. Từ ngay ngày nghỉ hè đến đầu năm lớp 12, tôi phải dự một lớp luyện thi. Tôi làm bài tập suốt ngày. Thầy Trí “Ba Túi” dạy toán khen tôi đáo để cái cách tôi ghi chép, vẽ hình học hoặc giải bài tập. Khóa học kết thúc vào đầu tháng 10. Trường khai giảng vào giửa tháng 9. Tôi, người chưa hề nghỉ một giờ học nào trong 2 năm lớp 10 và 11, đã quyết định lên trể nửa tháng. Dỉ nhiên, cả nhóm chúng tôi đã lên học đúng ngày khai giảng. Không phải vì cái nhóm máu NLSBL lì lợm chịu chơi, ai mà dám vắng mặt 2 tuần như thế được? Phải thế không thưa thầy Hanh Chột? – Thưa thầy! xin thầy tha tội cho em. Tụi em cứ quen gọi thầy như thế rồi. Đúng là cái thằng có nhóm máu NLSBL, phải không Thầy?
      Nhắc đến thầy Hanh, tôi nhớ ngay đến việc bị thầy cắt tóc 2 lần và tôi đã để yên như vậy đúng hai lần. Cà chớn ư? Ngoan cố ư? Lập dị chăng? Tôi không biết phải giải bày thế nào cho chính xác nhưng có lẻ cái nhóm máu kỳ quái ấy đã khiến tôi …hơi ngông?   
       Điều thứ tư tôi đã làm quá tốt là thi đậu thủ khoa vào Đ.H Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức- Viện Đại Học Bách Khoa. Tôi, một tuần 2 ngày, phải học các môn khoa học tự nhiên tại trường Bách Khoa và ngồi chung giảng đường với s.v ĐH Nông Lâm và Bách Khoa. Để có chổ ngồi những hàng ghế đầu, tôi phải từ nhà trọ trên Thủ Đức đạp xe đi học từ lúc 3 giờ rưởi. Trưa tôi ăn bánh mì với chuối và tối đạp xe về. Sự siêng học của tôi, vốn đã bén rể từ Bảo Lộc, đã chinh phục được ông chủ nhà quá khó tánh nhất ở khu vực đó. Sau một tuần, ông ta đã tình nguyện giặt đồ cho tôi để giúp tôi có thêm thì giờ học. Còn bà chủ nhà thì cho rằng tôi học cực hơn là một người lính đánh trận.
Một cô s.v, NLS Tây Ninh, Thúy Nga, đã thú thật với tôi là nàng đã chẳng hiểu mô tê gì các bài giải cũa tiến sĩ toán Võ Thế Hào. Nàng xin tôi dạy kèm cho nàng và một người bạn học, NLS Long An, Thị Hạnh. Tôi, một cách rất khiêm tốn, nhận lời ngay có lẻ vì cái áp lực khủng khiếp cũa nhóm máu NLSBL trong người tôi- làm để học. Không biết có ai trong trường mình, vốn không giỏi toán, không đủ giờ học, không dạn gái như cở Tâm Dê hoặc thằng Trọng Cọp của lớp tôi mà lại dám nhận dạy kèm toán cao cấp cho 2 cô s.v cùng khóa với mình không nhỉ? Vài tuần sau, tôi đã thật sự giúp họ hiểu toán hơn.
       Điều thứ năm đến ngay sau ngày 30 tháng 4, tôi đã khiến Mẹ tôi sửng sốt đến bậc khóc khi tôi xin bà cho tôi lên Bảo Lộc làm rẩy với thằng Khuê Bầu, cùng lớp với Phước Mọi. Tôi đã lên rẩy, ăn độn ngay ngày đầu tiên lên Bảo Lộc, 16- 5 1975. Sau đó 1 tháng, cùng với Long Kh’mer, chúng tôi lên Liên Khương để kiếm việc làm. Ông chủ vườn đã thật tử tế với chúng tôi. Ít hôm sau, ông ta khuyên chúng tôi nên trở về BL làm giấy tạm vắng để ông ấy có thể hợp thức hóa cho chúng tôi sống và làm vườn cho ông ta. Đọc đơn xin của chúng tôi xong, tên công an khu vực mời chúng tôi lên công an Huyện và họ biệt giam hai đứa tôi với tội danh là” tình nghi khai mang lý lịch để âm mưu phản cách mạng.” Suốt những ngày trong lô cốt đen ngòm, lạnh lẻo và ẩm thấp, tôi đã âm thầm soạn ra những câu viện dẩn, đã nghỉ ra những câu hỏi hóc búa sẽ bị điều tra và những khả năng xấu nhất có thể xảy ra. Máu NLSBL đã giúp hai đứa tôi ra “tù”. Tôi đã bào chữa một cách khá thuyết phục.
- Hiếm có một người thanh niên hay một sinh viên nào chỉ nghỉ đến việc mưu sinh bằng nghề nông như hai đứa tôi. Trường chúng tôi đã dạy chúng tôi rằng:” Học để làm. Làm để học. Tạo tiền để sống. Sống để phụng sự.”Đất nước nay được hòa bình độc lập. Chúng tôi cũng chỉ muốn sống một cách độc lập, yên bình. Khuê muốn độc lập tìm kế sinh nhai và tách mình ra khỏi gánh nặng nuôi 5 người con của mẹ nó. Tôi củng muốn độc lập sống ở đây thay vì phải sống trong gia đình với một thằng em hút xì ke, bất trị và côn đồ. Tôi đã bỏ nhà lên đây vì không muốn chứng kiến cái cảnh xụp đổ ấy. Làm sao ta có thể…
Người cán bộ hỏi cung tôi đã chú ý nghe tôi “thuyết trình”. Giá mà Thầy Minh Híp có thể nghe được, chắc thầy cũng phải vổ tay khen tôi mất thôi.
- Thế các cậu sẽ làm gì ở đây nào?
- Thưa cán bộ! Chúng tôi sẽ xây dựng lại trang trại. Chúng tôi sẽ nuôi một đàn gia súc, một đồng cỏ. Bạn tôi sẽ khuếch trương nghề trồng dâu nuôi tằm của cậu hai nó. Chúng tôi dự tính cả việc lập một tập đoàn sản xuất. Lập một thủy điện nhỏ tại con suối nhỏ ở đây là chuyện chúng tôi đã mơ ước. Chúng tôi còn có thể…
- Thôi, thôi thế đủ rồi. Tốt, tốt lắm.
Ông cán bộ hỏi cung ấy có vẽ thấm đòn “tâm lý thuyết” của tôi rồi. Nghỉ ngợi một đổi, ông ta kết luận:
- Hai cậu lên đây sống gần hai tháng nay bất hợp pháp, gây ra sự mất an ninh trật tự trong địa phương, gây mất đoàn kết nội bộ, bất bình trong quần chúng nhân dân, gây ra sự quan lâm lo lắng của công an khu vực, và cả hát nhạc vàng nữa đấy… Nay tôi phải ký lệnh trục xuất hai cậu về địa phương để lao động sản xuất! Cậu có 24 giờ để rời khỏi Bảo Lộc.
Tôi muốn chồm lên ôm ông ta mà nhảy múa như Alezit Jorba vậy. Ối trời đất ông bà ông vãi ơi! Hai đứa tôi vô tội. Hai đứa tôi được tự do rồi. Hai đứa tôi được sổ lồng về tổ củ
ở Cần Thơ rồi. Cả nhà Má Chánh đều mừng cho hai đứa tôi. Chúng tôi được thưởng vài cây chả nóng mới ra lò. Gớm, chúng tôi còn được chụp hình nửa đấy. Thằng Long Kh’mer thì kéo chúng tôi ra quán Má Năm ở mặt sau chợ Bảo Lộc. Bà đã thiết đãi chúng tôi một chầu cơm trắng còn Long kh’mer thì tận tình, tận tay pha cho hai đứa tôi hai ly cà phê đen, có lẻ là ngon nhất trên thế gian này. Nó có lẻ đã “chôm” tiền của Má Năm để mua vé cho hai đứa tôi về Cần Thơ. “Phải không thằng quỷ sứ kia, Long kh’mer?” Má Năm thường hỏi nó như thế. Còn nói về tôi, bà thường rầy Long Kh’mer:” Tối ngày mày cứ kéo thằng Thành Xì đi đâu đâu đó không hà. Không để cho thằng nhỏ ăn cơm ăn nước gì hết há” Tôi nhớ những câu nói này như in vậy.
 
     Những ngày ở Cần Thơ với Khuê Bầu thì buồn chán nhưng với tôi thì không. Tôi bắt đầu tập chụp bóng. Ngày ngày từ lúc 1 giờ trưa, tôi tập chụp bóng với một cậu học sinh lớp 8. Một hôm khoảng đầu tháng 9, tôi nhận được một bức điện tín cái mà đã thay đổi hẳn cuộc đời tôi. Lâm Phèn, NLS Phan Rang, gởi điện kêu tôi về trường học lại. Không đăng ký, không sinh hoạt, không có lý lịch tốt, không có thân nhân tham gia cách mạng, không có tiêu chuẩn ở ký túc xá, tôi đã bắt đầu đi học lại đại học từ con số không. Nhóm máu của tôi đã giúp vượt lên. Tôi đá bóng cho đội lớp và tập cho nhiều s.v trong lớp. Tôi đã khéo léo dẩn dắt đội lớp đến chức vô địch toàn trường. Đương nhiên, tôi được tuyển ngay lập tức với vai trò tiền vệ tấn công. Anh Nguyễn Hưng, gốc Phan Rang, cùng lớp kiễm sự với Dũng Đê, được tuyển chọn làm đội trưởng. Trong một bửa tập, tôi đã bảo với anh Hưng:
- Để em làm thủ môn cho. Thằng Thuận, lớp 74 KCN, thấp và chậm quá.
Anh Hưng trợn mắt nhìn tôi:
- Từ lâu nay Thành đá tiền vệ mà? Anh nhớ mày đá ngon lắm mà! Mày vô đội tuyển tỉnh đá giải học sinh ở Phan Rang năm 1972, thầy Sáu Râu dắt đoàn, đúng không nè?
Thay vì trả lời, tôi đã bảo anh Hưng đá bóng lại phía tôi. Vung một cú sút khá mạnh, anh muốn thử tài tôi. Tôi bắt thật gọn và đưa bóng lại cho ảnh thật điệu nghệ. Lần này ảnh đá bóng sệt và xoáy. Tôi nhoài người nhẹ nhàng ôm bóng như một tay chuyên nghiệp. Anh Hưng chỉ còn biết đến bắt tay chúc mừng tôi: “Đúng là chú mày rồi!”
     Sau khi anh Hưng ra trường, cuối năm 1975, tôi lên làm đội trưởng kiêm thủ môn. Tôi liên tiếp được bầu làm xếp đội 4 năm liền và khi ra trường tôi được trường giử lại làm” Cán bộ thể thao, phụ trách Bóng đá, Bóng rổ”. Tôi được hưởng chế độ khá cao và là người cán bộ đại học duy nhất của năm ấy có 3 cái không: không phải là đoàn viên, không có lý lịch tốt và không có điểm tốt nghiệp lớn hơn 8. Trường Đại Học Cần Thơ trước đó đã không thể xin tôi về công tác như một cán bộ phong trào cho trường họ.
Thầy Sáu râu có thể thắc mắc:” Thành này, sao mà em có thể làm được như thế hả?”
Thầy Phạm Phi Hoành, vốn có ấn tượng với bài luận văn tốt nghiệp của tôi, càng thêm phục tôi. Thầy Trần Thanh Vân thì khỏi nói. Gặp tôi lần nào thầy bắt tay và rủ tôi nhậu. Thầy Trần Hiệp Nam , Thầy Nguyễn Văn Hạnh lúc nào củng cười chào tôi khi lên xe buýt của trường về Sài Gòn. Cô Dương Tuấn Ngọc cũng thật bất ngờ.”Phải vậy không cô?” Hai đứa hoc trò cưng của cổ, Lộc & Yến, gốc Mỹ Tho, được phân công về Năm Căng, Cà Mau xa tít.
- Kính thưa các Thầy Cô! nhóm máu NLSBL của em đã giúp em đấy thôi. Hàng vài chục trận đấu tốt, hai lần được tuyển vào đội S.V thành phố và việc tổ chức chu đáo các giải đấu trong trường này của em cũng đủ làm cái trường này tin dùng em thế thôi.
      Giống như trong chuyện tiểu thuyết, sau khi ra trường, đi làm ổn định, tôi vác ba lô hành lý đi xuống Sóc Soài, Rạch Giá tìm thăm mẹ tôi người đã trốn chạy xa thằng em tôi từ đầu năm 1976. Mẹ tôi dùng gần hết số tiền bán căn nhà ở Cần Thơ để tậu đất ruộng ở đây. Bà sống trong một túp lều nhỏ một mình bên kia sông. Đêm hôm ấy dù mệt nhoài sau một chặng đường dài, tôi đã không tài nào ngủ được. Trưa ngay sau đó tôi vác đôi giày trên vai, gọi đò sang sông, tôi lội bộ lên sân bóng xã để tập. Thanh niên ở đây trầm trồ xem tôi đá tập như chúng tôi đã làm khi cầu thủ kiêm nghệ sĩ Hoài Thanh vào sân trường mình tập 2 ngày liền tháng 10 năm 1973.
    Tôi được mời đá chầu cho một đội lớn ngoài tỉnh. Họ đã bao ăn ở, thanh toán tiền xe đi xuống và trả cho tôi 100 đồng một trận. Và tôi đã được giấy chuyển công tác về một công ty lớn nhất ở đây để vừa làm vừa đá banh cho họ. Trái bóng tròn đã lăn tròn cuộc đời tôi. Nghe lời khuyên chí tình của ngừơi mẹ nuôi, tôi đã về đây hầu có thể phụng dưỡng người mẹ ruột. Hai tháng sau, vị hôn thê của tôi xuống thăm đúng như lời mẹ nuôi tôi đã hứa. Nàng là con út trong gia đình, là học sinh xuất sắc của trường Lê Quý Đôn, là người hiểu biết thành thục tiếng Anh và tiếng Pháp và là người chỉ mơ mộng đi du học mà thôi. Ngay sau khi biết chúng tôi yêu nhau, bà tổ chức một đám hỏi tại Nhà hàng Đồng Khởi. Bà cũng đã lén đưa cho tôi đôi nhẩn và một sợi dây chuyền để tôi tặng vị hôn thê của tôi.
- Thành à, má thương con như con ruột. Chờ ngày con học ra trường, má làm đám cưới cho như thể cùng một lúc má vừa cưới dâu mà cũng vừa gả con gái vậy.
Tiếng đàn ghi ta của tôi, cách nhìn cuộc sống của tôi, cách tôi thương mẹ nuôi, và cách tôi đối xử với nàng khiến nàng thật sự yêu tôi. Để giúp nàng sống ở đây một thời gian tự lập, tôi đã bán sữa đậu nành mổi buổi tối. Tôi tự tay xay đậu, nấu đậu và đứng bán bên lề đường. Cậu Doản, dân Đà lạt, nghe vậy rất khoái chí. Nó hỏi tôi chứ tôi mổi ngày bán mấy ký đậu. Khi tôi bảo với hắn:” 3 lạng”, hắn phá ra cười khanh khách. Nó đâu ngờ rằng bán hết số nước đậu ấy tôi thu được một khoảng tiền bằng với tiền một tháng lương, 61 đồng. Nó, nhiều người trong trường NLS Bảo Lộc, ngay cả mẹ nuôi tôi cũng không ngờ rằng, nàng vì hạnh phúc quá đã ở lại Rạch Giá với tôi 6 tháng. Trong sáu tháng đó, tôi đã giử được tiết trinh cho nàng. Nhiều người đã hỏi tôi điều gì đã khiến tôi làm được điều như vậy. Tôi trả lời ngay: Nhóm máu NLSBL.
      Sau khi em trai và chị tôi vượt biên năm 1982, tôi không còn được tin dùng nữa. Tôi đã lập gia đình năm 1984. Vợ tôi là người tôi đã chọn để giúp tôi phụng dưỡng mẹ tôi. Còn vị hôn thê ư? Tôi đã đơn phương viết thư chia tay với nàng, người lúc nào cũng nghỉ đến “đi”. Tôi sống bên vợ và nấu rượu với nhà vợ. Những tưởng tôi sẽ trở thành “nhà sản xuất rượu lậu” nào ngờ đâu. Huấn luyện viên đội bóng Sở Lâm Nghiệp tìm gặp tôi để mời tôi chụp cho trận bán kết một giải đấu trong tỉnh. Tôi đã chẳng những không phụ lòng họ mà còn chơi xuất sắc trận chung kết 3 ngày sau đó. Ngay lập tức trong bửa tiệc nhận cúp vô địch, tôi được mời làm cho Công ty Lâm Sản, chức danh: giám sát công trình. Lại phải sáng sớm đạp xe vài cây số đi làm, lại phải đá banh tranh giải hàng năm, và đặc biệt hơn lại phải chơi đàn cho ban nhạc Sở Lâm Nghiệp tranh giải hàng năm, tôi hy vọng một sự đổi thay. Thầy Hoành gặp tôi rất tình cờ một sáng nọ tại Rạch Giá. Thầy hỏi tôi ngay:”sao tôi nghe bảo cậu đi rồi mà?” Em của Bích Vân trong một chuyến công tác, đã rất ngạc nhiên khi thấy tôi đang đứng vẽ bảng tên của Công Ty. Gần 5 năm làm việc, tôi đã vắt hết mồ hôi, tôi trút hết bầu nhiệt huyết vốn có, tôi đã cần mẫn làm việc, tôi đã mong một ngày được cấp một ít gỗ để làm một căn nhà nhỏ để rước mẹ tôi về chung sống. Họ đã lờ tôi. Họ đã thản nhiên quên mất những gì tôi đã làm cho bọn họ. Họ còn cử tôi vào phân xưởng mộc để xẻ gổ tạp làm củi trong lúc mà cả Sở Xây Dựng lẩn Viện Quy Hoạch và Thiết Kế Tp HCM đánh giá cao sự đóng góp của tôi. Tôi làm đơn nghỉ việc sau khi tập tành làm được hai nghề phụ: thợ chụp ảnh và thợ vẽ bảng dạo. “Chúng ta không sờn chí trên vạn đường xa” quả là một câu tuyên bố để đời. Tuần 3 buổi tối, tôi cắp tập sách đến trung tâm ngoại ngữ thị xã để học Anh Văn. Cô Thành và thầy Hùng Đô La có ngờ đâu thằng học trò dốt nát ngày xưa của mình, sau một khóa học, lại có thể đậu ngay cái bằng A, với hạng xuất sắc, do ĐH Tổng Hợp Tp HCM cấp. Phải chi tôi có được trí nhớ tốt cở chừng phân nũa của Bác Nhất thôi, tôi đã tiến xa hơn mức tôi đã làm được. Một buổi chiều, rất định mệnh, đích thân ông thầy dạy Anh Văn của tôi đạp xe mini đến nhà tôi:
- Thành này, chúng tôi đã họp bàn kỹ lưỡng rồi và quyết định mời cậu làm giáo viên cho chúng tôi. Cậu dạy ngay chiều tối hôm nay trong khóa mới này. Chúng tôi tin cậu. Cậu trả lời sao nào?
Tôi, 36 tuổi khi ấy, ứa nước mắt, lặng người, thẩn thờ nhìn chung quanh. Đây là căn nhà lá cũ kỉ dột nát mà chúng tôi đang ở đậu. Đứng ngoài kia là vợ tôi đang mang bầu sắp sanh đứa con đầu lòng. Ngồi chơi nhà kế bên là mẹ tôi, người khắc khoải lo toan cho tương lai của chúng tôi từ nhiều năm nay.
Tôi nghỉ đến những gì tôi đã trải qua, đã chứng kiến, đã mơ ước, đã trăn trở, đã bật khóc, đã mỉm cười nghẹn ngào, những điều đã khiến tôi phải văng tục chửi thề và củng đã âm thầm câm tức, những đêm thức gần đến sáng để học hoặc để vẽ cho xong một bức tranh, những tấm tịch do chính một mình tôi làm ra… Thầy Chu Sĩ Lương còn điềm tỉnh chờ tôi trả lời, còn tôi thì không thể nào giử được bình tỉnh được nữa. Tôi đã chững chạc trả lời:
-         I hope I can make it if you all count on me and give me a hand.
(Em mong rằng em có thể thành công nếu như thầy và mọi người chung quanh tin vào em và giúp đở em).
Thưa các thầy cô! các bậc đàn anh đàn chị, các bạn học các ban khác nhau, điều gì đã giúp Thành Xì này có được một cơ hội như thế? Có phải là nhóm máu NLSBL không?!
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét