“Tạo tiền để sống. Sống để phụng sự” là cái phương châm tôi đã học ở NLS Cần Thơ từ tuổi 15 và rồi tôi đã ứng dụng nó khi kiếm sống trên Sài Gòn ở tuổi 53 một cách “không sờn chí trên vạn đường xa”.
Sau khi dạy lần lượt tại một trung tâm nhỏ, hai trung tâm lớn: IES, Cao Đẳng nghề Việt Mỹ, trường Infoworld School, hai trung tâm ngoại ngữ của ĐH Ngoại Thương và Ngân Hàng, dạy kèm hai tư gia tại Q: 8 và Q: 12, làm “cố vấn ngôn ngữ” cho trung tâm bóng đá “Arsenal- Vinamilk, dạy thị nguyện với một người bạn Mỹ và rồi dịch thuật cho một công ty, tôi đã có một cách kiếm sống khá độc đáo: dạy kèm trong căn phòng thuê trên lầu 9 khách sạn Công đòan, phòng 903, số 1 Bùi Thị Xuân, Q: 1, Sài Gòn.
Dĩ nhiên tôi phải có những chuẩn bị nhất định cho cái lớp đặc biệt có một không hai ấy. Bàn học là điều thứ nhất. Tôi đã nhặt cái bàn xếp cũ kĩ đã bị ai đó vứt đi lâu nay trong một góc. Dùng thanh gỗ giăng mùng, tôi đã ghép nối 4 chân bàn mụt sét để cho nó “đứng” lại được. Tôi dùng dây kẻm kềm cố định và sơn mới 4 chân bàn. Mặt bàn được tôi dán decal màu vàng vỏ hột gà. Cái gáy bằng nẹp gỗ tróc lớp vecni dơ bẩn được tôi dán băng keo dầy cùng màu. Sau hai buổi sáng, tôi đã tái tạo cái thứ vứt đi ấy thành ra cái bàn dạy học.
Hai cái ghế nhựa cùng màu bị ai đó bỏ quên ngoài phòng được tôi mang lên phòng tôi lúc sáng sớm để tránh bị bắt gặp. Căn phòng 25 mét vuông được tôi ngăn làm hai bằng cái màng vải. Quanh tường vôi cũ, tôi trang hòang bằng những câu tiếng Anh, những hình phong cảnh trong tờ lịch cũ. Tôi vá víu các nền sàn bằng những mẩu decal hợp với cái hiện trang loang lổ của nó. Dùng “au de javel”, tôi chùi sạch mọi thứ bằng nhựa. Tôi kéo chèn gọn ghẻ các dây điện trong phòng. Tôi đã biến cái phòng ở trọ của 4 người thành cái phòng học một cách được nhiều người sinh viên, nhiều khách ghé qua phải khâm phục.
Người học trò đầu tiên, dược sĩ Trần Đoan Trinh- đang làm cho Zuellieg Pharma VietNam, rất hài lòng cái “lớp học ấy” và cả cái chất lượng của lớp học do một mình tôi đảm nhiệm. Sau khi thử học một buổi chung với một nhóm y bác sĩ, D.S Trinh tự quyết định hỏi tôi học riêng và đồng ý nơi học, giờ học và học phí 5 đô la một tiết học. Sau khi hết 24 tiết, sau những bài học, những cuộc đàm thoại, những niềm vui của cả hai phía, cô ấy lễ phép trao tay tôi một phong bì có chứa tờ 100 đô la Mỹ, tờ giấy bạc sạch sẽ nhất thế giới, một khỏang tiền tôi cho là to tác nhất mà tôi kiếm được trong đời. Trinh- vốn là học sinh giỏi Hóa của Đà Lạt được tuyển thẳng vào Đ.H Dược- đã giới thiệu một vị dược sĩ khác người có cùng thành tích ấy nhưng từ tỉnh Long An.
Thay vì giấu nhẹm cái “lớp bất hợp pháp” đó, tôi thì thầm nhỏ to với các cô tiếp tân,
“Các cô chọn giờ rảnh lên phòng tôi học nhé.” hoặc
“Tụi em cứ gọi hỏi tôi những câu tiếng Anh cần nói nghen.”
Và sau cùng tôi đã lên tiếng với vị phó G.Đ Khách Sạn- người tin rằng tôi đang ở đây vừa làm vừa đi học,
“Tôi rất mong được anh ủng hộ.”
Bắt tay tôi, ông ấy nhả nhặn, trân trọng đáp lời tôi,
“Thầy cứ dạy. Đừng để mất trật tự hoặc gây ồn ào thôi. Chúng tôi cũng rất muốn giúp thầy.”
Một nhóm nhỏ bác sĩ cũng nghe theo lời giới thiệu của hai nữ dược sĩ ấy lên phòng học “903” của tôi. Lớp của tôi đã âm thầm từng bước phát triển. Một cô công nhân ở tầng dưới tìm tôi để học riêng từ 5 giờ15 hàng sáng. B.S Loan từ Gia Lai gọi tôi để xin cho cô con gái học. Cháu Linh, s.v năm thứ 2, từ Gò Vấp đến đúng 1: 30 trưa một cách thật đáng kinh ngạc và cháu đã tiến bộ một cách tôi phải kính nễ. Có một sinh viên nam khác học cùng giờ, tôi cho hai học trò hai bài học khác nhau, hai chổ ngồi khác nhau. Có học trò chọn rất đặc biệt: 9:30 tối. Tôi thường xuyên phải ngả lưng trên cái ghế bố sau tấm màng một tí để qua cơn buốn ngủ đến sập mí mắt.
Một đứa cháu gọi tôi đến bằng ông chú đã rất thích thú với các bài học của tôi. Cô bé chạy xe gắn máy mất hơn một giờ mỗi bận đến học. Vừa về đến nhà, nó mang bài học đi khoe với nhiều chúng bạn kẻ từng học lâu nay tại Hội Việt Mỹ. Ba đồng môn của tôi ở Bảo Lộc cũng đưa con đến học. Một ông thầy tóan đã tự tay đưa học trò lên tận phòng tôi, một loại lớp học mới. Họ gửi xe ở tầng hầm, đi thang máy đến tần 6 rồi đi bộ lên. Khi có ai hỏi chuyện, họ thản nhiên trả lời,
“Lên phòng 903 học Anh Văn.”
Đúng là một chuyện mới lạ. Và tôi đã bắt đầu có một niềm tin mới.
Lớp học “903” trên lầu 9 Khách Sạn Công Đòan đã góp phần làm thay đổi cái nhìn nhận của mọi người về tôi và cái tôi nhìn nhận về điều mà đa số gọi là “số phận”. Chính tôi, hai bàn tay tôi, khối óc và Anh Văn của chính tôi, chứ không phải ai khác, điều gì khác đã làm cái lớp đó hiện hữu.
Thế không phải tôi đã từng cuốc đất ruộng phồng tay, bừa ruộng bằng cái băng ghế dài, từng nấu cơm bằng nước ao, ăn bánh mì chấm nước đá chanh thay cơm trưa, ngủ trên bàn học trong phòng lớp 92 ở NLS Cần Thơ đó sao? Thế tôi đã chẳng từng kể rằng ăn tôi đã ăn khoai lang trừ cơm nhiều ngày tháng trên NLS Bảo Lộc đó hay sao? Trong thời sinh viên, tôi không phải đã từng trốn học, bất chấp bị kiểm điểm, để đi đá banh cho đội Bột Giặt Viso chỉ vì một bửa cơm chiều đó hay sao? Và còn ba lần nghỉ hè tôi đã lên Bảo Lộc? Chắc không phải gì lý do gì khác hơn là: kiếm cơm! Thế tôi không phải từng về Kiên Giang đá “chầu” đó sao? Gò lưng, buộc bụng làm cho một công ty có tiếng tăm với mức lương hạng bét, tôi đã vì cái gì nào? Bán sữa đậu nửa năm, nấu rượu gần cả năm trời, đứng trên thang tre cheo leo ngoài trưa nắng như đổ lửa để kẻ vẽ bảng hiệu và đi chụp hình dạo suốt ba ngày tết, tôi đã muốn gì nếu không phải là để tìm miếng cơm manh áo chứ?
Tôi đã thật tự hào vì đã làm được điều tôi mơ ước, “Tôi hết gạo chạy rong nhưng đã kiếm sống chính bằng cái sức cái lòng của tôi.”
Rạch Giá Ngày 31-8-2012
Thành Xì TL-71
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét