Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

ĐÊM GIÁNG SINH- NHƯ NGỌC



     Cả nhà của má nuôi tôi và nhất là Như Ngọc muốn tôi từ trường về chơi để đệm đàn cho họ hát “Jingle bells” nhưng  không ai biết rằng tôi sẽ phải ứa lệ khi tưởng tượng ra, ở trong một góc tối nào đó của căn chòi lá nhỏ bên bờ kinh Quản Thống, Sóc Xoài, mẹ ruột của tôi nằm trên chiếc chỏng tre thở dài buồn bả, chỉ mong cho trời mau sáng sớm để ra đồng.
     Đọc xong bức thư tôi phúc đáp bức thư nàng viết để trách cứ tôi, nàng đã bị shock. Tôi đã giải thích tại sao tôi đã không về tối Giáng Sinh như đã hứa. Nàng phải đạp xe rất lâu nhiều lần suốt con đường Nguyễn Du, suy nghĩ rất nhiều về những gì tôi đã viết, tại sao tôi thất hẹn và tại sao tôi đã trước đó nhận lời mẹ nàng về nhà nàng vào cuối tuần. Sau này, cô ta giải thích,
“Anh đã viết rằng những ai đang thừa mứa tình yêu của mẹ làm sao thấu hiểu cái  lo ngại khi chỉ thấy mẹ của họ hơi chau mày vì họ không được vui. Những người con được mẹ ôm ấp thương yêu làm sao hiểu được cái hạnh phúc đơn giản của kẻ bất hạnh khi chỉ được bà mẹ vuốt trên gò má, vổ nhẹ lên lưng hoặc chỉ nhà một cái lườm đơn giản. ”
Mọi người không biết rằng má của tôi nuôi không thể nào bình tỉnh khi nhận ra cái giọt lệ nào đó của tôi vừa ứa ra. Những ai đang rất hạnh phúc đâu có thể hiểu được sự bất hạnh của kẻ khác. Người có một kho vàng bạc châu báu không thể mải mai xúc động khi thấy ai đó, như tôi chẳng hạn, mất một đồng xu nhỏ. Tôi là người luôn luôn sợ mất cái đồng xu nhỏ ấy.
    Đã hứa hôn với tôi 7 năm, Như Ngọc đã khiến tôi thành người rắn rỏi, dầy dạn mùi cay đắng, đã làm thay đổi nhân cách của tôi một cách xâu sắc và nàng là người đã một cách vô tình khiến tôi thương yêu mẹ tôi hơn. Chính nàng đã khiến tôi tin rằng hạnh phúc đôi lứa chỉ có khi cả hai tự nguyện cùng nhìn về một hướng
    Từ lần đầu gặp mặt, trong phòng của bà mẹ nuôi của tôi tại sài Gòn đầu tháng 3 năm 1976, cô ta mang cho tôi ly nước chanh và nhỏ nhẹ nói với tôi,
“Má kể cho cả nhà nghe về anh mấy ngày nay. Má nói anh chơi đàn hay lắm.”
Đến một ngày kia- cũng đầu tháng 3 năm 1983 -ngày cuối cùng, sau 7 năm- cùng chung với nhau trên giường, bên hiên một căn nhà nhỏ, nơi tôi sống như một gia sư ở Rạch Giá, cô chẳng mang cho tôi cái gì cả nhưng to tiếng với tôi,
“Anh không chịu tìm chuyến nào đi đại đi. Anh không chịu vô đạo. Anh không làm gi hết cả…”
Sau khi đưa cô ta lên xe đò về, tôi trở về nơi tôi tạm cư ngụ, viết cho nàng một bức thư dài để từ hôn và sau đó viết liền cho má nuôi tôi một bức thư để giải thích. Chưa có ai đã từng nói với tôi như thế cả. Không nhận được hồi âm của cả hai người, tôi cho rằng mọi việc đã xong. Trong hai bức thư, tôi đều nhấn mạnh rằng,
“Ai cũng mưu tìm hạnh phúc và tìm cách đạt được mục đích của cuộc đời mình.”
Với cô ta, vị hôn thê cũ, tôi đã viết,
“Như Ngọc, em muốn sống ở nước ngoài và luôn tin rằng có một thiên đường ở bên ấy trong khi anh chỉ mong sống trong một thiên đường nhỏ bé với mẹ anh .”
Riêng với bà má nuôi, tôi đã cẩn thận viết rằng,
“Thưa má, má luôn luôn muốn các con của má hạnh phúc, phải không má? Buồn thay, con không làm cho Như Ngọc hạnh phúc và con cũng nhận ra rằng Ngọc khó lòng có hạnh phúc nếu sống với con lâu dài.”
Tôi ngẫm nghĩ một lúc lâu và viết tiếp,
“Chúa dạy ta phải cố yêu thương kẻ không thể thương được. Ngọc đã không còn yêu thương con và Ngọc không thể nào làm theo lời Chúa. Con biết vậy nên con… mới viết bức thư này.”
             Tôi- một sinh viên nghèo, với một gia đình không hạnh phúc, đã yêu nàng như yêu một thiếu nữ, thiếu thốn nhiều thứ như tôi chứ không phải như một cô con gái út của một gia đình hạnh phúc trung lưu ở Sài Gòn. Sau khi tôi tỏ tình, nàng và tôi đã luân phiên hôn nhau suốt đoạn đường từ Vũng Tàu về Sài Gòn. Nàng và tôi cũng đã luân phiên khuyên bảo nhau đã chùi nước mắt cho nhau. Chúng tôi đã nhiều lần khuyên bảo nhau. Cô nàng đã nhiều lần giận tôi như có thể giết chết tôi nhưng cũng có nhiều lần nàng nói mềm mỏng với tôi như một người vợ hiền. Sau khi được mẹ nàng- vừa là bà má nuôi của tôi- đã làm đám hứa hôn, tôi đã xin phép được ngủ chung vời nàng. Chúng tôi được chính quyền ở phường Đa Kao quận 3 Sài Gòn, công ty của tôi ở Rạch Giá coi như là vợ chồng. Biết bao nhiêu bạn bè Nông Lâm Súc trên Đà Lạt, nhất là Long Kh’mer và vợ nó, Quỳnh, đã hết lời khen ngợi nàng trong một tuần nàng ở trên đó với tôi. Biết bao nhiêu người ở Rạch Giá và cũng rất nhiều bạn học của tôi trên đại học những tưởng tôi sẽ rất hạnh phúc với nàng- một thiếu nữ xinh đẹp, có học thức, gốc Sài Gòn từ một gia đình trung lưu khá giả tử tế.
              Tại Rạch Giá, nơi nàng cư ngụ gần nửa năm, từ trước Trung Thu năm đó- 1980, nàng đã nhận ra cái ý nghĩa của sự độc lập, của tình đôi lứa, sự chia sẻ công việc, những nỗi vui buồn. Nàng đã thú nhận với tôi rằng đó là thời gian nàng thật sự cảm thấy hạnh phúc bên tôi hoặc trong những lần về thăm mẹ tôi trong xã Sóc Xoài . Không ai trong số thân nhân, bạn học của nàng có thể tin rằng nàng đã cùng tôi bán sữa đậu nành gần nữa năm để sinh sống một cách đầm ấm hạnh phúc cho đến một hôm nàng đột ngột muốn ra đi thêm một lần nữa.
             Nhà Thờ Chánh Tòa Rạch Giá, một công trình kiến trúc đẹp mắt bằng gạch đỏ vào năm 1882, đã đi vào lịch sử của Giáo Hội từ cuối thế kỷ XVII.  Nhà Thờ Tháp Cụt và Tháp Nhọn năm 1934 do một thừa sai Bali xây dựng với của hồi môn của cha mẹ chia cho. Chiều thứ bảy hằng tuần tôi theo nàng đi lễ tại đây. Như Ngọc đã hỏi cha phó cho tôi học đạo. Tôi làm theo những yêu cầu của cô nàng như một vị hôn phu hiền hậu. Ít ai ở đây ngờ rằng trong lòng nàng luôn có những ngọn sóng ngầm.
              Sau khi cùng tôi đi lễ Noel tại nhà thờ Chánh Tòa Rạch Giá, lần đầu tiên xa nhà, trong căn phòng riêng của tiệm Đức Ký 125 Trần Phú, đã bị tịch thu, nơi tôi đang được Công Ty giao cho ở tạm, không có tiếng nhạc Giáng Sinh, không có trang hoàng, không có revillion, không có một người thân nào cả, nàng đã rơm rớm nước mắt khi hỏi tôi,
          “Hồi nảy trong Thánh lễ, anh đã cầu nguyện điều gì?”
          Đã có quá nhiều điều ước nguyện, tôi đáp theo cái cách mà nàng muốn nghe,
          “Anh cầu cho em ra đi an toàn.”
          Nàng lên giọng hỏi lại  ngay,
          “Anh có biết em đã nguyện ước gì không?”
          Tôi nhìn nàng yên lặng,
          “Em ước mình có thể đi chung với nhau, biến mất cùng một lúc với nhau và…”
          Tôi chợt ôm ghì nàng vào lòng. Ít khi nào người thiếu nữ cứng rắn này khóc nhiều như đêm hôm ấy. Chưa có hôm nào đặc biệt với nàng như đêm Giáng Sinh năm ấy. Chưa bao giờ tôi thấy tôi yêu nàng nhiều như lúc ấy. Tôi hiện không mất gì so với  một điều rất to lớn tôi hiện và để giử gìn- mẹ ruột của tôi. Sau hơn 5 năm, hơn 10 lần ra đi trong những chuyến vượt biển khá quy mô, mất mát gần 70 cây vàng đặt cọc hay cho chủ tàu vay mượn, Như Ngọc hiện bị một nỗi ám ảnh, một tổn thương quá nặng nề. Nàng luôn tự xem như là người đã mất tất cả.  
              Chúa có thể đã thấu hiểu lòng nàng và đêm nay Chúa Hài Đồng sẽ mang đến nàng điều tốt lành. Khi tôi chưa tìm ra một cách giải quyết thỏa đáng, nàng vẫn chưa có đủ may mắn để thực hiện ý nguyện mạnh mẻ của nàng, đêm Giáng Sinh ấy thật quá đặc biệt đối với hai đứa tôi.
               
                                                                                               Rạch Giá 23- 12- 2012
                                                                                                   Thành Xì- TL-71

         
   

GIÁNG SINH CỦA TÔI Ở BẢO LỘC

                   

Vào ngày 23 tháng 12 năm 1975, nhận được học bổng đầu tiên- 19 đồng, tôi cũng nhận được lịch thi đấu cho giải bóng đá của Bộ Đại Học, “ Mùa Xuân 75.” Vừa mừng vừa lo và vừa thèm nhớ bạn bè, tôi đã âm thầm ra xa lộ lúc 8 giờ sáng ngày hôm sau để đón xe đi Bảo Lộc.
      Tôi là người duy nhất trong “băng Cần Thơ” được tiếp tục học Đại Học. Tôi may mắn, và tôi tận dụng vận may và khả năng của tôi để thành thủ môn của đội bóng đá trường Đ.H. Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức. Vì vừa trải qua 3 môn thi học kỳ, hôm ấy rất nhiều sinh viên về quê, về nơi nào đó để đón Giáng sinh trong khi tôi trên đường về Bảo Lộc- nơi tôi xem như quê hương thứ hai của tôi. Xa lộ hôm ấy không có nhiều xe. Thiên hạ bận bịu việc trong nhà hay họ lo chuẩn bị cho đêm Giáng Sinh lần đầu tiên sau ngày 30 tháng 4. Trước tiên, tôi chợt nhớ đến Hải Bầu, người tôi đã đưa về Cần Thơ để dạy kèm để hắn có thể thi tú tài tự do tại Bình Dương. Có theo Hải về nhà một lần năm ngoái, nên tôi còn nhớ rỏ làm sao để đến nhà hắn. Tôi bảo xe ghé lại nhà thờ xứ Dốc Mơ- Gia Kiệm khi trời nắng nóng, gần 11 giờ. Hớn hở khi đến nhà hắn, nhưng tôi sững sờ nhận ra gương mặt tiều tuỵ đau khổ của mẹ nó người đã thống thiết kể lể với tôi ngay khi tôi bước chân vào nhà,
      Mấy hôm sau ngày giải phóng, công an huyện đến tìm nó mà cứ bảo là tìm “giáo sư Hải”. Họ cứ đưa nó đi và đến nay nó biệt tăm. Nhà tôi đi cải tạo còn được thăm nuôi. Còn anh Hải thì… lạy Chúa tôi!”.
Tôi chẳng biết phải nói làm sao nữa nhưng tôi cương định lời từ chối khi được bà mời ở lại hôm đó. Tôi trở ra đường, buồn cho Hải Bầu, buồn cho bao nhiêu kẻ gặp vận hoạn nạn, gặp vận đen đủi kỳ hoặc, không thể giải thích nỗi như vậy. Chờ bên lề đường một mình, tôi quyết định thật nhanh. Nếu có xe về Sài Gòn, tôi đi về lại Thủ Đức nhưng nếu có xe lên Bảo Lộc, tôi vọt lên đó- dù chỉ có tối hôm nay thôi! Chưa uống xong ly cà phê, từ xa tôi nhận ra một xe chạy từ hướng Sài Gòn lên B.L. Tôi chen lên xe và chợt vui lên như bất cứ lần nào tôi được đi Bảo Lộc. Chuyến xe duy nhất này dừng rước bất cứ hành khách nào như tôi. Mọi người đều có chuyện riêng để đi ngày hôm ấy. Tôi đi chỉ để gặp Long Kh’mer sau khi không thăm được Hải Bầu.
     Tôi còn nhớ hoài nét mặt đau khổ của bà mẹ của Hải Bầu. Tôi chợt nhớ đến mẹ tôi. Tôi không biết so sánh thế nào nhưng chắc mẹ tôi có nhiều niềm vui vì tôi hơn nhiều người mẹ khác. Tôi hình dung ra ngay gương mặt của Má Năm- mẹ của Long người suốt cuộc đời vất vả chỉ cho chồng con mà thôi. Tôi nhớ nét nhăn trên gương mặt gầy guộc của Mạ. Tôi mong ngóng đến từng kí lô mét đường một. Chưa khi nào tôi có chuyến đi  như thế này. Ôi đến khu rừng Giả Tỵ rồi Định Quán rồi. Tôi bồn chồn nôn nao như một gã đi ly hương trên đường về quê, như một tay vừa ra tù trên đường về đoàn tụ gia đình, như một chàng trai trẻ về thăm quê hương của cô bạn gái mà chàng yêu quý. Khi xe qua đèo chuối, tôi nhớ lại ngày đầu tiên đón xe lên Bảo Lộc, tháng 6, 1971. Trời mưa dầm lạnh lẻo. Xe như chạy vào một khu rừng rậm. Mưa to làm mờ hết đường chạy. Mọi người trên xe như nghẹt thở bất động. Đường đèo vắng xe một cách lạ lùng. Ít có ai đi đâu trong ngày cận kề Noel như thế này sao? Tiếng máy xe nỗ giòn giã như để khẳng định với những hành khách rằng chuyến đi sẽ đến đích, chuyến xe này chắc chắn sẽ đến nơi an toàn. Dẩu cho chỉ mặc cái áo sơ mi xuềnh xoàng, trong trời tháng 12 khô, lạnh, nhưng tôi thấy như bình thường. Điều tôi mong đợi là gặp được Long Kh’mer để trò chyện với nó để nghe nó kể lể cho thoả lòng của cả hai đứa tôi.    
Khi xe lên Đèo Bảo Lộc, tôi như nhiều lần khác, cảm thấy nhẹ nhõm. Cái cảm giác vui sướng lâng lâng của chàng học trò được điểm cao, được lời khen ngợi của cô thầy khó tính nào đó. Khoảng đường dắt lên đèo Bảo Lộc bỗng đẹp hơn, trơn láng hơn. Lòng tôi thênh thang nhẹ nhàng như chiếc xe đang chạy thật êm ái chuẩn bị lên đèo. Cái đoạn đường đèo 10 kilô mét này đặc biệt ý nghĩa vì nó gây cho hành khách sự chuẩn bị, sự toan tính những gì họ sẽ làm hoặc sẽ xảy ra đến họ trên Bảo Lộc. Tôi dự tính gặp Long Kh’mer và chỉ có thế thôi. Điều gì có thể xảy ra với tôi nhỉ. Có ai biết được Long cũng bị một chuyện xui rủi nào, một tai nạn nào. Khi ấy không có cách nào để báo cho hắn biết rằng tôi sắp lên. Khi ấy việc gặp nhau có rất nhiều ý nghĩa.
  Tượng đài Đức Mẹ trên đèo là một nơi dừng chân lý tưởng đối với khách tham quan hoặc cho những ai cần cầu xin điều gì. Vừa nhìn thấy đài Đức Mẹ xong, tôi liền nghĩ đến việc Long Kh’mer đi hành hương trong lúc ấy với nhóm thanh niên ca đoàn hay hướng đạo gì gì đó. Xe chầm chậm leo đèo, vượt qua nhiều đoạn cua quẹo. Tôi nhìn thật kỹ lưỡng một xe đò nhỏ đang đậu và số người đang dừng chân ở khu đài Đức Mẹ. Cảnh vật vẫn thế nhưng tình cảnh nay đã khác. Lòng người có thể vẫn thế nhưng trong lúc mà cái ăn cái mặc, cái cảm giác bình an đơn giản nhất có thể khác đi nhiều. Tôi không nhìn thấy có Long trong nhóm khách viếng Tượng Đức Mẹ. Tôi nhẩm đếm từng khúc cua trên đường. Khúc cua thứ mười bốn là Miếu Ba Cô. Xe vẫn cứ tiến tới như tôi cũng vẫn cố hy vọng. Tính từ khi xe vừa qua cua quẹo thứ nhì, tôi nhận ra ngay cây đàn guita quen thuộc và người mang nó trên vai, Bình Bon- Công Thôn- 72. Tôi nhìn chầm chập vào nhóm thanh niên đang đi bộ phía lề phải để mong tìm thấy người tôi muốn gặp. Xe cứ tiến đến cua quẹo thứ ba, thứ tư. Tôi cứ dõi mắt tìm hắn. Linh cảm rằng hắn thế nào cũng có mặt trong nhóm thanh niên thanh nữ này, khiến tôi chồm người ra cửa sau, ngay mặt ra ngoài để nhìn rỏ hơn. Đến cua quẹo thứ mười hai tôi nhận ngay ra Long Kh’mer trong một nhóm hơn mười thanh niên. Tôi kêu tên hắn một cách thảng thốt và hắn bật bắn người khi nghe tiếng gọi của tôi. Chiếc xe vừa sắp qua hết khúc cua cuối cùng để lao thẳng về Bảo Lộc là lúc tôi kêu dừng xe. Chắc gã tài xế đó chưa bao giờ phải dừng vào cái lúc mà ai cũng mong xe chạy thật ngon trớn. Cái dốc xe vừa chạy qua không cao lắm. Vừa thật sự lấy được thăng bằng sau khi nhảy xuống xe, tôi vừa chạy hấp tấp ngược về cái dốc để mong gặp được Long càng nhanh càng tốt.
Long Kh’mer vừa chạy lên từ phái dốc bên kia vừa kêu tên tôi thật to. Không có một đạo diển nào nghĩ ra cái pha mà hai đứa tôi gặp nhau như vậy và không có diển viên nào có thể làm được như thế. Chúng tôi ôm nhau, trong hơi thở hổn hển, trên một đoạn đường trống trải nhưng trong lòng hai đứa tôi đầy ắp biết bao là niềm vui. Long nắm chặt tay tôi, cười thật tươi. Cái răng khểnh bên phải của nó như cũng lên tiến chào hỏi tôi. Hai bàn tay Long trơn ướt lạnh. Trời hanh khô nhưng hai đứa tôi thấy như đang đội một cơn mưa phùn thật nhẹ. Trời dần ngã màu xẩm tối khi chúng tôi thấy có ánh sáng lên trong lòng. Chúng tôi cần có nhau như người đi lễ cần nhà thờ, như người cần xưng tội cần có cha ngồi nghe những lời khó nói ra nhất. Tại sao người ta không kề cận nhau, lắng nghe, dung thứ, khuyên bảo nhau. Tại sao người ta cứ phải liên tiếp bài kích nhau, vạch ra những lỗi lầm to nhỏ để bạ thấp nhau. Tại sao họ luôn bận tâm đến việc làm cho người khác phải toan tính , phải che đậy, dối trá vì phải tìm ra câu biện hộ này, lời giải thích bâng quơ nọ. Hai đứa tôi chỉ có kể lể, tâm tình, nghe ngóng và chỉ vậy thôi cũng đủ cho cả hai, vốn đã đau, buồn, tủi bất toại, bất ổn và bất bình.
   Con đường từ đấy về vắng vẻ trơ trọi, hai bên đường nhà nhà đóng cửa im ỉm,  nhưng chúng tôi thấy đầy ắp niềm vui, một niềm vui rất lạ lùng. Bất kể điều gì xảy ra với chúng tôi cũng đều không quan trọng vì chúng tôi vừa gặp được nhau rồi. Đêm mai người ta vui Giáng Sinh. Đêm nay Long Kh’mer vui hội ngộ trên đường.   
Chúa giáng trần mang đến sự bình an cứu rỗi. Tôi lên đây mang đến Long Kh’mer một niềm vui đơn giản. Long và họ vừa đi thăm đài Đức Mẹ về. Tôi vừa đi thăm gia đình Hải Bầu và gặp mẹ hắn. Sự mất mát, đau khổ, trông đợi, và thất vọng như là những thứ ai cũng có, ai cũng phải gánh chịu. Sự bình an, hạnh phúc, những thành tựu và những điều tốt đẹp là những thứ không phải ai cũng có thể có được. Hơn hẳn những người bạn tôi- còn đi học, còn có nơi để dung thân, và còn có một tương lai đơn sơ nhỏ nhắn- tôi muốn đem lên đây chia cho Long một ít. Tôi muốn mang lên Bảo Lộc một nữa của cái tôi đang có. Tôi muốn kể lể cho nhiều người ở trên Bảo Lộc này sự thật về tôi, về cái ân sủng, may mắn, cái cơ hội mà sẽ khiến họ vui mừng hoặc ganh tị, lo lắng hoặc thư giản, hoặc chúc mừng tôi hoặc thèm thuồng được có những điều như vậy.
   Kề vai tôi, Long đưa tôi về đến nhà lúc trời tối đen. Chúng tôi ăn cơm với chị Tư rồi ra quán để thăm Má Năm. Chúng tôi đã có một buổi tối bình an, đẹp đẽ như nhiều người hằng mong đợi- một buổi tối trước ngày Chúa giáng sinh.
                                                                             Rạch Giá 8- 12- 2010
                                               Lương Ngọc Thành- Thành Xì TL-71