Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

NGƯỜI CHA NUÔI- phần13

                            
    Ba Năm chọn một bộ sơ mi mới và đẹp nhất. Chiếc cravat cùng gam màu làm ông có vẻ trang trọng hơn. Tôi đánh sơ lại đôi giày da mà ba tôi thỉnh thoảng mới mang. Ông đứng ngắm mình ít phút trước tấm kính. Nắn chỉnh lại cái cravat, xoay xoay cái nút măngsết, ba tôi ra hiệu cho tôi dắt xe đạp ra cửa.
    Như mọi ngày, mọi người trên đường đều hối hả, trừ tôi ra. Tôi muốn đường đến nhà cô Hằng dài hơn ra để tôi lấy lại bình tỉnh, để tôi tìm ra câu gì hay để nói họăc ý hay để viện dẩn, trả lời. Ba tôi không nói gì. Tôi cũng chẳng có gì để nói. Lâu rồi có một lần trước đây, ba tôi đã tự phải đối mặt với ông chủ tiệm- ba của cô gái, người đã nằm trên giường với ông. Nay ba tôi đối mặt với bà mẹ của cô gái trẻ- người nằm chung giường với tôi. Tôi nay có một người cha. Trước đây ba tôi có một thân một mình. Tôi thấy thương ba Năm hơn, tôi thấy yên tâm hơn. Và rồi chúng tôi cũng đã đến trước cửa nhà của cô Hằng.
     Người gíup việc mở cửa và mời chúng tôi vào trong nhà. Ba tôi đường bệ bước lên bậc tam cấp và đủng đỉnh ngồi xuống cái ghế salon bọc da đen tuyền, bóng loáng. Tôi ước phải chi mình được hiên ngang tự tin như vậy. Ba Năm ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Ông nhìn quanh căn phòng khách. Khi mắt ông dỏi nhìn kỹ lưỡng tấm ảnh bán thân treo trên tường, tôi nói vừa đủ cho ông nghe:
   “Đó là ảnh của mẹ cô Hằng đó ba.”
Ba tôi không trả lời nhưng đứng bật lên, tiến đến gần, rất gần tấm hình. Ông ta nghiên đầu nhìn ngắm khi tôi nghe có tiếng tằng hắng của người giúp việc.
   “Mời ông và cậu dùng nước ạ.”
Tôi cám ơn bà giúp việc trong lúc ba tôi cứ đứng yên bất động. Ông như đang bị thôi miên. Gương mặt của ba tôi như bị méo đi chút ít. May thay vừa
có tiếng nói thanh tao trịnh trọng của mẹ cô Hằng vang lên: 
   “Chào ông Năm!”
Ba tôi hơi giật mình, quay người lại, run giọng hỏi:
    “Thuý Liễu phải không?”
    “Anh Hùng!”
Giống như một pha lâm ly trong một vỡ bi kịch nào đó, hai người tiến đến gần, nắm tay nhau. Bất ngờ bà Liễu ôm chầm lấy ba tôi, khóc nức nở. Ba Năm xoa nhẹ trên lưng bà Liễu, nghiên đầu tóc muối tiêu lên mái tóc uốn dợn chải chuốt óng mượt của bà. Tôi đứng nhìn họ mà ngẩn ngơ. Họ đứng ôm nhau không bao lâu bổng bà Liễu hỏi ba tôi:
  “Thằng Thành là con của anh hả?”
  “Tôi nhận nuôi nó mấy năm nay. Còn con Hằng là…?”
Ba tôi khoát tay ra hiệu cho tôi ra ngoài. Tôi còn nghe thấy tiếng của bà Liễu vừa khóc vừa giải thích với ba tôi:
  “Em đã bị ông Tân dụ dỗ, tấn công. Em đâu có ngờ đó là con của ổng đâu. Đừng hiểu lầm em. Em đã không biết tìm anh ở đâu. Bao nhiêu năm nay, em khổ lắm.”
Ông đỡ bà ngồi xuống salon và ngồi sát ngay bên cạnh người đàn bà đã âm thầm chịu đựng nhiều đắng cay, đau khỗ ấy. Vuốt tóc bà, ba tôi nhìn thẳng vào mắt bà Liễu hỏi rất thẳng thắn, ngắn gọn:
  “Có chuyện gì vậy? Ông Tân bỏ mẹ con em hồi nào. Hắn đối xử với em thế nào?”
Bà Liễu quẹt nước mắt,
  “Ổng bỏ mẹ con em 15 năm nay rồi, không hề thăm nom thằng út. Em đã rước ba má em lên này sống được vài năm rồi ông bà lần lượt bỏ em ra đi.”
Ba Năm đặt nhẹ tay lên vai đang rung lên vì những lần nấc nghẹn,
“Thôi được rồi. Chuyện gì xảy ra với hai đứa nhỏ vậy?”
Bà Thuý Liễu hơi mất tự tin:
“Hằng kể với em là vì nó thấy cậu Thành say quá nên đã liều đưa vô phòng. Hai đứa ngủ chung trên giường. Em không biết chắc chuyện gì nữa. Em lo quá nên mới biểu Thành kêu ông già lại cho em nói chuyện.”
Ba Năm nhìn thẳng vào mắt của người đã từng suýt nữa làm thay đổi cuộc đời của ông một cách rất kịch tính.
“Tôi tin thằng con tôi. Nó lành tính lành nết. Nếu tụi nó thương nhau thì mình tính tới. Còn chuyện dĩ lỡ như vậy là tại cả hai đứa nó. May là không có chuyện gì bậy bạ. Không có ai bên ngoài hay biết gì hết. Tuần sau nó có quyết định tốt nghiệp. Hai cha con tôi bây giờ quay ra lo cho đứa con gái, mới mười sáu tuổi.”
   Tôi thẹn thùng vào chào bà Liễu để về trước vì ba tôi nhận lời đi ăn trưa với gia đình của cô Hằng. Tôi biết Long Vân rất giận tôi nhưng tôi vừa có một dịp tốt.
Tôi ghé chợ mua thêm ít rau cải và chạy nhanh về để nấu cơm. Tôi chờ em tôi như mẹ chờ cô con gái nhỏ đi học về. Quá giờ cơm rất lâu rồi mà em tôi cũng chưa thấy về.
   Tôi phóng xe thật nhanh đến trường em khi có một số học sinh đang đến học buổi chiều. Tôi chạy đến nhà cô Hằng và nghe nói rằng cả nhà đi chưa về. Tôi mất thần hồn, hoang mang hoảng sợ khi về đến nhà cũng không thấy Vân đâu. Chưa bao giờ em tôi đi đâu mà không xin phép ba Năm cả. Chưa bao giờ em la cà chơi với ai sau giờ học tại trường cả. Bối rối quá tôi nhờ một vài thanh niên trong hẻm chạy đi tìm. Tôi nhớ ra chuyện bắt cóc hay dụ dổ gái vị thành niên. Tôi nghĩ đến việc Long Vân bỏ nhà không về nữa. Tôi lại mong sao em theo một bạn học thân thiết trong lớp về nhà chơi cho đến chiều mới về. Tôi tự trách mình đã không phân trần với em để khiến em phải oán giận tôi, khiến em muốn ruồng bỏ gia đình. Nếu có chuyện gì xấu xảy ra với em, chắc tôi phải ân hận suốt đời. Ba tôi chắc không bao giờ tha thứ cho tôi.
     Các thầy cô giáo dạy Vân sáng hôm đó đều cho biết em có đi học như bình thường. Người bạn học ngồi kế em kể rằng Vân có vẻ quá buồn và cho biết rằng Vân không muốn đi học nữa. Tôi viết tờ tường trình tại đồn công an phường và trả lời các câu hỏi, các nghi vấn của họ. Ba Năm tôi thẩn thờ như kẻ mất hồn. Bà Liễu dắt ba cô con gái đến thăm và an ủi ba Năm tôi. Những người hàng xóm thân thiết đều đến hỏi han chúng tôi. Không ai biết rỏ nguyên nhân xâu xa của sự tình này trừ Bà Liễu, cô Hằng, ba Năm và tôi.
   Tối hôm đó chúng tôi không có ai ngủ vì không có tin gì về Long Vân cả. Công an phường có điện khắp thành phố và cử người đi thám thính các khu vực họ nghi ngờ. Tôi không dám nhìn mặt ba tôi. Hằng chỉ lén nhìn tôi ái ngại. Đời có khi là một chuổi dữ kiện không có ai lừơng trước được hay tránh né được. Tôi tự trách mình.Tôi dặn lòng rằng tôi sẽ không bao giờ mất tự chủ thêm một lần nào nữa, sẽ không bao giờ uống rượu bia thêm một lần nào nữa.
    Đến lúc hừng sáng bà Liễu sắp chào về thì cũng là lúc Long Vân lững thững bước vô nhà. Rất phờ phạt, hốc hác, em loạng choạng ôm vồ lấy ba tôi khóc ngất lên. Ba Năm và bà Liễu dìu em vô buồng trong khi tôi đứng bất động như bị trời trồng giửa nhà. Tôi không biết phải làm gì nói gì. Tôi không còn biết tôi là ai nữa. Tôi không tin vào mắt tôi cái gì tôi vừa nhìn thấy, vào tai tôi điều gì tôi nghe thấy. Tiếng khóc, tiếng xuýt xoa của bà Liễu có thể giúp tôi hiểu một phần nào chuyện xảy ra với Long Vân- một con chim quý nhất trong vườn thượng uyển mà ông Vua- ba Năm tôi- không muốn đánh đổi với bất cứ một thứ quý báu nào trên thế gian này. Từ ngày gặp tôi trên Bảo Lộc ba năm trước đến nay, ba Năm chỉ muốn một điều: Long Vân được tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, an toàn hơn. Với ba Năm, em Vân là tất cả. Tôi là người con nuôi mà ba Năm muốn làm anh của Vân, thương yêu bảo vệ Vân. Tôi, thằng thanh niên mất tự chủ một buổi tối, đã khiến em Vân lâm vào cớ sự này.
   “Con bé bị làm nhục rồi.”
Ba Năm nói nhỏ với tôi với hai hàm răng nghiến lại, hai nắm tai như muốn bóp vỡ trái tim tươi sống của từng thằng khốn nạn đó.
Tôi thấy trời tối sầm lại. Tôi thấy run rẩy như đang đứng trước vành móng ngựa khi nghe một án chung thân. Tôi muốn thét la lên thật lớn. Cuối cùng, tôi chỉ thốt lên hai tiếng:
    “Trời ơi!”                      
                                                       (còn tiếp)
                                                        
 


CẦN THƠ – MÙA HÈ NĂM 1974



   Đó là mùa hè duy nhất trong đời, tôi đã cảm thấy có lúc rất nóng bức đến nghẹt thở nhưng có lại lúc lạnh buốt đến nhức nhối và nó đã đưa cuộc đời tôi vào bước ngoặc mới mẻ, một đoạn đường dài cho đến tận ngày nay.
    Sau hơn 270 đêm, năm cuối đệ nhất cấp, tôi đã mài bút nghiên trên Bảo Lộc nơi yên tỉnh, mát lạnh nay ở Cần Thơ, tôi còn có khỏang 90 ngày đêm nữa để chuẩn bị đi thi đại học. Nóng ồn ào vào ban ngày, nóng và muỗi vào ban đêm đã làm giảm kết quả học. Lo lắng vì cái mức thấu hiểu và tốc độ giải bài không tăng lên khiến tôi căng thẳng, giảm cân và không còn một chút vui thú gì. Cần Thơ, với nhiều người, luôn luôn là nơi thoải mái, thanh bình nhưng lại không phải với tôi. Mẹ tôi chắc đã từng kể lể với lối xóm rằng,
“Thằng Thành con tôi đang chuẩn bị thi đại học.”
   Cho đến bây giờ, mẹ tôi đã không được nghe tôi kể rằng chỉ vài hôm trước đó khi tôi từ Bảo Lộc về ghé lại thăm nội tôi, ba tôi đã bác bỏ việc tôi muốn học tiếp,
“Về nói với mẹ mày tao biểu đi lính đi. Tao không lo nỗi nữa đâu.”
 Bà có thể vỡ tim vì tức giận. Bà có thể làm tôi khóc mù mắt. May mà sự chịu đựng của tôi đủ để ấp ủ cái đau đó riêng trong lòng. Tôi phải đậu kỳ thi này với bất cứ giá nào.
   Cứ khoảng vài lần một tuần, em tôi dắt nhóm đàn em của nó về khuynh tả cái căn gác sau nhà. Tôi đã thất kinh hồn vía khi nghe nó ra lệnh cho đám đệ tử choai choai của nó,
“Lột đồ con Nhung Nai ra, “dần” cho nó một trận.” hoặc
“Cạo đầu thằng Khanh Rỗ cho tao.”
Cũng khoảng vài lần một tuần, Bùi Chí Thông, Thông Chảo, người xóm tôi, Huỳnh Thiên Tài hoặc Nguyễn Bảo Toàn ghé thăm tôi. Tài Râu đã có một ý kiến của một thiên tài,
   “Mày mang sách vỡ vào thư viện Hội Việt Mỹ trên đường Tự Đức đó mà ngồi học. Vừa yên tỉnh, vừa mát mẻ mà mày còn được phép nghe nhạc Mỹ giải trí nữa.”
   Tôi lập tức nghe theo và tôi nhận ra ngay cái giá trị của “nơi đáng ngồi học” đó. Bắt chước một số người, sau khi học đứ đừ, tôi nhỏ nhẹ xin người quản thủ thư viện nghe nhạc. Cái head phone tốt của Mỹ và cái băng magnet các bài hát của Carpenters đã khiến tôi quên hết mọi mệt nhọc, căng thẳng. Bài “Top of the world” có lẻ không bao giờ phai mờ trong tâm khảm tôi tính từ hôm đầu tiên tôi nghe được. Sáng chiều hai lần tôi đến cái nơi chỉ dành cho ai giỏi Anh Văn ấy để học ôn thi.

   Tôi bồi hồi nhớ lại cái hè trước đó. Hằng sáng, tôi nhẹ nhàng cắp tập sách theo hẻm cạnh nhà thằng Liêm Ốm, Liêm Thầy Pháp, đi học cái lớp toán lý hóa của thầy Trí Ba Túi. Hiểu bài, làm bài tập đúng phóc và cách tếu của thầy Lễ Râu dạy triết khiến tôi cảm thấy mùa hè trước đẹp hơn bao giờ cả. Tôi mơ có ngày giải được bất cứ bài tập khó nào, mơ đến ngày đi thi, ngày cắp sách lên đại học. Còn bây giờ, phải chi tôi chỉ mới bắt đầu năm học đệ nhất cấp.
   Thi rớt đối với tôi còn có nghĩa là,
“Con không cha như nhà không nóc.”
Thi rớt chắc chắn đồng nghĩa với việc vào quân trường và vào quân trường rất có thể đồng nghĩa với vào bệnh viện để lại một chân hoặc vào nằm vĩnh viễn trong lòng đất. Càng nghĩ đến cái “tam đoạn luận ”ấy, tôi càng “tam sầu bạch xác”. Sau mùa hè đỏ lửa, chính nhóm “Bụi Gia Trang” đều mặc áo nâu đã đưa cái hòm của Thuận Què lớp tôi ra nghĩa trang đó thôi.
     Các rạp xi nê Tây Đô, Huỳng lạc, Casino với các phim nỗi tiếng đang trình chiếu chỉ dành cho ai đó chứ không phải cho tôi. Khương Đại Vệ, Dịch Long, Trần Quang Thái hoặc Alian Delon, Michael Douglas và Brigitte Bardot là những thần tượng của bất cứ ai khác chứ không phải của tôi. Bất cứ cuồn phim gì cũng có thể hay với bất cứ ai khác trừ tôi ra. Quán kem Lan Hương, gần rạp Huỳnh Lạc hay cà phê “Ta Bắc” dưới chân cầu Cái Khế, hay Cà Phê Mây Bốn Phương gần góc đường Phan Đình Phùng là điểm đến lý tưởng của những nam thanh nữ tú nào khác chứ đã không bao giờ là nơi của tôi. Các điểm đến tình tứ, lộng gió ở Bải Cát, Vườn Ổi hay bến Ninh Kiều là những chổ hẹn hò của những cặp trai gái nào khác thôi chứ không phải cho nàng và tôi.
    Thanh Vân qua thăm tôi vào 7: 30 tối cuối tuần. Cô ấy thật cảm quý cái tính cách của tôi. Người thanh niên hừng hực lửa của tôi đã không hề dám chạm nhẹ vào người nàng ngoài lần đầu tiên nắm tay khi tôi nói tôi yêu nàng. Chưa bao giờ tôi có ý định rủ Thanh Vân đi đâu cả. Chưa bao giờ tôi có ý định ôm nàng nhẹ vào lòng và nói với nàng rằng,
“Em phải ủng hộ anh. Anh phải đi tới.”
     Một trưa Chủ Nhật, linh tính có ai lay cái cánh cửa sắt dưới nhà, tôi men xuống gác để xem. Thanh Vân đang vịn vào thanh cửa đứng ngóng chờ tôi. Mình trần trụi, lấm tấm mồ hôi, tôi chỉ tiếp chuyện với nàng trong ít phút,
“Em biết anh bận học nhưng chị Nguyệt cứ bảo em qua đây mời anh về quê em ở Cái Tắc.”
Thẹn thùng vì phải nói dối, tôi ấp úng,
“Anh đang làm dở dang mấy toán khó. Anh không đi được đâu. Cho anh gửi lời cám ơn chị ấy nhé.”
Tiển nàng về, tôi và tự nghĩ,
“Có thể hai chị Vân buồn lắm.”       
     Mọi người vào thời gian này thời điểm khác có những cái nhìn nhận, ký ức khác nhau về Cần Thơ. Tôi nhớ mùa hè ở Cần Thơ năm1974 đó như in. Tôi sống nhưng trong lòng sắp chết đi phân nửa. Ai có trải qua nỗi niềm này mới thông hiểu cho tôi.
                                            Rạch Giá Mar 18, 2013
                                                        Thành Xì- TL-71
                                              


HÈ TRÊN BẢO LỘC

                                

    Đến hè năm 1976, tôi lên nhà Má Chánh để “làm lá”, một việc không khó nhọc nhưng nhiều công phu. Tôi nhập vào trong gia đình Má nhiều đến nỗi tôi như đang nghỉ hè ở nhà.
     Ba tuần hè ở Bảo Lộc của tôi quý như vàng. Sáng sớm dậy quét dọn bếp, bắt nước pha trà, tôi bắt đầu “làm lá” ngay như có ai thúc giục. Má Chánh làm 10 ký thịt để làm nem và mỗi ngày tôi có 30 ký lá chuối để làm. Suốt ngày lo toan sao cho “nguồn lá” tôi làm ra kịp cho các tay thợ gói, cho các mẻ hấp chả. Tôi âm thầm hạnh phúc về một việc làm có ý nghĩa. Tôi không làm lá sao được khi mà hàng ngày có biết bao nhiêu người đều làm nhiều phần việc khác nhau. Tôi không “làm lá” sao được khi mọi việc cuối cùng rồi phải có lá mới ra lò: lá nòng nem, lá gói nem, lá bao ngoài nem, lá nòng chả, lá gói chả và lá bao ngoài chả.
   Mạ thường nói về tôi,
“Hắn quá chi là hiền lành, suốt ngày chỉ lo làm lá.”
Má Chánh còn nói riêng với tôi,
“Bửa mô đi chợ với mạ hỉ. Mạ cho ăn cái gì “bồi dưỡng hỉ”. Làm răng mà ở nhà hoài hỉ?”
Tôi cuối mặt xuống che hai hàng nước mắt sắp tuôn ra, tự hỏi lòng mình,
 “Ta đã thèm muốn một câu nói yêu thương đến như thế sao? Ta đáng được mạ dắt đi chợ thật ư?”
Chị Phương không hiểu, không tưởng tượng nỗi tôi đã đang nghĩ gì và nhất là chị chẳng hiểu vì sao hai cái hè rồi tôi đã lên đây. Một buổi tối khi tôi thoan thoắt cắt xén lá, chị Phương hỏi tôi,
“Chị không hiểu sao em lên đây nghỉ hè mà chị không thấy đi ra ngoài, không đi đâu chơi cho thoải mái vậy, Thành Xì?
Liếc lên, tạm dừng tay, tôi giải thích,
“Em lên được đến đây, làm được như vầy là đủ thoải mái rồi. Đi chơi hoài mạ la em.”
“Thành nói sao chứ… chị thấy mạ thương Thành lắm đó. Có hôm em về trể, mạ cứ nhắc chị chừa thức ăn cho em hoài đến sốt cả ruột.”
Tôi phì cười, chọc ghẹo chị,
“Sốt ruột…chị chừa đồ nhiều quá làm em đau cả ruột.”
    Thấy Má Chánh phải ru ngủ hai cháu nội, tôi sốt ruột. Tôi xin Mạ để tôi thử. Tôi kể chuyện,
“Một hôm thỏ Mẹ phải đi vào rừng tìm củi, hai con thỏ con nằm im với thỏ Chú. Sợ mẹ buồn, hai thỏ con không dám khóc. Thỏ Chú cất tiếng hát,
  “Thỏ ngoan thỏ ngủ cho say.
    Thỏ mẹ đi cày có lúa cho cha.
    Thỏ cha đang ở rất xa.
    Thỏ mẹ vất vả bôn ba cả ngày.”
Ngọc, mới lên 7 tuổi, hỏi tôi,
“Thỏ Cha đang ở đâu vậy chú?
Quay sang con bé đang nhớ cha, tôi nói nhỏ,
“Ở xa lắm. Thỏ mẹ tìm củi về bán để có tiền đi thăm thỏ Cha đấy.”
Con bé em bên phải cũng tò mò hỏi tôi,
“Mẹ đi tìm củi bao giờ về hả chú?”
“Biết hai cháu ngủ xong mẹ mới về.”
Như nhà thôi miên, tôi vừa làm hai cháu nhỏ của tôi nhắm nghiền mắt ngủ trong sự thán phục của má Chánh.
    Một bửa cơm chiều mưa lạnh, như mọi ngày cả nhà cùng ngồi chung bàn. Lần lượt mọi người ăn xong buông đủa xuống khi tô canh vẫn còn khá đầy. Thay vì bới thêm cơm, tôi dùng thìa to chan đầy nước canh vào chén và húp vội vàng 2 lần. Thấy tôi chan canh vào chén lần thứ ba,“mạ” ngăn tay tôi lại,
“Cơm còn nhiều lắm. Thành Xì ăn thêm một chén nữa đi hỉ.”
“Má con dạy, “Cơm để qua ngày sau còn ăn được. Nứơc canh để qua đêm bị thiêu.” Để con cố húp hết tô canh thay cơm vậy.”
   Mạ quay sang ba cô con gái nhỏ,
“Nghe anh Thành mi nói chưa? Con trai như rựa mà nghe lời Mạ như rựa.”
   Ba Chánh, ít nói nhất nhà, hằng ngày làm một cây chả đặc biệt để chia đều cho ai làm việc hoặc vắng mặt ngày hôm ấy. Tôi có phần như bình thường như mọi người. Tôi muốn được cái mọi người đáng được- sự bình đẳng.
Mỗi ký nem đem bán cho “Cửa hàng ăn uống Bảo Lộc”, Má Chánh được mua một gói thuốc giá chính thức. Số thuốc lá được chia đều mọi người trong nhà. Anh Từ thường hay khen tôi,
  “Từ khi có mi lên đây, lúc nào lá cũng đầy đủ, gọn gàng. Mi đúng là “Thành Lá” rồi.”
    Trên BL, tôi còn có một địa chỉ khác để đến, quán Má Năm. Một lần theo Long Kh’mer ra quán, Long kể cho Má Năm nghe về tôi,
“Nó ở ký túc xá ăn tòan bo bo và bột mì. Còn cơm hả? Má mà lấy cục cơm mà chọi con chó, nó dám lăn đùng ra chết lắm đó.”
Má Năm tặt lưỡi, hỏi tôi,
“Cực khổ quá vậy hả con?”
Cái thằng Long lẻo mép hôm đó còn “châm thêm dầu vào lửa”,
“Mỗi tháng nó được 21 đồng tiền học bổng đó má. Có khi nào nó có xu nào dính túi đâu Má?”
Má Năm trợn mắt,
“Rồi sao con có tiền ăn quà hàng bánh gì hả con?”
“Nó còn cạy cơm cháy nhà bếp để ăn sáng đó má!”
Má xoa đầu tôi,
“Mèn đét ơi! Tội nghiệp thằng nhỏ quá chừng. Thôi ráng nghen con. Ra trường xong, lên đây ở với má.”   
    Tôi thấy run run trong lòng. Dãy phố cũ kỹ phía sau chợ Bảo Lộc như lung lay nhảy múa trước mắt tôi. Sau khi có má Chánh rồi, tôi vừa có thêm một người má nữa ở Bảo Lộc này. Cái chòi, mái tole, được che chắn tạm bợ xiêu vẹo này, cái sạp bán tềnh toàng thế này bổng trở thành một căn nhà nhỏ xinh xắn ấm áp. Các vật dụng cũ kĩ, thông thường bổng trở thành bông hoa, đồ nội thất đẹp mắt. Tôi thầm cảm ơn má và ước chi tôi không còn một lựa chọn nào khác. Tôi thầm mơ ước sao tôi có thể làm được điều gì đó để giúp cho Má ngay tức khắc. Dọn bàn, rửa chén, bưng thức ăn ra cho khách là chuyện tôi làm được nhưng Má Năm rầy tôi,
“Để đó cho chị Năm làm! Con ngồi chơi với thằng Long đi.”
    Làm sao tôi có thể quên được những ngày hè như thế chứ?
                                         Rạch Giá Jul 06, 2012

                                                              Ngọc Thành 

NGƯỜI CHA NUÔI- phần 12

                                     

  “Vốn ít học, ba chỉ còn cách tìm một nghề thích hợp để kiếm sống. Ba học nghề may và thành thợ chánh cho một hiệu may lớn ở Cần Thơ.”
    Chầm chầm nhìn ly cà phê đen nhánh, xoay xoay cái muỗng trong hai ngón tay dài thon đẹp, gầy guộc, ba Năm hớp một ngụm nhỏ rồi đặt cái ly xuống bàn nhẹ nhàng như thể ông đang cẩn thận hé mở cái cánh cửa cuộc đời ông ra vậy.
     “Với các sáng kiến, may nhái hàng cataloge thời trang có tiếng lúc bấy giờ, ba có hai thứ làm thay đổi đời ba. Ông bà nội nuôi đâu có lo cho ba học đ61n nơi đến chốn nên ba phải tự bương chải lo thân thôi. Có lương khấm khá, ba xắm được một xe Honda đời 66 màu đỏ rất tuyệt. Có một khách hàng rất trung thành, một nữ sinh, đẹp gái, đẹp nết, yêu thương ba hết mực. Cô ấy hiểu và quý ba hơn ai hết. Thường chở cô ta đi học và đi chơi những ngày cuối tuần, nhưng ba chưa bao giờ dám đến nhà. Gia đình của cô ta không coi ba như là người xứng đáng nên ba chỉ lén lúc hẹn hò với nàng. Ba tự trách cho cái thân phận của mình và muốn tìm cách chứng minh. Ba cật lực may, sáng tác các kiểu mới, và rất đúng hẹn. Càng làm giỏi, ba càng được cô ấy và ông chủ tiệm thương quý. Trong lúc đang may đồ hoặc khi nửa đêm thức giấc, ba hay dặn lòng:
“Bàn tay này, trái tim này có thể làm thay đổi mọi thứ. Tại sao ta không thay đổi cuộc đời này? Nếu nàng thương ta, nếu ông chủ tin dùng ta, tại sao ta không tính đến một tương lai tốt đẹp hơn nữa chứ?”
    Mới học xong lớp đệ tam, nàng đã có nhiều theo đuổi. Một trong số người làm cái đuôi theo nàng là ông Tân- kẻ có bề thế và lõi đời nhất ở Cần Thơ. Hắn mua chuộc, lấy lòng mọi người trong nhà nàng. Hắn có nhiều kinh nghiệm chinh phục và hắn thật sự mê say cô ấy. Hắn khéo léo che đậy hai lần hôn nhân trước của hắn nhưng hắn lộ rỏ cái ý muốn cưới nàng linh đình để vừa lòng ba má nàng. Chán ghét con người giả dối ấy, nhiều lần này định bỏ học để trốn đi theo ba lập nghiệp ở một xứ lạ nào đó, một hóc hẻm nào đó.
Nhiều lần cô ta thì thầm với ba,
“Em nghe lời trái tim em thôi và em đã chọn anh là người để em trao thân rồi.”
Ba hiểu ý của cô ta nên đã cố thuyết phục nàng:
“Em có rất nhiều thứ để gìn giữ. Anh chẳng đáng gì để em phải bất hiếu với cha mẹ. Anh mồ côi sớm nên anh rất quý hai tiếng gia đình. Em cố bình tâm lại đi.”
Ba Năm của tôi như đang sống lại những ngày trai trẻ. Mồi một điếu thuốc khác xong, hít một hơi thật dài, ông nhẹ nhàng kể tiếp.
   “Thuý Liễu- hoa khôi của trường Đoàn Thị Điểm- yêu thương một chàng thợ may nghèo, mồ côi, ít danh giá, với một tấm chân tình. Ba thấy mình không xứng đáng và chính ba đã định bỏ đi mấy lần. Ông chủ tiệm nhờ quen biết và tiền bạc đã lo cho ba hoản dịch gia cảnh vì nửa phần để giử người thợ giỏi, nửa phần kia để giúp cho ba có một tương lai sáng sủa hơn.
Không có ai cho không ai một điều gì cả. Ông ta cũng có ý bắt ba ở rễ. Cô gái út được bà mẹ nuông chìu nên đã bỏ học sớm. “Cô chủ nhỏ đó” luôn luôn khiến cho ông bà nơm nớp lo sợ. Ông ta chìu chuộng ba và rất muốn ba thân mật với cô ả. Ba thiệt tình không biết phải làm sao đây cho tròn hai bên.”
     Tôi đang cố nhớ tình tiết câu chuyện nên tôi cất tiếng thản nhiên hỏi,
“Ba thương cô nào nhiều hơn vậy ba?”
“Không cô nào cả. Thân mồ côi mồ cút, có vợ khá giả về để nó khi dể mình sao chứ? Ba chỉ muốn một người vợ hiền hậu con nhà ngèo, cùng cảnh ngộ thôi.”
Vừa rót trà cho hai ly cà phê uống xong, tôi vừa nảy ra một ý để hỏi ba Năm:
“Sao hồi đó ba không về một vùng quê nhỏ nhỏ nào đó, mở tiệm may, cưới vợ, rồi lập nghiệp ở đó luôn?”
“Thì ba cũng nghĩ như vậy đó, nhưng…chuyện đời thật khó lường.”
Ba Năm bất ngờ gọi vài điếu thuốc lá. Tôi muốn cản ba tôi hút thuốc lại nhưng tôi lặng thinh chờ ông ta châm thuốc và tiếp tục câu chuyện.
“Sau một bửa tiệc gia đình tại tiệm may, ba bị ông chủ chuốc rượu đến say mèm. Hừng sáng hôm sau, ba bị ông chủ kêu dậy khi đang nằm trên giường với cô con gái út của ổng. Ông ta biểu ba chấp nhận mọi chuyện để tuần sau ông làm đám hứa hôn cho. Không bao lâu sau, ba mới vở lẻ là cô ấy đã có bầu trộm với nhân tình. Họ đã lừa gạc ba. Người ta đưa ba ra làm bình phông. Ba không dám nói gì hơn là chỉ lặng lẻ trốn khỏi tiệm, tình nguyện đi lính và…”
    Ba tôi hút thuốc như một thanh niên lịch lãm, trải đời và đang có nhiều tâm trạng. Tôi đi nhẹ nhàng vào trong quán để xin thêm một bình trà mới. Chờ tôi ngồi xuống, rót trà xong, với cái giọng khàn khàn đi vì thuốc lá, hơi khác thường vì vấn đề này rất khác thường, hơi rung giọng, ba Năm kể tiếp:
“Khi ở trong quân trường, không chịu nỗi sự cô đơn khốn đốn, ba tìm cách liên lạc với Thuý Liễu. Nàng đã đến thăm ba vài lần và… đã thất thân với ba.”
Tôi như bị một cú đánh lén bất thình lình trong bóng tối. Ba Năm của tôi…
“Liễu cho ba hay là nàng có thai với ba nhưng nàng sắp phải ưng ông Tân nếu không muốn ba má nàng vỡ nợ.”
Tôi chợt hiểu thêm ra chuyện đời và cảm thấy thương người cha nuôi của tôi hơn bao giờ hết. Đàn ông có lúc vừa là kẻ đi xây lại vừa là người đi phá. Có khi họ khôn ngoan như một nhà hiền triết hay khoa học gia nhưng có lúc họ lại ngu ngơ khù khờ như thằng những thằng dốt đặt cán mai. Cái gì tôi hiểu biết có khi không đủ để đặt vào cái bóp đầm của một quý bà quý cô nào đó. Cái nóng bỏng tốt đẹp trong lòng tôi có khi không đủ để cho ai đó nhóm lửa hay mồi một điếu thuốc lá. Cái ao ước mơ mộng của tôi đôi khi chỉ làm cho ai đó phì cười. Cuộc đời của ba tôi đã bị bóp méo, vo tròn, bị ném đi, bị quẳng xuống nước do hai người đàn ông: Ông Tân- kẻ chiếm đoạt người yêu ông- Thuý Liễu và kẻ kia là ông chủ tiệm may- người ép ông lấy cô con gái út hư hỏng. Giờ đây, Ba Năm của tôi, bằng xương bằng thịt, đang ngồi đây trước mặt tôi, trở nên rất gần với tôi. Cuộc đời của ba Năm tôi lại có thể bị thay đổi do chính tôi- người ba tôi rất thương yêu tin tưởng. Người thuyền trưởng- ba Năm và tôi- thuyền phó sắp vượt sóng to, vượt qua cơn bảo táp vì tôi đang gặp rắc rối và em tôi- Long Vân đang tuổi lớn khôn.
Ba Năm gằn giọng hỏi tôi:
“Cô Hằng và con có gì với nhau tối hôm qua không?”
 “Dạ không ba ơi. Cô ta chỉ nằm kế, ôm con, hôn con vậy thôi.”
   “Ba sẽ qua nhà để nói chuyện với má của cô Hằng. Con hẹn với họ là 8 giờ sáng mai ba đến.” 
Chúng tôi mỗi người có một suy tính. Tôi thay ba Năm làm bếp trong lúc ông ấy đăm chiêu suy nghĩ. Long Vân đi học về mà không chào hỏi tôi một tiếng. Bửa cơm trưa hôm ấy thật nhạt nhẽo. Tôi thấy mắt của Vân đỏ hoe. Tôi thấy ba tôi già thêm đi mấy tuổi. Tôi bổng thấy mình là một kẻ dại khờ, đáng tội. Căn nhà nhỏ êm đềm của chúng tôi hôm ấy bổng trở thành một nơi xa lạ, một vùng biển mà cả ba người trên ba cái ốc đảo cách nhau, không ai hiểu ai, không ai buồn nói gì với ai.    Tối hôm đó, không có ai màng đến mấy con muỗi.
    Ngày hôm ấy bổng nhiên dài hẳn đi. Cuộc đời có lúc bổng nhiên trở nên vô vị, vô nghĩa.

                                                      (còn tiếp)

MỘT BỬA CƠM CHO BÀ NGOẠI

                       
     Yan Martin- một thợ nấu lừng danh thế giới- chắc chắn nhận được nhiều lời khen tặng. Nhưng khi Yan là một cậu bé 12 tuổi, chắc đã không được bà ngoại khen về một bữa cơm nào do chính tay y nấu đâu. Tôi, với một cái tình, với trách nhiệm của một thằng con ngoan, đã nấu cho bà ngoại tôi một bữa cơm mà bà nhắc nhớ mãi.
    Vì mẹ con tôi sống ly hương hay vì đường đi từ Sài Gòn xuống Cần Thơ quá xa chăng, chúng tôi rất hiếm khi có khách. Thế nên một ngày trong năm 1968, chuyến thăm bất ngờ của bà Ngoại tôi đã là một niềm vui quá lớn cho hai mẹ con tôi. Bà xuống cùng với mợ tôi và một đứa cháu gái nhỏ. Em tôi không biết lúc đó đang ở đâu. Chị tôi đang trong sở làm. Mẹ tôi đang bán hàng tạp hoá rất nhỏ trước con hẻm. Tôi, ở nhà một mình, mở cửa, xách nước, lấy khăn tắm xà bông và rất nhanh chóng phóng lên xe đạp đi chợ nấu cơm.
    Đến đầu con hẻm ngắn, tôi phải ghé lại cái quán cóc của mẹ tôi để nhận một khoảng tiền đi chợ cho 3 người. Tôi vừa đạp xe nhanh ra chợ vừa toan tính những thứ cần mua cho một buổi ăn chiều cấp tốc. Tôi chọn mua một khúc bí đao, tép tươi và 4 cái trứng vịt. Các thứ đều dể mua, dể nấu. Tôi phải nhanh chóng đạp xe trở về vì ba người khách đang ở nhà. Nồi cơm tôi bắt lên trên bếp dầu cũng đang chờ đợi tôi về. Tôi lại phải nhanh chóng ra tay làm bếp…
   Mợ Tư và con gái tắm xong khi tôi đang lặc đầu mấy con tép còn tươi xanh sau khi vừa chắc nước nồi cơm. Khi mợ chải tóc cho đứa con gái, tôi vừa làm vừa hỏi mợ một vài câu hỏi. Tôi mời bà Ngoại vào tắm và tôi làm cái việc mẹ tôi phải làm: tiếp chuyện, nấu cơm. Tôi bảo mợ tôi ngồi nghỉ ngơi và tự nhiên như đang ở nhà. Tôi vung tay, múa chân, xoay sở nhanh gọn chính xác. Trong khi chờ nồi canh sôi lên, tôi cắt khúc bí. Vừa cắt khúc bí xong, tôi đập các trứng vịt vào cái tô. Chờ chảo mở sôi với các miếng tép mở vàng ngậy, tôi đập 2 tép tỏi, thaí mỏng hai củ hành tím. Trong khi chờ trứng vịt vừa vàng chín, tôi cắt hành lá. Chờ bà ngoại bước ra khỏi phòng tắm, tôi dọn cơm trong lúc mợ tôi và đứa con gái đang ngắm nhìn các thứ trên phòng khách. Mùi thơm của chất đạm trong 4 cái trứng vịt tươi đỏ ao hoà quyện với mùi hành tỏi khiến tôi phấn chấn. Tôi trịnh trọng, lễ phép mời bà:
“Mời bà ngoại ăn cơm!”
Tôi bước nhanh lên phòng khác, vừa cười vừa nói:
“Mời mợ tư xuống ăn cơm. Đi ăn cơm Hoa, Em đói chưa hả.”
Bà Ngoại và mợ tôi không tin được những gì hai người nhìn thấy trên bàn, đang bốc khói, đang toả mùi thơm và đang chờ họ thưởng thức. Mẹ tôi vẩn còn ngoài quán. Vừa khi mà Ngoại tôi và mợ tôi kéo ghế ngồi xuống, chuẩn bị buổi cơm chiều đặc biệt ấy, tôi ù té chạy ra ngoài quán. Tôi nói nhanh trong tiếng thở hổn hển:
“Má vô ăn cơm với ngoại đi. Để con trông chừng quán cho.”
Đến phiên mẹ tôi bị ngạc nhiên. Bà ngạc nhiên vì cái cách, cái ý thức và cái tốc độ tôi nấu buổi cơm chiều. Bà bất ngờ mừng vui vì cái ý thức rất người lớn của tôi, thằng nhóc 12 tuổi. Tôi ngồi trước cái quán ọp ẹp do tự tay má tôi tạo dựng ra. Tôi thầm nghĩ ra bửa cơm tôi đã vừa nấu, cái nóng, ngon miệng, thơm tho tự nhiên của món ăn và tôi thấy thật vui lòng- “Hạnh phúc vì làm cho ai đấy hạnh phúc.”Tôi đã nấu cho mẹ tôi ăn gần 3 năm nay. Tôi đã khiến bà vừa lòng với hầu hết món tôi nấu hàng ngày. Sáng trước khi đi làm mẹ tôi phát 2 đồng tiền đi chợ và một đồng tiền cho hai anh em tôi ăn hàng. Tôi bao giờ cũng chọn món ăn khác biệt mỗi ngày, nấu ngon và đủ như một bà bếp chuyên nghiệp. Tôi ít khi nào quên mua thêm ớt tỏi, hành ngò hoặc một vài cái muỗng canh. Khi Cần Thơ vừa có lò bánh mì điện, má tôi rất thích ăn bánh mì nóng dòn chấm vói nước mắm ớt do chính tay tôi làm. Sau khi nêm nếm chén nước mắm cay nồng trông rất bắt mắt, tôi cởi xe đạp thật nhanh ra lò. Máng cái bịch nylon chứa 2 ổ bánh nóng, tôi chạy thật nhanh về nhà trong lúc mẹ tôi đang nóng lòng thưởng thức. Tôi có thêm một ý tứ- làm một ly nước trà đá- Nhìn thấy mẹ tôi ăn, hít hà vì cay, uống một ngụm nước đá lạnh tê lưởi, tôi thấy như chính tôi đang ăn. Mẹ tôi lộ vẻ hài lòng ngần nào thì tôi cũng cảm thấy hài lòng ngần ấy.
     Những khi làm cho mẹ vui, người con nào cũng cảm thấy hạnh phúc tựa như họ từng được mẹ họ tạo ra biết bao niềm vui khi họ còn bé. Khi tôi còn là cậu bé con, mẹ tôi không thể nào tạo cho tôi một niềm vui nào vì đời mẹ tôi chất chứa đầy những nỗi buồn, những giọt nước mắt, những uất nghẹn tủi hờn từ bên phía nội tôi và từ chính ba tôi. Tôi không tự so sánh mình với các đứa trẻ con hạnh phúc khác. Họ may mắn hơn và họ có những thuận lợi hơn tôi. Tôi không hề tị hiềm với em trai tôi đứa được mẹ tôi chăm sóc, chìu chuộng. Tôi chỉ luôn tự hỏi:
“Làm sao để mẹ ta được hạnh phúc hơn. Làm sao ta giúp được mẹ nhiều hơn?”
“Bà Sáu đâu rồi Thành? Bán cho chú hai điếu Captain coi?” tiếng nói ồ ề của ông Tám xe ba gác khiến tôi giật mình.
“Dạ má con đang ăn cơm với bà Ngoại ở trong nhà.”
Chăm điếu thuốc, phà ra một hơi thuốc dài, đợi tôi làm xong cho ông ta ly trà đá, bác Tám gợi chuyện với tôi,
“Hàng ngày tôi thấy bả ăn cơm ngay đây mà. Ai lo nấu cơm ở trong nhà vậy? ”
“Dạ con.”
“Trời đất ơi, con biết nấu cơm nữa hả?”
Tôi thấy hơi vui mà cũng hơi buồn cười. Trong cái xóm lao động này, dể hồ gì tìm thấy một đứa con trai ngoan ngoản, chứ nói chi đến việc nấu cơm. Tôi chỉ trả lời thật nhỏ nhẹ,
“Dạ.”
“Vậy con cũng nấu cơm cho bà Ngoại ăn ở trỏng đó hả?”
Vừa gải đầu, vừa tìm ra cái câu giải thích gọn ghẻ, tôi lễ phép nói,
“Dạ, má con bận tay ở đây rồi. Con phải nấu cơm cho Ngoại thôi.”
Bác Tám vừa vân vê điếu thuốc trên tay vừa gật gù. Ông lộ vẻ tư lự suy nghĩ trong khi tôi đang cố hình dung ra bữa cơm tôi đã nấu cho bà tôi.
    Vừa thoáng thấy mẹ tôi bước ra khỏi cửa rào, tôi chào bác Tám rồi chạy nhanh về nhà. Mẹ tôi chận tôi lại không kịp. Bà chỉ nghe tôi nói vói theo,
“Má ra coi quán để con vào trong dọn dẹp.”
     Tôi không biết rỏ mẹ tôi đang nghĩ gì. Nhưng tôi biết chắc một điều rằng mẹ tôi sẽ kể cho bác Tám nghe nhiều điều về tôi với nhiều nụ cười. Bà ngoại tôi chắc sau này thường nhắc lại cái bửa cơm đó. Bà không còn bắt đầu bằng cách,
“Ngày xửa ngày xưa” nữa mà có thể các cháu của bà nghe rằng,
“Hôm bà xuống Cần Thơ, Thằng Thành đã nấu cơm cho bà ăn…”  

                                                                               Rạch  Giá Jul 7,10

                                                                                                                Lương Ngọc Thành- Thành Xì-TL 71-74

MÁ NĂM- BẢO LỘC

                                            

     Nếu kiếp sau được phép chọn một người mẹ đẻ, tôi chọn ngay Má Năm vì nhiều lý do và Má Năm chắc sẽ hạnh phúc hơn, Long Kh’mer cũng sẽ vui hơn nhiều.
    Ngay sau khi gặp Long Kh’mer, sáng hôm sau nó dắt chúng tôi đến quán Má Năm để uống cà phê. Má nhận ra thằng Khuê Bầu ngay. Long giới thiệu tôi như là một người bạn mới của nó và công dân mới của Bảo Lộc. Má Năm pha hai cái “phin” đải 2 đứa tôi một cách ân cần. Trưa hôm ấy, chúng tôi ra quán để tận dụng khoản cơm cháy trong cái nồi cơm to má vừa bán xong. Má nấu các món mặn thật đặc sắc. Dân xe tải gốc nam bộ rất mê món ăn của Má Năm. Khách đi xe Đà Lạt sau ghé ăn một lần, luôn luôn buộc tài xế ghé quán của má dẫu cho phải ngồi chờ má bắt thêm cơm. Chị Năm cũng góp phần làm quán đắc khách với cái cách chị hỏi chuyện vừa dọn bàn vừa trả lời các câu hỏi của thực khách một cách thân mật tự nhiên. Vài hôm tối trời, má còn mời mấy tay tài xế một đĩa đồ nhấm khi họ quyết định ngủ lại Bảo Lộc, bên lề đường, ngay trước quán của Má Năm.
    Gọi là quán vậy thôi chứ nó chỉ là một khoảng 12 mét vuông, trong cái mái che của chợ Bảo Lộc. Quán gồm một cái quầy- cái hộp hình chử nhật có 3 cạnh, chiều dài vừa bằng chiều cao của má và đủ chổ cho hai mẹ con chui vào lọt lỏm trong đó và 2 bộ bàn nhôm xếp, ọp ẹp, ghế đẩu hơi xiêu vẹo và không có bảng hiệu. Mặt trên quầy là chổ má bày những thứ cần cho việc buôn bán, cái tủ thuốc lá, một vài hủ rượu, một cái gỗ cũ kĩ chứa chai lọ đựng đồ gia vị hay bất cứ thứ gì khác. Má Năm không hề hé răng than phiền cái cơ nghiệp má có để nuôi sống hàng chục người trong nhà. Mỗi khi trời mưa, chị Năm phải lay hoay che chèn chổ hổng này, hứng nước dột chổ khác. Trừ chị Tư ở nhà nuôi một cháu tàn tật và làm nội tướng, Thành Lát, Hạnh Ù, Dung Đen phải đi làm để phụ với má. Mọi người trông nhờ vào cái quán.
   Má Năm có cái tên khai sinh trùng khớp với tên của “Liên Hải Cẩu”- Nguyễn Thị Liên- quê quán Trà Vinh. Ba Năm gốc Tàu- Quảng Đông, từng là thợ cơ khí của hảng Bason. Sau khi thua lỗ trong việc làm ăn, và sau khi được giới thiệu lên Bảo Lộc sửa xe cho một ông tây chủ đồn điền, ba Năm dắt má Năm và 6 đứa con lên B’lao lập nghiệp. Trước khi về Pháp, ông tây giới thiệu má nấu ăn cho cha sở. Sau này cha sở giúp má Năm vào làm thợ nấu cho Tòa hành chánh huyện B’lao. Sinh thêm 3 đứa con nữa, tảo tần suốt năm, má Năm đến nay chưa có dịp nào về thăm lại nơi “chôn nhau cắt rún”. Sau ngày Giải phóng, má bày ra một sạp bán ngay ở Bến xe. Chưa có lần nào Má Năm nghỉ bán để đi đâu cả. Mọi chuyện trong nhà chị Tư chăm lo. Chị Năm sát cánh với má lo cho nồi cơm chung cho 11 người. Ba Năm bó gối ở nhà. Yếm thế, buồn đời, ông dần dà thành kẻ nghiện rượu. Khi con bé Hạnh Ù, Dung Đen hay thằng Tèo ra quán để đem thức ăn về, tụi nó hay để kể cho Má nghe ở nhà ba Năm vừa quậy như thế nào. Dĩ nhiên, Long Kh’mer rất ray rức về chuyện ấy. Anh của nó- Thành Lát- cũng góp phần làm nó buồn thêm bởi cái ngang tàng bê tha của hắn và cả chuyện hắn cải vã với ba Năm nữa.
     Một lần, khi Má Năm nghe Long kể về tôi,
“Thành Xì ở ký túc xá ăn cơm tập thể với bo bo và bột mì. Còn cơm hả? Má mà lấy cục cơm chọi con chó, nó dám lăn đùng ra chết lắm đó má.”
Má Năm tặt lưỡi, hỏi tôi,
“Cực khổ quá vậy hả con?”
Thằng Long lẻo mép đó “châm thêm dầu vào lửa”,
“Mỗi tháng nó được 21 đồng tiền học bổng đó má. Có khi nào nó có xu nào dính túi đâu Má?”
Má Năm trợn mắt, nhìn tôi,
“Rồi sao con có tiền ăn quà hàng bánh gì hả con?”
“Nó còn cạy cơm cháy nhà bếp để ăn sáng đó má!”
Má xoa đầu tôi,
“Mèn đét ơi! Tội nghiệp thằng nhỏ quá chừng. Thôi ráng nghen con. Ra trường xong, lên đây ở với má.”   
     Tôi thấy run run trong lòng dù trời đang nắng ráo. Dãy phố cũ kỹ phía sau chợ Bảo Lộc bổng dưng lung lay nhảy múa trước mắt tôi. Mặt đất như đang rung rinh, như sắp có trận động đất. Sau khi có má Chánh rồi, tôi vừa có thêm một người má nữa ở Bảo Lộc này mà mẹ ruột của tôi nào có hay. Cái chòi, mái tole, được che chắn tạm bợ xiêu vẹo này, cái sạp bán tềnh toàng thế này bổng trở thành một căn nhà nhỏ xinh xắn ấm áp. Các vật dụng tềnh toàng bổng trở thành bông hoa, thành đồ trang trí đẹp mắt. Tôi thầm cảm ơn má và ước chi tôi không còn một lựa chọn nào khác. Tôi thầm mơ ước sao tôi có thể làm được điều gì đó để giúp cho Má ngay tức khắc. Dọn bàn, bưng thức ăn ra cho khách là chuyện tôi làm được. Má rầy tôi,
“Để cho chị Năm làm! Con ngồi chơi với thằng Long đi. Con khuyên nó ít nhậu lại giùm cho má.”
Quay sang nó, má cũng “mần” nó luôn,
“Cái thằng quỷ này nè. Cứ tới giờ cơm là nó dắt “thằng nhỏ” đi đâu mất biệt vậy hà. Để nó ở lại quán má tẩm bổ cho nó chứ”
     Long Kh’mer chưa kể nhiều chuyện về má Năm cho tôi nghe nhưng tôi cũng chẳng  cần biết thêm một điều nào nữa cả. Tôi chưa nghe má than phiền ai. Tôi không hề nghe má mắc mứu một điều gì. Má đi lễ hằng chiều chủ nhật. Cha Thịnh, vì quý tài năng Long Kh’mer- người vẽ tặng cho cha một bức chân dung Chúa Jesus rất tuyệt- với cái tựa đề rất sốc “Đại Ca Jesus”- nên cũng rất qúy mến Má Năm. Một lần tôi được Má Năm rủ đi chợ. Tôi nghe biết bao nhiêu tiếng chào, tiếng hỏi han của các bà nội trợ hay bà bán hàng. Má vui vẻ giới thiệu tôi với mọi người,
“Bạn của thằng Long, lên đây nghỉ hè.”
Có khi má lại buộc miệng,
“Cháu tôi, học ở Sài Gòn.”
Tôi cảm động nhất khi nghe má bảo với họ rằng,
“Con trai tui đó. Nó về trên này nghỉ hè.”
Ai đi chợ Bảo Lộc và nhiều người dân Bảo Lộc hôm ấy chắc phải tự hỏi,
“Bà Năm sao có lắm con đến thế nhỉ?”
     Mỗi khi có chuyến xe tải quen ghé lại trong một cơn mưa phùn hay vào một chiều tối có gió lạnh, má hỏi ngay bác tài,
“Nhâm nhi chút gì cho ấm bụng nhen con.”
“Dạ, má cho gì con nhậu cái đó.”
Má Năm nấu thật nhanh một món thơm phức, bốc khói. Rót ngay một ly rượu trắng,    má mời mọc người thực khách kia như một đứa con từ xa mới về,
“Vô đi, chờ má nấu chút xíu nhen!”
    Chưa có một thực khách nào phàn nàn về bất cứ chuyện gì. Dù cho các bàn ăn và ghế ngồi hơi lung lay, chổ ngồi của họ có khi bị mưa hắt vào hay bị dột, nhưng thức ăn má nấu, cái cách má tiếp họ làm họ rất hài lòng. Cũng chưa có ai trong nhà không thương lo và tội nghiệp cho má. Tôi thấp thỏm lo lắng,
“Ngày tháng cứ trôi qua, bà mẹ già rồi sẽ xa ta.”
Tôi ao ước một ngày thấy má bớt vất vả. Tôi mong sao có ai trong nhà mang má về phụng dưỡng để má chỉ ngồi ăn trầu, đọc kinh, bồng ẳm cháu và thỉnh thoảng được về Trà Vinh thăm quê hương.   
   Sau chuyến Long Kh’mer bất ngờ qua Rạch Giá thăm tôi, tháng 5 năm 1993, chỉ nhận được một món quà rất nhỏ của tôi- hộp dầu cù là của Thái Lan, má Năm mừng rở buộc miệng nói ngay với Long Kh’mer,
“Thằng Thành Xì tìm đâu cái hủ dầu “quá đả” vậy con. Biểu nó có rảnh thì lên trên này chơi thăm má nghen! Nhắc nó mua cho má một hủ dầu nữa nhen.”
  Khi Long Khmer xuống dự đám cưới của tôi, tháng 3 1994, thấy nó đeo tang, tôi mới biết là má Năm đã đi hơn 3 tháng sau một cơn bệnh nặng.
   Má Năm ơi,
Con chỉ muốn ngã vào lòng má, nghẹn ngào nói nhỏ rằng,
 “Má ơi! con sẽ lên thăm má và con sẽ mang cho má nhiều thứ má thích nữa kìa!” 

                                                                     Rạch Giá 16- 10- 2011
                                                                      Lương Ngọc Thành

    

BÀ MẸ NUÔI

                                             BÀ MẸ NUÔI

   Nếu không phải vì tình yêu của bà mẹ nuôi của tôi, tôi không bao giờ đã có thể trở thành người như tôi bây giờ và nếu không nghe theo lời khuyên của người, có khi tôi không bao giờ sống tại Rạch Giá đến như thế này.
     Thật khá dể dàng để được đi cùng với một bạn học này trên một chuyến xe buýt ra Chợ Lớn, nhưng thật khó mà gặp một người bạn học cũ khác trên xe buýt khác khi nó tạm dừng đèn đỏ tại ngả tư Trần Bình Trọng- Trần Hưng Đạo. Điều đó xảy ra với tôi như là trang đầu tiên của một cuốn truyện dài của đời tôi với cái tiêu đề “Bà mẹ nuôi.”
     Nhận ngay ra thằng bạn NLS Bảo Lộc cũ, tôi mừng rở nhoài người ra cửa xe, kêu tên nó thật to,
"Trọng Cọp!"
Đang uống cà phê trên vỉa hè vắng người, nhận ngay ra tôi, Trọng Cọp đáp trả thật nhanh.
  "Thành Xì hả? Xuống xe đi! Xuống mau lên!"
Khi xe còn đang chờ đèn đỏ, tôi thoát xuống cửa sau thật nhanh. Từ giây phút đó, mỗi cuối tuần, những khi buồn, tôi trở nên thoải mái hơn vì tôi có nơi để đến, hẻm 22 Nguyễn Biểu Q:5 . Tôi hoặc ở có thể ở lại với gia đình nó qua đêm hoặc tôi trở lên trường buổi chiều trong ngày. Ngoài những chuyện bất tận hồi đi học, Trọng Cọp, một cơ thủ, một tay quậy phá, tếu lâm có tiếng trong trường đón tiếp tôi như một khách quý. Cả nhà nó rất vui mỗi khi tôi về chơi. Hai chúng tôi chỉ có một điểm chung duy nhất- xem bóng đá. Học 3 năm với nhau cùng một lớp Thủy Lâm trên Bảo Lộc nhưng tâm trạng, tính cách, sở thích và tình cảnh của chúng tôi rất khác nhau. Nó đặc biệt có bà bác họ ở khu phố tàu Bảo Lộc, cấp dưỡng nó chu đáo. Là con trưởng trong một gia đình lao động nhưng tương đối sung túc ở Sài Gòn, không lọt qua cửa trung học, có nhiều em, chỉ phụ ít việc nhà với đầy ấp nhiều thứ hàng buôn bán, nó rất tù túng buồn chán. Vì vậy, khi có tôi đến, nó vui ra mặt và làm cả nhà như rộn rịp hơn lên. Mỗi chủ nhật của tháng 3 năm 1976 sau khi ăn trưa, đi xem bóng đá, nó chở tôi đến trạm xe buýt Sài Gòn- Thủ Đức. Nó dúi vào túi tôi một ít tiền để đi xe và hẹn gặp tôi tuần sau đó.
   Đôi khi tôi xuống thăm ngoại tôi ở Tham Lương, Bà Điểm, trước khi ghé nhà Trọng Cọp. Một lần như vậy, tôi đến nhà của nó một buổi sáng sớm chủ nhật. Tôi không thể nhớ chính xác lý do tại sao nó đã vắng nhà ngày hôm ấy. Đó là lần đầu tiên tôi ra về sớm, thui thủi, buồn bả, một buổi sáng tháng 4 năm 1976. Tôi cũng không hiểu sao tôi lại đến trạm xe đi Biên Hòa thay vì Thủ Đức như bao nhiêu lần trước đó. Lạ lùng thay ngay sau khi tôi lên xe, một bà hành khách trạc hơn tuổi mẹ tôi, đậm người hơn mẹ tôi, vừa chen lên vừa được tôi đở lên ngồi cái ghế còn lại bên cạnh tôi.
Khi xe đến đường Phan Thanh Giản, bà bắt đầu một cuộc trò chuyện,
"Cậu đi Biên Hòa hả?"
Tôi đáp rất nhỏ nhẹ,
"Dạ, không, cháu chỉ đi  Thủ Đức thôi."
Bà hành khách ấy thân mật hơn.
"Tôi cũng đi Thủ Đức nữa."
Bà nhanh chóng đổi cách xưng hô và hỏi tiếp,
"Cháu đang làm gì ở đó?"
Tôi trả lời một cách rất lịch sự. 
"Cháu vẫn còn đi học."
Bà nhẹ nhàng với tôi hơn,
"Thế à? Dì Ba có tới 11 đứa con. Hai đứa còn đi học. Dì rất mong đứa nào cũng còn được đi học. "
Cảm thấy vui mừng như thể bà được nói chuyện với một người thân. Bà nói với tôi sau đó là bà cho rằng tôi sẽ là một lính ngụy vì thấy tôi đội một berret nỉ màu đen, để ria, mặt mày thiểu não. Bà kể cho tôi nghe rằng bà ấy đến thăm vị phó giám đốc của con trai thứ ba xin cho anh ta tiếp tục đi làm. Đổi lại, tôi kể ra bất cứ điều gì bà đã muốn biết từ chuyện gia đình, học trung học và đang ở ký túc xá như thế nào. Trong khi nói chuyện, tôi thản nhiên đưa cho bà xem cái căn cước của tôi.
   Bất giác, tôi cũng đã bộc bạch với bà ấy rằng tôi cảm thấy không hạnh phúc và bất an như thế nào, vì sao tôi đã muốn bỏ học. Và bất ngờ lại đến với tôi, bà ấy nói với tôi dù rằng bà ấy đã có rất nhiều con và luôn luôn muốn làm con cái hạnh phúc để học giỏi. Vì chỉ đến cái nhà đối diện trường của tôi, bà hứa đến thăm tôi tại ký túc xá. Tôi đã kể cho tụi bạn cùng phòng những gì vừa xảy ra ngay sau khi tôi bước vào. Tụi nó tất cả đã tò mò muốn xem và điều gì sẽ xảy ra kế tiếp. Tôi nhận ra rằng tôi nhìn đồng hồ rất thường xuyên. Sau đó không lâu, bà xuất hiện tại cửa trường. Tôi cảm thấy xấu hổ, ngại ngần nhưng lâng lâng vui sướng khi  đi cùng với bà ấy hướng về phía ký túc xá của tôi. Đòan Ngọc Liên- CN 71- vừa gặp chúng tôi, vừa chào hỏi ngay,
“Thưa bác!”
Xoay qua tôi nó hỏi luôn,
“Mẹ lên thăm hả Thành Xì?”
Khi thấy tôi ấp úng, bà vội đỡ lời,
“Dì Ba của Thành. Dì ghé vào xem chổ nó ở một chút.”
  Cái thứ đầu tiên bà nhận thấy là cây đàn guitar của tôi treo trên tường. Bà nói ngay rằng người con gái út, Như Ngọc, đã rất thích chơi đàn và đã từng theo thầy Nam Phong học gần hai năm. Tất nhiên, tôi được bà yêu cầu đánh một đọan yêu thích và tôi đã ngoan ngõan vâng lời. Thực sự, tôi đã không có một cảm giác gắn dính giữa hai chúng tôi. Theo tôi, đó chỉ là một cuộc gặp gỡ tình cờ, sự trùng hợp nhưng theo lời bà đó là sự sắp đặt của Chúa. 
“Chúa đã dắt Dì gặp con để thế chỗ thằng một thằng con đang ở Mỹ.”
     Sau một cuộc thăm viếng ngắn ngủi đó, bà ấy bảo tôi đến gặp bà vào cuối tuần này. Bà ấy bắt tôi nhận một ít tiền đi xe buýt và hứa đi hứa lại rằng tôi sẽ đến. Tiển bà ra tới cổng và cùng ngồi chờ đợi xe buýt, tôi có những cảm xúc khó tả. Tôi nhớ lại trong những vở kịch của Kim Cương trong đó nghệ sĩ Vân Hùng có cách diển tả giống như tôi đã trải qua, một chàng sinh viên năm thứ nhất ở dưới Cần Thơ đến gặp một người Dì mới quen tại một căn nhà khá bề thế- 20A Hiền Vương (Võ Thị Sáu), Q: 1, Sài Gòn.
                                                                                              (Còn tiếp)
                                                                          Rạch Giá 26-4-2014

                                                                           Lương Ngọc Thành