Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

CÂU LẠC BỘ NÓI TIẾNG ANH

                                  

Có các bài báo phân tích những điều bất cập, có kẻ đến câu lạc bộ để tập nói, có người mở ra câu lạc bộ để kiếm lợi còn tôi đến nay, được 7 lần, tự lập ra một loại câu lạc bộ nhỏ để có dịp tự bày tỏ chính mình và để tự thư giản.
   Vì là kẻ tự học, tự tập nghe nói, tôi tự chọn cách dạy học, cách lập câu lạc bộ. Tôi lần tìm ra các phương pháp dạy học và tôi cũng là người tự rèn luyện như tôi đã từng làm khi còn học ở NLS Bảo Lộc. Các đồng nghiệp của tôi chưa ai nghĩ ra hoặc làm được những điều tôi đã làm được. Tôi đã tách một buổi dạy cho nhà thờ, tối chủ nhật, để lập câu lạc bộ. Tôi đã thuyết phục một cô giáo, tốt nghiệp ĐH Tổng Hợp T.p Hồ Chí Minh, đến với chúng tôi. Cha Việt, cha quản hạt, rất hài lòng khi tận mắt thấy chúng tôi, khoản 18 người, sinh hoạt đều đặn hàng Chủ nhật suốt một năm trời. Những vị khách trong ngoài nước, tây balô, linh mục của nhà thờ cũng rất ngạc nhiên khi mục kích cảnh chúng tôi quây quần bên nhau để tập nói.
   Mọi thành viên đã thưởng thức cách tôi tập cho họ, các câu hay, điểm văn phạm dể hiểu ấn tượng do tôi cung cấp cho họ, các bài hát, câu chuyện hay mà tôi biểu diển như một tay chuyên nghiệp. Đó đã là cái câu lạc bộ duy nhất tại Rạch Giá từ trước cho đến lúc ấy. Vài viên chức nhà nước cũng rất muốn tham dự.
   Vào năm 1997, để tạo một dịp cho các cô học trò của tôi tập nói, tôi đã mở ra một câu lạc bộ- lần thứ nhì- tại nhà mỗi tối chủ nhật. Tôi gọi vài người học trò cũ và thậm chí có 2 bác sĩ cũng xin gia nhập. Họ đến Câu Lạc bộ và đều nhận ra rằng nói là kỹ năng khó nhất. Tôi cắt bỏ tất cả chuyện cá nhân, ngay cả cái hẹn gặp của người yêu cũ từ Mỹ về, để lo cho mỗi buổi họp mặt. Không có bạn bè, cũng không có công việc phải đi ra ngoài vào cuối tuần, nên không có tuần nào tôi và con tôi, mới 9 tuổi, vắng mặt. Tiếng lành đồn xa, một nhóm học sinh chuyên Anh của trường T.H.Huỳnh Mẫn Đạt nhờ tôi mở cho họ một câu lạc bộ- lần thứ ba. Như đã từng làm tại nhà thờ, tôi không hề gián đoạn một tuần nào. “Thành viên” của tôi ngồi kín căn phòng 22 m2 với máy lạnh cách âm, không lệ phí, và họ chắc sẽ không có cơ hội nào giống như vậy. Vì tôi cũng là một giáo viên quèn, tôi cũng đã muốn có vài đồng nghiệp chia xẻ. Khi tôi lên tiếng mời, họ ngập ngừng không trả lời hoặc họ bận bịu không dự được hoặc tự cho rằng họ chưa đủ khã năng. Mồng 4 tết năm đó, những thành viên còn nhỏ tuổi nhưng vừa lớn về nhân cách đã mời hai cha con tôi tham dự một buổi picnic với một điều lệ, “tất cả phải nói tiếng Anh”. Biết bao nhiêu người chứng kiến phải ngạc nhiên thắc mắc. Tôi đã có một cái tết đặc biệt trẻ trung và con trai tôi thì được nhiều cảm tình hơn của họ.
     Ngoài việc tự thành lập, tôi còn được mời tham gia một CLB của công ty Kigimex với chức danh là “Cố vấn kỹ thuật.” Tôi không đến trể, tôi không vắng mặt một tuần nào. Tôi mang đàn organ hoặc guitar theo để tập bài hát và tôi đã đưa con trai tôi đến. Cách cháu nó nói tiếng Anh- nhẹ nhàng, điệu nghệ, đã khiến mọi người khâm phục. Tôi đã cho họ thấy cái thú vị ích lợi của Anh Văn, cái vai trò của những ai nói giỏi.
    Đầu năm 2006, sau khi đến tận 5 ngân hàng để mời chào thành viên mới cho cái loại câu lạc bộ “mới” do tôi sáng tác ra, tôi đã không hề nhận được một phản hồi nào. Không chịu để yên vậy, tôi chuyển nó thành loại mới hơn nữa- CLB một thành viên. B.S Khánh- một người hiếu học- đến đều đặn hàng tuần và dĩ nhiên tiến bộ từng bước. Sau đó 2 tháng, BS Khánh thuyết phục vợ, một BS tim mạch giỏi, đến CLB có lẻ vì ngại tôi buồn chán bỏ cuộc. Về sau này, khi họ qua bận không đến được tôi mời một học trò khác- người sau này đã dạy kèm cho một sinh viên khoa du lịch sắp tốt nghiệp và cũng là người tìm cho tôi một công việc bán thời gian trên Sài Gòn.   
    Có một loại câu lạc bộ mà ít ai nghĩ ra đó là, uống cà phê ngoài trời- cái thứ năm. Tôi đã đề xướng ra và được cổ vũ ngay. Chúng tôi gặp nhau tại Công Viên Tao Đàn, quận 1, T.p Hồ chí Minh, sáng thứ bảy. Tôi yêu cầu mọi người gọi thức uống, nói về mọi chuyện bằng tiếng Anh. Ai nói tiếng Việt nhiều nhất sẽ phải là người trả hóa đơn. Cái không gian thoáng đảng, tiếng chim hót, tiếng ồn tự nhiên rất đời khiến chúng tôi tự nhiên hơn. Với ít kinh nghiệm, với cái suy nghĩ rằng đây là cách khá tốt cho tôi thư giản, tôi như người dẩn chương trình của một life show. B.S Tuyết, người Hải Phòng, dù chưa nói được bao nhiêu, rất thích cái cách của tôi. Vì lở miệng nói tiếng Việt nhiều nhất, B.S Tuyết trả tiền cho 6 người chúng tôi nhưng cô ấy trông rất hài lòng, rất vui với cách của tôi.
   Cái loại câu lạc bộ tương tự là “ăn cơm trưa ngày cuối tuần”- cái thứ sáu. Dược sĩ Phương, độc thân, ở chung cư, tình nguyện tổ chức buổi đầu tiên. Họ thật ngạc nhiên đón tôi đến bộ đồ trẻ trung- quần Jeans, áo pull màu vàng và với cây đàn guitar. Thức ăn khá nhiều nhưng không nhiều bằng cái tinh thần nói tiếng Anh của mọi người. Vừa ăn ,vừa bắt chuyện, tôi giải thích các từ ngữ, thành ngữ và tôi làm như thể tôi là chủ nhà. Sau bửa ăn, sau khi mọi người hứng chí sau khi uống cạn chai rượu Vang, tôi mang ra những bài hát tôi muốn tập cho họ. Căn chung cư nhỏ nhắn, yên tỉnh bổng chốc trở thành một nơi ấm cúng cho nhóm chúng tôi. Tôi bổng chốc thay đổi vai trò, bổng chốc tôi thấy mình trẻ hẳn ra. Với tiếng vổ tay, tiếng cười, tiếng hát, chúng tôi thấy lòng rộn rả và người chủ nhân chắc chưa hề trải qua một ngày nào như thế trước đây. B.S Hùng dành đăng cai bửa họp mặt tuần sau và chúng tôi đồng vỗ tay tán thưởng. Đúng là việc nói tiếng Anh có thể mang chúng ta đến nhiều nơi, cho chúng ta nhiều thứ, nhất là sự thân mật.
   Hợp tác với Gary Mc. Cloud, người bạn Mỹ, tôi làm cho Bệnh Viện Bình Dân cái câu lạc bộ thứ bảy này. Lúc 1giờ rưởi mỗi ngày thứ năm, chúng tôi làm cho họ khâm phục khi chúng tôi đến rất đúng giờ và rồi đúng 2 giờ 45 phút tôi vội vả chào họ để đi dạy tại Infoworld School gần đó. Trong số thành viên đó, B.S Hùng- Hùng Râu, trưởng khoa Nội và B.S Phấn tiến bộ rỏ nét. Họ nói nhiều hơn và đúng hơn từng tuần một. Một lần Gary vắng mặt và tôi đã tập cho họ kỹ thuật mở đầu các câu hỏi. Với bài soạn và cách tôi nói, tôi đã gây ấn tượng mạnh. Khi nghe tôi kể sơ qua về cách tôi đã tự rèn luyện thế nào, mọi người có mặt hôm ấy rất bất ngờ. Dược sĩ Hoa, sắp đi tu nghiệp bên Mỹ, hỏi tôi để luyện tập riêng cho cô ấy trong khi một số khác xin tôi những tài liệu khác do chính tôi biên soạn.
   Về lại Rạch Giá, nhân dịp gặp một người bạn cũ đang làm việc tại một bệnh viện tư, bàn bạc về việc nói tiếng Anh, tôi mở ra một câu lạc bộ tại một quán cà phê vắng khách. Các vị bác sĩ trẻ, sau khi nghe giới thiệu, vốn có nhiều lý do và mong muốn nói được tiếng Anh, đều không đến dự, không liên lạc với tôi. Thế nên một tuần sau, bạn của người chủ quán, một người đàn bà trạc trung niên- Mai Phương- với tôi lập nên cái câu lạc bộ này. Chỉ có hai người, chúng tôi tha hồ nói, tâm sự, bày tỏ và cả hai đều thấy thư giản hơn, thân thiết với nhau hơn vì có một số điều hơi khó nói ra bằng tiếng việt. Chúng tôi kể cho nhau nghe những suy nghĩ, sở thích riêng tư. Chúng tôi bàn bạc về những chuyện chung của xã hội, chuyện gia đình, con cái. Chúng tôi thay phiên nhau trả tiền cà phê. Chúng tôi trở thành một đôi bạn “nói tiếng Anh.” Mai Phương và tôi đã đồng ý rằng,
    “Sống trên đời này, ngoài những điều thường nhật, những chuyện thường làm, chúng ta còn phải tập luyện, phát triển vài kỹ năng, vài môn nghệ thuật và chúng ta còn phải có người bạn để tâm tình, bày tỏ.”
       Nói tiếng Anh còn có một ý nghĩa to tát hơn thế nhiều. Tôi luôn luôn tin rằng nó còn mang lại tình cảm, sự phấn khởi và sự tự tin. Chẳng phải thế sao?

                                                                         Rạch Giá Jan 30- 2012
                                                                                Thành Xì- TL 71         

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

BỎ THUỐC LÁ

                                    
Hằng tấn tư liệu người ta sọan ra về việc này. Hàng triệu triệu chiến dịch, nghiên cứu, thống kê từ lâu nay về chuyện này. Hàng tỷ đô la đã được dùng trong việc tuyên truyền, báo động, điều trị phản ứng phụ hoặc hổ trợ cho việc ấy. Tôi chỉ có một chữ, một từ để dặn lòng trước khi bỏ thuốc:“nhục”.
    Không nhục sao được khi tôi đã hút từ lúc 9 tuổi, đã thưởng thức cái phê của thuốc Bastos Lux. Tôi đã biết bao nhiêu lần lấy nó làm nguồn cảm hứng, làm kẻ bầu bạn, làm người đối thoại âm thầm khi tôi quá thất chí, quẩn bách, cô đơn hoặc trong những lúc bị shock. Không nhục sao được khi tôi đành uất nghẹn nuốt vào khói thuốc cho đến khi trong đầu tôi quay cuồng, tôi cảm giác lâng lâng an ủi tôi rằng cỏi đời này thật tạm bợ, cái giai đọan tôi đang phải trải qua ấy thật đáng bị nguyền rủa. Nó đáng bị tẩy xóa đi trong ký ức của nhiều người.
Vào giửa những ngày tháng tôi vào đaị học năm 1974, dù đang dốt nát tiếng Anh, không hiểu sao tôi lại nhớ được một câu dài như thế này, “A society is still barbarous when an industrious man can not support himself.”, “Một xã hội còn tồi tệ khi mà một kẻ siêng năng không tự nuôi nổi cái thân hắn.”
Ôi nhục thay một kẻ có bằng ĐH đang làm giám sát cho một công ty Lâm Sản như tôi không thể làm đủ tiền để hút thuốc lá đen!
     Tôi không cảm thấy nhục sao được vì tôi đã bỏ thuốc trước ngày đi lên Bảo Lộc học chỉ vì tự muốn mình là đứa con tốt khi đi học xa. Suốt 3 năm tôi đã thực thi thật tròn vẹn lời hứa ấy của tôi. Điều đó đã khiến cho những ngày tháng của tôi trên BL thêm ý nghĩa, thêm đặc biệt. Tôi có thêm một thành tích trong cái chương dầy về tình yêu tôi dành cho mẹ tôi. Tôi đã muốn tự xứng đáng với cái vai trò làm anh của tôi. Tôi còn muốn cả lớp tôi và nhiều đồng môn khác phải ngả mũ chào thua tôi. Đối với học trò đi học xa nhà, thuốc lá và cà phê tốn rất nhiều tiền. Trên Bảo Lộc, với tôi, hai thứ đó đã chẳng có một ý nghĩa gì.
     Sau ngày 30- 4, tôi đã tự động hút thuốc lại như thể tôi muốn đánh dấu một thay đổi lớn sắp xảy ra trong đời tôi, một chuơng mới trong quyển sách đời tôi. Tôi đã khiến bao nhiêu thằng bạn phải ngạc nhiên khi tôi tự tay mở ra gói thuốc Lucky, châm điếu thuốc một cách thành thục điệu nghệ. Tôi đã dặn lòng, tự ghi nhận rằng, “từ nay ta phải bắt đầu một giai đọan mới, với những cam go, thách thức mới.”
    Khi ở rể, tôi hút thuốc lá ké của ông nhạc gia người có mấy bao thuốc lá ngon được cắt chọn phơi khô từ Phan Rang. Là tay nghiện nặng, ông tự tay cuốn lá và cắt nhuyễn, ngâm tẩm phơi nắng phơi sương như một nhà sản xuất thuốc lá thứ thiệt. Nhưng ông ấy còn phải kiên nể những điếu to tướng tôi đã vấn và cái cuộn khói tôi phì phèo ra.
     Ra riêng, tôi hút thuốc điếu Dalat. Sau khi không kham nỗi 3 gói thuốc Dalat mỗi ngày, để cắt giảm khỏang chi tiêu đó, tôi đã hút thuốc vấn Xuân Lộc, vừa rẻ vừa nặng đô. Càng nhậu, tôi càng hút nhiều. Thuốc càng rẻ, tôi càng hút nhiều. Càng hút nhiều, hai ngón tay tôi càng nhuộm màu nhựa vàng nâu của thuốc. Màu nhựa càng vàng nâu, hơi thở của tôi càng ngắn, các nốt nhạc cao mà tôi muốn hát càng dể bị nghẹn lại. Trong khi bận bịu tập vẽ, hai bàn tay lấm lem vết sơn, dơ bẩn, tôi phải nhờ bà xã tôi vấn giùm một điếu to và bật lửa giúp tôi châm thuốc. Ngày qua ngày, trăn trở, nghĩ suy thế sự chuyện đời, tôi tự biến thành một tay nghiện thuốc thứ thiệt. Một tuần lể tôi đã đốt hết 250 gram thuốc lá Xuân Lộc. Tôi hút như một tay nghệ sĩ hay họa sĩ ngông cuồng nào nó, bất chấp cái tai họa của khói thuốc của chất nicotine và mọi thứ khác.
   Xin mua được những vỏ bao xi măng với giá phải chăng, bỏ ra 14 tiếng vào 2 ngày cuối tuần, tôi đã làm chúng thành những bao giấy đựng đậu, đường- cái công việc tầm thường, ít thu nhập mà dân ở RG này không thèm làm. Hàng tuần tôi bán chúng ra các sạp bán lẻ ngoại chợ. Hơn nửa năm làm,  sau khi bị những cơn ho nặng, tôi đã nhận ra bụi xi măng và khói thuốc đã làm tôi viêm họng nặng. Nhưng để bỏ thuốc ư? Tôi phải có cái gì để lấy lại chứ. Để bỏ công việc làm cho một công ty ư? tôi phải sẳn có một việc khác trước chứ?
Cái máy Canon dam cũ kĩ của Phượng cho tôi có thể giúp tôi chuẩn bị bỏ việc. Còn cái gì giúp tôi bỏ thuốc thì vốn nằm đâu đấy trong máu trong tim  của tôi rồi. Một tay chăm chỉ tháo vát hà tiện có vợ 5 năm rồi mà không thể có nổi một khỏan dành dụm để sinh một đứa con. Cái số tiền lương 50 đồng/tháng chỉ đủ cho 40 phần trăm tiền hút thuốc của tôi đã khiến tôi tự hỏi 5 năm nay,
“Ta còn đáng hút thuốc nữa hay không?”
“Ta có quyền, có tiền để trả cho 60 bao thuốc lá đen hằng tháng không?”
“Ta không cảm thấy nhục khi bị họ đối xử như thế sao?”
Sau nhiều lần tự vấn, tôi đã tự tìm ra câu trả lời:
“Ta không đáng cầm một điếu thuốc nào nữa cả. Từ khi thành đàn ông, từ ngày qua làm cho một công ty Lâm Sản, chưa bao giờ ta cảm thấy hạnh phúc, hài lòng hoặc ít nhất là vui vẻ. Chắc chắn ta phải làm một điều thay đổi lớn, một quyết định lớn. Và đó chắc phải là việc bỏ thuốc.”
    Lần lựa một vài lần, vào sáng sớm ngày 25 tháng 8 năm 1985, trên đường đạp xe đi làm, với chữ “nhục” trong đầu, tôi đã đơn giản chính thức bỏ thuốc, một trong những điều tôi luôn tin tưởng: “Anything is possible.”
                                            Rạch Giá Aug 19, 2012



Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

ĐOẠN CUỐI CỦA NHỮNG MỐI TÌNH

                      

    Thật đáng kể ra đoạn cuối của những mối tình cái sẽ đóng góp vào những chuyện đời thường, vào làng văn chương của nhân loại.
     Sau khi dang dỡ, người ta thường trách cứ, thắc mắc, oán hận và thậm chí còn trả thù nhau. Có kẻ thì tạ ơn người tình cũ vì chính họ học được, hiểu ra nhiều điều. Họ mạnh mẻ hơn, sáng suốt hơn và nhất là họ sống với nhiều hạnh phúc hơn như hoặc ngược lại. Có biết bao nhiêu là phim ảnh, sách báo, thơ ca, nghiên cứu, vụ án, kiện tụng và thậm chí là chuyện tếu, giai thoại về những đoạn cuối này.
     T.V đã tạo ra một đoạn cuối như nhiều người phụ nữ đã làm, âm thầm lập gia đình. Sau 5 năm, cố tình tìm gặp Phúc Lùn- một bạn NLS Bảo Lộc- để tìm ra địa chỉ của tôi, nàng viết thư thăm tôi. Trong những bức thư ấy, có một đoạn rất đáng kể,
“Em mong có dịp anh về Cần Thơ. Anh nhớ ghé thăm em và con.”
“Em và con!” tôi thản thốt kêu lên.
Chỉ với vài chữ thêm vào nữa, tôi có thể mất mạng như chơi. Một bức thư khác đã khiến tôi lo lắng mất ăn mất ngủ vì nàng viết như thế này,
“Chồng em đi bộ đội, hiện đóng quân bên Phú Quốc. Em muốn anh đưa em đi thăm anh ấy.”
May thay chuyện nàng đi thăm chồng đã không diển ra. Thật ra không ai đọc được cụm từ: “thăm em và con” cho nên tôi bình an vô sự. Nhưng tôi, 3 năm sau, đã ghé thăm nàng …với bà xã tôi sau khi chúng tôi về từ Đà lạt ngày cuối trong 2 tuần trăng mật. Buồn cười thay, trong ánh đèn dầu, nàng chụm đầu vào tôi xem hình đám cưới, hỏi chuyện về gia đình tôi như một người em. Một lúc sau, bà vợ tôi vì thẹn thùn phải tìm cách tránh mặt.
    Năm 1983, chia tay với N.N xong, tôi trở thành anh nuôi của nàng. Cùng với, chị, hoặc cháu, nàng đã xuống Rạch Giá 4 lần để đi thăm người anh hai, tù vượt biên. Nhà tôi là địa chỉ duy nhất mà nàng có thể ghé lại. Vài lần lên SG, tôi ghé thăm má nuôi của tôi và dĩ nhiên là có gặp nàng. Theo cái cách Tây phương, bà má tôi bảo chúng tôi đi ra ngoài chơi. Trong lúc uống cà phê, “cô em nuôi”, mỉm cười, hỏi tôi một câu rất tự nhiên,
“Hey, Sao you có vợ sớm quá vậy?”
Tôi phải giải bày tâm sự cái mà lẻ ra nàng cũng đã tự hiểu được.
Trong một dịp thật riêng được đối ẩm với người cha nuôi, tôi đã hỏi ông một câu cũng rất kể ra đây,
“Thưa ba! Việc con có vợ ở Rạch Giá có làm ba buồn không, ba?”
Có ai ngờ rằng ba nuôi của tôi, sau khi cạn một chun rượu thuốc, đã trả lời tôi rằng,
“Ba thấy con có phước mới không phải lấy nó đó.”
Ba năm sau, thay mặt mẹ, nàng đã viết thư mời tôi lên dự một tiệc chia tay và sáng hôm sau chia tay nàng với ba má đi định cư bên New Zealand. Trong thư, có một câu ngắn ngọn: “đừng cho vợ anh biết.”nhưng nàng vô tình- hay cố ý- đã gây ra trong lòng bà xã một ấn tượng rất xấu.
   Ngược lại với nhiều dự đoán, B.V đã gọi điện để cảm ơn cái truyện tôi đã viết bằng tiếng anh có tựa đề: B.V. Đó là lần đầu tiên chúng tôi trò chuyện với nhau sau 27 năm sau ngày ra trường. Sau đó, tại SG, sau khi được con cô gái dịch rõ nghĩa hơn, hai mẹ con nàng gọi tôi lần thứ nhì. Có một câu nói- dù với ai đó là khá bình thường- đáng để tôi lưu lại suốt đời,
“Thế hồi đó sao anh không nói?”
Từ đáy lòng, tôi cũng đã trả lời một câu đáng được người đời ghi lại,
“Chỉ vì anh muốn giữ những hình ảnh của B.V. đẹp mãi như một bức tranh.”
Có cơ hội hỏi chuyện “người dịch truyện”, tôi hỏi cô con gái của B.V,
“Trong truyện B.V, đoạn nào cháu thích nhất”?
“Cái đoạn bác đang nằm nghỉ trưa trên bải cỏ khi mẹ cháu từ Hoàng Hoa Lộ rẻ vào. Nhìn thấy mẹ cháu đi đến, bác muốn biến mất để hai người không phải thẹn đỏ mặt.”
   Ôi thật đẹp biết bao những kỷ niệm thời đi học! Ôi thật đáng yêu quý những hình ảnh đẹp trong lúc cắp sách đến trường. Ôi thật đáng nhớ những ánh mắt, những cái gật đầu chào nhau thật nhẹ, những tà áo dài nâu. Ôi thật đặc biệt các con đường, các buổi sáng mù sương, các buổi chiều mưa phùn. Ôi thật dể đi vào lòng người những tình khúc mà trong đó các nhạc sĩ viết rất nhiều về cái đoạn cuối ấy nhiều đến nổi không có một thư viện nào chứa hết được.
“Nàng em hởi! con đường em đi đó, con đường em theo đó, đúng đấy em ơi!”
“Tội nghiệp quá xây những lâu đài cát mơ…”
“Em đi qua đời anh, không nhớ gì…sao em?”
Họ cũng đặt nhiều tựa đề: “Niệm phút cuối”, “Lời cuối cho một cuộc tình”. Có vô vàn những bài hát tiếng Anh với: “The end of a love affair” ai cũng có thể tìm thấy trên Google.
   Như những đoạn cuối thật bất ngờ trong đời, mối tình của tôi với Y.T cũng thế. Sau khi xa cách nhau, tôi viết thư qua đảo thăm nàng. Có tin đồn rằng tin nàng về nước vài lần, nhưng tôi chưa nghe nàng gọi. Bổng một hôm, tôi có cuộc gọi của một cô bạn học cũ,
“Có người muốn nói chuyện với anh nè. Anh biết là ai không?”
Tôi đoán trúng ngay người muốn gọi tôi. Sau 15 năm, tôi mới có dịp trò chuyện với nàng. Nàng sau đó gởi tôi một bưu thiếp trong chuyến holiday nước ngoài với ông chồng ngoại. Quý thay cái tình cũ nghĩa xưa! Quý thay cái nghĩa bằng hữu!
Về đến nhà xong, nàng mail ngay cho và hàng ngày chúng tôi trao đổi mail như kiểu một thẩm phán tra hỏi nột nghi phạm. Tất cả thắc mắc, dày vò, đau khỗ, trách hờn của nàng được tôi giải trình như một bị cáo tự bào chữa. Xong chuyện xưa cũ rồi, nàng kể tôi nghe những gì xảy đến trong cuộc đời nàng. Tôi thật lòng khâm phục người chồng hiền hậu, rộng lượng, chìu vợ đó. Trong về chuyến sau đó, đi gần đến đây, nàng có gọi tôi. Đâu ai ngờ rằng nàng khéo léo bảo bác tài xế chạy chậm ngang nhà tôi để… “biết đâu tình cờ nhìn thấy tôi”- theo lời của nàng. Tại hotel, nàng nhờ người gọi tôi ra đó để uống nước trong chốc lát để gặp tạn mặt tôi. Thật đáng để tôi quý mến. Sau khi dạy xong, tôi đến nơi hẹn thì mới hay nàng và ông chồng tây lên phòng rồi. Tôi gởi quà lại cho receptionist. Về Mỹ lần này, nàng mail như hai người bạn học cũ, thân thiết. Vặn hỏi tôi chuyện tương lai, sau nghe tôi kể về cái mong muốn đi học Thạc sĩ giảng dạy trên SG, nàng tán thành và để góp sức nàng đã tự nguyện gửi tặng tôi một số tiền mà tôi cất giấu như một báu vật. Biết nàng sống khá buồn tẻ, ít có việc để làm, tôi đã gửi truyện để nàng dịch hoặc hiệu đính giùm tôi. Sau bao hơn 30 năm cách trở, chúng tôi trở thành bạn của nhau.  
   Trên SG, tôi vật lộn kiếm chỗ dạy, kiếm tiền để chờ ngày nộp đơn đi học. Thoạt đầu, nàng không có vẻ mặn mòi với những gì tôi đang phải trải qua và tôi không có chút nào mong mỏi từ nàng cả. Cứ vài ngày, tôi có mail của nàng. Nào là những clip tếu, nào là những địa chỉ tự học Anh văn, nào là những hình ảnh nàng đi chuyến dài ngày với chồng, nào là những tấm hình “cháu nội của nàng” gốc Đức-Mỹ và trong tất cả những mail đó và dự tính mở một trang web về trường cũ. Không có ai đo được bao nhiêu tình bạn nàng đã đặt vào trong đó. Đến khi nhận được tin tôi dạy một lớp tại trung tâm ngoại ngữ của ĐH Ngân Hàng trên Thủ Đức ngay sau trường cũ, nàng vô cùng thán phục tôi. Biết tôi sau khi dạy 12 tiết một ngày, tối về phải dịch bài gấp cho một công ty với thằng con trai đến nửa đêm, nàng thật lo cho sức khỏe của tôi. Vừa được mail tôi, nàng lập tức trả lời. Tôi chớm vui mỗi khi có clip nào nàng forward cho tôi. Vì tôi chưa hề viết câu nào than với mẹ tôi trong suốt ba năm trên Bảo Lộc cho nên tôi cũng chưa than vản với nàng bất cứ điều gì. Vài ngày liền nàng cứ vặn hỏi thẳng xem tôi cần gì để nàng có thể giúp đở. Lo ngại cái laptop cũ của tôi bị hư bất ngờ, tôi đắn đo trả lời,
“I just need a second-hand laptop”
“Anh chỉ cần một cái laptop cũ.”
   Lần đầu tiên bằng tiếng Anh, nàng mail trả lời gọn ghẽ như thế này,
“NO, I CAN’T HELP YOU.”

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

CÁI KHÚC RUỘT KHÌA

   Tôi chỉ làm một khúc ruột khìa rất ngắn cho ba tôi nhâm nhi với hai chai bia buổi trưa đó nhưng điều đó có thể chứa đựng một khúc tình ca dài dằng dặt âm thầm và cho đến tận bây giờ.
      Một lần, từ Sài Gòn xuống do công việc khá trể, ông ghé lại nhà. Biết chúng tôi và tôi đã chưa ăn cơm, ông đưa hai anh em tôi đi ăn ở quán Vĩnh Ký nỗi tiếng ở miền tây. Làm sao tôi quên cái hạnh phúc, cái vinh dự, cái ý nghĩa của buổi ăn tối hôm đó. Trên xe lôi máy, trong hai chiếc áo sơ mi ngắn tay cũ kĩ, quần xà lỏn đón gió mát mẻ, chúng tôi sướng hơn bao giờ hết. Chúng tôi vênh váo nhìn quanh xem có ai nhìn thấy chúng tôi không. Với mọi thằng trang lứa khác, lúc ấy có ai hạnh phúc như anh em chúng tôi.
   Mì xào dòn là cái món đầu tiên ba tôi gọi. Nó cũng làm món đầu tiên tôi biết ăn. Mỗi sợi mì giòn khứu ấy như là mỗi lần ông âu yếm tôi. Ông chỉ gắp vài miếng gan để nhâm nhi với ly bia. Phần còn lại hai anh em tôi chia nhau đến khi cái đĩa sạch bóng. Biết tụi tôi chưa hề biết đến món rùa, ông gọi “rùa rang muối”. Phần thịt thơm lừng bốc khói là của ông. Ông gắp các trứng rùa vào chén cho hai đứa con trai lớn của ông ấy và chắc ông không bao giờ nhớ. Em trai tôi có khi nhớ lờ mờ thậm chí đã quên cái món ăn đó, còn tôi thì không bao giờ tôi có thể quên được.   
    Ba nuôi của tôi đã kể lại rằng hằng năm hai ông bà đưa các con đi chơi cho đến mức chúng nó năn nỉ được đưa về. Trong hành trình dài ngày đó, ông bà cho các con ăn nhiều đến nỗi chúng ngán ngẫm ê chề phải lén trúc bỏ đi. Hằng ngày dượng bảy, chạy xích lô máy, mua thức ăn về và tối đến chở 5 đứa con đi ăn hàng ngoài chợ. Chú Hải cạnh bên nhà rất thường chở hai thằng con trai lớn đi ăn sáng hoặc ăn chiều. Nhiều người cha khác luôn mang về nhà những món ngon vật lạ. Cha tôi thì không. Sau khi chia tay nhau, ba mẹ tôi không hề nói với nhau nửa lời.
   Có lẻ vì cuộc mưu sinh của ba tôi quá đổi khắc nghiệt khó khăn. Có lẻ 4 đứa con riêng của ông với người vợ hai đã chiếm mất hết sự yêu thương chăm sóc của ông rồi chăng? Có lẻ cuộc chiến tranh lạnh lâu dài giửa hai ông bà đã khiến ông tin rằng chúng tôi âm thầm theo phe mẹ, phe nghịch! Ông chắc tự nghĩ rằng là con lớn, tôi sẽ phải cố quên ông đi như cái cách mẹ tôi từ nào đến giờ đang làm.
    Thương mẹ, không thể để cảnh nhà trống trải, bề bộn, tôi quán xuyến việc nội trợ như một trưởng nữ giỏi dang có trách nhiệm. Hàng sáng mẹ tôi phát 2 đồng để đi chợ nấu ăn cho cả nhà. Dù chị tôi ít ăn cơm chiều nhưng không khi nào tôi không chừa thức ăn cho chị tôi cả. Để tôi không phải nấu dư cơm, không phải chừa thức ăn cho bà. Mẹ tôi thường nhắc tôi,
“Bửa nay má đi làm ca đêm nghen.”
    Do cái affair của ông không thể đều đặn. Ba tôi phải ngụ lại Cần Thơ qua đêm hay chỉ có một đổi. Hôm ấy, ba tôi ghé lại lúc sáng sớm, sau khi mẹ tôi đã đi làm. Tôi hỏi ngay,
“Chừng nào ba về vậy ba?”
Ông ta buộc miệng cầu nhầu mà không thèm nhìn xuống tôi,
“Chờ “tụi nó” gom tiền chắc tới chiều tối mới xong.”
Ông rút được một số thuốc xịch muỗi và các loại hóa chất diệt côn trùng khác của đơn vị- Quân Y Viện Cộng Hòa. Khỏang một tháng ông ta chuyển cho các tiệm thuốc trừ sâu ở Cần Thơ bằng xe đò Hiệp Hưng quen thuộc và rồi chính ông phải xuống để nhận tiền. Tôi hiểu ông không hài lòng “tụi nó” vì phải chờ. Tôi cũng hiểu ra rằng trưa nay tôi phải cố làm một điều gì đó cho ông vui, rằng ông ta phải ở lại đây qua buổi trưa. Tôi hình dung ngay đến việc mua cho ông hai chai bia Larue khổ lớn- cái gu của ông và nhất là tôi phải làm cái gì cho ông ấy nhâm nhi. Trong túi tôi chỉ có số tiền đi chợ ấy, 2 đồng. Trong nhà không có sẳn một món gì cho bất cứ ai ăn thêm, đậu phọng, một vài con khô, một nhúm tôm khô, một ít củ kiệu…Tôi nhủ thầm,
“Trong khi ra chợ, ta chọn cái thứ gì ngon miệng, rẻ tiền cho ba nhắm trưa nay mới được.”
Đi chợ hơn nửa năm nay tôi biết giá gần hết giá của các loại thức ăn thông thường. Các bà bán hàng cũng nhẳn mặt cái thằng nhóc con, mặc quần xà lỏn đen, cái áo sơ mi ngắn củn cởn, tay cầm cái túi “bàn”. Cả hai phía đều thông cảm nhau. Tôi không kêu ca mắc hay rẻ. Tôi tự nhủ,
“Chả nhẻ mấy dì mấy bác ấy bán mắc cho mình?”
Tôi chưa bị mẹ tôi rầy la vì mua món này thiếu, món nọ bị cân non,
“Chẳng lẻ nào mấy bác ấy cân thiếu khi bán cho thằng nhóc như ta 1 lạng thịt hay 3 lạng đậu hủ hay sao?”
   Hôm ấy tôi ra chợ với một tinh thần khác biệt, mua một món đồ nhắm cho ba tôi. Mặt mài tươi tỉnh, tôi hỏi bà Chín Mập,
“Bác ơi, một người ăn chừng bao nhiêu gram ruột khìa vậy bác?”
Bà Chín bật cười,
“Bà lủm một kí mới vừa bụng lận con trai.”
Tôi thộn mặt ra,
“Dạ không đâu. Ý con là để nhâm nhi một mình há.”
Vừa kéo cái dao chặt thịt dầy mo vào thanh thép mài nghe rợn óc, bà hỏi lại,
“Cho ai nhấm vậy con?”
“Dạ cho ba con.”
Buông cây dao xuống cái thớt thịt,
“Mèn đét ơi. Thôi con cầm cái khúc ruột ngắn dư này nè về đi. Biết phải làm sao không?”
Bà Chín trỏ tay về phía quầy bán đồ gia vị và căn dặn tôi mua mỗi thứ một ít thôi và hỏi người bán cách khử mùi, cách “ướp” cho vừa thơm và vừa miệng.
Mừng rở vì không phải tốn tiền, tôi nói lia lịa,
“Dạ cảm ơn bà Chín. Con về hỏi Dì Út kế bên nhà. Con làm được mà.”
    Hăm hở vui vẻ trên đường về, tôi nghĩ đến việc ba tôi vừa uống một ngụm bia, vừa nhai ngon lành khúc ruột khìa thơm lừng vừa miệng đựơc tôi đặt trên cái đĩa kiểu vừa, với những lát dưa leo mỏng sắp chung quanh và vài khoanh cà chua đỏ thắm.
     Hai anh em tôi sẽ vui lắm đây. Hôm nay ba tôi ăn cơm ở nhà và hôm nay ba tôi không hề “kèm nhèm” gì về mẹ tôi cả.
   
                                                          Rạch Giá, ngày 27- 8- 2012
                                                                                        Lương Ngọc Thành



Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

LỜI HỨA ĐẦU NĂM

                                            

       Trước thềm năm mới, người Việt hay Mỹ, ở Việt Nam hay ở tại Hoa Kỳ, đều có những quyết tâm, hứa hẹn, quyết tâm chuyển biến trong năm mới. Vì nhiều lý do khác nhau, chính họ nuốt lời hứa và hằng năm họ lập lại cái điệp khúc này. Vào cuối năm 1987, tôi đã có một quyết tâm và tôi đã hoàn toàn thực hiện được.
      Bắt chước công vịêc của Khuê Bầu TL-73, làm lịch bên Cần Thơ, để làm bớt đi cái nghèo khổ đeo đẳng và để chứng minh với đời rằng một học trò Nông Lâm Súc có những tài mọn và biết cách biến chúng thành nghề phụ, tôi đã quyết định làm 100 tấm lịch. Tôi trước đó hỏi xin thằng Khuê một khung cưa lọng. Nó còn hào phóng cho tôi luôn một lố lưỡi cưa. Nhân khi bà chị vợ đi công tác trên Đà lạt, tôi đã nhờ bả hỏi Cậu Doãn mua giùm tôi 100 miếng ván thông mỏng 2 mm khổ 20-40 cm để tôi cưa chữ “Chúc mừng năm mới”- công đoạn khó nhất- một thách thức lớn nhất với ai làm nghề này.
    Không có ai phụ hoặc chỉ dẩn, không có một ngân quỹ gì, không có thì giờ làm chính thức, không có kinh nghiệm trước, không biết cưa lọng, tôi chỉ có mỗi cái ý chí, niềm tin, “Làm để học.” và“Tạo tiền để sống”. Với chữ “Nhẫn” to tướng trong đàu, đúng vào sáng sớm ngày 1-8-1987 tôi đã bắt đầu làm lịch. Ngày ngày vẫn đi làm từ 6:30 giờ sáng đến 5:30 chiều, tôi làm việc vào buổi tối. Công việc của một giám sát công trình của tôi khiến tôi phải đi làm khá đúng giờ, về đúng giấc. Hằng ngày việc ghi chép, theo dỏi, mục kích các thay đổi kết cấu hoặc các số liệu đã khiến tôi mệt nhoài.
    Những buổi tối trước đây, tôi phải dành thì giờ để đọc hiểu bản vẽ, các thông số, quy định, chỉ số kỹ thuật trong ngành xây dựng. Vào tối hôm ấy, tôi tập cưa lọng. Chú tâm hết mức vì chỉ có ngần ấy lưỡi cưa, tôi đã rất vất vả. Đến 11 giờ, tôi đã làm gãy 3 lưỡi sau khi đã cưa được 3 bộ chữ. Tôi kêu bà xã tôi giăng mùng để tôi không còn bị lũ muỗi quấy rầy. Ngồi trong mùng, tôi cưa tiếp tục được hơn 11 bộ chữ khi trời gần sáng.
     Tôi phân chia làm hai loại lịch: loại bằng nền ván, loại kia bằng nền giấy carton. Tôi phải làm đơn xin mua gỗ tạp và xẻ mỏng 3 mm, khổ: 32-45 cm. Trong khi tôi và nhiều công nhân ở cái Công Ty Lâm Sản đấy biết là “họ” từng biếu không hoặc bán rẻ cho các xếp trong ngành Lâm Nghiệp hay trong tỉnh 3 khối gỗ tốt cất nhà, họ bác đơn xin mua 2 tấc gỗ tạp của tôi với lời giải thích là:
“Bán gỗ tạp cho một nhân công sẽ mang tai tiếng lắm.”
Tôi đành phải đi mua gỗ cây gòn của một khách hàng người rất xa lạ với tôi. Có thế tôi mới thắm thía cái chuyện đời, cái bất công, cái giả dối trân tráo không có trong sách vỡ. Ván được tôi chà phẳng, hong khô, phơi, sơn lót và rồi sơn lót nền. Carton được tôi thay bằng các miếng vách thùng giấy để hạ giá thành. Tôi phải đạp xe đi lùng tìm mua các thùng giấy bỏ đi. Nền tấm lịch là một trong yếu tố chánh trong việc làm lịch. Tôi chọn sơn nền đỏ cho lịch gỗ và nền vàng cho loại lịch nền giấy carton. Trong một chuyến đi Sài Gòn, tôi tìm ra một cơ sở in còn lưu khoảng 50 hình “Phước Lộc Thọ.” Tôi chọn ngay đó làm đề tài cho loại lịch nền giấy. Từ quyết định ấy, tôi nghĩ ra thêm những đồng tiền phải được thiếp vàng.
Bên phần lịch nền gỗ, tôi tìm thêm mẫu “hoa hồng”, “ông thần tài” và “phi mã”.
Từng chiều tối, mỗi sáng sớm, mỗi giây khắc, kể từ ngày bắt tay làm lịch, tôi dồn hết tâm sức vào mục đích tôi đã vạch ra. Nếu tôi đã làm chủ bản thân tôi trong 5 năm học Nông Lâm Súc, nếu tôi đã vác cây thang tre dài 5-6 mét đi vẽ bảng dạo ở Rạch Giá được và nếu như tôi đã cầm cái máy chụp hình cũ kỹ trên tay đi chụp dạo được, tôi cũng có thể làm được một trăm tấm lịch đấy thôi. Không một giây nào tôi đã bỏ phí như tôi đã không hề phí một giây phút nào để học trên Bảo Lộc. Một vài ngưòi hàng xóm đến hỏi tôi cho con em họ đến phụ việc hoặc học nghề. Tôi phì cười và bảo với họ rằng:
“Thì tôi cũng đang học nghề đấy thôi.”
Từ các ý tưởng, phần việc được tôi sửa soạn trước, tôi bắt đầu công đoạn hoàn thiện vào ngày 15 tháng 10, 1987. Căn nhà lá nhỏ ẩm thấp tôi đang ở nhờ, nơi Phạm Đức Ngân và Huỳnh Thiên Tài đã từng ghé thăm, bổng trở thành một xưởng sản xuất lịch. Hai màu vàng đỏ phủ kín các màu khác trong nhà. Các hình nền lịch phủ đầy đầu óc tôi. Các chi tiết lớn nhỏ trùm kín cái đầu tôi. Các chữ bằng gỗ thông được tôi cưa nhẹ nhàng nhanh chóng như một thợ chuyên nghiệp. Các nét viết là tre chữ “kính tặng” hoặc “kính biếu” được tôi cưa nhuyễn đến độ các khách hàng sau này tưởng rằng tôi có một thợ cưa giỏi. Tôi không nói chuyện này với ai. Tôi không tuyên bố kết quả này với ai. Tôi cũng đã không nhờ vả ai về bất cứ phần việc gì. Đến lúc những tấm lịch đầu tiên được hoàn thành, tôi mới thật sự có những giấc ngủ ngon, dẫu cho đó là những giấc ngủ rất ngắn: 3 giờ mỗi ngày. Chủ nhật là ngày tôi làm việc 19 giờ một ngày. Hai việc khó làm ấy chỉ có khó đối với ai đấy thôi; chứ với tôi đó là “điều bình thường.”. Tôi luôn tự hỏi:
“Chẳng phải ta đã từng học 19 giờ trong những ngày chủ nhật trên Bảo Lộc đấy sao? Chẳng phải ta đã ngủ 4 giờ hàng ngày trong năm học lớp 12 đấy sao?”
Tôi tự làm phép so sánh và tự dặn lòng:
“Nếu ta đã từng ôm một chồng sách từ nhà trọ vào trường học hàng sáng chủ nhật để học, thì ta sẽ ôm một chồng lịch đi bán được đó thôi.”
Cái khó khăn nào cũng có nỗi vui do nó mang lại. Chồng lịch đầu tiên-10 tấm- tôi ra lò vào ngày 3 tháng 11. Trên đường đi làm, tôi hân hoan, tự tin khi ghé lại một sạp báo ở Rạch Sỏi để ký gởi. Cái giá bán hơi thấp tôi đưa ra khiến họ nhận ngay. Niềm vui của tôi hôm ấy không có bút mực nào diển tả được. Từ hôm đó nó luôn lộ trên gương mặt tôi- vốn có vẻ khó khăn gay go. Tôi tăng tốc để sớm đưa các tác phẩm đầu tay và cũng là duy nhất của tôi ra thị trường. Ngoài các gia đình quen biết, tôi đã đến từng sạp báo, nhà sách ở Rạch Giá và tôi đã ra về với một niềm tự hào rằng họ sẽ bán hết cái sản phẩm chính tay tôi làm ra. Tôi làm hết sức mình để đúng hẹn, để làm vui lòng chính tôi, để làm một cảnh báo với thiên hạ rằng:
“Dân Nông Lâm Súc tụi tôi có thể làm bất cứ điều gì chúng tôi muốn.”   
Tôi đã bán sạch 100 tấm lịch trước ngày 22 tháng 12 năm 1987. Lợi nhuận không đáng kể, nhưng tôi thu được một lợi ích không có gì có thể sánh được, những bài học không có thầy cô nào có thể dạy được: lòng tự tin. Tôi tin vào chính hai bàn tay tôi khéo léo, trái tim đầy ắp máu nóng và khối óc minh mẫn của tôi. Tôi tin vào những gì tôi đã dầy công tập luyện. Tôi tin vào luật nhân quả. Tôi tin vào cái khả năng mà chỉ có học trò Nông Lâm Súc mới tin: “Muốn thì được.”, “Chơi tới bến.”
Hơn những ích lợi thông thường mà ai cũng có thể nhận ra được, tôi được má tôi lo lắng và thương tôi hơn. Bà khoe với hàng xóm rằng tôi có thể kiếm được nhiều tiền lắm và quan trọng hơn là  tôi nhờ như thế mới làm cho bà lên chức “Bà Nội” được.
    Những năm sau đó, những quyết tâm, hứa hẹn đầu năm của tôi là: làm ra 100 phiên bản một bức tranh đẹp để bán, tập chụp hình và làm thợ chụp hình, vẽ bảng hiệu, học Anh Văn rồi thành thầy giáo. Theo một chuổi những thành tựu đã đạt được hàng năm, tôi đã làm tròn lời nguyện ước lớn lao của đời tôi: “Đứa con hiếu thảo.” và cái nguyện ước lớn thứ hai: “Người cha có trách nhiệm.”

                                                                            Rạch Giá 21-12-2012
                                                                                                            Lương Ngọc Thành