Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

MỘT LẦN NÓI DỐI.

                                  

     Từ bưu điện bước ra trong cái nắng sáng ấm áp của tháng ba, tôi thấy nao nao lạnh lẻo như thể tôi đang thui thủi về một mình trên đường vắng mùa rét mướt.
     Mẹ tôi chắc phải nhờ ai đó đọc ra cái nội dung bức điện với một số chữ được viết liền nhau khó hiểu mà tôi vừa gửi về khi mà bà có qúa nhiều việc, quá nhiều điều lo toan, quá nhiều khỏan chi tiêu, quá nhiều khách đến với bà ngày hôm đó- đám cưới của chị tôi. Một cơn giông bất ngờ vừa làm sập cái lều thật to vừa được giăng lên giữa sân nhà làm cho mẹ tôi thêm rối rắm. Ngoại tôi và người mợ vừa từ Sài Gòn xuống không làm gì hơn là loay hoay bên cái hàng ba vừa hẹp vừa cao. Mẹ tôi òa khóc,
“Trời ơi.”
Nhưng trời chẳng giúp được gì cho bà lúc đó cả. Nếu tôi, thằng con trai lớn trong nhà, có mặt lúc đó, chắc chắn tôi sẽ làm mẹ tôi ít khóc hơn hoặc tự tôi xoay xở để làm cho bà yên tâm ngay. Đám cưới của chị tôi đâu phải chỉ có mỗi cái chuyện cái lều to đó. Mẹ tôi chắc còn phải khóc to hơn khi bà nghĩ đến tôi, đến sự can thiệp, đở đần công việc, quán xuyến mà tôi từ lâu nay đã chứng tỏ, từ bửa tiệc chia tay tôi đã tự lo cho đến việc quét dọn lau chùi 2 cái trang thờ trên gác nhiều năm nay. Từ chuyện nấu ăn hằng ngày từ năm tôi 11 tuổi, cho đến việc tôi trùm mền chiếc Honda SS-67 sau khi tôi ngưng theo cái nhóm “đi xe gắn máy” để theo nhóm “nhóm chơi bóng rổ”. Từ việc tôi có làm chuồng gà để có điểm “thực hành nông trại” cho đến việc tôi dùng số tiền bán trứng để mua thức ăn khô về tự pha trộn để duy trì cái chuồng đó gần một năm sau. Từ việc tôi chỉ xin một lon gạo để đóng góp vào bửa cơm ngày mai trong những ngày tháng chúng tôi làm lúa, phải ngủ lại ban đêm để “lo việc đồng áng” tại trường NLS Cần Thơ cho đến việc tôi tự động theo nhóm “đi học trên Bảo Lộc.”. Từ việc tôi nhận đúng 5 ngàn đồng trong suốt đệ nhất lục cá nguyệt cho đến khi tôi về tết tôi đã không xin mẹ tôi một khỏang tiền nhỏ nào để đi ra ngoài hoặc tiêu xài. Mọi việc tôi đã làm là một bằng chứng sống động cái vai trò của tôi trong gia đình, chổ dựa, người phụ tá đắc lực của mẹ tôi trong những lúc bà gặp chuyện khó khăn.
   Tôi chưa hề làm cho ai phải khóc. Tôi rất sợ phải làm cho ai đó buồn. Tôi tôn trọng những tình cảm của bất cứ ai tôi tiếp xúc. Tôi nhớ hoài những khi Hồng Hạnh kể cho tôi nghe về chàng bạn trai hút thuốc Pall Mall của nàng. Tôi im lặng nuốt tọt vào lòngnhững lời than thở của cô giáo Thủy, hay của chị Hoa Trang. Tôi nhận ra gần hết cái khổ của mẹ tôi khi bà vừa kể cho tôi nghe về việc em tôi vừa gây ra hay một vụ cải cọ với ba tôi.
   Tôi mong sao mọi người có niềm vui, hạnh phúc. Tôi ước sao thế giới này không có sự tỵ hiềm, ganh ghét nhau. Trên đời này không còn có sự dối trá lừa gạt nhau và đời mẹ tôi không còn có bất nỗi khổ nào nữa cả. Vậy mà tôi đã quyết định không về dự đám cưới. Vậy mà tôi đã vừa gửi về nhà bức điện tín như thế này,
“Bận học quân sự học đường con không thể về được. Con chúc anh chị trăm năm hạnh phúc.”
Tôi đã nhẩn tâm nói dối mẹ tôi. Tôi đã làm một luật sư tự bào chửa cho cái tội lỗi tôi vừa gây ra. Tôi không phải học quân sự. Tôi có thể xin phép nghỉ học để về Cần Thơ vì có việc rất đáng. Nhưng tại sao tôi đã làm như vậy.
   Khỏang 24 giờ trên đường đi về và mất đi khỏang một phần tư khỏang tiền hàng tháng là một mất mát tôi cho rằng quá lớn. Đổi lại tôi làm được gì trong ít thời gian tôi có thể lưu lại tại nhà. Trong ngày ấy thế nào ba tôi cũng có mặt. Trong ngày ấy thế nào ba má tôi cũng có chuyện để gây gổ nhau. Trong ngày ấy, bên chồng của chị tôi thế nào cũng nghe ba tôi tố khổ mẹ tôi. Và trong cái ngày đặc biệt ấy của chị tôi, thế nào ba tôi cũng sẽ phải cho chị một số tiền khi chị tôi “lạy xuất giá” nhưng ông ấy lấy đi của chị tôi nhiều thứ khác mà tiền bạc không thể thay thế được. Ông ấy có thể chê bai điều này. Ông ấy cũng có thể xuyên tạc chuyện khác. Cái nhà lá tềnh tòang ông ấy đã để lại khi rời gia đình theo người vợ hai ra Quy Nhơn nay trông rất khác biệt. Căn nhà nhỏ, gác gỗ dài, hai phòng ngủ, bếp rộng, có hồ nước, trông ngăn nắp khá đẹp mắt ấy đã do chính tay mẹ tôi tạo nên. Cái gì ông ta nhìn thấy trước khi ra đi nay hòan tòan khác biệt. Má tôi nay có một nghề, dẫu cho đó chỉ là nghề lao công vất vả. Chị tôi đang làm cho ICCS- nay có chồng. Em tôi, thằng Tài, con út, đã bỏ học và hiện giờ thành một thằng du côn. Còn tôi ư? Thằng Tèo ốm yếu ngày xưa học tiểu học nay vừa trở thành một thằng học sinh lớp đệ tam ban Thủy Lâm ở cái trường có tiếng với một tướng mạo như một thanh niên đỉnh đạc. Tôi đang học ở cái nơi cách Cần Thơ gần 370 cây số. Trong giòng họ nội, có lẻ tôi là người duy nhất đang học trung học. Trong ngày ấy, lẻ ra phải có nhiều sự giúp đở từ phía nội tôi hay của chính ba tôi. Nhưng tôi đóan rằng chỉ có ba tôi về dự và chỉ có ba tôi là người khiến cho mẹ tôi khóc mà thôi.
   Tôi đã không về vì tôi không muốn nhìn thấy những chuyện tôi không muốn thấy. Tôi đã không về vì tôi không muốn nghe những chuyện tôi không nên nghe. Tôi đã không về vì tôi không muốn chính tôi phải khóc vì tủi hổ, vì thương mẹ, vì tội nghiệp cho chị tôi và vì mắc cở với bên chồng củc chị tôi từ Biên Hòa xuống. Tôi đã không về vì không muốn nỗi buồn âm thầm kéo dài nhiều ngày ấy làm ảnh hưởng đến việc học của tôi hàng ngày. Tôi đã không về vì tôi đã đề cao cái tôi một phần và vì để mọi người nhắc đến tôi, cái thằng con lớn chết tiệt đã vắng mặt trong cái ngày vui của gia đình ấy.
  Nếu tôi xin được hai điều ước, một tôi chỉ xin cho mẹ tôi luôn luôn hạnh phúc, mỉm cười nhất là trong cái ngày cưới ấy của chị tôi và điều thứ hai là mẹ tôi tha lỗi vì tôi đã nói dối.

                                                               Rạch Giá 20- 4- 2012
                                                                             Thành Xì TL 71


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét