Từ một trường đại học nhưng trước đó từ 3 trường trung học NLS khác nhau: Định Tường, Sóc Trăng, Bảo Lộc, năm đứa tôi bất ngờ họp mặt, một nhóm khá nhỏ, nhưng tôi bất ngờ học được một bài học khá lớn.
Sập tối hôm đó ngày 19 tháng 11, 2008, khi đang viết lách gì đó, tôi nhận điện thoại của 7 Mím. Giọng cười vui vẻ khác thường, nó nói khá nhanh,
“Ê, Lương Cộ, ra cái quán này gặp nhau nhen. Tao mới lên nè.”
Tôi mừng vì vừa được gặp bạn cũ vừa có một niềm vui mới nếu nó giúp được tôi. Tôi vội vả chạy đến nơi nó chỉ dẩn, xéo trường Đ.H Bách Khoa. Bảy Mím, cái biệt danh khá tượng hình, có thể nói lên cái đặc điểm của nó, rất thường mỉm cười. Còn tôi, Lương Cộ, cái tên do Lý Xuân Tha, MS 71 phong tặng, có khã năng “cộ” được những thứ nặng nề cồng kềnh khó chở. Khi đi thực tập, ai nấy đều có phần để lo trong thời gian ở ngoài cái phòng trọ tiện nghi, cái nhà ăn cung cấp hai bửa cơm. Mặc cho ai mang vác gì đó, tôi “cộ” bộ “đồ nghề” cho một đội bóng đá, đội khoa Nông Nghiệp.
Bảy Mím, ngoài là một hậu vệ phải uy tín của cả trường, nó còn gần gủi với tôi hơn những thằng khác về nhiều phương diện. Vốn lâu nay âm thầm tự lực kiếm sống ở Rạch Giá, tôi cũng âm thầm tránh né họp lớp trong khi nhiều tin đồn cho rằng tôi đã xuống tàu với ai đó rồi. Tìm được số điện thoại của Tùng Xèn- Trung Tâm Khuyến Nông Long An, tôi lần tìm ra số phone của 7 Mím.
Dù bận tâm trên đường ồn ào chật chội, tôi gợi nhớ lại ngay ra lần tôi chính thức đi họp mặt lần đầu tiên tại nhà nó. Đó là lần thật tội nghiệp cho tôi, cái thằng ở cách nó đến những 6, 7 giờ xe chạy. Xe 10 giờ Rạch Giá chạy đến nơi Bảy Mím cư ngụ, Đại Học Tại Chức Tiền Giang lúc ánh bình minh chưa lố dạng. Ngày họp mặt ấy đại đa số, đến khoa Nông Nghiệp của ĐH. SPKT, nên tôi với 2 vợ chồng Bảy Mím ngồi ứ hự trước một lượng đồ ăn cho hơn 30 chục người. May thay, hai vợ Tùng đổi hướng ngược lại để chúng tôi có thêm 2 thực khách nữa. Tôi bất ngờ gặp lại 4 người chung nhau gần 5 năm học vất vả. Hai cặp vợ chồng, Yến- Lộc- cô Dương Thị Tuấn Ngọc rất thương mến, và Hạnh-Tùng nay đều hạnh phúc và đều có 2 con. Tôi bất ngờ nghe Bảy Mím kể lại cái giai đoạn nó phải xa nhà để “kiếm thêm” ở tận Lâm Đồng gần 2 năm trời. Tôi thấm thía cái khoảng cách giửa trường đời và cái trường học, giửa cái thực tế và lý thuyết. Dĩ nhiên tôi kể hết cho nó nghe tôi đã và đang làm gì, nhất là khi hai thằng tôi ngồi bên lề đường đón xe về Rạch Giá.
Gặp tôi lúc nào nó cũng vui như lân thấy pháo. Thấy tôi dừng xe bên ngoài , nó đứng lên kêu to tên tôi,
“Ê, Cộ! đây nè!”
Vừa ngồi vào bàn, cụng ly tôi, nó hơi tếu,
“Ngày mai ra Hà Nội gặp bộ trưởng Giáo Dục đó nghen mậy.”
Tôi cũng nhanh miệng hỏi đùa,
“Đả quá ta. Cho tao nhắn lời hỏi thăm ổng nghen.”
Tôi không ngại khi vào đề trực khởi với nó,
“Tao lên đây hơn nửa năm rồi. Kiếm thêm cơm và kiếm thêm cái chữ nữa mày ơi. Nhờ mầy một chuyện nghen?”
“OK, Uống mới tin mầy. Nè vô đi.”
Nuốt một hơi dài, chùi bọt bia vội vả, tôi nói tiếp,
“Để học cái lớp Thạc sĩ giảng dạy tại SEAMEO, tao cần một giấy chứng nhận dạy liên tục hai năm ở đâu đó. Mầy coi giúp tao được không?
Bảy Mím thật thà, giản dị,
“Tao làm phó giám đốc thiệt. Giới thiệu mày dạy ở đó thì quá được chứ chứng cho mầy như vậy không được đâu.”
Tôi đáp lời rất thật thà nhanh gọn,
“Thôi, tao sẽ có cách. Vô đi mậy.”
Tuyết Mun mới từ Mỹ Tho lên đến nhà xong lại vối vả vọt xe đạp điện ra đây. Mặt mày đờ đẩn, Tuyết Mun hỏi tôi trước,
“Cộ tới hồi nào vậy?”
Tôi vừa cười vừa tếu cho vui,
“Làm gì bây giờ mới tới?”
Trong khi tôi một mình lên đây “bới quào”cho cả nhà 4 người. Thằng con trai học trên này ở với tôi, con gái ở dưới ở dưới với mẹ nó. Thỉnh thoảng tôi cùng với Hoàng Guitar- đến cái kiếm cơm của 2 vợ chồng Tuyết Mun để “chai này cụng chai kia”. Tôi thích cái đoàn kết, chung sức đồng cam công khổ của hai vợ chồng Tuyết- Hường từ Mỹ Tho lên đây hơn 10 năm. Tụi tôi chơi “công xi”, bên mồi- bên bia Sài Gòn đỏ. Ai muốn uống thêm, cứ kêu thêm và cứ móc tiền ra mà trả.
Người chủ quán này, từ một NLS nhỏ, giờ thành một ông khá lớn. Có vợ gốc Sài Gòn đang là thủ quỹ của trường T.H lớn, hai con gái đỗ đạt, nay có thêm cái quán nhậu này, trên vài phương diện, hắn hơn tôi những 10 lần. Một chiến hữu đến nữa cho chúng tôi đủ bộ ngũ. Tay này có chức vụ trong bộ đội, vợ dạy lương cao và cũng có hai con đỗ đạt nữa. Ông bạn này có lẻ cũng hơn tôi khoảng 10 lần nữa. Từ ngày lên đây, đầu tháng ba, hôm nay tôi mới gặp hai ông bạn “thành đạt” này của tôi. Bốn đứa tôi đã chung sống suốt 4 năm trong một phòng ký túc xá với biết bao nhiêu là thiếu thốn gian khổ và kỷ niệm.
Ông chủ quán vô đề,
“Lương Cộ lên đây hồi nào vậy?”
Tôi tươi cười,
“Bảy tám tháng gì rồi.”
Ông kia hỏi theo ngay,
“Mày lên trên đây làm gì Cộ?”
Tôi cũng tươi cười như một người đang có niềm vui,
“Dạy Anh Văn.”
Tuyết Mun pha trò,
“Bây giờ mất dạy rồi. Thôi mấy ông vô đi.”
Bàn tròn xoay quanh chuyện đời, chuyện con cái, chuyện hồi thời sinh viên và những chuyện khác nữa. Ai mà không vui khi có 4 người cùng nhau kể lể, chọc ghẹo, đùa bởn. Chỉ có gặp bạn học mới khiến ta hồn nhiên cười vui, tươi trẻ. Chỉ có gặp người đồng môn mới thấy mình ngộ ra nhiều điều có khi còn giá trị hơn những bài học lớn trong trường. Người chủ quán hỏi tôi,
“Mầy đang dạy ở đâu vậy?”
Tôi thật thà đơn giản,
“Thì nộp đơn, phỏng vấn và dạy thử chổ nào nhận thì tao đến.”
Hắn tuyên bố,
“Bây giờ trên đây phải trẻ, bằng cấp cao mới dạy được.”
Tôi vừa hơi tủi thân thì bị người bạn thành đạt kia tặng cho một câu,
“Mầy giờ này mà còn lang bạt như thời thanh niên đi học nữa hả.”
Ông chủ quán người vừa khuyên tôi, kẻ không còn trẻ và không có bằng cấp cao, tiếp thêm một cú đau điếng,
“Lương Cộ thực tế mà không thực dụng.”
Trên đường về, tôi điểm lại những gì đã làm trong 6 tháng qua. Con tôi vừa lên học, sống chung phòng với tôi. Dạy ở vài trường, kèm tại vài nhà, dịch cho một công ty, mua cho con một laptop mới và một xe gắn máy cũ là những điều tôi làm được. Hằng tháng tôi còn phải gửi về nhà một khoản cho vợ và con. Tôi chưa hề phải xin nhờ sự giúp đở của một ai ngay cả giòng họ nội ngoại trên này.
Nếu tôi đã biết nói dối nói phét, chắc tôi không phải hơi buồn mà 2 ông bạn tôi không phải ra điều khuyên răn ấy. Thì có mất chi của ai đâu mà ngại.
“Tao lên đây làm hiệu phó của trường X, sắp mua lại xe hơi của ca sĩ Y và sang năm sẽ cất nhà tại quận W.”
Cuộc họp mặt đó chắc phải vui hơn không?
Rạch Giá Sep 6, 2012
Thành Xì TL 71
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét