Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

HƯƠNG Ù

                                                    

Hương Ù không phải là bí danh của bất cứ cô gái nào mặc áo dài nâu học Nông Lâm Súc, nhưng người có biệt danh này đã giúp rất nhiều “chàng mặc áo sơ mi màu nâu” trong lúc nàng làm việc trong quán cơm Thiện niên học 73-74 và Hương Ù là người dành cho tôi nhiều tình cảm, người làm thơ tặng cho tôi nhiều hơn cả.
     Khi tôi chính thức ghi tên vào “cuốn sỗ cơm”- dầy 200 trang-, Hương Ù phải viết tên tôi vào trang cuối cùng. Có khoảng một trăm học trò ăn cơm tháng ở đây. Bác Thiện, theo lời giới thiệu của một thầy giáo trong trường, đã quyết định lên đây nuôi học sinh của trường này và bác cũng đã thuyết phục được Hương Ù- cô cháu họ- từ Huế vào để phụ bác một tay. Buổi trưa nào cũng đầy ắp học trò trong quán. Tụi thằng Hải Dồi, Trí Ngố- Công Thôn khóa 2, tụi Thắng Cọ, Trọng Thỏ lớp tôi rất thân với bác Thiện. Nhóm học trò nào, gốc tích nào cũng yêu quý cách bác cư xử, cũng khoái cái đĩa thức ăn bác nấu. Nhiều thằng dành nhau bưng cơm, ghi tên những ai đóng tiền rồi dành nhau giữ tiền, dành làm bồi bàn mỗi khi có xe khách Sài Gòn vô tình ghé vào quán. Đa số xem đây như là nhà. Tôi cũng có cảm giác đó nhưng mỗi chiều tối, vì là người ăn sau cùng, tôi vô tình trở thành một thực khách đặc biệt.
     Nghe ai đó bảo rằng gia vị không tốt cho việc tiêu hóa và giấc ngủ buổi tối hôm đó , tôi xin bác Thiện đừng bỏ tiêu, ớt hay rau thơm gì vào thức ăn cho tôi cả. Bác Thiện chỉ dặn dò Hương hai lần và Hương Ù này không bao giờ quên. Tôi chỉ một lần xin nàng một miếng chanh nhỏ để vắt lên đĩa cá kho hơi có mùi và rồi từ đó ngày nào trên mâm thức ăn nàng mang ra cũng có một miếng chanh vừa mới được cắt. Khi tôi vừa múc vơi cơm trong tô, Hương, như chờ từ sẳn trong quầy, mang thêm cho tôi một tô cơm còn nóng. Tôi cố tình ăn trể nhất vì tôi cố tình ở lì lại trong lớp để học bài cho đến lúc tối mịt. Nhưng tôi vô tình nhận được nhiều sự ưu ái từ bác Thiện, Hương Ù và cả cái Xuân- dân miền tây vào phụ việc. Cả ba người phụ nữ ấy tiếp tôi như một người rất thân thích trong gia đình. Có lần khi Thắng Cọ xin bác Thiện nấu cho một tháng đồ chay, nó rủ tôi ăn chung cho vui. Hương Ù là người tình nguyện đi chợ nấu chay như là một cách chăm sóc riêng cho tôi. Sau một tháng ăn rất ngon ấy, tôi có vẻ khỏe hơn và Hương Ù có vẻ thân thích với tôi hơn. Khi tôi bị một chàng sinh viên trá hình -trốn quân dịch lên đó- chia phần ăn của tôi, Hương Ù liên tiếp nhắc bác Thiện cản ngăn tôi lại vì nàng biết khoản tiền tôi nhận được từ gia đình rất hạn chế.
      Buổi chiều nào tôi cũng được Hương Ù dành bưng cơm ra cho tôi. Con bé Xuân- rất thiệt thà- có lần nói nhỏ vào tai tôi,
“Chị Hương ngày nào cũng chờ anh ra ăn cơm hết á. Anh mà bỏ bửa cơm nào, chỉ ấy ấy không thể ngủ được tối đó chứ không phải chuyện chơi đâu nghen anh.”
May thay tôi chưa hề bỏ bửa cơm nào, dẩu cho trời mưa dầm hay có giông tố.
Thằng Sáu Lèo- ở trọ ngay phía sau quán Thiện- cũng thắc mắc,
“Ê mậy, tao thấy chỉ có mình Hương Ù bưng cơm cho mấy ăn thôi đó nghen.”
Giải thích cho mấy thằng đang ngồi “tán nai tán hươu” trước khi có độ bida hay chầu cà phê với ai đó hoặc chỉ để “nhớ nhà châm điếu thuốc…”, bác Thiện có lần nói,
“Ít có ai được như anh Thành- người cố gắng học. Bác mong anh ấy ăn nhiều, thật khỏe để học thật giỏi. Thằng Thiện con nhà bác thì không ăn được. Hắn gấy còm như anh chàng hút xì ke vậy đó.”
     Tôn Nữ thị Hương rất ít nói và nói rất nhỏ. Giọng Huế đặc của nàng rất ít có người hiểu thấu. Dù nàng trông hơi mập đấy, tôi cho rằng dáng đi của Hương rất đẹp. Tình cảm của nàng rất ít được biểu lộ. Hương bao giờ cũng chào tôi rất nhỏ nhẹ, nhìn tôi rất kín đáo. Mỗi khi tôi đóng tiền cơm, nàng viết tên tôi rất cẩn thận. Những ngón tay búp măng của Hương rất xứng đáng được thằng Khuê Bầu vẽ đưa lên bích báo trường. Hương luôn luôn mặc áo bà ba quần Xa-tanh đen bóng rất đặc trưng và rất đáng được làm một hình ảnh trong “trang phục Việt Nam”. Đôi mắt rất nhỏ của Hương cũng rất đặc trưng kiểu người Nhật. Học xong đệ nhất cấp, vì gia đình nghèo, bố mẹ Hương định cho Hương vào SàiGòn tìm việc làm. Nhận lời mời của bác Thiện, từ Sài Gòn Hương lên thẳng đây ngay ngày hôm sau. Hương chưa hề đi đâu với ai ngoài đoạn từ quán đến chợ giống như tôi từ nhà trọ đến trường. Hai đứa tôi có một điều rất chung- một tâm trạng khó có ngôn từ để diển tả, khó có người để giải bày. Tôi cho rằng Hương chắc cũng có một hoàn cảnh giống tôi- gia đình không hạnh phúc. Từ ngày ba tôi ghé lại quán để gọi là thăm tôi, tôi buồn đi thấy rỏ và Hương cũng lộ ra vẻ quan ngại hơn cho tôi thấy rỏ ràng.
     Có một lần tôi bị cảm lạnh nặng đến nỗi tôi phải nằm vùi trên cái sàn gỗ dài của nhà trọ của tụi thằng Hiển Cận. Bác Thiện và Hương Ù đã nấu và mang cháo cho tôi. Hương Ù đã đắp khăn ấm trên trán tôi và có lẻ nàng đã nhận ra giọt nước mắt vừa được tôi quẹt vội vàng khi hay tin có người đến thăm. Bác biếu tôi hết số vitamin đã mua trước cho cậu con trai ốm yếu đang ở với chị lớn ở Sài Gòn. Hương Ù đã dùng tiền lương để mua cho tôi 2 hộp sữa và một chục cam ngon mọng nước. Cơn bệnh của tôi làm cho Hương hoang mang. Nàng hốt hoảng vì sợ tôi vắng mặt nhiều ngày và mất nhiều bài vỡ. Hương đã hỏi tôi xem tôi có cần nàng giúp viết lại bài học giùm không. Vì sợ làm mẹ tôi lo, tôi tuyệt nhiên không dám viết thư cho mẹ tôi về chuyện này cho đến tận bây giờ  
      Tôi chưa nghe một tí gì về Hương trong khi mà tụi học sinh “già hàm lẻo mép” ở đây không chừa bất cứ một “tin vịt”, một “động dao, động thớt” của bất cứ cặp nào ở trong cái trường rộng lớn như thế đó.
“K’Duang mới vừa khóc xưng mắt.” một tay tên tiếng.
“Thằng T.T vừa đá đít đó thôi.” một giọng ai đó đối đáp ngay.
“Liên tóc đỏ mới đến thăm nhà thằng Thịnh tóc Xù đó tụi mầy.” có ai đó thốt lên.
Còn có loại tin tức như thế này nữa chứ,
“Nghe nói con Thủy Xe Xua vừa dọn nhà ở chung với nhóm con Hạnh Cà Chua.”
Hằng bửa cơm tôi phải nghe các mẫu tin kiểu như thế. Tôi có thấy tụi Hùng Tẩu, Sơn Ba Trợn, Thuyết Sa Tăng chọc ghẹo Hương Ù một đôi lần nhưng chưa hề có thằng nào được Hương hỏi đáp nhỏ nhẹ như cách nàng hỏi thăm tôi.
“Chừng nào anh về quê, hỉ?” có lần Hương thắc mắc.
“Anh muốn thi vào trường “mô tề?” Nàng hỏi khi tôi bàn về chuyện học.
“Bửa nay anh “mần răng” mà ăn ít vậy?’ Hương Ù lo lắng khi tôi ăn chậm chạp.
     Cuối tháng tư năm học đó, nhóm chúng tôi đã bài hát trong đêm văn nghệ ra trường. Bài “Mảnh bằng” nhận được một tràng vỗ tay dài kỷ lục và chúng tôi được bác Thiện đải cho một nồi chè thưng to cũng kỷ lục. Và Hương Ù đã phá kỷ lục- lần đầu tiên đi ra ngoài vào buổi tối. Cười híp mắt, đỏ mặt tía tai, vân vê các ngón tay thật đáng yêu, Hương Ù hỏi tôi,
“Ai tập cho anh nói giọng Huế giống “như rựa”?”
Tôi bất ngờ đáp ngay với một chút trêu chọc nàng,
“Thì Hương tập cho anh đó chứ ai. Bửa “ni” anh nói giống quá “hỉ”.”
Mọi người phá ra cười thật vui và bác Thiện thật hả hê,
“Anh Thành ăn cho hết nồi chè “hỉ”? Hương nấu đải anh đó?”
Tôi tận dụng một từ rất Huế để phúc đáp cho ra lễ nghĩa,
“Bác nói vậy làm con “ốt dột”- mắc cở- lắm. Ăn “mần răng” cho hết đây Bác?”
Có đứa nào đó pha trò,
“Thành Xì ơi! Mày tìm vài cái bịch để mang về cho thằng Hậu Bào nghen?”
     Đời học sinh thật ngắn nhưng những gì nó lưu lại trong tâm trí của ta thì thật dài, dài vô tận. Tôi có khi mơ được nhỏ trở lại. Tôi khao khát được đi học lại, được có những giây phút đẹp hơn nữa trong đời và được tạo ra những thành tựu cao hơn nữa để dâng tặng mẹ tôi. Bảo Lộc đã nuôi dưỡng, đã hun đúc đạo tạo ra tôi. Đất trời ở đó đã bao bọc đã dung chứa cái khao khát báo hiếu, cái mơ ước được thành một thằng con ngoan, trò giỏi của tôi. Những củ khoai luộc nóng hổi, những bửa cơm của quán Thiện do bác Thiện nấu do Hương Ù bưng đến bàn, những ly sữa nóng được Thi Lùn nài nĩ cho vào vài giọt cà phê, những tô bún bò Duy Khải do thằng Tài Bột đải, những đĩa bánh bèo bà O do tụi Trọng Cọp thắng độ bida và chầu cà phê sữa tại quán Ngàn Năm Mây Bay do chị Hoa Tẩu trả tiền hay những chiếc nem chua của Má Chánh tặng như còn y nguyên trong đầu tôi.
     Mọi thứ giúp tạo ra tôi, một Thành Xì bằng xương bằng thịt. Mọi thứ giúp tôi có được những ký ức thật đẹp- đẹp đến nỗi nhiếu học trò khác trên đời này thèm muốn. Người nào ở Bảo Lộc cũng quý mến, cũng giúp tôi như thể tôi là người thân của họ. Bác Thiện, Ông bà Bảng, Bố Nhất, Bố Uyên và Bố HIển đáng làm những bậc phụ huynh tôi tôn sùng. Bích Vân, Hương Ù, cô học trò nhỏ của tôi, Hồng Hạnh, cái Xuân, cái Hậu hay bất cứ người phụ nữ nào ở đấy cũng đáng được tôi nhớ nhung. Hình ảnh của họ đáng được tôi cho vào tâm khảm.
     Trước khi tôi đến chia tay bác Thiện, Hương Ù đã trao tôi một tập thư nàng đã âm thầm nhiều tháng viết ra và cất giấu kỹ lưỡng. Trong những bài thư nàng viết nắn nót bằng mực tím, tôi thích và nhớ nhất hai câu,
                       “Bao lâu em được sống bên chàng.
                  Là bao nhung nhớ có ai màng hay chăng?”

                “Tôi muốn riêng tặng Hương Ù truyện này với một lời nhắn nhỏ:
                            “Có, rất nhiều Hương Ù ơi!”
                                                                                                       Rạch Giá Jul 5, 2011  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét