Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

HAI NHẤT

                                             

Chỉ chuyên làm nghề tuốt lúa ở Bình Minh- Vĩnh Long, chỉ có cái thú vui chơi bóng đá và chỉ vì chung trong chuyến vượt biên rồi cùng ở trong trại Cây Gừa với nhóm bạn của tôi thôi, Hai Nhất thành một người bạn thân của tôi một cách đơn giản, nhanh chóng như cái cách chúng tôi chơi với nhau, suy nghĩ về nhau.
   Tôi gặp Hai Nhất trong một chuyến về thăm thằng bạn tôi Sáu Hậu- Cái Vồn, Bình Minh. Buổi xế chiều hôm ấy, dù đã không có hẹn và chuẩn bị trước, tôi được dịp chơi bóng chung với đội ấp của nó. Cách tôi khởi động, cái áo tôi mặt, đôi giày tôi mang, mọi thứ tôi có là một thứ nam châm cuốn hút tất cả sự chú ý, thán phục và mến mộ của mọi thanh niên ở đó. Sau trận đá bóng đó là một bửa nhậu với những món mồi miệt vườn không có ở đâu có- ốc bu mới bắt lên- chuối chát và cơm mẻ. Tôi thích cái cách những chàng nông dân trẻ đó ăn nói, sống, làm việc, đá banh và nhậu nhất là trong đó có bạn tôi và Hai Nhất. Cây đàn guitar bám bụi bậm của thằng Hậu đang treo trên vách là nhà sau, được tôi lau chùi, lên giây đàn và tôi đã biến nó thành một thứ làm rung động, phấn khởi mọi người. Tôi đàn hát vài bài. Bài ca: Người yêu tôi bệnh- Nguyễn Đức Quang- đã khiến cho cả bàn nhậu ngồi yên lặng để thưởng thức và vài tay thanh niên kể cả tôi đã ứa lệ. Tôi nhắc lại 2 câu kết mà Long Kh’mer và tôi luôn hát bè mỗi khi tôi cầm cây đàn lên.
”Giờ còn có nhau, giúp nhau cho thật nhiều.
Ngày nào mất nhau, giúp nhau chẳng được đâu.”
Tôi đã mang đến cho nhóm người chất phát, mộc mạc, ít học ấy một niềm hạnh phúc điều mà nhiều kẻ cao sang, quyền thế và giàu có không thể làm được hay không thèm nghĩ tới bao giờ. Khi chia tay nhau, Sáu Hậu, đặt tay trên vai tôi,
“Rảnh về đây chơi nữa nghen. Tụi tao sẽ nhắc mày hoài đó cho coi.”
Hai Nhất thì ăn nói đơn sơ hơn nhiều,
“Ê Thành Xì, mày chơi “im quá” mậy.
“Gảnh gảnh” thì “dìa” đây chơi. Anh em tụi tao lo tiền xe tiền cộ cho nghen.”
   Trước khi xuống Rạch Giá dự đám cưới tôi, 11-3- 1994, Hùng Sùi dắt 5 thằng “dân phòng” của phường 1 Đà Lạt ghé vào chơi với Sáu Hậu. Cùng hội cùng thuyền, nhất là để phụ với Sáu Hậu, Hai Nhất một lòng một dạ chơi cho đám thanh niên Đà Lạt biết tay. Để cho những tay chơi trẻ từ Đà Lạt xuống biết thế nào là miệt vườn sông rạch, Hùng Sùi ra lệnh cho mấy thẳng đệ tử chơi xả láng. Hai Nhất cho chặt mấy quầy dừa, tát đìa, dở hủ mắm cá trèn. Hai Nhất mượn một chiếc xuồng tốt cho mấy thằng thanh niên trắng trẻo đó tập chèo ở khúc rạch trước nhà nó. Và Hai Nhất mang tất cả cái gì hắn có ra để đải 6 vị khách đến từ cao nguyên Lâm Viên, cái tên nghe rất xa lạ, cái nơi hắn chưa hề đặt chân tới. Hai Nhất đã để lại trong lòng họ một sự cảm mến, một ấn tượng xâu sắc.
   Có lần tôi về chơi vào buổi chiều tối. Để có một thứ mồi “độc” và “tươi sống”, hắn tổ chức bắt chuột đồng và tôi là khách mời theo để chứng kiến. Có mồi xong, về đến nhà lúc khỏang 10 giờ tối, tụi nó cùng nhau làm một tiệc nhậu với “Chuột đồng rô ti.”
Sáng hôm sau nó đưa tôi về nhà để giới thiệu với gia đình nó, ông bà già, vợ và 3 đứa con. Nhờ vậy tôi mới nhận ra sự vất vả của một người nông dân hơn tôi 2 tuổi đã làm để nuôi gia đình 7 người. Tôi tự rút ra được một bài học mà không phải ai cũng may mắn có được,
“Vất vả trong việc đèn sách liệu có hiệu quả và hạnh phúc hơn so với việc vất vả mưu sinh của kẻ ít được ngồi dưới ánh đèn đọc sách hay mài đủng quần trên ghế nhà trường.”
Tôi cũng chợt nhớ ra cái phương châm của Nông Lâm Súc ,
“Học để làm. Làm để học. Tạo tiền để sống. Sống để phụng sự.”
   Hai Nhất nài tôi ăn cơm trưa với các món thức ăn dân dã vợ hắn vừa mới nấu xong. Đối với một sinh viên, sống tập thể, ăn cơm bếp tập thể với mức 19,50 đồng một tháng, bửa cơm đạm bạc đó xứng đáng là một bửa tiệc thịnh soạn. Hai Nhất vui ra mặt vì đã mời được tôi- một tay sinh viên quèn- về nhà ăn một bửa cơm như thể ai đó đã vinh dự mời được thượng khách. Hai Nhất khoe với cả nhà rằng tôi còn đang học ở “chên” Sài Gòn.
  Sau khi bị tai nạn nghề nghiệp, chỉ còn có một con mắt, ông bạn nông dân của tôi đã sáng suốt quyết định bán hết ruộng vườn để làm được một thay đổi lớn cho cả nhà. Hắn cầm cố, vay hỏi bất cứ ai có thể được để đưa thằng con trưởng nam qua làm lao công bên Hàn Quốc. Thằng con trở về với một ít tiền cho cha. Hắn thuyết phục thằng trưởng nam ấy qua Nhật làm vài năm nữa. Về phần mình, hắn tậu một miếng đất bên quốc lộ và sau đó xây một dảy nhà trọ để làm nồi cơm cho cả nhà. Máu nông dân vẫn còn nhiều trong người, nó chừa một thửa đất để trồng rau thơm, trồng bí trồng cà. Nó đào một ao nhỏ để thả ít cá tai tượng. Nó có chuồng nhỏ nuôi vài con gà. Nó tự nấu rượu gạo cao chử rất ngon để dành đải khách. Hơn tất cả, nó còn có một cây đờn vọng cổ và ngón đờn của nó nghe cũng “im” lắm.
   Được tôi luôn luôn xem như là một người bạn tốt, một người đàn ông đích thực và là một tấm gương cho tôi và nhiều người khác. Trên đường từ Sài Gòn về Rạch Giá nghỉ tết năm 2008, tôi dừng chiếc Vespa cũ để thăm cái cơ ngơi mới của nó- nhà trọ- Thanh Trúc gần cầu Cái Mơn, lúc 10 giờ tối ngày 24 tháng chạp. Hắn bày ra những thức ăn, đồ nhậu như thể tôi là một khách Việt Kiều mới về. Nó ngồi với tôi đến nữa đêm, kể lể tâm tình, hỏi ý kiến tôi về chuyện này, hỏi tôi những điều nó không rỏ. Tôi ôn tồn hỏi nó,
 “Mọi chuyện trong gia đình êm xuôi rồi phải không?”
Cụng ly, uống cạn với tôi xong, nó trả lời,
“Coi như “ im” “gồi” đó.”
 Gắp mồi cho tôi, nó hỏi lại,
“Mày ở “chển” dạy Anh Văn có “im” hông?”
Không chờ tôi trả lời, nó tự động tuyên bố,
“Có gì không ổn thì “dìa” đây ở với tao. Có mắm ăn mắm, có muối ăn muối.”
    So với Hai Nhất, tôi đôi khi thiếu mắm thiếu muối để ăn. Ôi biết sao được khi tôi đang trong cái thời buổi mà “Nhất sỹ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sỹ.” Thua nó vì tôi không có sẳn những thứ để đải bạn hiền, những thứ để cho một thằng bạn thưởng thức trong một chuyến ghé thăm bất ngờ và nhất là tôi không có một sự bình ổn yên tâm như nó đang có.
    Đôi lúc tôi mong được như nó.
                                                                          Rạch Giá Ngày 22- 5- 2012
                                                                                Thành Xì- TL 71


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét