Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

CẦN THƠ- CUỘC THĂM VIẾNG KHÔNG ĐƯỢC PHÉP

              

    Đâu phải ai cũng được phép thăm mẹ tôi và cũng không phải ai cũng được phép làm nhói đau trái tim tôi vốn đã lâu trước đó bị ung nhọt, âm ĩ rỉ máu.
     Hè năm đó, theo một bạn học cùng phòng xuống Cần Thơ để thăm người anh họ, nàng có dịp riêng tư hưởng những ngày hè ở miệt sông nước Hậu Giang trong lúc tôi lên đường đi lên Bảo Lộc tá túc 3 tuần trong cái lò nem “Bà Chánh”, gia đình của một thằng bạn học cũ. Vì có ít thời giờ rỗi rãi, trong khi cô bạn ấy, Hương, phải lo toan ít việc cho ông anh, thầy Hòang, đang dạy tại NLS Cần Thơ, nàng tự nghĩ đến việc thăm gia đình tôi, 12/5 Lê Lai Cần Thơ. Dẫu cho yêu tôi rất nhiều, nàng biết rất ít về cái gia đình nơi mà tôi xem như một mái nhà sắp xụp đổ trong khi tôi chẳng có thể làm gì để giúp mẹ tôi cả.
    Sau 3 năm học ở Bảo Lộc về, tôi nhận ra mức độ rạn nức, lún lầy của căn nhà, mức độ trụy lạc của em tôi và nỗi thống khổ mà mẹ tôi từ lâu nay phải chịu đựng. Phải theo chồng đi kinh tế mới, chị tôi không giúp được bà mẹ người mà chị hết mực yêu thương như tôi. Tôi buộc lòng phải giấu nhẹm chuyện này với mọi người, kể cả với nàng. Tôi buộc lòng phải đem cái nỗi đau đớn khó diển tả đó đổ trúc ra ngoài sân bóng đá, đổ trúc nó vào những buổi tập ngòai mưa to, hoặc dưới cái nắng như lửa đốt. Tôi đem nỗi đau không diển tả được ấy đổ trúc vào những cú sút mạnh, những lần bay người hết cở để chụp quả bóng bất chấp hai cùi chỏ hay đầu gối rướm máu. Khi làm trọng tài, tôi thổi còi một cách rắn chắc để minh định cái lỗi đó của ai trong nhiều trận đá bóng. Tiếng còi nhắc nhở mọi người và chính tôi, đó là lỗi, stop.
    Cái đau trong tim tôi có lẻ chẳng thể nào đem sánh được với bất cứ thứ gì tôi đã và đang cố tìm cách khỏa lấp. Để có thể ngủ được, dầu đã mệt nhoài vì buổi trưa tập bóng cho đến lúc mọi người kéo nhau lên phòng học đèn sáng choang, tôi cố đem nỗi ray rức khó tả vào các đọan nhạc classic hàng đêm sau giờ ký túc xá tắt đèn. Tôi chơi đàn như một thằng gàn dỡ, khoe khoang, ngang tàng. Tôi đánh ra hết những bài tôi chơi được, nhớ được. Tôi vui khi biết có một số thính giả đang nghe tôi. Có kẻ leo đến dự khán. Có tay nhen nhúm lửa nấu một ít nước sôi để làm một phin cà phê mà tôi sẽ được mời một ngụm trước. Điếu thuốc đen trong những lúc ấy mới ngon làm sao. Có nhiều đêm tôi, tựa trán cây trên cần đàn, các ngón tay làm việc mải cho đến khi chúng và tôi mỏi nhừ mới thôi. Một đêm nọ, ngồi trong phòng ký túc xá, hướng cây đàn về phía cái tủ âm tường, tôi đánh ngón bài Lòng Mẹ hai ba lần và đã khiến năm đứa trong phòng, theo lời Lộc nhiều năm sau có dịp xuống Rạch Giá kể với tôi, đêm đó nhớ nhà đến mất ngủ.
   Để có thể thăng bằng một phần nào tôi thường lên Bảo Lộc. Để có thể vui sống 3 tuần nghỉ hè trên Bảo Lộc, tôi làm việc rất chăm chỉ như một tay thợ giỏi. Tôi đã sống rất ngoan hiền và nhận được nhiều lời khen ngợi.
   La Di, con gái út của má Chánh, thương mến tôi như anh ruột, đã ôm ngang bụng tôi, ngây ngô thật thà hỏi tôi rằng,
“Sao anh không ở trên này với nhà em? Anh học và ở đây cũng được vậy.”
Tôi vuốt tóc cô bé, nghẹn ngào không thốt nên được nửa lời.
  Một người bạn cùng phòng, Phan Văn Đon, hiện là phó giám đốc sở Nông Nghiệp Bình Phước, đã nhận xét,
“Đi Bảo Lộc về, thằng Thành Xì vui như tết. Vài hôm sau nó lại buồn như thể nhà đang có tang vậy.”
   Người yêu tôi, người đã nghe tôi tâm tình ngay khi tôi mới quen nàng, hỏi tôi thật ngây thơ,
“Sao anh không về với gia đình?”
Tôi chỉ biết im lặng khi mà trong lòng nỗi buồn chợt tăng lên hai lần.
Tôi im lặng đến mức không ai hiểu nỗi. Có một lần, mấy thằng cùng lớp, vào uống càphê khi thầy tôi ngồi một mình trong góc quán, đã phải lên tiếng,
“Ê, Thành Xì, nghe đồn mầy đang luyện“thiên linh cái” phải không mậy?”
Cứ yên lặng thản nhiên như không nghe thấy gì, tôi rít xâu vào một hơi thuốc lá như để ém nhẹm điều mà không có từ ngữ nào diển tả được.
   Khi tôi đi bên nàng những chiều, dù trên bầu trời còn chút vệt nắng đỏ cam, trong lòng tôi lại đen ngòm như cái tối của đêm 30. Tôi chưa có ý định nắm tay nàng khi nàng thổn thức muốn được tôi ôm vào lòng. Như một phản xạ, tôi chìu ý nàng một cách vô ý thức. May thay tôi còn nhận được cảm giác yêu thương trai gái và tôi đã làm nàng hài lòng. Mừng cho nàng thay, khi tôi đúng lúc ấy cũng cần có nàng để tôi truyền cho nàng một luồn điện rất mạnh, một hơi thở thật sâu, một niềm an ủi to lớn vì tôi được yêu và đang thể hiện tình yêu đó với nàng. Tôi ghì nàng chặt và đến nổi nàng không thể thở được. Nhiều lần nàng thì thầm với tôi,
“Em chỉ mong đến ngày em làm cho anh thật sự hạnh phúc. Em mong được sống bên anh.”
   Tôi chỉ tự nhủ,
“Làm sao em có thể làm anh hạnh phúc khi anh có rất nhiều nỗi đau vì biết mẹ anh khổ sở mà anh chẳng biết làm sao để có thể giúp được người.”
 Làm sao nàng sống được bên tôi trong khi tôi chỉ muốn sống bên mẹ tôi cái cách mà chỉ có tôi mới hiểu được. Làm sao nàng làm cho tôi được hạnh phúc khi mà nàng không nhận ra cái đau trong lòng tôi. Là con của một thầy giáo nghỉ hưu, người có 7 con, đang về quê làm ruộng, nàng không có một ưu phiền, một vấn đề nhỏ lớn nào trong gia đình trong khi tôi thì ngược hẳn lại.
    Mỗi chiều tối cuối tuần khi đi bên nhau, tôi thật sự muốn nàng giữ im lặng, hoặc gây cho tôi phải thốt ra những gì tôi cần nói, muốn nói hoặc cả hai cùng yên lặng cho đến lúc phải trở vào ký túc xá. Tôi muốn cho nàng hiểu sự khác biệt trong hai đứa tôi, sự mất mát thiếu thốn trong tôi và tôi cũng không cần che giấu cái ý định bỏ học, lên Bảo Lộc kiếm việc làm.
   Một lần, sau khi đi một vòng ngắn, nàng mời tôi uống cà phê tại một quán mới mở cửa. Khi tôi hỏi nàng uống gì, cô ấy mỉm cười với tôi và đáp rằng,
“Anh uống gì em uống thức ấy.”
Sau đó nàng thổ lộ với tôi là nàng sẽ làm bất cứ điều gì tôi muốn. Cô ấy đâu ngờ tôi đã đáp lại,
“Anh chỉ muốn em thật chắc chắn về những gì em đang nghĩ và đang làm.” 
     Tại phòng khách nhà tôi, tự giới thiệu là bạn thân của tôi, nàng được mẹ tôi tiếp đón niềm nở.
“Cháu có biết nó học hành như thế nào không?”
Nàng vui mừng trả lời ngay,
“Ảnh học giỏi và hoạt động thể thao rất hay trong trường nữa đó bác.”
Bà rơm rớm nước mắt khi nghe nàng kể về chuyện ăn uống,
“Thiếu thốn như vậy làm sao nó vừa học vừa chơi thể thao được hả cháu?”
Cô ta tỏ ra tự nhiên hơn,
“Ảnh có khi còn chụp“gôn” cho Công ty bột giặt Viso. Chắc ảnh có tiền lương hay gì gì đó bác.”
    Khi kể lại cho tôi nghe cuộc thăm viếng ấy, nàng không ngờ tôi đã bật khóc như một đứa trẻ. Nàng đã bị tôi quát mắng và tôi tuyên bố rằng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho nàng.
     Tôi đã không thể thốt thành lời cái câu hỏi này,
     “Em có biết rằng anh đã tự hứa gì trong lòng không hả?”
Nhiều năm sau đó, gặp lại nhau, vì nàng cứ vặn hỏi, tôi mới thổ lộ,
      “Đến khi nào thành đạt, ta mới được phép trở về nhà.”

                                                             Rạch Giá, Ngày 22- 11- 2012
                                                                                      Thành Xì
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét