Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

TÔI DẠY ANH VĂN

Từ Nông Lâm Súc Bảo Lộc, ban Thủy Lâm, tốt nghiệp ĐH ngành giảng dạy Nông Nghiệp, ít có ai lại trở thành thầy giáo tiếng Anh như tôi và cũng ít có giáo viên tiếng Anh nào có những suy nghĩ, cách làm như tôi.
      May mắn thay, tôi được mời đi dạy sau khi tôi mới có bằng A bởi vì tôi được xem như là một ứng cử viên sáng giá nhất lúc ấy ở trung tâm tôi đang theo học. Không có ai có thể tượng được tôi đã trước chỉ tập nghe được khoản một tháng với cái máy casstte cũ kỹ của vợ Khuê Bầu trong lúc qua làm việc cho nó bên Cần Thơ. Vì trước đó chưa hề được đào tạo, tôi đã chọn cho riêng tôi một cách khi tôi dạy lớp đầu tiên cho người học vở lòng- khó cho phía họ và phía tôi. Khi tôi được mời dạy một nhóm bác sĩ sản khoa, tôi đã phải lại có một cách khác. Kế tiếp tôi được mời dạy lớp Thiếu nhi, loại lớp khó nhất, với nhiều năng khiếu, nhiều tố chất nhất. Tôi đã diển xuất cả như một nghệ sĩ, kịch sĩ hoặc như một ca sĩ.
    Trong khi các giáo viên cố che giấu họ trước đó đã học và hiểu như thế nào, tôi kể cho học trò tôi nghe hết mọi thứ về tôi. Họ áp dụng cái gì họ đã học trước đây trong khi tôi thực thi cái gì tôi có thể nhận ra trong khi dạy. Họ cứng nhắc, rập khuôn từng chi tiết nhỏ theo sách giáo khoa. Tôi linh động, sáng tạo và thay đổi phương pháp liên tục để củng cố nghề dạy của tôi. Tôi tự dặn lòng rất nhiều điều. Tôi tự xét, tôi tự vạch ra mục tiêu để tăng tiến và tôi cũng đau khỗ nhận ra rằng họ học Anh Văn như cái cách của người nông dân ra đồng, cái cách mà một số ông bạn lười biếng của tôi đã làm trên B.L. Họ nghỉ học hoặc đến sớm trể tuỳ tiện. Họ không hiểu nổi rằng việc học Anh Văn giống như việc cải tạo đất cho nhiều năm sau sử dụng. Họ không công phu như một nông dân chân chính trong khi tôi vất vả tận tuỵ như một cán bộ nông nghiệp xã, ấp. Họ đã không đọc từ vựng cái cách tôi đã tụng các tên khoa học của cây rừng hồi ở NLS. Đa số họ khác hẳn với tôi.
   Qua một số bộc lộ của học trò, tôi nhận biết rằng dù họ không giỏi tiếng Anh nhưng họ khá giỏi trong việc nhận ra ông thầy nào ăn nói hay hơn hoặc dạy hay hơn. Đặc biệt họ cho rằng đồng tiền họ trả phải được đánh đổi bằng sự phục vụ của ông thấy giáo như một người khách đi massage hoặc một người thực khách trong một quán ăn vậy. Họ quên rằng một số lớn thầy giáo có sĩ diện có cái tâm có cái kinh nghiệm học và cái trách nhiệm dạy của họ. Tôi bỏ nhiều giờ để điểm lại những học trò đã bỏ tôi bất thình lình và tôi có thể rút ra những bài học cho riêng tôi. Nhưng dẩu sao các cá biệt đó không thể đem đi so sánh được, áp dụng được.
      Tôi trình bày với học trò những kinh nghiệm tôi tự học, những khám phá của tôi về việc hiểu biết văn phạm thật nhanh và tôi đối với họ vừa như một phụ huynh nghiêm khắc, vui tính, tận tuỵ, và công bằng vừa như một đàn anh đích thực. Tôi so sánh cái khó của ngôn ngữ. Tôi chứng minh cái sai của các bài báo tiếng Việt. Tôi -theo cách ấy- có thể thành nhà ngôn ngữ học mất thôi. Tôi kể cho họ nghe những tấm gương xấu và tốt, những cách dạy và học Anh Văn ở trung học. Tôi cho họ biết tôi có cách riêng để tồn tại và tôi cũng đã và đang làm nên chuyện. Tôi nhủ lòng nhiều lần rằng:
“Tại sao họ bỏ ta? Tại sao họ không hiểu điều ta đã làm tinh giản dể hiểu nhất? Tại sao ta không giữ được đứa học trò này? Tại sao ta đã không thế này hoặc thế khác?”
Tôi cũng đã nhiều lần tự an ủi,
“Cớ gì ta phải đi xét đoán những kẻ không biết điều biết chuyện.”
Cái chuyện cần biết nhất là việc học một ngôn ngữ đòi hỏi rất nhiều sự nổ lực cá nhân chứ không phải của do công lao của ông thầy dạy hoặc những cuốn sách, giáo trình cái thứ mà một nhóm người nào đó dựa trên một số kinh nghiệm nào đó xây dựng nên cho một nhóm học trò nhất định.   
   Sau khi đứng dạy những lớp mới và rất khó- Nhà Thờ, Chùa, Công Ty Xi Măng Hà Tiên, Đại Học Ngoại Thương & Ngân Hàng, Cao Đẳng Nghề Việt Mỹ, Bệnh Viện Bình Dân, mấy cán bộ trong ủy ban tỉnh, một nhóm Bác Sĩ Đại Học Y Dược hay một ông cha Phó quản hạt, tôi cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Sau khi phiên dịch cho bệnh viện vài lần, tôi dạn dĩ hẳn lên. Sau tiếp xúc với các giáo viên có vẻ hơn mình, các giáo viên ngoại quốc hoặc Việt kiều, tôi cảm thấy yên tâm, vững vàng hơn. Khi làm bài tập hoặc nghe viết đọc, tôi cảm thấy mình nhỏ bé hơn. Khi cùng nhóm học trò thiếu nhi hát các khúc hát ngắn do tôi viết lời, tôi thấy mình trẻ lại. Và khi tôi viết ra những gì tôi đã trải qua những điều tôi chiêm nghiệm được, tôi cảm thấy thảnh thơi nhẹ nhõm. Khi tôi xin việc tại Công Ty Bảo Hiểm Manulife ở Cần Thơ hoặc Prudential Finance ở Sài Gòn, tôi tự tin trả lời rằng,
“Từ một học sinh Nông Lâm Súc tôi thành thầy giáo, và từ một giáo viên xoàng, nay tôi có thể dạy đủ loại lớp và lên Sài Gòn dạy 7 trường trên Sài Gòn. Điều đó có thể chứng minh rằng tôi có thể làm được mọi chuyện tôi chọn hoặc muốn làm.”
Các thầy cô giáo ở Bảo Lộc ít nhiều gì cũng đã giúp tôi, đã tạo bên trong tôi cái chất sư phạm, cái lịch duyệt, cái bản lãnh cần có khi tôi đứng trước. Thầy Minh Híp, Thầy Hy Lèo, Thầy Bùi Tho, Thầy Vũ Thủy- triết học- và thầy Hùng Đô La đã khiến tôi nhớ họ mãi. Cô Nguyệt- Việt Văn, Cô Thành- Anh Văn- đã làm tôi thích học. Tôi hiểu và thông cảm khi thầy Lai Minh đỏ mặt, khi thầy Minh Híp nỗi cáu. Tôi thầm phục Thầy Tân, lịch sự, hết lòng, tha thiết khi giải thích câu văn này, ý nghĩa nọ. Tôi hiể tại sao thầy Niệm thường nhắc về trường Bảo Lộc. Mọi thầy cô giáo tôi đã học qua đều ghi nhận sự rỏ nét chuyên cần hết lòng của tôi. Các ông thầy đã phỏng vấn tôi trong những lần tôi thi ở Đ.H Từ Xa, đều thích cái cách tôi trò chuyện với họ, các câu tôi phúc đáp, thậm chí chất vấn họ nữa, thí dụ:
“Theo thầy, làm thế nào để dạy giỏi nhất?” hoặc,
“Sau bao nhiêu năm dạy học, điều gì khiến thấy, cô, theo đuổi nghề nghiệp đến ngày hôm nay?”
    Ít có ai trong số những giáo viên đang hành nghề đã từng học rất xa nhà, thất nghiệp, làm cầu thủ đá banh, thợ nấu rượu, thợ chụp hình dạo, thợ vẽ bảng hiệu và làm công nhân như tôi đã từng làm. Ít có ai trong số họ từng thức sớm khoảng 3:30 sáng ròng rả 20 năm trời để tập luyện. Ông thầy tôi, Thầy Chu Sĩ Lương, đã lấy tôi ra như là tấm gương cho nhiều học trò của thầy. Thầy Danh- nỗi tiếng ở Rạch Giá- thường đố học trò của ông ta xem họ có biết tôi đến khi ấy có bao nhiêu cuốn băng cassette không như là cách động viên họ tập nghe. Một ông bạn học lớn tuổi hơn đã sững sờ khi nghe tôi trả lời cái số lượng băng ấy. Đài VOA Special English cũng đã viết thư, đề ngày Mar 3, 1997, để cảm ơn tôi,
“We’re much impressed that you have recorded almost 200 tapes of English language teaching programs.”.  
   Tôi có lẻ giống như các thấy cô khác thích tâm tình, nhưng bằng Anh Văn. Tôi kể hết cho học trò nghe về cuộc đời tôi. Không một chút do dự, tôi chỉ cho họ những gì tôi chiêm nghiệm sau nhiều năm, cái chất xám và cảm tính của người thầy giáo. Không ngại công khó, tôi lục tung các bài nghe rắc rối nhưng rất đời, các trích đoạn hay nhất để dạy họ.
  Một vài lần, các học trò cũ chào tôi, nhắc một vài kỹ niệm họ ghi nhớ rất rỏ về tôi- ôm đàn vào lớp hát bài này- hay dạy họ hát một khúc hát nọ, đội berret, mang cái còng bằng đồng. Nhưng nếu có bị ai phỏng vấn tôi điều gì khiến tôi dạy học được đến ngày hôm nay, tôi sẻ trả lời ngay rằng,
“Ba năm học ở Bảo Lộc, cái cách dạy của các Thầy Cô trên đó và cái nhóm máu NLS của riêng tôi đã thật sự giúp tôi đấy .”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét