Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

MÓN QUÀ BỊ TRÁO

Tôi đã từng rất nghèo khó nhưng có kẻ nào đó, đã đang làm trong Hải Quan phi trường Tân Sơn Nhất, vì nghèo khó hơn tôi, đã phải đánh tráo cuốn tự điển, giá trị 5 bảng Anh- một món quà tặng của đài BBC cho tôi sau khi họ chọn đọc truyện của tôi “Quyển tự điển cho con.”
     Vào khoảng tháng 9 năm 1985, với bằng đại học, làm giám sát công trường, tôi có một mức lương thấp kỷ lục- 50 đồng/ tháng- tương đương 25 gói thuốc lá đen hạng bét. Được vào làm một công ty bất kỳ nào đó là một thử thách, có thể tính bằng hàng chục chầu nhậu nhẹt, hàng chục lần thăm viếng với ngần ấy quà cáp. Tôi được mời gọi đi làm sau khi được chính họ - Sở Lâm Nghiệp Kiên Giang- đãi một tiệc lớn- sau khi tôi giúp họ đoạt giải vô địch tỉnh năm đó. Họ rất vui mừng khi nhận ra rằng tôi có bằng “Tú tài Lâm Nghiệp” từ trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc và bằng Đại học chính quy. Họ đã không màng đến việc tôi trước đó bị một công ty sa thải vì một chuyện tế nhị. Họ cũng đã không ngờ rằng khi tôi nhận lời chụp cho họ hai trận đá quan trọng đó, tôi đã đang nấu rượu lậu với gia đình bên vợ.
  Tôi được nhận vào làm cho Công Ty Lâm Sản, trong một công trường xây dựng 4 xưởng cưa, vỉ kèo bằng gỗ, 15x60 mét. Tôi dành nhiều thì giờ để đọc tài liệu vì tôi mong sao tôi không mắc sai phạm chuyên môn và học được một nghề phụ, nghề xây dựng. Không có một khoảng thu nhập gì thêm, tôi cảm thấy bế tắc. Một hôm tôi phải ứng tiền để mua một món đồ cho công trình. Tôi mượn một khoản tiền ít ỏi để mua một cái radio nhỏ. Từ đấy hằng đêm tôi nghe đài BBC để mong mở mang tầm nhìn ra bên ngoài, học được ít tiếng Anh và tôi bắt được một tin vui.
     “Chúng tôi mở mục truyện ngắn từ Việt Nam, từ các ngòi viết không chuyên và được gởi từ Việt Nam. Đặc biệt chúng tôi không để tâm đến chính kiến của người viết. Tác giả có truyện được chọn đọc, sẽ được chúng tôi gởi tặng một quyển tự điển Oxford.”
BBC công bố hằng đêm khoảng suốt một tháng. Hai vợ chồng tôi vui như trẻ sắp được quà. Chúng tôi bàn thảo một kế hoạch. Là thư ký đánh máy, cô ấy lén đánh từng trang từ bài viết tay của tôi. Là người chưa từng viết bao giờ, tôi bỏ rất nhiều thì giờ cho câu chuyện “đầu tay” ấy, dựa theo chuyện đứa cháu nhà nghèo nhưng hiếu học Anh Văn. Tôi viết về việc nó không có được một cuốn tự điển như e rằng cho con của chúng tôi sau này. Suốt 2 tuần công phu, người viết, kẻ đánh máy, chúng tôi hoàn tất phần đầu của cái giấc mơ nhận được quyển tự điển- đơn sơ, tội nghiệp. Tôi thầm nghĩ sau này thằng bé sẽ rất tự hào về cái món quà độc đáo đó. Tôi do dự cho đến khi nghe chuyện đầu tiên “Cái áo len” của một tác giả ở Đà Lạt. Vét tiền dành dụm, chúng tôi cố gởi bức thư tới đài BBC, bên trong có 4 trang giấy đánh máy. Bức thư có chứa một cái tình thương thân, thương con, thương cho cái nghèo khó nhưng hy vọng “được đền bù xứng đáng”.
     Tôi không hề nghĩ đến trị giá bằng tiền- 5 bảng Anh mà tôi luôn nghĩ đến cái giá trị tinh thần, cái giá trị nhân bản, cái giá trị của luật nhân quả. Thứ bảy hàng tuần, lúc 10:30 tối, tôi hồi hộp mong đợi tin vui. Và cái gì đến đã đến. Đêm hôm 27-7-1985, tôi nghe BBC công bố danh sách các chuyện sắp được đọc. Cái tiêu đề, cái cụm từ “ Quyển tự điển cho con” nghe họ đọc vừa ngọt ngào nhưng lại như một cơn lốc mạnh. Nó như bốc tôi lên cao, xoay tôi trên không trung và ném tôi xuống một cái ao đầm tăm tối với nước tanh tưởi, đen ngòm. Tôi sung sướng như một sinh viên vừa nghe tên mình được xướng lên trong ngày tốt nghiệp. Không giống như Archimedes đã kêu lên: “eureka”- “I have found it”- trần truồng chạy trên đường phố sau khi phám phá ra định luật nâng của nước, tôi đã phải nín câm, đôi khi còn lo sợ bị công an hỏi tội. Ngày tôi sẽ nhận được quyển tự điển của đài BBC có lẽ là ngày đáng ghi nhớ suốt đời tôi và nó chắc phải là món quà ý nghĩa nhất mà một người cha có thể tạo ra cho con của ông ta. 
      Hằng đêm thứ bảy chúng tôi hồi hộp nghe đọc các truyện với một niềm vui khôn tả. Và trong cái nhà lá nhỏ, dột nát tồi tàn ấy, tôi ấp ủ một giấc mơ. Nó đơn giản như cái giấc mơ lúc học xong ở Bảo Lộc về Trảng Bom học kiểm lâm của tôi trước đó 14 năm. Tôi mơ có một nghề phụ, mơ có một căn nhà nhỏ -như cái căn tôi đang ở nhờ đây vậy. Tôi mơ sẽ có một đứa con. Tôi mơ con tôi học giỏi- như tôi đã từng mơ hồi ở Bảo Lộc. Tôi mơ làm một người cha có trách nhiệm- người cha mà tôi đã và đang không có. Tôi mơ đến ngày trao tay cho con tôi cuốn tự điển “BBC” và bảo với nó rằng,
“Nếu ba tạo ra được cuốn tự điển này, con sẽ tạo ra hàng ngàn cuốn như thế, phải không con?”
     Giống như Carpenters hát bài Mr. Postman, ngày nào tôi cũng trông chờ ông phát thư- giống như thời đi học trên Bảo Lộc. Người phát thư đã không đến vì tôi mượn địa chỉ bên gia đình vợ tôi. Một ngày cuối năm, 24 tết năm đó, thằng cháu vợ hớn hở đạp xe đến với bịch quà từ đài BBC. Tôi ôm ghì nó và lì xì cho nó một ít tiền rồi hí hửng mở quà ra. Ngoài bìa phong bì to có ghi rỏ mọi thứ tôi hằng mong đợi. Nhưng bên trong, cùng kích thước ấy là một quyển sách cũ bằng tiếng Đức. Cái món quà của BBC, cái quyển tự điển tôi hằng mong đợi ấy đã bị đánh tráo.
Kẻ nào đó trong Hải Quan Tân Sơn Nhất, vì đã quá tham, quá thiếu tiền, đã cố tình đánh tráo quyển tự điển đó khi mà Bưu Điện tỉnh chính thức công nhận là họ đã nhận từ Sài Gòn về nguyên vẹn như thế.
      Tôi đã viết thư cho BBC hai lần để thỉnh cầu một quyển khác hoặc nhận được cái phiên bản truyện ngắn đó nhưng đã không nhận được hồi âm. Tôi e ngại rằng con tôi sẽ không tin vào chuyện này. Tôi e rằng tôi sẽ có thể làm vẫn đục cái niềm tin mà nó đặt vào tôi. Đánh mất niềm tin của một người, có thể được ví như đánh mất một cánh tay. Việc làm ai thất vọng có thể được xem như việc gây một vết thương trên thân thể họ. Tôi không trách kẻ đánh tráo cái quyển tự điển ấy nhiều bằng cái việc “đánh tráo tình người”.

      “Quyển tự điển cho con.” kể về một thằng học trò nhỏ, lớp 8, mồ côi cha. Là một công nhân bình thường, mẹ của thằng bé không lo được cho nó sách hay, vở tốt chứ nói gì đến quyển tự điển. Hằng ngày cậu bé chăm lo học và được chọn vào lớp chuyên Anh Văn. Được sắp hạng nhì trong lớp chuyên Anh, vì thằng bé thua hẳn người hạng nhất vể từ vựng. Xin mẹ một quyển tự điển chưa được, thằng bé phải mượn của mấy đứa bạn học trong lớp và thức khuya để tra từ vựng trong các đọc khó. Một đêm, mẹ con đều phải thức khuya để học. Thằng bé ngủ gục trên bàn học trong lúc mẹ nó đang chăm chú đọc một bài khó hiểu dài dòng. Chợt mẹ nó nghe tiếng con mình,”Má cố tìm mua cho một quyển tự điển nghe mẹ, nghe mẹ…” Bà mẹ bật khóc và đến trước bàn thờ của người chồng quá cố để đốt một nén nhang và để tâm tình. Bất ngờ người mẹ nó nhớ lại cái đồng hồ đo điện kế- cái công cụ mà ông ta đã từng rất cần, rất yêu quý. Mẹ đem nó đi bán và đã mua được một quyển tự điển cho con. Thằng bé thật vui khi nhận món quà và nó cảm động hơn nhiều khi đọc dòng chữ mẹ nó nắn nót viết trên trang đầu tiên,” Tặng con yêu của mẹ. Không có từ nào trong quyển tự điển này có thể giải thích được tình yêu của mẹ đâu con ạ!”
  Tôi quyết định giử gìn nó cho đến ngày hôm nay. Đến nay, câu chuyện xảy ra được 27 năm. Tôi thường tự hỏi, “Có ai muốn xem quyển tự điển bị đánh tráo đó không nhỉ?!”
  Tôi cứ xem đấy như một món đồ có giá trị, thật đấy!
                                   Thành Lương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét