Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

VỀ CẦN THƠ NGHỈ HÈ

                         

      Sau khi thi xong đệ nhị lục cá nguyệt, học sinh ở xa phải lo về quê nghỉ hè. Băng Cần Thơ- 6 đứa chúng tôi- đã có một chuyến đi vô tiền khoán hậu.
      Tôi là người đã nghĩ ra cái cách để đánh dấu những ngày còn lại trên Bảo Lộc. Tôi dùng giấy bìa cứng và kẻ trên đó những 5 ngày thi, môn thi cuối học kỳ một năm học lớp đệ tam- 1971- 1972. Tôi dán chúng lên thanh trên cửa ra vào như người ta dán bùa. Năm thanh giấy lay động khi có ai mở cửa ra vào, nhắc nhở chúng tôi rằng, “còn 5 ngày thi nữa mới về nhà được.” Vào ngày đầu tiên, tôi rời nhà sau cùng và giữ chìa khoá nhà. Tôi tự âm thầm thôi thúc tôi làm bài nhanh nhất vì tôi không màng đến viết hết ra giấy những gì trong vở như những bạn học khác. Và đúng như điều tôi đã dự tính, tôi đã 5 ngày liên tiếp thi xong sớm nhất, ra về nhà ngay và tự tay tôi xé phăng đi 5 cái miếng giấy tôi đã sáng tác ấy.
Thở phào nhẹ nhõm, tôi thấy mình đã làm tròn trách nhiệm, trút xong cái gánh nặng học hành niên học ấy 71-72 - 1/3 đọan đường mà tôi sẽ phải vượt qua.
    Các “chiến hữu” lần lượt về đến nhà. Chúng tôi như vừa được mản hạn tù. Tụi tôi như vừa được cho ân xá về quê thăm gia đình. Sau buổi cơm trưa,  không ai có thể chợp mắt được. Trọng Thỏ là thằng đề xướng ra chuyện giặt mùng mền vì cho rằng sau 3 tháng hè, mùng mền sẽ lên meo mốc. Tôi hưởng ứng ngay cái đề xướng đó. Có thằng chỉ mang đồ ra phơi nắng buổi trưa. Thằng Phúc Lùn thì chỉ bận tâm đến số thư từ, sách vở và các thứ lĩnh kĩnh khác. Chưa xong việc thứ nhất, chúng tôi nghe Hoàng Cận tung một một cái tin hắn mới vừa thu thập về,
“Gom ra giữa sân nhà tất cả sách vở giấy bài, áo quần, tất vớ, giày cũ, và tất cả những thứ gì có thể đốt được.”
Mới nghe xong, tôi thấy hơi xốc. Nhưng ngẫm nghĩ lại, tôi thấy đó là một ý kiến hay. Nghe cái tin này, các học trò của các trường khác chắc phải rất ngạc nhiên. Tôi xung phong làm trước. Các chàng trai trong cái nhà trọ của Ông Bảng hết lòng theo tôi. Thuận Què, người duy nhất có cái rương to, nhận giữ những thứ quý báu của những ai không cần mang theo về nhà trong hè: giấy viết thư, dao cạo râu, học phẫm…Trừ áo quần thường mặt mặc ra, tất cả được chúng tôi mang ra, chất thành một đống to để chờ đến tối này“đốt.”
     Ông chủ nhà tốt bụng qua thăm chúng tôi - đang lăng xăng dọn dẹp:
“Có anh nào muốn mua trà về cho gia đình không? Tôi quen với trà Đỗ Hữu, tôi mua được giá rẻ hơn.”
Quả là một câu hỏi đáng được một tràng pháo tay. Tôi giật thót người, tự nhủ,
“Tiền cơm tiền nhà ta còn nợ nửa tháng. Giờ ta phải mua trà nữa ư?”
“Các anh đừng ngại. Bà nhà tôi ứng tiền cho các anh mượn mua trà. Anh nào cần cứ lên tiếng.”
Cả 11 thằng trong nhà trọ của chúng tôi nhao nhao lên,
“Em mua 5 gói.”
Có tiếng của ai đó, “Em muốn mua 10 gói trà ngon.”
Tiếng ai đó cất lên cao, “Em chỉ cần 6 gói thôi anh.”
Và cái giọng Bắc rất đặc trưng của Đức Cống- CT 71- đã kết thúc cuộc tranh luận:
“Em gửi anh Bảng 5 nghìn đây. Anh cứ mua cho bằng hết số tiền ấy về đây. Ai cần bao nhiêu mà chả được.”
Gọi thằng Hải Bầu đi theo, Ông Bảng phóng chiếc xe Honda 67 nhanh ra cổng rào khi trời hơi sập tối. Chúng tôi càng thêm phần háo hức rạo rực đợi chờ. Ông Bảng trở về với 2 bịch to trên vai thằng Hải, cái bao nhỏ hơn phía trên cái bình xăng xe. Chúng tôi reo hò như lũ trẻ con trong cô nhi viện được phát quà. Khi nhận 10 gói trà, thằng Phúc đỏ mặt tía tai vì vui mừng như ngày đầu tiên nó được thư của người bạn gái của nó từ Cần Thơ vậy. Luận Già cũng đỏ mặt vì xúc động trong khi thằng Đức Cống trào phúng:
“Bố mẹ ơi! Con có quà cho bố mẹ đây. Con cưng của bố mẹ sắp về rồi. Con có chè cho bố đây. Con còn cái thân còm này mang về cho mẹ xem đây.”
    Đúng là chỉ mỗi Đức Cống là còn nguyên vẹn cái thân còm cỏi như ngày đầu năm nó “nhập gia” với chúng tôi. Tụi tôi đều lên cân. Tôi đứng đầu trong danh sách ấy. Lúc ra đi, từ Cần Thơ- đầu tháng 9-1971, tôi cân đúng 45 ký. Nay vào thượng tuần tháng- 5- 1972, tôi trở về nhà nghỉ hè sau một học kỳ với một thân thể 54 ký- 9 ký lô tôi “kiếm được” trong 9 tháng đi học xa nhà mặc dù ăn uống thiếu thốn. Mẹ tôi chắc trợn mắt nhìn tôi, ôm ghì lấy tôi ứa lệ. Các cô hàng xóm chắc thích thú khi ngắm tôi như thể một chàng trai trẻ mới đi du học bên Tây về.
    Buổi cơm chiều bình thường ấy trở thành buổi tiệc tất niên “học”. Các món ăn mà hàng ngày chúng tôi dành nhau ấy bổng trở thành các món cao lương mỹ vị. Những ly trà nóng chúng tôi uống sau buổi cơm bỗng biến thành các ly bia tươi Đức mát lạnh.
   Buổi tối đêm ấy ấm cúng lên nhờ cái đống lửa trại trước sân nhà. Củi đốt là những thứ chúng tôi đã mang ra từ lúc xế chiều. Theo truyền thống bất thành văn của học sinh xa nhà ở đây, tôi châm lửa. Tôi mang đàn ra trong khi chúng nó đứng chung quanh. Tôi bắt đầu chương trình văn nghệ ngẫu hứng bằng bài hát nổi tiếng: của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, “Ly rượu mừng.”
“…Từ nơi xa xa, có bà mẹ già từ lâu mong con mắt vương lệ nhoà. Chúc bà một sớm quê hương. Bước con về hoà nỗi yêu thương. Há ha ha hà…”
Chúng tôi, không ai bảo ai, hát vang theo khúc hát ý nghĩa ấy và đôi mắt tôi cũng cảm được từ ngữ rất tượng hình, ý nghĩa ấy “mắt vương lệ nhoà”. Có ai mà không cảm động chứ?
    Trời quá nửa đêm khi buổi lửa trại kết thúc. Trời lạnh căm khi ánh lửa cuối cùng tắc đi. Chúng tôi vô nhà và tự mỗi đứa nhóm lên ngọn lửa trong lòng. Thằng nào cũng vở lẻ là chăn mền chưa kịp khô. Ngồi co ro, bó gối cho đở lạnh, tôi bắt đầu buổi trò chuyện cuối năm học, chờ sáng. Tôi nói,
“Khi tao về đến nhà, thế nào má tao cũng luộc cho một nồi hột vịt lộn.”
Thuận Què, với cái giọng ồ ề, ráo quảnh, tiếp theo ngay:
“Ông bà già tao chắc đổ bánh xèo cho cả xóm ăn quá.”
“Thôi tụi mình ra bến Ninh Kiều ăn bánh cống đi.” Trọng Thỏ nói lớn.
“Tao thèm một con vịt quay quá chừng.” Phúc lùn thống thiết kêu lên.
“Tao phải vô trong ruộng để phụ vói ông bà già. Có thằng nào theo tao về dưới chơi không? Tao dắt đi bắt chim , đuổi chuột, tát đìa đã lắm”. Hét quắn lên tiếng.
Bổng có tiếng nhỏ nhẹ của Bác Luận:
“Tôi phải phụ bà già nấu xôi hàng sáng.”
Có tiếng cười khúc khích của ai đó:
“Có xôi gà hông Bác Luận? Tụi tui ghé lại ăn một bụng rồi đi tiếp.”
“Điệu này chắc tụi mình thức tới sáng quá. Có gì ăn không tụi bay, tao đói muốn xỉu rồi nè.”
     Thiếp đi từ lúc nào không hay, nhưng khi giật mình thức giậy, tôi nhận ngay ra trời khoảng gần giờ đi học. Tôi la to,
 “Dậy đi thôi! Đi về. Đi về. Đi về nè!”
Tuấn- Phương Lâm- và Hải Bầu- Dốc Mơ- rủ nhau về trước. Thằng Đức Cống, khoác trên vai một cái xách tay nhẹ tưng, lửng thửng đi theo. Nó chào chung hết cả nhà, giọng nói vang vang:
“Tớ về trước nhé. Hết hè này, tớ ở lại nhà luôn rồi. Ở trên này vui mà cực khổ quá. Thằng Thành Xì dành ăn hết nên nó to béo ra. Tớ ngày càng gầy còm. Mẹ tớ chắc nhìn tớ không ra đâu.” 
Mặc xác nó, chúng tôi đều biết nó nói đùa. Thằng Điệp và Bác Luận đi theo Đức Cống ra bến xe Bảo Lộc. Băng Cần Thơ có cái cách riêng. Chúng tôi nấu nước chè xanh uống thay cho bửa ăn sáng. Chờ đến khi có chuyến xe đầu tiên từ Đà Lạt về, khoảng hơn 9: 30, chúng tôi mới rời nhà. Đứng chung một nhóm, chúng tôi mong có một xe còn đủ chỗ trống ghé rước cả băng chúng tôi. Sau vài chuyến đầy khách chạy vụt qua, có một xe bốc băng tụi tôi lúc gần 10 giờ rưởi. Dù bụng dạ cồn cào, tay chân bủn rủn, tôi thấy như đang bay về nhà. Chiếc xe chứa đầy hành khách như chúng tôi chứa đầy niềm hân hoan- về nhà với một thành tựu, một món quà lớn.
    Tại quán cơm ở Định Quán, vì hơi trể bửa, mọi hành khách ăn cơm rất ngon. Băng chúng ăn nguyên một quày chuối cũng rất ngon như nhóm khỉ đói. Đường về Sài Gòn hôm ấy như dài thêm ra. Chúng tôi xuống bến xe Petrus Ký lúc 4 giờ rưởi. Đón ngay xe về Cần Thơ, trong nhóm tụi tôi không có đứa nào có cảm giác đói mệt. Thay vào đó là cái cảm giác sắp được đón chào, sắp được yêu thương hơn. Đoạn đường về Cần Thơ cũng như thể cố tình kéo dài ra hơn, cố tình khiến chúng tôi sốt ruột hơn, giờ về đến nhà trể hơn và bửa cơm tối sẽ ngon nóng hơn. Ô hay, mọi thứ, mọi người chung quanh sao thật hờ hững, vô tình như thế. Không có ai để ý tới chúng tôi nếu chúng tôi không có mang vác trên vai một bao trà to tướng. Có người hỏi tôi trổng lốc,
“Trà này ở đâu vậy?”
“Ở Bảo Lộc.” tôi cũng cộc lốc trả lời.
“Bảo Lộc là ở đâu vậy?” người hành khách ngồi cạnh tôi thắc mắc.
Tôi có dịp khoe cái nơi tôi đang học, quảng cáo cái trường thương yêu nổi tiếng của tôi.
“Gần Đà Lạt đó! Tụi tui học ở Nông Lâm Súc Bảo Lộc, về nghỉ hè. Số trà này là quà tặng của trường, mỗi đứa một bao, mười gói trà sen, Đỗ Hữu.”
    Tại bến phà Cần Thơ, nhìn những ánh đèn bên kia sông Hậu Giang được rọi sáng bởi ánh trăng rằm tháng chạp, mặt sông như được giác đầy vàng, tôi cảm thấy như thêm sức sống. Nóng lòng phải chờ phà từ bên kia qua, tôi muốn nhảy đùng xuống sông, bơi qua, chạy một mạch tới nhà. Cả xóm tôi sẽ ngạc nhiên khi nghe tiếng kêu thảng thốt của tôi,“Má ơi con về đây.”
                                                              Rạch Giá hè năm 2012

                                                               Lương Ngọc Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét