Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

THÔNG CHẢO

                                     

   Dù học khác lớp, A3, nhưng chơi bóng rổ với nhau hằng ngày, thỉnh thoảng đi học về cùng đường, ở cùng một khu vực, Bùi Chí Thông, Thông Chảo, có những điều trong thời “mài đủng quần” ở ghế nhà trường mà tôi mục kích, ghi nhớ và muốn viết ra đây để góp phần vào cái đẹp cái đặc biệt của những chàng nam sinh, những người có những cái đầu chải brillantine láng bóng, quần áo lượt là, mặt mày trắng trẻo, nhưng lại có kẻ trông như lao công, phu mỏ.
   Cao to hơn hẳn trong nhóm, lưng căng phồng phẳng rộng, ở trần, dang nắng nhiều buổi trưa trước giờ học, nó đen như cái chảo. Có khiếu tếu lâm, thích cười đùa nghịch, Thông Chảo là một thằng bạn đáng mến và có sức lôi cuốn nhất đến cái tuổi ấy trong bao nhiêu “cầu thủ bóng rổ nhí” chúng tôi. Trong lúc giải lao, chúng tôi cuối người thấp xuống để uống nước máy từ cái robinet thấp ngang tầm đầu gối. Nó làm nhiều đứa tôi ôm bụng cười ho sặc sụa, chảy nước mắt sống. Mỗi khi có “độ” ăn nước đá đậu ở xe đẩy của chú Xồi, nó chọc phá chú như thể một thằng cháu vui tính lâu ngày về thăm ông chú ruột. Nó xin thêm tí nước đường, nó múc thêm vài hột đậu hoặc chan thêm một chút nước cốt dừa. Nó dành bào nước đá vào ly của thằng này, thêm nước xi rô màu vào ly của thằng khác. Khi uống nước giải khát, nó dùng hai ngón tay kẹp cái vòi của ấm trà giống y như cái cách tụi con trai đi “tháo nước ra ngoài.” Sau khi đi xem đội bóng Thọ Nhơn tập luyện vài lần, nó bắt chước cách lên rỗ của “A Chảy” nó cũng nháy được đánh mông nhẹ nhàng của “A Húi”. Nó làm cho chúng tôi vừa buồn cười vừa khâm phục. Nó là người không thể thay thế được.
   Rỏ ràng Thông Chảo có tài, có năng khiếu tếu lâm bẩm sinh. Chàng ta biết làm mắt lé, lận cặp môi dầy ra ngoài, rung lắc hai vú, mông và cái bụng mở đủ kiểu. Nó có khi nghĩ ra, kể cho chúng tôi nghe các món ăn lạ lẫm,
“Tao hiện khoái món:“Môi Mỹ đen xào hẹ.”
“Hôm qua tao vừa ăn món:“Móng tay chiên giòn.”
Hoặc có khi nó mô tả cách xút bóng,
“Một tay kéo áo xuống, tay kia xoáy bóng.”
“Móc bóng từ sau lưng rồi lăn tròn tới một vòng.”
Có lần nó lén đưa đôi giày đang bốc mùi nồng nặc vào mũi thằng Tòng đang nằm lim dim ngũ trưa.
   Nó tập được cách nói của thầy này, nó nhớ thuộc lòng cách nói của một cô khác của trường Phan Thanh Giản . Nó chỉ cho chúng tôi xem cái tính cách độc đáo của thầy Phi, cái điều lạ lùng của thầy Lực, của cô Hồng... Nó đã khiến Mẫn Lùn đã phải nhảy vào cuộc. Hai anh chàng đã khiến những buổi tập chơi bóng rỗ của chúng tôi thật đáng nhớ. Mỗi khi ngồi lại bên nhau để nghỉ ngơi sau một ván đấu 20 điểm, hắn nghĩ ra đủ cách, đủ câu chuyện để chọc cho chúng tôi cười. Chưa bao giờ nó bị ai đó cự cải hay hờn mát gì nó sau khi bị nó chọc ghẹo. Chưa bao giờ nó giận hờn ai hay có vẻ buồn bả ưu sầu như thể nó chẳng có gì để buồn.
   Có lần nó chọc tôi, người vừa từ bỏ theo nhóm “chạy xe Honda”, còm cỏi nhất, chơi dở nhất trong nhóm,
“Mầy sau này có lấy vợ, chọn cô nào mập cở như tao để tối ngũ không phải đắp mền, để khi đi đau bệnh có người ẳm bồng .”
Nó chọc thằng Mẫn Lùn,
“Sau này nếu mày có bồ cao ráo. Muốn hôn nó, mày cứ nhảy lên ôm cổ nó.”
   Mỗi khi có lớp học buổi chiều tối, khi có những chiếc dài trắng thướt tha vào sân trường, nó càng chơi hay càng tếu phá như nó vừa có thêm một phép thuật gì vậy.
Không ai trong chúng tôi có bạn gái. Không ai trong chúng tôi để ý đến nàng nào. Không có ai thích kể về một nữ sinh nào như thể mọi đứa tôi chỉ yêu “quả bóng rổ.” Giống như đa số chúng tôi, Thông Chảo không chừa hai môn bóng đá và bóng chuyền. Nó sút mạnh phạt khá mạnh và “phá banh” cũng khá hay. Nó đở quả phát bóng rất cao của thằng Phúc Lùn mà không cần phải chuẩn bị gì.
   Mỗi khi có bóng ở đường biên cuối sân bóng, dùng thân mập, nặng ký nhất trong nhóm, nó hít văng chúng tôi ra ngoài sân. Có khi chúng tôi phải tự nhảy ra khỏi sân bóng để không phải dính vào cái lưng đang nhầy nhụa mồ hôi dầu của nó. Ai cũng ngại hoặc lười ôm quả bóng về nhà, hắn thì không. Thông Chảo đã không những vui vẻ vân vê quả bóng mà khoát cái áo sơ mi trắng trên một vai, để lộ gần hết cái thân trần trụi từ trường về. Môi dầy, cười híp mắt, tiếng cười dòn tan, Thông Chảo thật đáng nhớ, thật xứng với cái nick name đó.
    Nhóm muốn đi lên Bảo Lộc của chúng tôi phải vào NLS Cần Thơ đầu niên học 1968- 69. Về sân trường cũ, chúng tôi đánh với nhóm Phan Thanh Gỉan khi họ đang tập trong sân hằng chiều. Đội Bụi Gia Trang tụi tôi như có thêm một nguồn lực mới, một kỹ thuật mới, một tốc độ mới nhất là sau khi chúng tôi đã tập chung với nhóm lính Mỹ ở sân trước nhà thờ Tin Lành, lộ 20. Có một cái gì khác hơn trước đây, một phe áo trắng, một phe áo nâu. Chúng tôi mặc đồng phục có số áo. Bên phe kia cũng có bộ áo mới. Thằng Định Vịt Xiêm hay Liêm Hút được cử làm trọng tài cho thêm phần nghiêm túc.
   Thông Chảo vẫn còn là một sứ giả hòa bình giửa hai nhóm. Lý Thái Lâm thật ít nói nhưng chơi hay hơn nhiều. Những thằng khác trong Bụi Gia Trang cũng theo bước của “Anh hai Lâm” chuyền nhanh, di chuyển liên tục, sút xa chuẩn xác. Đội “Bụi Gia Trang” của chúng tôi chơi hay hơn. Chúng tôi đã nhích lên một nấc. Nhóm đi Bảo Lộc như thể đang chuẩn bị lên đường.
    Hay tin tôi sắp đi học, Thông Chảo đã đến nhà tôi vài buổi chiều để tâm tình, tra gạn, tranh luận, phân tích một cách nghiêm túc như một nhà giáo dục học, một kẻ trưởng thành rất có trách nhiệm về việc đi học xa nhà, không giúp được gia đình, một mái nhà có cơ nguy bị hư hỏng. Nhà đông anh chị em có công việc làm ổn định, và là em út, Thông Chảo khó lòng nghĩ đến chuyện như tôi sắp làm dù nó cũng rất thích được học hỏi nhiều hơn, khám phá nhiều điều mới mẻ hơn và được thay đổi nhiều hơn như chúng tôi.
    Mỗi dịp hè về, tết đến, hắn đều đến nhà thăm tôi. Đường Lê Lai khi đó được tráng nhựa, chỉ mất 5 phút để gặp tôi, Thông Chảo thường ghé đến chơi với tôi hơn trước đây. Và những anh chàng khác, Thiên Tài, Bảo Toàn, Đức Ngân, Hét Quắn, Khuê Bầu, cũng theo chân hắn. Thông Chảo phỏng vấn tôi,
“Mầy thấy việc đi học xa nhà có lợi nhiều hay ít?”
“Mầy đã học được gì từ trường NLS Bảo Lộc?”
“Tụi mày có chơi bóng rổ trên đó không? Trời lạnh chơi đả hơn phải không?
Giờ đã mặc áo nâu của NLS Cần Thơ rồi, giờ không còn rất tinh nghịch như hồi còn bé, hắn tò mò hỏi tôi,
“Mầy có yêu ai trên đó chưa?”
“Có nàng nào để mắt đến mầy chưa?
“Con gái trên Bảo Lộc dễ thương không?”
“Mầy có làm cho gia đình buồn lòng về điều gì không?”
   Thông Chảo làm tôi thấy ý nghĩa của việc đi học xa nhà hơn ai hết. Chính nó làm tôi thấy hảnh diện vì tôi đã đem về Cần Thơ, về mái nhà xưa, về trường cũ, khá nhiều điều mới mẻ tốt đẹp.
                                                 
                                                 Rạch Giá- Apr 14, 2013
                                                                   Lương Ngọc Thành                               

                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét