Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

MỘT BỬA CƠM CHO BÀ NGOẠI

                       
     Yan Martin- một thợ nấu lừng danh thế giới- chắc chắn nhận được nhiều lời khen tặng. Nhưng khi Yan là một cậu bé 12 tuổi, chắc đã không được bà ngoại khen về một bữa cơm nào do chính tay y nấu đâu. Tôi, với một cái tình, với trách nhiệm của một thằng con ngoan, đã nấu cho bà ngoại tôi một bữa cơm mà bà nhắc nhớ mãi.
    Vì mẹ con tôi sống ly hương hay vì đường đi từ Sài Gòn xuống Cần Thơ quá xa chăng, chúng tôi rất hiếm khi có khách. Thế nên một ngày trong năm 1968, chuyến thăm bất ngờ của bà Ngoại tôi đã là một niềm vui quá lớn cho hai mẹ con tôi. Bà xuống cùng với mợ tôi và một đứa cháu gái nhỏ. Em tôi không biết lúc đó đang ở đâu. Chị tôi đang trong sở làm. Mẹ tôi đang bán hàng tạp hoá rất nhỏ trước con hẻm. Tôi, ở nhà một mình, mở cửa, xách nước, lấy khăn tắm xà bông và rất nhanh chóng phóng lên xe đạp đi chợ nấu cơm.
    Đến đầu con hẻm ngắn, tôi phải ghé lại cái quán cóc của mẹ tôi để nhận một khoảng tiền đi chợ cho 3 người. Tôi vừa đạp xe nhanh ra chợ vừa toan tính những thứ cần mua cho một buổi ăn chiều cấp tốc. Tôi chọn mua một khúc bí đao, tép tươi và 4 cái trứng vịt. Các thứ đều dể mua, dể nấu. Tôi phải nhanh chóng đạp xe trở về vì ba người khách đang ở nhà. Nồi cơm tôi bắt lên trên bếp dầu cũng đang chờ đợi tôi về. Tôi lại phải nhanh chóng ra tay làm bếp…
   Mợ Tư và con gái tắm xong khi tôi đang lặc đầu mấy con tép còn tươi xanh sau khi vừa chắc nước nồi cơm. Khi mợ chải tóc cho đứa con gái, tôi vừa làm vừa hỏi mợ một vài câu hỏi. Tôi mời bà Ngoại vào tắm và tôi làm cái việc mẹ tôi phải làm: tiếp chuyện, nấu cơm. Tôi bảo mợ tôi ngồi nghỉ ngơi và tự nhiên như đang ở nhà. Tôi vung tay, múa chân, xoay sở nhanh gọn chính xác. Trong khi chờ nồi canh sôi lên, tôi cắt khúc bí. Vừa cắt khúc bí xong, tôi đập các trứng vịt vào cái tô. Chờ chảo mở sôi với các miếng tép mở vàng ngậy, tôi đập 2 tép tỏi, thaí mỏng hai củ hành tím. Trong khi chờ trứng vịt vừa vàng chín, tôi cắt hành lá. Chờ bà ngoại bước ra khỏi phòng tắm, tôi dọn cơm trong lúc mợ tôi và đứa con gái đang ngắm nhìn các thứ trên phòng khách. Mùi thơm của chất đạm trong 4 cái trứng vịt tươi đỏ ao hoà quyện với mùi hành tỏi khiến tôi phấn chấn. Tôi trịnh trọng, lễ phép mời bà:
“Mời bà ngoại ăn cơm!”
Tôi bước nhanh lên phòng khác, vừa cười vừa nói:
“Mời mợ tư xuống ăn cơm. Đi ăn cơm Hoa, Em đói chưa hả.”
Bà Ngoại và mợ tôi không tin được những gì hai người nhìn thấy trên bàn, đang bốc khói, đang toả mùi thơm và đang chờ họ thưởng thức. Mẹ tôi vẩn còn ngoài quán. Vừa khi mà Ngoại tôi và mợ tôi kéo ghế ngồi xuống, chuẩn bị buổi cơm chiều đặc biệt ấy, tôi ù té chạy ra ngoài quán. Tôi nói nhanh trong tiếng thở hổn hển:
“Má vô ăn cơm với ngoại đi. Để con trông chừng quán cho.”
Đến phiên mẹ tôi bị ngạc nhiên. Bà ngạc nhiên vì cái cách, cái ý thức và cái tốc độ tôi nấu buổi cơm chiều. Bà bất ngờ mừng vui vì cái ý thức rất người lớn của tôi, thằng nhóc 12 tuổi. Tôi ngồi trước cái quán ọp ẹp do tự tay má tôi tạo dựng ra. Tôi thầm nghĩ ra bửa cơm tôi đã vừa nấu, cái nóng, ngon miệng, thơm tho tự nhiên của món ăn và tôi thấy thật vui lòng- “Hạnh phúc vì làm cho ai đấy hạnh phúc.”Tôi đã nấu cho mẹ tôi ăn gần 3 năm nay. Tôi đã khiến bà vừa lòng với hầu hết món tôi nấu hàng ngày. Sáng trước khi đi làm mẹ tôi phát 2 đồng tiền đi chợ và một đồng tiền cho hai anh em tôi ăn hàng. Tôi bao giờ cũng chọn món ăn khác biệt mỗi ngày, nấu ngon và đủ như một bà bếp chuyên nghiệp. Tôi ít khi nào quên mua thêm ớt tỏi, hành ngò hoặc một vài cái muỗng canh. Khi Cần Thơ vừa có lò bánh mì điện, má tôi rất thích ăn bánh mì nóng dòn chấm vói nước mắm ớt do chính tay tôi làm. Sau khi nêm nếm chén nước mắm cay nồng trông rất bắt mắt, tôi cởi xe đạp thật nhanh ra lò. Máng cái bịch nylon chứa 2 ổ bánh nóng, tôi chạy thật nhanh về nhà trong lúc mẹ tôi đang nóng lòng thưởng thức. Tôi có thêm một ý tứ- làm một ly nước trà đá- Nhìn thấy mẹ tôi ăn, hít hà vì cay, uống một ngụm nước đá lạnh tê lưởi, tôi thấy như chính tôi đang ăn. Mẹ tôi lộ vẻ hài lòng ngần nào thì tôi cũng cảm thấy hài lòng ngần ấy.
     Những khi làm cho mẹ vui, người con nào cũng cảm thấy hạnh phúc tựa như họ từng được mẹ họ tạo ra biết bao niềm vui khi họ còn bé. Khi tôi còn là cậu bé con, mẹ tôi không thể nào tạo cho tôi một niềm vui nào vì đời mẹ tôi chất chứa đầy những nỗi buồn, những giọt nước mắt, những uất nghẹn tủi hờn từ bên phía nội tôi và từ chính ba tôi. Tôi không tự so sánh mình với các đứa trẻ con hạnh phúc khác. Họ may mắn hơn và họ có những thuận lợi hơn tôi. Tôi không hề tị hiềm với em trai tôi đứa được mẹ tôi chăm sóc, chìu chuộng. Tôi chỉ luôn tự hỏi:
“Làm sao để mẹ ta được hạnh phúc hơn. Làm sao ta giúp được mẹ nhiều hơn?”
“Bà Sáu đâu rồi Thành? Bán cho chú hai điếu Captain coi?” tiếng nói ồ ề của ông Tám xe ba gác khiến tôi giật mình.
“Dạ má con đang ăn cơm với bà Ngoại ở trong nhà.”
Chăm điếu thuốc, phà ra một hơi thuốc dài, đợi tôi làm xong cho ông ta ly trà đá, bác Tám gợi chuyện với tôi,
“Hàng ngày tôi thấy bả ăn cơm ngay đây mà. Ai lo nấu cơm ở trong nhà vậy? ”
“Dạ con.”
“Trời đất ơi, con biết nấu cơm nữa hả?”
Tôi thấy hơi vui mà cũng hơi buồn cười. Trong cái xóm lao động này, dể hồ gì tìm thấy một đứa con trai ngoan ngoản, chứ nói chi đến việc nấu cơm. Tôi chỉ trả lời thật nhỏ nhẹ,
“Dạ.”
“Vậy con cũng nấu cơm cho bà Ngoại ăn ở trỏng đó hả?”
Vừa gải đầu, vừa tìm ra cái câu giải thích gọn ghẻ, tôi lễ phép nói,
“Dạ, má con bận tay ở đây rồi. Con phải nấu cơm cho Ngoại thôi.”
Bác Tám vừa vân vê điếu thuốc trên tay vừa gật gù. Ông lộ vẻ tư lự suy nghĩ trong khi tôi đang cố hình dung ra bữa cơm tôi đã nấu cho bà tôi.
    Vừa thoáng thấy mẹ tôi bước ra khỏi cửa rào, tôi chào bác Tám rồi chạy nhanh về nhà. Mẹ tôi chận tôi lại không kịp. Bà chỉ nghe tôi nói vói theo,
“Má ra coi quán để con vào trong dọn dẹp.”
     Tôi không biết rỏ mẹ tôi đang nghĩ gì. Nhưng tôi biết chắc một điều rằng mẹ tôi sẽ kể cho bác Tám nghe nhiều điều về tôi với nhiều nụ cười. Bà ngoại tôi chắc sau này thường nhắc lại cái bửa cơm đó. Bà không còn bắt đầu bằng cách,
“Ngày xửa ngày xưa” nữa mà có thể các cháu của bà nghe rằng,
“Hôm bà xuống Cần Thơ, Thằng Thành đã nấu cơm cho bà ăn…”  

                                                                               Rạch  Giá Jul 7,10

                                                                                                                Lương Ngọc Thành- Thành Xì-TL 71-74

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét