Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

MÁ NĂM- BẢO LỘC

                                            

     Nếu kiếp sau được phép chọn một người mẹ đẻ, tôi chọn ngay Má Năm vì nhiều lý do và Má Năm chắc sẽ hạnh phúc hơn, Long Kh’mer cũng sẽ vui hơn nhiều.
    Ngay sau khi gặp Long Kh’mer, sáng hôm sau nó dắt chúng tôi đến quán Má Năm để uống cà phê. Má nhận ra thằng Khuê Bầu ngay. Long giới thiệu tôi như là một người bạn mới của nó và công dân mới của Bảo Lộc. Má Năm pha hai cái “phin” đải 2 đứa tôi một cách ân cần. Trưa hôm ấy, chúng tôi ra quán để tận dụng khoản cơm cháy trong cái nồi cơm to má vừa bán xong. Má nấu các món mặn thật đặc sắc. Dân xe tải gốc nam bộ rất mê món ăn của Má Năm. Khách đi xe Đà Lạt sau ghé ăn một lần, luôn luôn buộc tài xế ghé quán của má dẫu cho phải ngồi chờ má bắt thêm cơm. Chị Năm cũng góp phần làm quán đắc khách với cái cách chị hỏi chuyện vừa dọn bàn vừa trả lời các câu hỏi của thực khách một cách thân mật tự nhiên. Vài hôm tối trời, má còn mời mấy tay tài xế một đĩa đồ nhấm khi họ quyết định ngủ lại Bảo Lộc, bên lề đường, ngay trước quán của Má Năm.
    Gọi là quán vậy thôi chứ nó chỉ là một khoảng 12 mét vuông, trong cái mái che của chợ Bảo Lộc. Quán gồm một cái quầy- cái hộp hình chử nhật có 3 cạnh, chiều dài vừa bằng chiều cao của má và đủ chổ cho hai mẹ con chui vào lọt lỏm trong đó và 2 bộ bàn nhôm xếp, ọp ẹp, ghế đẩu hơi xiêu vẹo và không có bảng hiệu. Mặt trên quầy là chổ má bày những thứ cần cho việc buôn bán, cái tủ thuốc lá, một vài hủ rượu, một cái gỗ cũ kĩ chứa chai lọ đựng đồ gia vị hay bất cứ thứ gì khác. Má Năm không hề hé răng than phiền cái cơ nghiệp má có để nuôi sống hàng chục người trong nhà. Mỗi khi trời mưa, chị Năm phải lay hoay che chèn chổ hổng này, hứng nước dột chổ khác. Trừ chị Tư ở nhà nuôi một cháu tàn tật và làm nội tướng, Thành Lát, Hạnh Ù, Dung Đen phải đi làm để phụ với má. Mọi người trông nhờ vào cái quán.
   Má Năm có cái tên khai sinh trùng khớp với tên của “Liên Hải Cẩu”- Nguyễn Thị Liên- quê quán Trà Vinh. Ba Năm gốc Tàu- Quảng Đông, từng là thợ cơ khí của hảng Bason. Sau khi thua lỗ trong việc làm ăn, và sau khi được giới thiệu lên Bảo Lộc sửa xe cho một ông tây chủ đồn điền, ba Năm dắt má Năm và 6 đứa con lên B’lao lập nghiệp. Trước khi về Pháp, ông tây giới thiệu má nấu ăn cho cha sở. Sau này cha sở giúp má Năm vào làm thợ nấu cho Tòa hành chánh huyện B’lao. Sinh thêm 3 đứa con nữa, tảo tần suốt năm, má Năm đến nay chưa có dịp nào về thăm lại nơi “chôn nhau cắt rún”. Sau ngày Giải phóng, má bày ra một sạp bán ngay ở Bến xe. Chưa có lần nào Má Năm nghỉ bán để đi đâu cả. Mọi chuyện trong nhà chị Tư chăm lo. Chị Năm sát cánh với má lo cho nồi cơm chung cho 11 người. Ba Năm bó gối ở nhà. Yếm thế, buồn đời, ông dần dà thành kẻ nghiện rượu. Khi con bé Hạnh Ù, Dung Đen hay thằng Tèo ra quán để đem thức ăn về, tụi nó hay để kể cho Má nghe ở nhà ba Năm vừa quậy như thế nào. Dĩ nhiên, Long Kh’mer rất ray rức về chuyện ấy. Anh của nó- Thành Lát- cũng góp phần làm nó buồn thêm bởi cái ngang tàng bê tha của hắn và cả chuyện hắn cải vã với ba Năm nữa.
     Một lần, khi Má Năm nghe Long kể về tôi,
“Thành Xì ở ký túc xá ăn cơm tập thể với bo bo và bột mì. Còn cơm hả? Má mà lấy cục cơm chọi con chó, nó dám lăn đùng ra chết lắm đó má.”
Má Năm tặt lưỡi, hỏi tôi,
“Cực khổ quá vậy hả con?”
Thằng Long lẻo mép đó “châm thêm dầu vào lửa”,
“Mỗi tháng nó được 21 đồng tiền học bổng đó má. Có khi nào nó có xu nào dính túi đâu Má?”
Má Năm trợn mắt, nhìn tôi,
“Rồi sao con có tiền ăn quà hàng bánh gì hả con?”
“Nó còn cạy cơm cháy nhà bếp để ăn sáng đó má!”
Má xoa đầu tôi,
“Mèn đét ơi! Tội nghiệp thằng nhỏ quá chừng. Thôi ráng nghen con. Ra trường xong, lên đây ở với má.”   
     Tôi thấy run run trong lòng dù trời đang nắng ráo. Dãy phố cũ kỹ phía sau chợ Bảo Lộc bổng dưng lung lay nhảy múa trước mắt tôi. Mặt đất như đang rung rinh, như sắp có trận động đất. Sau khi có má Chánh rồi, tôi vừa có thêm một người má nữa ở Bảo Lộc này mà mẹ ruột của tôi nào có hay. Cái chòi, mái tole, được che chắn tạm bợ xiêu vẹo này, cái sạp bán tềnh toàng thế này bổng trở thành một căn nhà nhỏ xinh xắn ấm áp. Các vật dụng tềnh toàng bổng trở thành bông hoa, thành đồ trang trí đẹp mắt. Tôi thầm cảm ơn má và ước chi tôi không còn một lựa chọn nào khác. Tôi thầm mơ ước sao tôi có thể làm được điều gì đó để giúp cho Má ngay tức khắc. Dọn bàn, bưng thức ăn ra cho khách là chuyện tôi làm được. Má rầy tôi,
“Để cho chị Năm làm! Con ngồi chơi với thằng Long đi. Con khuyên nó ít nhậu lại giùm cho má.”
Quay sang nó, má cũng “mần” nó luôn,
“Cái thằng quỷ này nè. Cứ tới giờ cơm là nó dắt “thằng nhỏ” đi đâu mất biệt vậy hà. Để nó ở lại quán má tẩm bổ cho nó chứ”
     Long Kh’mer chưa kể nhiều chuyện về má Năm cho tôi nghe nhưng tôi cũng chẳng  cần biết thêm một điều nào nữa cả. Tôi chưa nghe má than phiền ai. Tôi không hề nghe má mắc mứu một điều gì. Má đi lễ hằng chiều chủ nhật. Cha Thịnh, vì quý tài năng Long Kh’mer- người vẽ tặng cho cha một bức chân dung Chúa Jesus rất tuyệt- với cái tựa đề rất sốc “Đại Ca Jesus”- nên cũng rất qúy mến Má Năm. Một lần tôi được Má Năm rủ đi chợ. Tôi nghe biết bao nhiêu tiếng chào, tiếng hỏi han của các bà nội trợ hay bà bán hàng. Má vui vẻ giới thiệu tôi với mọi người,
“Bạn của thằng Long, lên đây nghỉ hè.”
Có khi má lại buộc miệng,
“Cháu tôi, học ở Sài Gòn.”
Tôi cảm động nhất khi nghe má bảo với họ rằng,
“Con trai tui đó. Nó về trên này nghỉ hè.”
Ai đi chợ Bảo Lộc và nhiều người dân Bảo Lộc hôm ấy chắc phải tự hỏi,
“Bà Năm sao có lắm con đến thế nhỉ?”
     Mỗi khi có chuyến xe tải quen ghé lại trong một cơn mưa phùn hay vào một chiều tối có gió lạnh, má hỏi ngay bác tài,
“Nhâm nhi chút gì cho ấm bụng nhen con.”
“Dạ, má cho gì con nhậu cái đó.”
Má Năm nấu thật nhanh một món thơm phức, bốc khói. Rót ngay một ly rượu trắng,    má mời mọc người thực khách kia như một đứa con từ xa mới về,
“Vô đi, chờ má nấu chút xíu nhen!”
    Chưa có một thực khách nào phàn nàn về bất cứ chuyện gì. Dù cho các bàn ăn và ghế ngồi hơi lung lay, chổ ngồi của họ có khi bị mưa hắt vào hay bị dột, nhưng thức ăn má nấu, cái cách má tiếp họ làm họ rất hài lòng. Cũng chưa có ai trong nhà không thương lo và tội nghiệp cho má. Tôi thấp thỏm lo lắng,
“Ngày tháng cứ trôi qua, bà mẹ già rồi sẽ xa ta.”
Tôi ao ước một ngày thấy má bớt vất vả. Tôi mong sao có ai trong nhà mang má về phụng dưỡng để má chỉ ngồi ăn trầu, đọc kinh, bồng ẳm cháu và thỉnh thoảng được về Trà Vinh thăm quê hương.   
   Sau chuyến Long Kh’mer bất ngờ qua Rạch Giá thăm tôi, tháng 5 năm 1993, chỉ nhận được một món quà rất nhỏ của tôi- hộp dầu cù là của Thái Lan, má Năm mừng rở buộc miệng nói ngay với Long Kh’mer,
“Thằng Thành Xì tìm đâu cái hủ dầu “quá đả” vậy con. Biểu nó có rảnh thì lên trên này chơi thăm má nghen! Nhắc nó mua cho má một hủ dầu nữa nhen.”
  Khi Long Khmer xuống dự đám cưới của tôi, tháng 3 1994, thấy nó đeo tang, tôi mới biết là má Năm đã đi hơn 3 tháng sau một cơn bệnh nặng.
   Má Năm ơi,
Con chỉ muốn ngã vào lòng má, nghẹn ngào nói nhỏ rằng,
 “Má ơi! con sẽ lên thăm má và con sẽ mang cho má nhiều thứ má thích nữa kìa!” 

                                                                     Rạch Giá 16- 10- 2011
                                                                      Lương Ngọc Thành

    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét