Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

HÈ TRÊN BẢO LỘC

                                

    Đến hè năm 1976, tôi lên nhà Má Chánh để “làm lá”, một việc không khó nhọc nhưng nhiều công phu. Tôi nhập vào trong gia đình Má nhiều đến nỗi tôi như đang nghỉ hè ở nhà.
     Ba tuần hè ở Bảo Lộc của tôi quý như vàng. Sáng sớm dậy quét dọn bếp, bắt nước pha trà, tôi bắt đầu “làm lá” ngay như có ai thúc giục. Má Chánh làm 10 ký thịt để làm nem và mỗi ngày tôi có 30 ký lá chuối để làm. Suốt ngày lo toan sao cho “nguồn lá” tôi làm ra kịp cho các tay thợ gói, cho các mẻ hấp chả. Tôi âm thầm hạnh phúc về một việc làm có ý nghĩa. Tôi không làm lá sao được khi mà hàng ngày có biết bao nhiêu người đều làm nhiều phần việc khác nhau. Tôi không “làm lá” sao được khi mọi việc cuối cùng rồi phải có lá mới ra lò: lá nòng nem, lá gói nem, lá bao ngoài nem, lá nòng chả, lá gói chả và lá bao ngoài chả.
   Mạ thường nói về tôi,
“Hắn quá chi là hiền lành, suốt ngày chỉ lo làm lá.”
Má Chánh còn nói riêng với tôi,
“Bửa mô đi chợ với mạ hỉ. Mạ cho ăn cái gì “bồi dưỡng hỉ”. Làm răng mà ở nhà hoài hỉ?”
Tôi cuối mặt xuống che hai hàng nước mắt sắp tuôn ra, tự hỏi lòng mình,
 “Ta đã thèm muốn một câu nói yêu thương đến như thế sao? Ta đáng được mạ dắt đi chợ thật ư?”
Chị Phương không hiểu, không tưởng tượng nỗi tôi đã đang nghĩ gì và nhất là chị chẳng hiểu vì sao hai cái hè rồi tôi đã lên đây. Một buổi tối khi tôi thoan thoắt cắt xén lá, chị Phương hỏi tôi,
“Chị không hiểu sao em lên đây nghỉ hè mà chị không thấy đi ra ngoài, không đi đâu chơi cho thoải mái vậy, Thành Xì?
Liếc lên, tạm dừng tay, tôi giải thích,
“Em lên được đến đây, làm được như vầy là đủ thoải mái rồi. Đi chơi hoài mạ la em.”
“Thành nói sao chứ… chị thấy mạ thương Thành lắm đó. Có hôm em về trể, mạ cứ nhắc chị chừa thức ăn cho em hoài đến sốt cả ruột.”
Tôi phì cười, chọc ghẹo chị,
“Sốt ruột…chị chừa đồ nhiều quá làm em đau cả ruột.”
    Thấy Má Chánh phải ru ngủ hai cháu nội, tôi sốt ruột. Tôi xin Mạ để tôi thử. Tôi kể chuyện,
“Một hôm thỏ Mẹ phải đi vào rừng tìm củi, hai con thỏ con nằm im với thỏ Chú. Sợ mẹ buồn, hai thỏ con không dám khóc. Thỏ Chú cất tiếng hát,
  “Thỏ ngoan thỏ ngủ cho say.
    Thỏ mẹ đi cày có lúa cho cha.
    Thỏ cha đang ở rất xa.
    Thỏ mẹ vất vả bôn ba cả ngày.”
Ngọc, mới lên 7 tuổi, hỏi tôi,
“Thỏ Cha đang ở đâu vậy chú?
Quay sang con bé đang nhớ cha, tôi nói nhỏ,
“Ở xa lắm. Thỏ mẹ tìm củi về bán để có tiền đi thăm thỏ Cha đấy.”
Con bé em bên phải cũng tò mò hỏi tôi,
“Mẹ đi tìm củi bao giờ về hả chú?”
“Biết hai cháu ngủ xong mẹ mới về.”
Như nhà thôi miên, tôi vừa làm hai cháu nhỏ của tôi nhắm nghiền mắt ngủ trong sự thán phục của má Chánh.
    Một bửa cơm chiều mưa lạnh, như mọi ngày cả nhà cùng ngồi chung bàn. Lần lượt mọi người ăn xong buông đủa xuống khi tô canh vẫn còn khá đầy. Thay vì bới thêm cơm, tôi dùng thìa to chan đầy nước canh vào chén và húp vội vàng 2 lần. Thấy tôi chan canh vào chén lần thứ ba,“mạ” ngăn tay tôi lại,
“Cơm còn nhiều lắm. Thành Xì ăn thêm một chén nữa đi hỉ.”
“Má con dạy, “Cơm để qua ngày sau còn ăn được. Nứơc canh để qua đêm bị thiêu.” Để con cố húp hết tô canh thay cơm vậy.”
   Mạ quay sang ba cô con gái nhỏ,
“Nghe anh Thành mi nói chưa? Con trai như rựa mà nghe lời Mạ như rựa.”
   Ba Chánh, ít nói nhất nhà, hằng ngày làm một cây chả đặc biệt để chia đều cho ai làm việc hoặc vắng mặt ngày hôm ấy. Tôi có phần như bình thường như mọi người. Tôi muốn được cái mọi người đáng được- sự bình đẳng.
Mỗi ký nem đem bán cho “Cửa hàng ăn uống Bảo Lộc”, Má Chánh được mua một gói thuốc giá chính thức. Số thuốc lá được chia đều mọi người trong nhà. Anh Từ thường hay khen tôi,
  “Từ khi có mi lên đây, lúc nào lá cũng đầy đủ, gọn gàng. Mi đúng là “Thành Lá” rồi.”
    Trên BL, tôi còn có một địa chỉ khác để đến, quán Má Năm. Một lần theo Long Kh’mer ra quán, Long kể cho Má Năm nghe về tôi,
“Nó ở ký túc xá ăn tòan bo bo và bột mì. Còn cơm hả? Má mà lấy cục cơm mà chọi con chó, nó dám lăn đùng ra chết lắm đó.”
Má Năm tặt lưỡi, hỏi tôi,
“Cực khổ quá vậy hả con?”
Cái thằng Long lẻo mép hôm đó còn “châm thêm dầu vào lửa”,
“Mỗi tháng nó được 21 đồng tiền học bổng đó má. Có khi nào nó có xu nào dính túi đâu Má?”
Má Năm trợn mắt,
“Rồi sao con có tiền ăn quà hàng bánh gì hả con?”
“Nó còn cạy cơm cháy nhà bếp để ăn sáng đó má!”
Má xoa đầu tôi,
“Mèn đét ơi! Tội nghiệp thằng nhỏ quá chừng. Thôi ráng nghen con. Ra trường xong, lên đây ở với má.”   
    Tôi thấy run run trong lòng. Dãy phố cũ kỹ phía sau chợ Bảo Lộc như lung lay nhảy múa trước mắt tôi. Sau khi có má Chánh rồi, tôi vừa có thêm một người má nữa ở Bảo Lộc này. Cái chòi, mái tole, được che chắn tạm bợ xiêu vẹo này, cái sạp bán tềnh toàng thế này bổng trở thành một căn nhà nhỏ xinh xắn ấm áp. Các vật dụng cũ kĩ, thông thường bổng trở thành bông hoa, đồ nội thất đẹp mắt. Tôi thầm cảm ơn má và ước chi tôi không còn một lựa chọn nào khác. Tôi thầm mơ ước sao tôi có thể làm được điều gì đó để giúp cho Má ngay tức khắc. Dọn bàn, rửa chén, bưng thức ăn ra cho khách là chuyện tôi làm được nhưng Má Năm rầy tôi,
“Để đó cho chị Năm làm! Con ngồi chơi với thằng Long đi.”
    Làm sao tôi có thể quên được những ngày hè như thế chứ?
                                         Rạch Giá Jul 06, 2012

                                                              Ngọc Thành 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét