Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

TRỞ VỀ

                                      TRỞ VỀ
     Mọi việc đều có cái khởi đầu và kết thúc- tốt đẹp hoặc phũ nhàng. Ngày tôi rời gia đình để lên Sài Gòn lập nghiệp, vợ và con gái đã ôm tôi khóc như mưa bấc. Hôm tôi trở về, họ cũng đã ôm tôi, nhưng cười như hoa xuân.
     Chuyện lên Sài Gòn để dạy Anh Văn, làm một nghề khác và học sau đại học là một điều tôi hằng ấp ủ. Tôi không thể hình dung tôi sẽ ra sao nếu tôi không thành công, nếu hai con tôi không phát triển tốt, vợ tôi chấp nhận. Tôi trình bày mọi chuyện với họ và đã tự hỏi,
“Có phải ta muốn làm một khác biệt không?”
    Thu nhập thấp, không có cơ hội tiếp xúc ở một tỉnh nhỏ, không có dịp học thêm gì nữa đã khiến tôi thất vọng, tự ti. Tôi trách mình đã không có được một khoảng tiền ít ỏi cho con tôi đi thi đại học, không tiền cho 2 lần sinh nhật của chúng nó. Tôi vui mừng khi nhận được một học trò, có một bài dịch. Trong những ngày Tết, khi nhiều người vui chơi tiêu xài, tôi làm cỏ ở sau vườn vì tôi không có khách hoặc học trò đến thăm. Bất cứ khi nào có điện thoại của bằng hữu , tôi đều phải toan tính, dè dặt. Bao giờ đi dự họp mặt lớp hay đám cưới của con bạn học, tôi đều phải về ngay vì lo sợ mất một người học. Tôi sắp bị trầm cảm hoặc đại loại như thế.
    Trên Sài Gòn tôi học được cái ý tưởng của Dough- một giáo viên Canada,
“Nhà, quê nhà ư? là nơi ta máng cái nón hay cái áo lên khi đi làm về.”
Ở nhà không chỉ có được như thế, tôi có thể khiến cho vợ con tôi vui mừng, yên Tôi khiến cho mọi người bên gia đình vợ tôi tiến bộ, người ở quê tôi biết cách học mới mẻ hơn. Hồi còn trẻ, tôi đã lên Dalat học và đã mơ có một học bổng đi du học.  
   Gary- người bạn Mỹ dạy chung với tôi- rất ngạc nhiên vì những gì tôi đang làm, những khó khăn tôi đang vượt qua, những thử thách và mục tiêu  trước mắt tôi. Hắn từng dạy học ở Nhật 3 năm, Hàn Quốc 3 năm và Trung Quốc hơn 2 năm. Khi gặp nhau, hắn đã dạy ở Sai Gòn hơn một năm rưởi. Gary và tôi bàn bạc về chuyện sống xa nhà và trở về. Hắn muốn có một gia đình ở Việt Nam. Tôi muốn đưa vợ con lên Sài Gòn chung sống. Gary và tôi ngày càng thân thích. Tôi giúp hắn khi hắn cần và hắn giúp tôi những gì hắn có thể. Ở đó, tôi có hắn làm bạn. Hắn dạy tôi nhiều điều. Hắn sửa chữa tôi nhiều lổi nhỏ. Hắn ngạc nhiên cách tôi dạy thiếu nhi. Cách tôi tập cho học trò với các bài nghe hay cách hai cha con tôi chung sống. Tôi đã tiếp xúc với nhiều giáo viên cũng đến Sài Gòn lập nghiệp như tôi. Tôi so sánh những gì họ và tôi làm được. Sống xa nhà thiếu thốn vất vả nhưng tôi tiến bộ và tôi đã khiến con trai tôi tiến bộ theo.
     Bà xã tôi không đồng ý theo tôi lên Sài Gòn và tôi không thể trở về quê có nghiã là chúng tôi phải ly dị nhau. Dĩ nhiên là điều đó không phải dể được hai con tôi chấp thuận. Sau nhiều lần cải cọ, sau nhiều lần quát tháo nhau trên điện thoại, việc ly dị nhau tạm lắng dịu. Tôi chờ đến ngày cuối cùng mới quyết định học sau đại học. Hồ sơ của tôi thiếu một thứ mà tôi không lường được: bảng điểm khi tốt nghiệp. Thất vọng về điều đó chưa kịp nguôi ngoai thì vào ngày sau đó, tôi nhận được một tin lạ, con gái tôi bắt đầu dậy thì. Tôi tự đúc kết soi xét mọi chuyện tôi trước đó cho đến khi đó làm. Tôi soạn thư chia tay với một số học trò thân. Tôi giúp Gary dọn nhà và tôi rất hy vọng hắn sẽ dạy khá lên. Tôi chờ đến khi nhận học phí của 2 học trò riêng của tôi. Dặn dò thằng con trai một số điều quan trọng, sau khi nhận lương của tháng dạy đó, tôi đã quyết định vào lúc 4:30 sáng ngày hôm sau chạy chiếc Vespa trở về nhà.
   Cuối năm 1980, tôi về đây để làm việc, mang trong lòng một tình thương mẹ, một ước mơ giản dị. Giờ tôi một lần nữa trở lại đây tiếp tục dạy học, với một tình thương con, một ước mơ đơn sơ như trước đây. Sau 30 năm, tôi học được một bài học lớn: chúng ta có thể bỏ tất cả vì một lý tưởng tốt đẹp. Chúng ta có thể bỏ lại tất cả vừa xây dựng được vì một lý do tốt đẹp. Có những chiến binh bỏ hết vì độc lập tự do. Có người bỏ lại hết, đi xa quê lập nghiệp. Có kẻ bỏ lại hết cái họ kiếm được để hồi hương. Có một số người ngông cuồng chạy theo một mục tiêu không rỏ ràng. Có kẻ lại đơn giản đi theo con đường sáng sủa. Có kẻ dại, có người khôn. Có kẻ đúng, có người sai. Tôi cũng chỉ là một con người.
  Ngay hôm tôi vừa về đến nhà, một phụ huynh hỏi cho đứa con trai học. Những ngày kế tiếp, có những người khác trực tiếp đến hỏi học.Tôi vui mừng ra mặt và vợ tôi không dấu diếm được nỗi hân hoan hy vọng. Tôi thật sự kiếm đủ cho gia đình nhưng không đủ cho chi phí của đứa con trai học ở Sài Gòn. Như những gì tôi đã tiên liệu. Có người khen, có kẻ tiếc nuối. Có người thắc mắc, có kẻ thông hiểu. Tôi tự hiểu mình hơn ai hết và tôi đã chiến thắng bản thân tôi. Hai cha con tôi ở chung, nấu cơm ăn chung, cùng nhau dịch tài liệu và hai cha con chúng tôi có chung một hoài bảo: Sống một cuộc sống khá hơn và học được nhiều hơn.
    Trên chiếc Vespa cũ kỹ, tôi đã chạy lên Sài Gòn, đã chạy đi dạy một số nơi với một hoài bảo và cũng trên chiếc xe ấy tôi chở về nhà một niềm hy vọng: Làm lại những gì tôi đã làm một cách tốt đẹp hơn như nhiều người ly hương, nhiều Việt kiều đã từng và đang làm.
                                                                            Rạch Giá 12 tháng 4 -2013
                                                                                                               Lương Ngọc Thành

                                                                                     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét