MỒNG HAI TẾT
Có biết bao nhiêu điều người ta làm trong
ngày mồng hai tết mà tôi có thể hình dung ra nhưng họ không thể tưởng tượng nỗi
tôi đã làm gì từ 3 giờ sáng ngày thứ nhì của năm Nhâm Ngọ 2002.
Có một dạo sau năm 1975, dãy phố ngay góc rẻ
xuống Cầu Trắng, Tiệm Phú Vinh cũ, đã từng là nhà sách, cửa hàng văn hóa phẩm
và là “Cửa hàng ăn uống”. Mỗi khi lên Bảo Lộc, đi ngang qua đây, tôi đều ghé
mắt nhìn vào dảy phố ấy. Năm 1977, trong cửa hàng có treo một bức tranh sơn dầu
đen trắng. Nó đập ngay vào tâm trí tôi và đã khiến tôi luôn ước ao vẽ lại nó
trong khỏang 10 năm cho đến lúc tôi tình cờ mua được tập tranh của họa sĩ -
giáo sư giảng dạy về phong cảnh người Nga- Ivan
Ivanovich Shishkin (1832 – 1898). Bức tranh gây ấn tượng mạnh mẻ đến nổi ngày
ngày tôi luôn mong đến lúc vẽ lại cái phong
cảnh rừng nỗi tiếng thế giới ấy. Chính vì thế mà trong lúc lên Dalat để
kỷ niệm 5 năm ngày cưới 1989, tôi đã đặt mua một khung tranh 2 x 1,2 mét để
chuẩn bị cho bức tranh tôi mong muốn chép vẽ lại.
Vào năm 1998, ngay phía trước nhà, tôi mở
ra một phòng vẽ quảng cáo như là cách kiếm thêm ít thu nhập, giúp được 2 nhân
công và cách tôi tự khẳng định mình. Tôi có dịp thiết kế một số kiểu chữ, làm
bảng hiệu mica hộp đèn lần đầu tiên tại Rạch Giá. Việc dạy học chiếm khá lớn
thì giờ của tôi trong năm. Nhưng người học vội vàng nghỉ ngay rằm tháng chạp và
đi học lại khoảng rằm tháng giêng. Họ khiến tôi mất một tháng thu nhập. Chưa có
tết năm nào tôi vui sau khi có 3 năm liền tôi có nhóm học trò đến thăm vào ngày
mồng 4 tết. Ngay sáng sớm ngày mồng hai, tôi đã từng sang lấp đất cái mương to
phía sau vườn sau khi đã mua 15 mét khối đất ruộng. Có được khoảng đất 18 mét x
40 mét vườn sau nhà, tôi quyết định trồng xoài cát Hòa Lộc. Các cây giống chiết
cành mau phát triển và mẹ tôi mau chóng có một niềm vui thật lớn với các bà bạn
gần xa, có một vườn xoài thẳng tấp. Có năm tôi chọn việc làm cỏ miếng vườn ngay
sáng mồng hai tết và từ chối đi qua Cần Thơ.
Năm nào tôi cũng có lời mời của Thi Lùn lên
Bảo Lộc, Cậu Doản lên Đà Lạt và Khuê Bầu qua Cần Thơ chơi tết. Bạn bè mong làm
tôi vui nhưng làm sao tôi có thể vui thú gì khi mà tôi chẳng có một khoản để
dành ít nhất cho tiền lì xì, tiền vé xe, tiền xăng, cho khoảng nhỏ để vá xe...?
Làm sao tôi có thể thoải mái khi mà lòng tôi nặng nỗi lo mưu sinh, nỗi buồn cho
cái cách tôi phải bó tay bó chân ở cái nơi mà cơ hội khá ít với tôi. Nhìn mẹ
tôi ngày càng già đi, con tôi ngày càng lớn lên, tôi ngày càng buồn bả, lo toan,
vẩn vơ, ngày ngày làm những điều phải làm chứ không phải những điều tôi ưa
thích.
Ngày 13 tháng 6 năm 2001, mẹ tôi vĩnh viển
ra đi, để lại trong lòng tôi một lổ hỏng thật lớn, một nỗi buồn không thể diển
tả được bằng lời và một nỗi đau không có loại thuốc men nào làm có thể làm thuyên
giảm được. Cuối năm ấy, tôi mang ra cái khung tranh để ráp lại. Tôi sơn lót
miếng ván ép và ráp vào khung. Chiều ngày mùng một, kê khung lên giá vẽ, bày
biện các tube sơn dầu, cọ vẽ trên bàn để sáng sớm hôm sau, mồng hai tết, tôi vẽ
lại bức tranh tôi đã nhìn thấy trên Bảo Lộc 23 năm trước.
Từ 3 giờ 30 sáng ngày mồng hai, tôi bắt tay
vào việc. Phóng bức tranh mẩu, 6 cm 5 x 4 cm 4 thành bức trang lớn hơn 30 lần.
Tôi chọn tâm điểm là con gấu đứng ngước nhìn lên, mảng sương mù chung quanh là
vùng ánh sáng tương phản. Suốt ngày mồng hai tôi chẳng hề có khách hoặc học trò
đến thăm. Tôi chẳng hề phải nghỉ tay, không có một phút bận lòng. Tôi đứng
trước giá vẽ như một tay thợ chép tranh mải mê việc cho kịp ngày giao cho khách
hàng. Tôi quên hết mọi việc xảy ra chung quanh. Tôi chăm chú vào các đường nét
rỏ nét nhất, các nhánh cây, vết nứt tét của cái cây thông và hàng trăm chi tiết
sinh động sống thực khác.
Ngày hôm sau, người đầu tiên nhìn thấy tôi
vẽ là thầy Danh. Khi đi thể dục ngang nhà, ông thầy giáo có tiếng ở đây có thể
cho rằng tôi có một bức tranh chép phải hoàn tất trong tháng giêng. Những ai
khác có thể rất ngạc nhiên khi nhìn cái tông màu trắng đen và họ không thích
thú gì với công việc tôi đang làm. Nhưng tôi chỉ làm cái tôi thích, vẽ ra cái
tôi cảm nhận và muốn vẽ.
Sáng ngày mồng 4, bức tranh dần hiện ra cái
nội dung của nó. Con gái tôi ngây thơ ra phòng vẽ trước nhà ngắm nhìn.
“Ah, ba vẽ mấy con gấu của nhà mình.”
“Con gấu ba đâu? Gấu con đâu?”
Con bé trỏ ngón tay lên,
“Gấu ba to nhất đứng dưới đất. Gấu con đang đứng trên
cây nhìn xuống gấu anh hai đó, phải không ba?”
Tôi cảm động hỏi nhỏ,
“Còn gấu mẹ đâu con?”
Ánh mắt sáng quắt, con bé
tiếp tục chỉ tay qua bên phải một tí,
“Ba đang vẽ ra đó. Con gấu mẹ đang đứng canh chừng 2
anh em con đó!”
Tôi quay ngang giấu diếm giọt
nước mắt ứa xuống. Tôi rất e ngại phải nghe nó hỏi,
“Gấu bà nội đâu rồi ba?”
Trên bàn thờ mẹ tôi, di ảnh của người rỏ ra
đấy. Bà nhìn buồn bả, ư phiền. Mỗi khi cháu điều gì đấy sai quấy, tôi đều bảo
cháu đến trước bàn thờ bà nội lạy bà 3 lần để xin lỗi. Nó thơ ngây không hiểu
tại sao người ta cho “cái hộp bằng gỗ rất to” của bà cháu xuống đất ở trên Bà
Điểm Hốc Môn. Nó có thể tự hỏi nay sao có hình bà nội trên cái bàn cao cao này.
Khi muốn xin trái cây mà mẹ cháu vừa cúng bà nội, cháu đều hỏi tôi. Tôi nghiêm
mặt lại trả lời con gái,
“Con ra xin bà nội đi con.”
Konica ngoan ngoản như anh
nó, Canon. Nó làm theo lời tôi. Khi cháu trở lại, tôi hỏi,
“Bà nội nói sao vậy con?”
Nó thản nhiên nói dối với
tôi,
“Nội nói, con muốn ăn gì thì cứ lấy đi.”
Đến xế chiều ngày mồng 5, tôi có học trò
ghé thăm. Vũ, cháu của Phước Mọi, từ Hà Tiên đến chúc tết tôi,
“Tết có gì vui không thầy?”
Chỉ vào bức tranh sắp hoàn
chỉnh, tôi trả lời,
“Niềm vui rất lớn tôi mới có ở trong đó đó.”
Tôi nhờ hắn phụ một tay để treo
tác phẩm của tôi lên ngay giửa phòng khách như người ta treo một vật quý giá
nhất. Tôi nhìn ra các nét cọ vụng về, thô thiển và tôi tự hứa sẽ có ngày tôi
mang nó xuống để tô điểm lại. Ngày ấy có thể sẽ là ngày mồng hai tết của năm
nào đó tôi vừa có một mất mát nào khác.
Đến
khi con gái đủ khôn lớn, tôi sẽ kể cho nó nghe cái gì tôi đang vẽ ra hôm nay
đây, bốn con gấu trong rừng. Cuộc đời giống như một cánh rừng to lớn mênh mông
vô tận. Cuộc đời như một mái nhà chung cho nhiều thứ. Nó có thể chứa mọi thứ
đẹp xấu. Nó cũng có thể chứa mọi thứ rất giá trị, rất vô giá trị. Trong đời,
biết bao nhiêu nỗi hiểm nguy điều tốt đẹp, biết ngần nào là cơ may, mất mát.
Người ta được sinh ra đời như ai đó đi vào rừng mà không có một chút hiểu biết
gì về nó cả. Mỗi người giống như một lá cây trong rừng. Sau khi rụng xuống,
chiếc lá trở về với đất mẹ. Nó sẽ được hồi sinh ở một thế giới mới mẻ nào khác
hoặc nó chỉ sẽ nằm yên nơi đấy với mẹ cho đến mục rữa thành một phần của mẹ.
Rạch
Giá, mồng hai tết năm Quý tỵ
Lương Ngọc Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét