Trước thềm năm mới, người Việt hay Mỹ, ở Việt Nam hay ở tại Hoa Kỳ, đều có những quyết tâm, hứa hẹn, quyết tâm chuyển biến trong năm mới. Vì nhiều lý do khác nhau, chính họ nuốt lời hứa và hằng năm họ lập lại cái điệp khúc này. Vào cuối năm 1987, tôi đã có một quyết tâm và tôi đã hoàn toàn thực hiện được.
Bắt chước công vịêc của Khuê Bầu TL-73, làm lịch bên Cần Thơ, để làm bớt đi cái nghèo khổ đeo đẳng và để chứng minh với đời rằng một học trò Nông Lâm Súc có những tài mọn và biết cách biến chúng thành nghề phụ, tôi đã quyết định làm 100 tấm lịch. Tôi trước đó hỏi xin thằng Khuê một khung cưa lọng. Nó còn hào phóng cho tôi luôn một lố lưỡi cưa. Nhân khi bà chị vợ đi công tác trên Đà lạt, tôi đã nhờ bả hỏi Cậu Doãn mua giùm tôi 100 miếng ván thông mỏng 2 mm khổ 20-40 cm để tôi cưa chữ “Chúc mừng năm mới”- công đoạn khó nhất- một thách thức lớn nhất với ai làm nghề này.
Không có ai phụ hoặc chỉ dẩn, không có một ngân quỹ gì, không có thì giờ làm chính thức, không có kinh nghiệm trước, không biết cưa lọng, tôi chỉ có mỗi cái ý chí, niềm tin, “Làm để học.” và“Tạo tiền để sống”. Với chữ “Nhẫn” to tướng trong đàu, đúng vào sáng sớm ngày 1-8-1987 tôi đã bắt đầu làm lịch. Ngày ngày vẫn đi làm từ 6:30 giờ sáng đến 5:30 chiều, tôi làm việc vào buổi tối. Công việc của một giám sát công trình của tôi khiến tôi phải đi làm khá đúng giờ, về đúng giấc. Hằng ngày việc ghi chép, theo dỏi, mục kích các thay đổi kết cấu hoặc các số liệu đã khiến tôi mệt nhoài.
Những buổi tối trước đây, tôi phải dành thì giờ để đọc hiểu bản vẽ, các thông số, quy định, chỉ số kỹ thuật trong ngành xây dựng. Vào tối hôm ấy, tôi tập cưa lọng. Chú tâm hết mức vì chỉ có ngần ấy lưỡi cưa, tôi đã rất vất vả. Đến 11 giờ, tôi đã làm gãy 3 lưỡi sau khi đã cưa được 3 bộ chữ. Tôi kêu bà xã tôi giăng mùng để tôi không còn bị lũ muỗi quấy rầy. Ngồi trong mùng, tôi cưa tiếp tục được hơn 11 bộ chữ khi trời gần sáng.
Tôi phân chia làm hai loại lịch: loại bằng nền ván, loại kia bằng nền giấy carton. Tôi phải làm đơn xin mua gỗ tạp và xẻ mỏng 3 mm, khổ: 32-45 cm. Trong khi tôi và nhiều công nhân ở cái Công Ty Lâm Sản đấy biết là “họ” từng biếu không hoặc bán rẻ cho các xếp trong ngành Lâm Nghiệp hay trong tỉnh 3 khối gỗ tốt cất nhà, họ bác đơn xin mua 2 tấc gỗ tạp của tôi với lời giải thích là:
“Bán gỗ tạp cho một nhân công sẽ mang tai tiếng lắm.”
Tôi đành phải đi mua gỗ cây gòn của một khách hàng người rất xa lạ với tôi. Có thế tôi mới thắm thía cái chuyện đời, cái bất công, cái giả dối trân tráo không có trong sách vỡ. Ván được tôi chà phẳng, hong khô, phơi, sơn lót và rồi sơn lót nền. Carton được tôi thay bằng các miếng vách thùng giấy để hạ giá thành. Tôi phải đạp xe đi lùng tìm mua các thùng giấy bỏ đi. Nền tấm lịch là một trong yếu tố chánh trong việc làm lịch. Tôi chọn sơn nền đỏ cho lịch gỗ và nền vàng cho loại lịch nền giấy carton. Trong một chuyến đi Sài Gòn, tôi tìm ra một cơ sở in còn lưu khoảng 50 hình “Phước Lộc Thọ.” Tôi chọn ngay đó làm đề tài cho loại lịch nền giấy. Từ quyết định ấy, tôi nghĩ ra thêm những đồng tiền phải được thiếp vàng.
Bên phần lịch nền gỗ, tôi tìm thêm mẫu “hoa hồng”, “ông thần tài” và “phi mã”.
Từng chiều tối, mỗi sáng sớm, mỗi giây khắc, kể từ ngày bắt tay làm lịch, tôi dồn hết tâm sức vào mục đích tôi đã vạch ra. Nếu tôi đã làm chủ bản thân tôi trong 5 năm học Nông Lâm Súc, nếu tôi đã vác cây thang tre dài 5-6 mét đi vẽ bảng dạo ở Rạch Giá được và nếu như tôi đã cầm cái máy chụp hình cũ kỹ trên tay đi chụp dạo được, tôi cũng có thể làm được một trăm tấm lịch đấy thôi. Không một giây nào tôi đã bỏ phí như tôi đã không hề phí một giây phút nào để học trên Bảo Lộc. Một vài ngưòi hàng xóm đến hỏi tôi cho con em họ đến phụ việc hoặc học nghề. Tôi phì cười và bảo với họ rằng:
“Thì tôi cũng đang học nghề đấy thôi.”
Từ các ý tưởng, phần việc được tôi sửa soạn trước, tôi bắt đầu công đoạn hoàn thiện vào ngày 15 tháng 10, 1987. Căn nhà lá nhỏ ẩm thấp tôi đang ở nhờ, nơi Phạm Đức Ngân và Huỳnh Thiên Tài đã từng ghé thăm, bổng trở thành một xưởng sản xuất lịch. Hai màu vàng đỏ phủ kín các màu khác trong nhà. Các hình nền lịch phủ đầy đầu óc tôi. Các chi tiết lớn nhỏ trùm kín cái đầu tôi. Các chữ bằng gỗ thông được tôi cưa nhẹ nhàng nhanh chóng như một thợ chuyên nghiệp. Các nét viết là tre chữ “kính tặng” hoặc “kính biếu” được tôi cưa nhuyễn đến độ các khách hàng sau này tưởng rằng tôi có một thợ cưa giỏi. Tôi không nói chuyện này với ai. Tôi không tuyên bố kết quả này với ai. Tôi cũng đã không nhờ vả ai về bất cứ phần việc gì. Đến lúc những tấm lịch đầu tiên được hoàn thành, tôi mới thật sự có những giấc ngủ ngon, dẫu cho đó là những giấc ngủ rất ngắn: 3 giờ mỗi ngày. Chủ nhật là ngày tôi làm việc 19 giờ một ngày. Hai việc khó làm ấy chỉ có khó đối với ai đấy thôi; chứ với tôi đó là “điều bình thường.”. Tôi luôn tự hỏi:
“Chẳng phải ta đã từng học 19 giờ trong những ngày chủ nhật trên Bảo Lộc đấy sao? Chẳng phải ta đã ngủ 4 giờ hàng ngày trong năm học lớp 12 đấy sao?”
Tôi tự làm phép so sánh và tự dặn lòng:
“Nếu ta đã từng ôm một chồng sách từ nhà trọ vào trường học hàng sáng chủ nhật để học, thì ta sẽ ôm một chồng lịch đi bán được đó thôi.”
Cái khó khăn nào cũng có nỗi vui do nó mang lại. Chồng lịch đầu tiên-10 tấm- tôi ra lò vào ngày 3 tháng 11. Trên đường đi làm, tôi hân hoan, tự tin khi ghé lại một sạp báo ở Rạch Sỏi để ký gởi. Cái giá bán hơi thấp tôi đưa ra khiến họ nhận ngay. Niềm vui của tôi hôm ấy không có bút mực nào diển tả được. Từ hôm đó nó luôn lộ trên gương mặt tôi- vốn có vẻ khó khăn gay go. Tôi tăng tốc để sớm đưa các tác phẩm đầu tay và cũng là duy nhất của tôi ra thị trường. Ngoài các gia đình quen biết, tôi đã đến từng sạp báo, nhà sách ở Rạch Giá và tôi đã ra về với một niềm tự hào rằng họ sẽ bán hết cái sản phẩm chính tay tôi làm ra. Tôi làm hết sức mình để đúng hẹn, để làm vui lòng chính tôi, để làm một cảnh báo với thiên hạ rằng:
“Dân Nông Lâm Súc tụi tôi có thể làm bất cứ điều gì chúng tôi muốn.”
Tôi đã bán sạch 100 tấm lịch trước ngày 22 tháng 12 năm 1987. Lợi nhuận không đáng kể, nhưng tôi thu được một lợi ích không có gì có thể sánh được, những bài học không có thầy cô nào có thể dạy được: lòng tự tin. Tôi tin vào chính hai bàn tay tôi khéo léo, trái tim đầy ắp máu nóng và khối óc minh mẫn của tôi. Tôi tin vào những gì tôi đã dầy công tập luyện. Tôi tin vào luật nhân quả. Tôi tin vào cái khả năng mà chỉ có học trò Nông Lâm Súc mới tin: “Muốn thì được.”, “Chơi tới bến.”
Hơn những ích lợi thông thường mà ai cũng có thể nhận ra được, tôi được má tôi lo lắng và thương tôi hơn. Bà khoe với hàng xóm rằng tôi có thể kiếm được nhiều tiền lắm và quan trọng hơn là tôi nhờ như thế mới làm cho bà lên chức “Bà Nội” được.
Những năm sau đó, những quyết tâm, hứa hẹn đầu năm của tôi là: làm ra 100 phiên bản một bức tranh đẹp để bán, tập chụp hình và làm thợ chụp hình, vẽ bảng hiệu, học Anh Văn rồi thành thầy giáo. Theo một chuổi những thành tựu đã đạt được hàng năm, tôi đã làm tròn lời nguyện ước lớn lao của đời tôi: “Đứa con hiếu thảo.” và cái nguyện ước lớn thứ hai: “Người cha có trách nhiệm.”
Rạch Giá 21-12-2012
Lương Ngọc Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét