Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

CÁI KHÚC RUỘT KHÌA

   Tôi chỉ làm một khúc ruột khìa rất ngắn cho ba tôi nhâm nhi với hai chai bia buổi trưa đó nhưng điều đó có thể chứa đựng một khúc tình ca dài dằng dặt âm thầm và cho đến tận bây giờ.
      Một lần, từ Sài Gòn xuống do công việc khá trể, ông ghé lại nhà. Biết chúng tôi và tôi đã chưa ăn cơm, ông đưa hai anh em tôi đi ăn ở quán Vĩnh Ký nỗi tiếng ở miền tây. Làm sao tôi quên cái hạnh phúc, cái vinh dự, cái ý nghĩa của buổi ăn tối hôm đó. Trên xe lôi máy, trong hai chiếc áo sơ mi ngắn tay cũ kĩ, quần xà lỏn đón gió mát mẻ, chúng tôi sướng hơn bao giờ hết. Chúng tôi vênh váo nhìn quanh xem có ai nhìn thấy chúng tôi không. Với mọi thằng trang lứa khác, lúc ấy có ai hạnh phúc như anh em chúng tôi.
   Mì xào dòn là cái món đầu tiên ba tôi gọi. Nó cũng làm món đầu tiên tôi biết ăn. Mỗi sợi mì giòn khứu ấy như là mỗi lần ông âu yếm tôi. Ông chỉ gắp vài miếng gan để nhâm nhi với ly bia. Phần còn lại hai anh em tôi chia nhau đến khi cái đĩa sạch bóng. Biết tụi tôi chưa hề biết đến món rùa, ông gọi “rùa rang muối”. Phần thịt thơm lừng bốc khói là của ông. Ông gắp các trứng rùa vào chén cho hai đứa con trai lớn của ông ấy và chắc ông không bao giờ nhớ. Em trai tôi có khi nhớ lờ mờ thậm chí đã quên cái món ăn đó, còn tôi thì không bao giờ tôi có thể quên được.   
    Ba nuôi của tôi đã kể lại rằng hằng năm hai ông bà đưa các con đi chơi cho đến mức chúng nó năn nỉ được đưa về. Trong hành trình dài ngày đó, ông bà cho các con ăn nhiều đến nỗi chúng ngán ngẫm ê chề phải lén trúc bỏ đi. Hằng ngày dượng bảy, chạy xích lô máy, mua thức ăn về và tối đến chở 5 đứa con đi ăn hàng ngoài chợ. Chú Hải cạnh bên nhà rất thường chở hai thằng con trai lớn đi ăn sáng hoặc ăn chiều. Nhiều người cha khác luôn mang về nhà những món ngon vật lạ. Cha tôi thì không. Sau khi chia tay nhau, ba mẹ tôi không hề nói với nhau nửa lời.
   Có lẻ vì cuộc mưu sinh của ba tôi quá đổi khắc nghiệt khó khăn. Có lẻ 4 đứa con riêng của ông với người vợ hai đã chiếm mất hết sự yêu thương chăm sóc của ông rồi chăng? Có lẻ cuộc chiến tranh lạnh lâu dài giửa hai ông bà đã khiến ông tin rằng chúng tôi âm thầm theo phe mẹ, phe nghịch! Ông chắc tự nghĩ rằng là con lớn, tôi sẽ phải cố quên ông đi như cái cách mẹ tôi từ nào đến giờ đang làm.
    Thương mẹ, không thể để cảnh nhà trống trải, bề bộn, tôi quán xuyến việc nội trợ như một trưởng nữ giỏi dang có trách nhiệm. Hàng sáng mẹ tôi phát 2 đồng để đi chợ nấu ăn cho cả nhà. Dù chị tôi ít ăn cơm chiều nhưng không khi nào tôi không chừa thức ăn cho chị tôi cả. Để tôi không phải nấu dư cơm, không phải chừa thức ăn cho bà. Mẹ tôi thường nhắc tôi,
“Bửa nay má đi làm ca đêm nghen.”
    Do cái affair của ông không thể đều đặn. Ba tôi phải ngụ lại Cần Thơ qua đêm hay chỉ có một đổi. Hôm ấy, ba tôi ghé lại lúc sáng sớm, sau khi mẹ tôi đã đi làm. Tôi hỏi ngay,
“Chừng nào ba về vậy ba?”
Ông ta buộc miệng cầu nhầu mà không thèm nhìn xuống tôi,
“Chờ “tụi nó” gom tiền chắc tới chiều tối mới xong.”
Ông rút được một số thuốc xịch muỗi và các loại hóa chất diệt côn trùng khác của đơn vị- Quân Y Viện Cộng Hòa. Khỏang một tháng ông ta chuyển cho các tiệm thuốc trừ sâu ở Cần Thơ bằng xe đò Hiệp Hưng quen thuộc và rồi chính ông phải xuống để nhận tiền. Tôi hiểu ông không hài lòng “tụi nó” vì phải chờ. Tôi cũng hiểu ra rằng trưa nay tôi phải cố làm một điều gì đó cho ông vui, rằng ông ta phải ở lại đây qua buổi trưa. Tôi hình dung ngay đến việc mua cho ông hai chai bia Larue khổ lớn- cái gu của ông và nhất là tôi phải làm cái gì cho ông ấy nhâm nhi. Trong túi tôi chỉ có số tiền đi chợ ấy, 2 đồng. Trong nhà không có sẳn một món gì cho bất cứ ai ăn thêm, đậu phọng, một vài con khô, một nhúm tôm khô, một ít củ kiệu…Tôi nhủ thầm,
“Trong khi ra chợ, ta chọn cái thứ gì ngon miệng, rẻ tiền cho ba nhắm trưa nay mới được.”
Đi chợ hơn nửa năm nay tôi biết giá gần hết giá của các loại thức ăn thông thường. Các bà bán hàng cũng nhẳn mặt cái thằng nhóc con, mặc quần xà lỏn đen, cái áo sơ mi ngắn củn cởn, tay cầm cái túi “bàn”. Cả hai phía đều thông cảm nhau. Tôi không kêu ca mắc hay rẻ. Tôi tự nhủ,
“Chả nhẻ mấy dì mấy bác ấy bán mắc cho mình?”
Tôi chưa bị mẹ tôi rầy la vì mua món này thiếu, món nọ bị cân non,
“Chẳng lẻ nào mấy bác ấy cân thiếu khi bán cho thằng nhóc như ta 1 lạng thịt hay 3 lạng đậu hủ hay sao?”
   Hôm ấy tôi ra chợ với một tinh thần khác biệt, mua một món đồ nhắm cho ba tôi. Mặt mài tươi tỉnh, tôi hỏi bà Chín Mập,
“Bác ơi, một người ăn chừng bao nhiêu gram ruột khìa vậy bác?”
Bà Chín bật cười,
“Bà lủm một kí mới vừa bụng lận con trai.”
Tôi thộn mặt ra,
“Dạ không đâu. Ý con là để nhâm nhi một mình há.”
Vừa kéo cái dao chặt thịt dầy mo vào thanh thép mài nghe rợn óc, bà hỏi lại,
“Cho ai nhấm vậy con?”
“Dạ cho ba con.”
Buông cây dao xuống cái thớt thịt,
“Mèn đét ơi. Thôi con cầm cái khúc ruột ngắn dư này nè về đi. Biết phải làm sao không?”
Bà Chín trỏ tay về phía quầy bán đồ gia vị và căn dặn tôi mua mỗi thứ một ít thôi và hỏi người bán cách khử mùi, cách “ướp” cho vừa thơm và vừa miệng.
Mừng rở vì không phải tốn tiền, tôi nói lia lịa,
“Dạ cảm ơn bà Chín. Con về hỏi Dì Út kế bên nhà. Con làm được mà.”
    Hăm hở vui vẻ trên đường về, tôi nghĩ đến việc ba tôi vừa uống một ngụm bia, vừa nhai ngon lành khúc ruột khìa thơm lừng vừa miệng đựơc tôi đặt trên cái đĩa kiểu vừa, với những lát dưa leo mỏng sắp chung quanh và vài khoanh cà chua đỏ thắm.
     Hai anh em tôi sẽ vui lắm đây. Hôm nay ba tôi ăn cơm ở nhà và hôm nay ba tôi không hề “kèm nhèm” gì về mẹ tôi cả.
   
                                                          Rạch Giá, ngày 27- 8- 2012
                                                                                        Lương Ngọc Thành



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét