Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

ĐÊM GIÁNG SINH- NHƯ NGỌC



     Cả nhà của má nuôi tôi và nhất là Như Ngọc muốn tôi từ trường về chơi để đệm đàn cho họ hát “Jingle bells” nhưng  không ai biết rằng tôi sẽ phải ứa lệ khi tưởng tượng ra, ở trong một góc tối nào đó của căn chòi lá nhỏ bên bờ kinh Quản Thống, Sóc Xoài, mẹ ruột của tôi nằm trên chiếc chỏng tre thở dài buồn bả, chỉ mong cho trời mau sáng sớm để ra đồng.
     Đọc xong bức thư tôi phúc đáp bức thư nàng viết để trách cứ tôi, nàng đã bị shock. Tôi đã giải thích tại sao tôi đã không về tối Giáng Sinh như đã hứa. Nàng phải đạp xe rất lâu nhiều lần suốt con đường Nguyễn Du, suy nghĩ rất nhiều về những gì tôi đã viết, tại sao tôi thất hẹn và tại sao tôi đã trước đó nhận lời mẹ nàng về nhà nàng vào cuối tuần. Sau này, cô ta giải thích,
“Anh đã viết rằng những ai đang thừa mứa tình yêu của mẹ làm sao thấu hiểu cái  lo ngại khi chỉ thấy mẹ của họ hơi chau mày vì họ không được vui. Những người con được mẹ ôm ấp thương yêu làm sao hiểu được cái hạnh phúc đơn giản của kẻ bất hạnh khi chỉ được bà mẹ vuốt trên gò má, vổ nhẹ lên lưng hoặc chỉ nhà một cái lườm đơn giản. ”
Mọi người không biết rằng má của tôi nuôi không thể nào bình tỉnh khi nhận ra cái giọt lệ nào đó của tôi vừa ứa ra. Những ai đang rất hạnh phúc đâu có thể hiểu được sự bất hạnh của kẻ khác. Người có một kho vàng bạc châu báu không thể mải mai xúc động khi thấy ai đó, như tôi chẳng hạn, mất một đồng xu nhỏ. Tôi là người luôn luôn sợ mất cái đồng xu nhỏ ấy.
    Đã hứa hôn với tôi 7 năm, Như Ngọc đã khiến tôi thành người rắn rỏi, dầy dạn mùi cay đắng, đã làm thay đổi nhân cách của tôi một cách xâu sắc và nàng là người đã một cách vô tình khiến tôi thương yêu mẹ tôi hơn. Chính nàng đã khiến tôi tin rằng hạnh phúc đôi lứa chỉ có khi cả hai tự nguyện cùng nhìn về một hướng
    Từ lần đầu gặp mặt, trong phòng của bà mẹ nuôi của tôi tại sài Gòn đầu tháng 3 năm 1976, cô ta mang cho tôi ly nước chanh và nhỏ nhẹ nói với tôi,
“Má kể cho cả nhà nghe về anh mấy ngày nay. Má nói anh chơi đàn hay lắm.”
Đến một ngày kia- cũng đầu tháng 3 năm 1983 -ngày cuối cùng, sau 7 năm- cùng chung với nhau trên giường, bên hiên một căn nhà nhỏ, nơi tôi sống như một gia sư ở Rạch Giá, cô chẳng mang cho tôi cái gì cả nhưng to tiếng với tôi,
“Anh không chịu tìm chuyến nào đi đại đi. Anh không chịu vô đạo. Anh không làm gi hết cả…”
Sau khi đưa cô ta lên xe đò về, tôi trở về nơi tôi tạm cư ngụ, viết cho nàng một bức thư dài để từ hôn và sau đó viết liền cho má nuôi tôi một bức thư để giải thích. Chưa có ai đã từng nói với tôi như thế cả. Không nhận được hồi âm của cả hai người, tôi cho rằng mọi việc đã xong. Trong hai bức thư, tôi đều nhấn mạnh rằng,
“Ai cũng mưu tìm hạnh phúc và tìm cách đạt được mục đích của cuộc đời mình.”
Với cô ta, vị hôn thê cũ, tôi đã viết,
“Như Ngọc, em muốn sống ở nước ngoài và luôn tin rằng có một thiên đường ở bên ấy trong khi anh chỉ mong sống trong một thiên đường nhỏ bé với mẹ anh .”
Riêng với bà má nuôi, tôi đã cẩn thận viết rằng,
“Thưa má, má luôn luôn muốn các con của má hạnh phúc, phải không má? Buồn thay, con không làm cho Như Ngọc hạnh phúc và con cũng nhận ra rằng Ngọc khó lòng có hạnh phúc nếu sống với con lâu dài.”
Tôi ngẫm nghĩ một lúc lâu và viết tiếp,
“Chúa dạy ta phải cố yêu thương kẻ không thể thương được. Ngọc đã không còn yêu thương con và Ngọc không thể nào làm theo lời Chúa. Con biết vậy nên con… mới viết bức thư này.”
             Tôi- một sinh viên nghèo, với một gia đình không hạnh phúc, đã yêu nàng như yêu một thiếu nữ, thiếu thốn nhiều thứ như tôi chứ không phải như một cô con gái út của một gia đình hạnh phúc trung lưu ở Sài Gòn. Sau khi tôi tỏ tình, nàng và tôi đã luân phiên hôn nhau suốt đoạn đường từ Vũng Tàu về Sài Gòn. Nàng và tôi cũng đã luân phiên khuyên bảo nhau đã chùi nước mắt cho nhau. Chúng tôi đã nhiều lần khuyên bảo nhau. Cô nàng đã nhiều lần giận tôi như có thể giết chết tôi nhưng cũng có nhiều lần nàng nói mềm mỏng với tôi như một người vợ hiền. Sau khi được mẹ nàng- vừa là bà má nuôi của tôi- đã làm đám hứa hôn, tôi đã xin phép được ngủ chung vời nàng. Chúng tôi được chính quyền ở phường Đa Kao quận 3 Sài Gòn, công ty của tôi ở Rạch Giá coi như là vợ chồng. Biết bao nhiêu bạn bè Nông Lâm Súc trên Đà Lạt, nhất là Long Kh’mer và vợ nó, Quỳnh, đã hết lời khen ngợi nàng trong một tuần nàng ở trên đó với tôi. Biết bao nhiêu người ở Rạch Giá và cũng rất nhiều bạn học của tôi trên đại học những tưởng tôi sẽ rất hạnh phúc với nàng- một thiếu nữ xinh đẹp, có học thức, gốc Sài Gòn từ một gia đình trung lưu khá giả tử tế.
              Tại Rạch Giá, nơi nàng cư ngụ gần nửa năm, từ trước Trung Thu năm đó- 1980, nàng đã nhận ra cái ý nghĩa của sự độc lập, của tình đôi lứa, sự chia sẻ công việc, những nỗi vui buồn. Nàng đã thú nhận với tôi rằng đó là thời gian nàng thật sự cảm thấy hạnh phúc bên tôi hoặc trong những lần về thăm mẹ tôi trong xã Sóc Xoài . Không ai trong số thân nhân, bạn học của nàng có thể tin rằng nàng đã cùng tôi bán sữa đậu nành gần nữa năm để sinh sống một cách đầm ấm hạnh phúc cho đến một hôm nàng đột ngột muốn ra đi thêm một lần nữa.
             Nhà Thờ Chánh Tòa Rạch Giá, một công trình kiến trúc đẹp mắt bằng gạch đỏ vào năm 1882, đã đi vào lịch sử của Giáo Hội từ cuối thế kỷ XVII.  Nhà Thờ Tháp Cụt và Tháp Nhọn năm 1934 do một thừa sai Bali xây dựng với của hồi môn của cha mẹ chia cho. Chiều thứ bảy hằng tuần tôi theo nàng đi lễ tại đây. Như Ngọc đã hỏi cha phó cho tôi học đạo. Tôi làm theo những yêu cầu của cô nàng như một vị hôn phu hiền hậu. Ít ai ở đây ngờ rằng trong lòng nàng luôn có những ngọn sóng ngầm.
              Sau khi cùng tôi đi lễ Noel tại nhà thờ Chánh Tòa Rạch Giá, lần đầu tiên xa nhà, trong căn phòng riêng của tiệm Đức Ký 125 Trần Phú, đã bị tịch thu, nơi tôi đang được Công Ty giao cho ở tạm, không có tiếng nhạc Giáng Sinh, không có trang hoàng, không có revillion, không có một người thân nào cả, nàng đã rơm rớm nước mắt khi hỏi tôi,
          “Hồi nảy trong Thánh lễ, anh đã cầu nguyện điều gì?”
          Đã có quá nhiều điều ước nguyện, tôi đáp theo cái cách mà nàng muốn nghe,
          “Anh cầu cho em ra đi an toàn.”
          Nàng lên giọng hỏi lại  ngay,
          “Anh có biết em đã nguyện ước gì không?”
          Tôi nhìn nàng yên lặng,
          “Em ước mình có thể đi chung với nhau, biến mất cùng một lúc với nhau và…”
          Tôi chợt ôm ghì nàng vào lòng. Ít khi nào người thiếu nữ cứng rắn này khóc nhiều như đêm hôm ấy. Chưa có hôm nào đặc biệt với nàng như đêm Giáng Sinh năm ấy. Chưa bao giờ tôi thấy tôi yêu nàng nhiều như lúc ấy. Tôi hiện không mất gì so với  một điều rất to lớn tôi hiện và để giử gìn- mẹ ruột của tôi. Sau hơn 5 năm, hơn 10 lần ra đi trong những chuyến vượt biển khá quy mô, mất mát gần 70 cây vàng đặt cọc hay cho chủ tàu vay mượn, Như Ngọc hiện bị một nỗi ám ảnh, một tổn thương quá nặng nề. Nàng luôn tự xem như là người đã mất tất cả.  
              Chúa có thể đã thấu hiểu lòng nàng và đêm nay Chúa Hài Đồng sẽ mang đến nàng điều tốt lành. Khi tôi chưa tìm ra một cách giải quyết thỏa đáng, nàng vẫn chưa có đủ may mắn để thực hiện ý nguyện mạnh mẻ của nàng, đêm Giáng Sinh ấy thật quá đặc biệt đối với hai đứa tôi.
               
                                                                                               Rạch Giá 23- 12- 2012
                                                                                                   Thành Xì- TL-71

         
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét