Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

GIÁNG SINH CỦA TÔI Ở BẢO LỘC

                   

Vào ngày 23 tháng 12 năm 1975, nhận được học bổng đầu tiên- 19 đồng, tôi cũng nhận được lịch thi đấu cho giải bóng đá của Bộ Đại Học, “ Mùa Xuân 75.” Vừa mừng vừa lo và vừa thèm nhớ bạn bè, tôi đã âm thầm ra xa lộ lúc 8 giờ sáng ngày hôm sau để đón xe đi Bảo Lộc.
      Tôi là người duy nhất trong “băng Cần Thơ” được tiếp tục học Đại Học. Tôi may mắn, và tôi tận dụng vận may và khả năng của tôi để thành thủ môn của đội bóng đá trường Đ.H. Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức. Vì vừa trải qua 3 môn thi học kỳ, hôm ấy rất nhiều sinh viên về quê, về nơi nào đó để đón Giáng sinh trong khi tôi trên đường về Bảo Lộc- nơi tôi xem như quê hương thứ hai của tôi. Xa lộ hôm ấy không có nhiều xe. Thiên hạ bận bịu việc trong nhà hay họ lo chuẩn bị cho đêm Giáng Sinh lần đầu tiên sau ngày 30 tháng 4. Trước tiên, tôi chợt nhớ đến Hải Bầu, người tôi đã đưa về Cần Thơ để dạy kèm để hắn có thể thi tú tài tự do tại Bình Dương. Có theo Hải về nhà một lần năm ngoái, nên tôi còn nhớ rỏ làm sao để đến nhà hắn. Tôi bảo xe ghé lại nhà thờ xứ Dốc Mơ- Gia Kiệm khi trời nắng nóng, gần 11 giờ. Hớn hở khi đến nhà hắn, nhưng tôi sững sờ nhận ra gương mặt tiều tuỵ đau khổ của mẹ nó người đã thống thiết kể lể với tôi ngay khi tôi bước chân vào nhà,
      Mấy hôm sau ngày giải phóng, công an huyện đến tìm nó mà cứ bảo là tìm “giáo sư Hải”. Họ cứ đưa nó đi và đến nay nó biệt tăm. Nhà tôi đi cải tạo còn được thăm nuôi. Còn anh Hải thì… lạy Chúa tôi!”.
Tôi chẳng biết phải nói làm sao nữa nhưng tôi cương định lời từ chối khi được bà mời ở lại hôm đó. Tôi trở ra đường, buồn cho Hải Bầu, buồn cho bao nhiêu kẻ gặp vận hoạn nạn, gặp vận đen đủi kỳ hoặc, không thể giải thích nỗi như vậy. Chờ bên lề đường một mình, tôi quyết định thật nhanh. Nếu có xe về Sài Gòn, tôi đi về lại Thủ Đức nhưng nếu có xe lên Bảo Lộc, tôi vọt lên đó- dù chỉ có tối hôm nay thôi! Chưa uống xong ly cà phê, từ xa tôi nhận ra một xe chạy từ hướng Sài Gòn lên B.L. Tôi chen lên xe và chợt vui lên như bất cứ lần nào tôi được đi Bảo Lộc. Chuyến xe duy nhất này dừng rước bất cứ hành khách nào như tôi. Mọi người đều có chuyện riêng để đi ngày hôm ấy. Tôi đi chỉ để gặp Long Kh’mer sau khi không thăm được Hải Bầu.
     Tôi còn nhớ hoài nét mặt đau khổ của bà mẹ của Hải Bầu. Tôi chợt nhớ đến mẹ tôi. Tôi không biết so sánh thế nào nhưng chắc mẹ tôi có nhiều niềm vui vì tôi hơn nhiều người mẹ khác. Tôi hình dung ra ngay gương mặt của Má Năm- mẹ của Long người suốt cuộc đời vất vả chỉ cho chồng con mà thôi. Tôi nhớ nét nhăn trên gương mặt gầy guộc của Mạ. Tôi mong ngóng đến từng kí lô mét đường một. Chưa khi nào tôi có chuyến đi  như thế này. Ôi đến khu rừng Giả Tỵ rồi Định Quán rồi. Tôi bồn chồn nôn nao như một gã đi ly hương trên đường về quê, như một tay vừa ra tù trên đường về đoàn tụ gia đình, như một chàng trai trẻ về thăm quê hương của cô bạn gái mà chàng yêu quý. Khi xe qua đèo chuối, tôi nhớ lại ngày đầu tiên đón xe lên Bảo Lộc, tháng 6, 1971. Trời mưa dầm lạnh lẻo. Xe như chạy vào một khu rừng rậm. Mưa to làm mờ hết đường chạy. Mọi người trên xe như nghẹt thở bất động. Đường đèo vắng xe một cách lạ lùng. Ít có ai đi đâu trong ngày cận kề Noel như thế này sao? Tiếng máy xe nỗ giòn giã như để khẳng định với những hành khách rằng chuyến đi sẽ đến đích, chuyến xe này chắc chắn sẽ đến nơi an toàn. Dẩu cho chỉ mặc cái áo sơ mi xuềnh xoàng, trong trời tháng 12 khô, lạnh, nhưng tôi thấy như bình thường. Điều tôi mong đợi là gặp được Long Kh’mer để trò chyện với nó để nghe nó kể lể cho thoả lòng của cả hai đứa tôi.    
Khi xe lên Đèo Bảo Lộc, tôi như nhiều lần khác, cảm thấy nhẹ nhõm. Cái cảm giác vui sướng lâng lâng của chàng học trò được điểm cao, được lời khen ngợi của cô thầy khó tính nào đó. Khoảng đường dắt lên đèo Bảo Lộc bỗng đẹp hơn, trơn láng hơn. Lòng tôi thênh thang nhẹ nhàng như chiếc xe đang chạy thật êm ái chuẩn bị lên đèo. Cái đoạn đường đèo 10 kilô mét này đặc biệt ý nghĩa vì nó gây cho hành khách sự chuẩn bị, sự toan tính những gì họ sẽ làm hoặc sẽ xảy ra đến họ trên Bảo Lộc. Tôi dự tính gặp Long Kh’mer và chỉ có thế thôi. Điều gì có thể xảy ra với tôi nhỉ. Có ai biết được Long cũng bị một chuyện xui rủi nào, một tai nạn nào. Khi ấy không có cách nào để báo cho hắn biết rằng tôi sắp lên. Khi ấy việc gặp nhau có rất nhiều ý nghĩa.
  Tượng đài Đức Mẹ trên đèo là một nơi dừng chân lý tưởng đối với khách tham quan hoặc cho những ai cần cầu xin điều gì. Vừa nhìn thấy đài Đức Mẹ xong, tôi liền nghĩ đến việc Long Kh’mer đi hành hương trong lúc ấy với nhóm thanh niên ca đoàn hay hướng đạo gì gì đó. Xe chầm chậm leo đèo, vượt qua nhiều đoạn cua quẹo. Tôi nhìn thật kỹ lưỡng một xe đò nhỏ đang đậu và số người đang dừng chân ở khu đài Đức Mẹ. Cảnh vật vẫn thế nhưng tình cảnh nay đã khác. Lòng người có thể vẫn thế nhưng trong lúc mà cái ăn cái mặc, cái cảm giác bình an đơn giản nhất có thể khác đi nhiều. Tôi không nhìn thấy có Long trong nhóm khách viếng Tượng Đức Mẹ. Tôi nhẩm đếm từng khúc cua trên đường. Khúc cua thứ mười bốn là Miếu Ba Cô. Xe vẫn cứ tiến tới như tôi cũng vẫn cố hy vọng. Tính từ khi xe vừa qua cua quẹo thứ nhì, tôi nhận ra ngay cây đàn guita quen thuộc và người mang nó trên vai, Bình Bon- Công Thôn- 72. Tôi nhìn chầm chập vào nhóm thanh niên đang đi bộ phía lề phải để mong tìm thấy người tôi muốn gặp. Xe cứ tiến đến cua quẹo thứ ba, thứ tư. Tôi cứ dõi mắt tìm hắn. Linh cảm rằng hắn thế nào cũng có mặt trong nhóm thanh niên thanh nữ này, khiến tôi chồm người ra cửa sau, ngay mặt ra ngoài để nhìn rỏ hơn. Đến cua quẹo thứ mười hai tôi nhận ngay ra Long Kh’mer trong một nhóm hơn mười thanh niên. Tôi kêu tên hắn một cách thảng thốt và hắn bật bắn người khi nghe tiếng gọi của tôi. Chiếc xe vừa sắp qua hết khúc cua cuối cùng để lao thẳng về Bảo Lộc là lúc tôi kêu dừng xe. Chắc gã tài xế đó chưa bao giờ phải dừng vào cái lúc mà ai cũng mong xe chạy thật ngon trớn. Cái dốc xe vừa chạy qua không cao lắm. Vừa thật sự lấy được thăng bằng sau khi nhảy xuống xe, tôi vừa chạy hấp tấp ngược về cái dốc để mong gặp được Long càng nhanh càng tốt.
Long Kh’mer vừa chạy lên từ phái dốc bên kia vừa kêu tên tôi thật to. Không có một đạo diển nào nghĩ ra cái pha mà hai đứa tôi gặp nhau như vậy và không có diển viên nào có thể làm được như thế. Chúng tôi ôm nhau, trong hơi thở hổn hển, trên một đoạn đường trống trải nhưng trong lòng hai đứa tôi đầy ắp biết bao là niềm vui. Long nắm chặt tay tôi, cười thật tươi. Cái răng khểnh bên phải của nó như cũng lên tiến chào hỏi tôi. Hai bàn tay Long trơn ướt lạnh. Trời hanh khô nhưng hai đứa tôi thấy như đang đội một cơn mưa phùn thật nhẹ. Trời dần ngã màu xẩm tối khi chúng tôi thấy có ánh sáng lên trong lòng. Chúng tôi cần có nhau như người đi lễ cần nhà thờ, như người cần xưng tội cần có cha ngồi nghe những lời khó nói ra nhất. Tại sao người ta không kề cận nhau, lắng nghe, dung thứ, khuyên bảo nhau. Tại sao người ta cứ phải liên tiếp bài kích nhau, vạch ra những lỗi lầm to nhỏ để bạ thấp nhau. Tại sao họ luôn bận tâm đến việc làm cho người khác phải toan tính , phải che đậy, dối trá vì phải tìm ra câu biện hộ này, lời giải thích bâng quơ nọ. Hai đứa tôi chỉ có kể lể, tâm tình, nghe ngóng và chỉ vậy thôi cũng đủ cho cả hai, vốn đã đau, buồn, tủi bất toại, bất ổn và bất bình.
   Con đường từ đấy về vắng vẻ trơ trọi, hai bên đường nhà nhà đóng cửa im ỉm,  nhưng chúng tôi thấy đầy ắp niềm vui, một niềm vui rất lạ lùng. Bất kể điều gì xảy ra với chúng tôi cũng đều không quan trọng vì chúng tôi vừa gặp được nhau rồi. Đêm mai người ta vui Giáng Sinh. Đêm nay Long Kh’mer vui hội ngộ trên đường.   
Chúa giáng trần mang đến sự bình an cứu rỗi. Tôi lên đây mang đến Long Kh’mer một niềm vui đơn giản. Long và họ vừa đi thăm đài Đức Mẹ về. Tôi vừa đi thăm gia đình Hải Bầu và gặp mẹ hắn. Sự mất mát, đau khổ, trông đợi, và thất vọng như là những thứ ai cũng có, ai cũng phải gánh chịu. Sự bình an, hạnh phúc, những thành tựu và những điều tốt đẹp là những thứ không phải ai cũng có thể có được. Hơn hẳn những người bạn tôi- còn đi học, còn có nơi để dung thân, và còn có một tương lai đơn sơ nhỏ nhắn- tôi muốn đem lên đây chia cho Long một ít. Tôi muốn mang lên Bảo Lộc một nữa của cái tôi đang có. Tôi muốn kể lể cho nhiều người ở trên Bảo Lộc này sự thật về tôi, về cái ân sủng, may mắn, cái cơ hội mà sẽ khiến họ vui mừng hoặc ganh tị, lo lắng hoặc thư giản, hoặc chúc mừng tôi hoặc thèm thuồng được có những điều như vậy.
   Kề vai tôi, Long đưa tôi về đến nhà lúc trời tối đen. Chúng tôi ăn cơm với chị Tư rồi ra quán để thăm Má Năm. Chúng tôi đã có một buổi tối bình an, đẹp đẽ như nhiều người hằng mong đợi- một buổi tối trước ngày Chúa giáng sinh.
                                                                             Rạch Giá 8- 12- 2010
                                               Lương Ngọc Thành- Thành Xì TL-71                
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét