Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

CHA NUÔI - 2

    Tôi không dám làm phiền bất cứ ai từ xưa đến giờ. Tôi là người mà “thà mất đi mười đồng để tìm ra được ra cho ai đấy một đồng xu họ đánh rơi. Tôi được nhiều người tin rằng tôi có thể hy sinh cuộc đời tôi chỉ để cho cha mẹ tôi sống hạnh phúc với nhau thôi. Không có ai trong số bạn học của tôi ở trường NLS Bảo Lộc hoặc ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật tưởng tượng được đến nay có bao nhiêu đêm tôi đã khóc khi vừa chợt nhớ đến gia đình tôi. Không có ai, theo như lời của Dũng Cận lớp 74 KCN, lại vừa có thể lúc chiều nào cũng chụp banh như một cầu thủ còn khi đến khuya lại chơi đàn classic như một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nếu họ có thể ở vào hoàn cảnh của tôi, họ cũng có thể làm được điều như tôi đã làm thế thôi. Làm sao tôi có thể ngủ được khi mà lòng tôi thì bị dầy vò, tan tác. Tâm trí tôi như bị rối tung lên bởi biết bao điều: Mẹ tôi hiện sống với ai, làm gì ở tận nơi xa xôi Sóc Xoài, Rạch Giá? Chị tôi lên kinh tế mới ra sao? Em tôi trong tù ở cái cồn gì gì đó ai thăm nuôi không? Anh tôi học cải tạo biết chừng nào ra? Còn tôi chừng nào được phòng tổ chức đưa giấy buộc thôi học vì cái lý lịch chết tiệt của tôi đây? Nếu nghe tôi nói ra những điều này, chắc Dũng Cận sẽ hiểu được vì sao tôi làm được cái điều “ít có ai làm được ấy.” Nhưng Dũng và rất nhiều sinh viên khác cũng không thể hiểu nổi tại vì sao mà hè nào tôi cũng về Bảo Lộc. Phòng Sinh Viên Vụ nhiều lần phân cho tôi làm “Tổ trưởng tổ mua vé xe tuyến đường Lâm Đồng”. Một cô s.v khóa đàn em còn ân cần mời tôi đến nhà chơi, nhà là quán cà phê Vi Va Dalat. Mai Lan, lớp 74 KTNC, còn nửa đùa nửa thiệt,
 “Cho em theo về Bảo Lộc với anh nhé.”
Má Chánh, với tình thương rất “Mẹ” hay nói với tôi,
  “Thôi ra trường về đây dạy hỉ. Ở đây với Mạ, hỉ?”.
Có lần cô gái út của Má Chánh- La Gi, hai tay ôm ngang bụng tôi,
 “Sao anh không học ở trên này đi? Anh về Sài Gòn chừng nào lên lại?”.
Lê Cao Minh- Minh Còi, con trai cả của chủ quán cà phê nổi tiếng Bảo Lộc- Ngàn Năm Mây Bay- ngay cạnh Cầu Trắng- thì thật thà, hiền lành như bụt,
“Thành Xì lên được đây là quý rồi. Tối tối đến quán mình uống cà phê nhé.”
Cái loại cà phê được lựa chọn kỹ lưỡng, rang xấy và pha chế công phu ấy nhiều lần khiến tôi thức trắng đêm.
      Ngày ngày tôi làm rất tròn trách nhiệm “làm lá”. Tám loại lá khác nhau được tôi phân xếp, cắt gọt, cho vào mâm khay hoặc bất cứ thứ gì một cách thật hoàn hảo. Mười ký thịt để làm nem chả cần đến ba mươi ký lá chuối. Ngoài ra, khoảng lau khô lá, xếp loại tổng quát ra, hàng ngày tôi, như một nhà sản xuất chuyên nghiệp cung cấp cho cái lò nem chả này cái thứ phụ nhưng rất quan trọng này: lá nòng, lá gói, lá nòng chả, lá ngoài nem…-những tên này do chính tôi đặt ra cho dể phân biệt- Sáng tôi đã quen dậy sớm theo kẻng tập thể dục ở trường rồi. Nên ở trên này tôi là người dậy sớm nhất nhà. Tôi quét dọn nhà, lau chùi bàn ghế và quét tro bụi cái bếp củi một cách thành thục như một cô gái ngoan trong nhà vậy. Tôi pha ấm trà đầu tiên trong ngày. Và tôi có khi cũng là người bắt đầu công việc sớm nhất trong ngày. Ai trong nhà này mà không khỏi yêu thương tôi? Đó cũng chính là cái mà tôi vốn rất thèm muống. Có một trưa nọ, chị Phương- con dâu cả của Má Chánh đã tra gạn tôi,
-         Thành lên đây để nghỉ hè đúng không? Vậy mà chị chẳng thấy Thành đi thăm thú, chơi bời gì với ai cả? Có phải lạ không nè.
-         Việc em lên đây để sống là điều vui thú đối với em rồi. Em chẳng cần gì thêm nữa cả.
Tôi trả lời chị Phương ngay như thể tôi trước đó đã chiêm nghiệm câu hỏi này tự lâu rồi vậy. Long kh’mer cũng là một lý do khiến tôi lên đây. Gặp tôi lên đây nó mừng lắm. Nó kể cho tôi đủ mọi điều mà theo lời nó nói “chưa có ai hay biết”. Nó hay kéo tôi ra các quán vắng và rất lạ. Nó có lần kêu tôi nhậu thịt cầy với nó ở cái quán ngay góc bờ hồ Bảo Lộc. Đã xong đâu chứ, nó còn lôi tôi vào quán Cà phê Cao Nguyên- nơi tôi chưa hề đặt chân đến trong 3 năm học ở đây. Hôm đó là lần đầu tiên trong đời tôi say rượu. Hôm đó cũng là lần đầu tiên tôi kể chuyện rất riêng của tôi cho nó nghe.
      Xe đò cũ của chúng tôi đến Dốc Mơ- Gia Kiệm. Ông già hỏi tôi xem chốc nữa tôi xuống xe ở đâu. Tôi giải thích rằng tôi phải ghé lại ngay ngả tư Thủ Đức và đi bộ 200 mét thì đến trường. Ông chìa ra môt tờ giấy bạc hai đồng.
-         Cậu cầm lấy để làm lộ phí. Đi xe đò xuống bến xe trên đường Petrus Ký nhé.
Cậu có thể đi bộ qua đường Phan Thanh Giản, đến hẻm số 374. Cậu cứ hỏi tên tôi, ai cũng biết: “Ông Năm Thương Binh”. Mà này, vào hẻm xâu, hai ba cua quẹo gì đó. Sáng chủ nhật tôi chờ cậu, khoảng 9 giờ rưởi cậu nhớ không. Hai bố con tôi mong gặp cậu lắm đấy.
Tôi như lại bị thôi miên thêm một lần nữa. Tôi cầm tờ giấy bạc, đút ngay vào túi áo. Tôi lập lại địa chỉ và hứa sẽ đến đúng giờ. Ông Năm Thương Binh nhìn tôi xuống xe, vẩy tay chào tạm biệt và trên đôi môi thâm đen đó tôi nhận thấy một nụ cười, rất nhân hậu, rất hiền lành và bao dung.
      Hôm chủ nhật ấy, tôi cứ mãi mong cho trời mau sáng. Tôi lựa một bộ đồ rất phù hợp với Ông Năm- áo ka ki ba túi hơi khờn củ, quần ticket nhung nâu, cũng đã rất bạc mầu, cái mủ bê rê đen, cái túi khoác vai màu nhà binh- rất sinh viên của thời ấy. Tôi đón chuyến xe buýt 8 giờ và đến con hẻm đã định trước nửa tiếng. Tôi thấy mình bồn chồn, lo lắng và tự hỏi không biết liệu rằng ông Năm có rủ tôi làm chuyện gì bậy bạ không? Ông có ý gì xấu xa không! Tôi phải hỏi mấy lần mới tìm ra nhà ông Năm. Tôi đi qua đi lại nhiều lần vì chưa đến giờ hẹn. Tôi ghé vào một quán cà phê cóc khá gần đó. Gọi một ly cà phê đen, tôi lân la hỏi chuyện bà chủ quán.
-         Có phải đằng kia là nhà của ông Năm Thương Binh không vậy bác.
-         Đúng rồi. Cậu tìm ông Năm chi vậy? Tôi chưa thấy có ai đến thăm ông ta cả.
-         Dạ cháu là bà con xa. Mới gặp Ông Năm hồi tuần rồi đây nè.
Thấy cửa nhà ông hé mở, tôi vội trả tiền và bước nhanh đến trước cửa nhà. Tôi ngạc nhiên y như cô gái nhỏ trong nhà khi nhìn ra tôi vậy.
-         Em ơi! Có phải đây là nhà của ông Năm Không em? Có ổng ở nhà không em?
Không trả lời hoặc vì lung túng mà quên bẳng đi. Cô bé quay về phía sau một chút kêu lên, một giọng rất thanh tao:
-         Ba ơi! Có ai kiếm ba nè, Ba ơi.!
Một giọng nói quen thuộc vọng ra từ sau cái màng cũ mèm bằng loại vải thô rẻ tiền.
-         Con mời anh vô nhà đi con. Ba ra tới giờ. Chờ tôi một chút nghe cậu.
Cô bé đẩy cái cánh cửa một cách nặng nhọc. Người gầy còm, mái tóc dài không được chải chuốt, bộ đồ nhầu như mới vừa từ lấy xuống từ sào quần áo chưa được xếp nấp vậy.
Tôi nhận ra ngay 2 hình đen trắng của hai người trên cái tủ ly gần như trống không. Một cái lư hương đầy chân nhang. Tôi cũng liếc nhìn quanh căn nhà chừng 20 mét vuông này. góc trái của căn phòng có một bàn học sinh còn rất mới. Trên cái bàn xinh xắn ấy, có một cái kệ sách vừa tươm tấc vừa sạch sẽ. Chắc phải có một tay của một người đàn bà khéo léo để trang hoàng góc học tập này.
-         Cậu chờ tôi có lâu không? Nảy giờ tôi lo làm bếp. Lác nữa ở lại ăn cơm trưa với hai cha con tôi nhé. Vân nè! Con đi ra góc hẻm này mua cho ba một bó rau muống nữa đi con. Nè lựa rau non nhe con.
Chờ con bé vừa ra khỏi nhà, chỉ tay về hai bức hình, ông ta nói ngay:
-         Long và vợ nó đó cậu còn nhớ không- ba má của Long Vân đó?. Tôi mang con bé  về làm con nuôi từ sau ngày giải phóng. Cháu học yếu và cô đơn nữa. Tôi muốn nhờ cậu dạy kèm cho cháu vài môn, nhất là toán. Hằng cuối tuần cậu về đây, ở đây với chúng tôi. Có muối ăn muối, có mắm ăn mắm. Hay là chiều chiều cậu đón xe buýt về đây nhé? Tôi có đi làm ăn xa cũng yên tâm. Cậu đã về Bảo Lộc như về quê được. Tôi rất mong cậu coi căn nhà tồi tàn này như nhà của cậu vậy, Bé Long Vân như em ruột của cậu vậy. Tội nghiệp con bé. Tôi đi buôn bán hoài có khi phải khóa cửa, gởi cháu qua bên nhà ông bà Bảy ngoài đầu hẻm đó.
Long Vân vừa bước vô nhà, ông Năm cũng vừa nín bặt.
-         Con vô đằng sau lặt rau, rửa sạch xong con luộc cho ba luôn nhe con.
Cả hai chúng tôi chờ đến khi Long Vân ra hẳn phía sau rồi. Tôi dành nói trước.
-         Thưa bác! Con phải…
-         Cậu đừng có ngại. Khi cậu kể cho tôi nghe về cậu, tôi biết ngay là tôi có thể tin tưởng cậu như người trong nhà này. Cậu có muốn làm anh của con bé Vân không nè? Nó vừa thiếu tình thương vừa thiếu thốn vật chất. Tôi cố đi làm để lo cho nó. Tôi đang để dành tiền để mua căn nhà này. Tôi có chết đi, cháu nó có chổ để ở.
Tôi thật sự cảm thấy quá ngở ngàng không biết phải nói sao. Tôi chưa bao giờ được ai đề nghị điều gì đột ngột quá như thế này. Đời tôi chưa có khi nào được suông xẻ như thế này. Tôi sẽ có nơi để về hàng tuần, có em để chăm sóc dạy dổ, có bửa cơm do chính tay tôi nấu. Tôi sắp có điều mà tôi hằng ao ước, hạnh phúc- nhưng không phải thứ hạnh phúc vay mượn như Long Kh’mer thường nói với tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét