HỌ HỌP MẶT NHAU NHƯ THẾ NÀO- phần 2
Năm nay sau đám cưới con của Nguyễn Minh Hùng, trưa ngày 6-10- 2013 tại Bảo Lộc, lớp Công Thôn 72 họp mặt lần thứ IV vào chiều cùng ngày.
Sau 12 giờ trên xe 2 chuyến xe, từ Rạch Giá, tôi đến Bảo Lộc lúc 10 giờ sáng với cái nắng ấm áp sau gần một tháng trời mưa dầm. Gặp Mạ Chánh, năm nay 84 tuổi, tôi vui mừng như thể tôi là đứa từ xa mới về thăm mẹ. Hồng hào, khỏe mạnh, linh hoạt, mạ Chánh khiến cho những ai không còn mẹ như tôi phải ngậm ngùi. Người Chương, anh cả, từ Mỹ về trước tôi 4 ngày và mới hôm qua đây một đoàn của lớp tôi cũng đã dừng chân ở đây trên đường họ đi Phan Rang dự lễ hội Katê theo lời mời của Đặng Khôi, người Chàm duy nhất trong lớp tôi.
Trò chuyện với Mạ và anh Chương một đổi. Chúng tôi vui như đang trong một ngày hội. Xin Mạ bó nhang, tôi ra thăm mộ Long Kh’mer. Đứng phía trước phần mộ của thằng bạn vắn số, tôi ngắm nhìn núi Đại Bình, sừng sững chiếm hết tầm mắt tôi. Bầu trời xanh, mây trắng, lòng tôi như bay bổng trộn lẩn vào cái rộng lớn khoáng đạt của quang cảnh trước mặt. Lặng thinh hồi tưởng những gì đã xảy ra giửa hai chúng tôi, những gì tôi đã nhận được từ Long Kh’mer, những lần tôi được nó ghé thăm, tôi như họp mặt với người bạn đã ra đi 29 năm. Giật mình khi đọc trên mộ bia, “mất ngày: 19- 8 1984”, tôi thầm kêu lên,
“Ôi, Long Kh’mer mất đúng ngày vào ngày sinh của ta.”
Tôi cũng tự hỏi ai trước đó đã cắm hoa cho cả 3 ngôi mộ, ngay bên phải là mộ của ba mẹ của Long. Trước khi chia tay nó, cắm hết những cây nhang còn xót lại, nhìn mộ bia của Long, vuốt tay lên những viên gạch rạn nức, tôi nói nhỏ với nó,
“Ghé thăm mày một tí nghen, Long!”
Không nhận được trả lời, tôi sau đó biết rằng cô em “góa bụa” đang bận một đám tang của đứa cháu nên không thể dự hoặc đưa tôi cùng đi đám cưới được. Tôi nhận được hai cuộc gọi để khẳng định rằng đúng là tôi vừa có mặt. Chờ nhóm các thầy cô từ bốn nơi khác nhau, Long Xuyên, Châu Đốc, Tây Ninh và Hốc Môn, tôi, từ Rạch Giá nhập cuộc. Chủ hôn Minh Hùng và phu nhân hân hạnh bắt tay thật chặt những người trong đoàn khách thật đặc biệt ấy.
Tiệc cưới thật đông vui, khách ngồi kín nhà hàng Tâm Châu, có đến gần 1.000 khách mời. Mọi người thật hân hoan rộn rả. Thầy Phước chỉ tôi ngồi vào ghế cạnh thầy. Thầy và tôi bàn ngay chuyện viết lách, bài vỡ. Hùng Sùi và tôi “giao lưu” với hai bàn cạnh bên. Đông giới thiệu tôi với bà xã của hắn, một đọc giả mới của tôi. Hỏi ra tôi biết Đông lớn hơn tôi 11 ngày tuổi và hai phu nhân của chúng tôi có cùng một tuồi, cùng một dáng người. Tôi vui lên khi nhận ra sự thân thiện nhưng vẫn có cái tôn ti vai vế của Đông.
Tôi hỏi đùa phu nhân của Đông,
“Anh cũng tuổi mùi, nhỏ hơn Đông, nhưng vì có ăn cỏ tươi nên trông thấy trẻ hơn. Sao em và Đông có nhiều đuôi mắt quá vậy. Hai vợ chồng đi căng da mặt đi nghen.”
Cô dâu cả của lớp 72 CT chỉ có mỉm cười. Các thầy luôn vui vẻ nâng ly khi có học trò đến mời uống bia. Dù không nói được gì nhiều với nhau vì tiếng nhạc ồn ào, chúng tôi thầm hiểu rằng chiều nay mới là lúc chúng tôi trò chuyện kể lể.
Chiều có mưa phùn nhưng chúng tôi, gần 40 người, vẫn đến đúng giờ. Nhờ hai cô cháu gái phục vụ Minh Hùng đã khiến chúng tôi dù lên lầu 3 của hội trường của Khách Sạn Công Đoàn cứ cảm thấy như đang ở nhà. Khi khai mạc, thầy Nguyễn Văn Hanh mong có các cuộc họp mặt tại tư gia.
Thầy Tho, thầy Kính vẫn khỏe mạnh như năm trước nhưng thầy Phước nay rất gầy. Thầy Sơn có vẻ như chưa nhập cuộc lắm. Thầy cô được chúng tôi tặng hoa như cái cách cùa học trò tuổi đôi mươi vậy. Cao Thanh Đông cũng trịnh trọng như mọi khi,
“Khắp mọi miền đất nước đều có học trò NLS cho nên thật khó để gặp mặt nhau. Thật thú vị, bổ ích khi chúng ta kêu lên tiếng thầy, cô. Thật đả khi gặp nhau đùa tếu, kêu mày xưng tao với nhau. Thật đả mắt khi mặc vào cái áo nâu và nhìn nhau trong màu truyền thống có một không hai ấy.
Bất cứ thứ gì mà chúng ta học được, có được, làm được và nhớ được nên tung lên cho thế giới này biết. Đâu phải ai cũng có được những điều chúng ta đang có.”
Như lần trước, tôi được mời chia xẻ cảm nghĩ. Tôi đã vào đề ngay,
“Khi được Minh Hùng gọi mời, tôi nghĩ ngay đến một món quà và đây…”
Tôi trưng ra món qùa, “Kỷ niệm chương- Họp mặt Nông Lâm Súc- lần thứ 4” một cho người tổ chức và một cho thầy hiệu trưởng cuối cùng của NLS Bảo Lộc. Tôi sau đó nhắc đến bài phát thanh của VOA về họp mặt trung học. Chính Bill Clinton đã bắt tay chào đón từng người bạn học của phu nhân ông ta khi bà tổ chức họp mặt lớp tại nhà trắng. Tôi nhắc lại hai lần rằng,
“Không chỉ họp mặt lớp, đây còn là cuộc họp mặt các khóa, các ban khác nhau và các thầy cô xa gần. Có nên chăng chúng ta gọi đây là cuộc họp “lớp Công Thôn 72 Mở Rộng.”
Anh Phạn Ngọc Ẩn, CT khóa 1 từ Phan thiết, đã nhắc đến nhiều kỷ niệm và cảm xúc khi về Bảo Lộc về sự tiếc rẻ rằng lớp anh nay không thể họp mặt nhau được với quá ít tin tức, liên lạc nhau. Ngọc Quang, TL 72, hàng xóm với lớp CT 72, thì rất hào hứng khi kể về chuyện vui buồn của những tháng ngày sau khi rời xa mái trường và sau đó bắt nhịp bài Hành Khúc Nông Lâm Mục.
Đa số hát karaoke, trò chuyện cụng ly cho đến khi có một số chào ra về. Dù vừa thuyên giảm một cơn bệnh tim, thầy Phước bảo tụi tôi tìm một ít rượu. Chung Gạo vội mang đến chai Sake đứa con gái mang từ Nhật về. Mọi người quay quần trong một phòng nghỉ cạnh bên để tiếp tục buổi họp mặt. Nhóm Đà Lạt phải chia tay chúng tôi lúc 10 giờ rưỡi. Thầy Ngôn bổng cho biết hôm ấy là sinh nhật của Thầy. Chúng tôi vội hát “Happy birthday” và buổi tiệc dang dở ấy trở thành tiệc sinh nhật thật bất ngờ, không nến, không bánh kem mà chỉ với một ít trái cây do Vũ thị Tịnh mang đến. Tịnh rất muốn có cây đàn guitar để hát còn tôi thì thích nghe những chuyện về trường. Thầy Ngôn kể cho chúng tôi rất nhiều chuyện mà ít có học trò khác có thể nghe được. Không màng đến thời giờ, xong vụ việc này, thầy Ngôn nhắc đến chuyện khác, xong về thầy này, thầy nhắc đến cô khác. Thầy Ngôn không ngại ngùng nói lên những cảm nhận thật, những suy nghĩ thầm kín khác. Chúng tôi lắng nghe, riêng tôi có gắng ghi nhớ, đôi lúc có thắc mắc, và thầy Ngôn tiếp tục.
Một đổi thầy Phước qua phòng chúng tôi, một chốc sau thầy lại trở về phòng nghỉ ngơi. Cái đêm ấy như dài thêm ra. Đến 2 giờ sáng, nhóm các thầy cô phải ra xe về Sài Gòn. Anh Độ và tôi chờ xe lên Đà Lạt. Thầy Ngôn, Đông và vài người bạn như còn luyến tiếc ở lại qua đêm.
Nhóm ở Bảo Lộc quyến luyến chia tay mọi người mà họ rất mong gặp hằng năm ở đây. Đất trời Bảo Lộc cũng rất mong gặp lại những người như chúng tôi kẻ luôn luôn đặt Bảo Lộc vào một vị trí trân trọng nhất trong tim.
Rạch Giá 18-10-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét