(Ở Bảo Lộc nhiều người biết tiếng lò nem của bà Chánh nhưng rất ít ai biết Mạ Chánh có một tình sữ thật độc đáo.)
Tại số 23/3 đường Gia Hội, xóm Trần Trạch, mạ Chánh đã được sinh ra và lớn lên trong phủ của bà Công chúa Đồng Phú. Là con út trong một gia đình nho giáo dòng giỏi thứ 25 của vua Thiệu Trị, đang học lớp 5, Cours Supérieur, tuổi 15, mạ Chánh không biết chi ngoài việc học lấy bằng Primaire Élémentaire.
Cậu học sinh con một Trương Chánh từ huyện Tam kỳ, Quảng Nam , được gia đình gửi ra Hội An trọ học. Sống gần một khu nhà thổ, nơi ăn chơi ồn ào náo nhiệt của giới mày râu, cậu học trò vốn thường nghịch phá ấy đã có rất ít tiến bộ. Dù chỉ theo nghề nem chả của ông bà, ba ruột của Chánh luôn luôn mong cậu con một ấy học giỏi. Vốn không sanh được con, cô dượng của cậu xem Chánh như con ruột. Cha ruột và cha nuôi, một thầy thuốc, cùng quyết định đưa cậu Chánh đang học lớp đệ tứ, rời Hội An ra học trường Tư Thục Thuận Hóa, cố đô Huế.
Một hôm, một người bạn của dì của Mạ đến xin cho một cậu học trò Chánh lớn hơn Mạ 4 tuổi ở trọ học. Vốn rất ít nói nhưng học khá giỏi, Chánh nhanh chóng khiến cho ông ngoại thương yêu. Dù tuổi cao đang bệnh hoạn, ông luôn quan tâm đến người học trò xứ Quảng ấy. Mỗi khi có quà bánh, thức ăn ngon, ông đều nhắc cô con gái út chia phần cho Chánh. Biết sức khỏe yếu dần, người cha xứ Huế rất muốn cho “con ni” gần với “thằng nớ” hơn. Quá thương Chánh, ông ta luôn thầm nghĩ ra cách để giữ người học trò xứ Quảng ấy ở lại Huế luôn. Ông bảo Trương Đức Chánh dạy kèm cho cô con gái út môn toán và Pháp văn, 3 buổi tối một tuần. Được sống trong khung cảnh nên thơ của vùng có nhiều đền đài lăng tẩm núi Ngự sông Hương, Trương Chánh còn bị một sức hấp dẫn rất mạnh từ người con gái Huế mà chàng giảng dạy.
Sau khi nghỉ tết năm Ất Dậu, 1944, Trương Chánh từ Tam Kỳ, Quảng Nam trở ra Huế với một cái chân bị băng bó. Thay vì hỏi han “ông thầy dạy kèm” vừa bị tai nạn gì, cô học trò nhỏ, Trần Thị Mãi Tiếu, cứ che miệng cười ra vẻ trêu chọc. Chàng đã cứ tưởng là,
“Mãn mùa toóc gạo rơm khô,
Bạn về quê bạn biết nơi mô kiếm tìm?”
Bạn về quê bạn biết nơi mô kiếm tìm?”
Tiếu càng ít quan tâm đến cái vết thương ấy, ông thầy Chánh càng dỗi hờn. Chánh chỉ còn biết trách thầm,
“Người mô mà vô tình như rứa?”
Sự vô tình ấy như thúc giục thêm chàng trai xứ Quảng, họ Trương tiến thêm một bước. Sau gần một năm dạy kèm cho cô học trò Huế, một buổi tối, trong giờ học, thầy Chánh viết ra trên một mẩu giấy nhỏ một thông điệp vô cùng vắn tắc và độc nhất vô nhị. Lòn tay xuống dưới mặt bàn, dùng chân khều chân của cô học trò nhỏ, thầy Chánh trao một mảnh giấy nhỏ,
“Tiếu có thương anh không?”
Đang rất lo lắng về 10 bài toán phải nộp vào sáng mai, nhất là đang ngồi trong bàn học gần giường bệnh của cha, không hé miệng nói đến nửa lời, người học trò Mãi Tiếu vò ngay mảnh giấy nhỏ ấy và buông nó rơi xuống sàn nhà.
Không màng đến chuyện gì chung quanh, thầy Chánh lòn tay xuống bàn cố trao cho người học trò đang ngồi thẹn thùng trước mặt một mảnh giấy nữa, với cùng một câu hỏi,
“Tiếu có thương anh không?”
Lần nào cũng vậy, chữ Tiếu được chàng viết hoa và gạch dưới. Lần nào đón nhận, người thiếu nữ Huế chưa biết thế nào là thương yêu ấy cũng vò nhỏ rồi buông rơi nó xuống sàn nhà, thầm mong sao cho thời gian trôi qua thật nhanh.
“Tình về Đại Lược.
Duyên ngược Kim Long.
Tới đây là chỗ rẽ của lòng.
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào?”
Một bên, người con gái 16 tuổi, “ốt dột”, không nói một lời nào. O Mãi Tiếu chỉ cuối rủ mái tóc dài che mặt, trong lòng vừa lo sợ vừa hờn giận. Bên phía bên kia bàn, người thanh niên họ Trương, 20 tuổi, cũng không nói một lời nào mà cứ tiếp tục viết và trao cho O Tiếu mảnh giấy khác cho đến hết buổi học. Những mẩu giấy bị vò nhỏ ấy vươn vãi khắp dưới mặt bàn.
“Núi cao chi lắm núi ơi,
Núi che mặt trời không thấy người thương.”
Núi che mặt trời không thấy người thương.”
Sau khi không được nàng phúc đáp, chàng bèn viết thư về cho cha ruột và cha nuôi. Hai người cha lập tức ra Huế để gặp ngay người anh cả của Mãi Tiếu để xin làm đám hỏi và có thể là cưới “chạy tang”. Bà mẹ của Tiếu liền phản đối, vì theo lời bà giải thích,
“O Tiếu còn nhỏ lắm, còn phải đi học. Mai này, sau khi ông quy tiên, mạ còn trông nhờ vào O, chăm sóc kề cận chứ hỉ.”
Ba của Tiếu thì cho rằng đến lúc sắp ra đi như vầy ông chỉ muốn nhìn thấy cảnh Trương Chánh trở thành con rể. Ông mong sao được cặp tân lang tân nương dâng cho ông miếng bánh, ly rượu lễ.
Biết ngày một yếu dần, ông đồng ý làm một đám cưới gấp trước khi ông trút hơi thở sau cùng.
Khoảng 11 giờ đêm hôm ấy, với 3 mâm trầu rượu, 1 trên bàn thờ tổ tiên, một trên bàn thờ Phật và một mâm lễ. Xính lễ của gia đình họ Trương là một đôi bông tai và 3 tờ giấy bạc Đông Dương. Cạnh giường bệnh, người anh rễ của Mãi Tiếu viết tay tờ giấy hôn thú. Mãi Tiếu không được mặt áo cưới, không trang điểm, không có họ nhà gái chúc mừng, cho quà và không có lạy xuất gia. Khi cặp nam nữ ấy đang đứng sánh đôi thắp hương bàn thờ tổ tiên, tiếng pháo nổ trước sân khiến nhiều người hàng xóm chạy đến xem. Ông được đở dậy để nhìn thấy quang cảnh đám cưới của cô gái út. Để ông hưởng chút ít lễ cưới, người con rễ đút cho ông một tí bánh. Ông vui lòng nhấm nháp trên đầu môi. Một số người dự lễ lại có ý kiến để ông nhấm chút rượu. Ông mỉm cười nhìn đôi tân lang tân nương rồi nhấm nháp một chút rượu được người rễ lớn dâng đến miệng. Cốc rượu lễ vừa được lấy ra, Ông cũng vừa ngả đầu nhẹ về phía phải, nhắm mắt ra đi trong tiếng khóc rống lên của mọi người.
Sau cái đám cưới chạy tang ấy, cô dâu Tiếu thi đậu bằng Primaire và chú rễ Chánh thi đậu Diplôme và được bà mẹ vợ làm một cặp vịt vừa để cúng người chồng quá cố vừa để khao chàng rễ hiền, hiếu học.
Suốt đời Mạ chỉ có ba Chánh và cuộc tình của Mạ thật đáng đọc.
Rạch Giá 21- 05- 2013
Thành Xì- TL 71
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét