Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

BẢO LỘC- NHỮNG CƠN MƯA



Nước mưa có thể làm sạch những thứ dơ bẩn, cuốn trôi đi nhiều thứ, nhưng mưa không thể làm trôi đi nỗi lo canh cánh, nỗi hoang mang sợ hải trong lòng tôi và mưa đã khiến tôi càng cảm thấy cô đơn lạnh lẻo ở Bảo Lộc, nơi vốn thường có mưa và lạnh.
    Ai có thể thấu hiểu anh chàng học trò mới lớn, xa nhà như tôi, luôn nơm nớp sợ mẹ của hắn bị một tai ương gì đấy, thậm chí có một cơn mưa dông lốc xoáy nào đấy sẽ kéo tung cái của cái chòi vốn ọp ẹp siêu vẹo là nơi hắn sẽ phải trở về, phải che chắn lại, phải xây dựng lại, phải biến nó thành một cái tổ ấm xinh đẹp nhất có thể được? Ai có thể bảo đảm với hắn rằng hắn sẽ không còn phải dầm mưa để hứng đầy hai cái thùng phuy chứa nước cho mẹ hắn. Ai có thể sẽ viết thư cho hắn để báo tin rằng mẹ hắn không phải đứng trong mưa để chống đở cái mái che tạm bợ bị cong oằng xuống và rồi phải chèn thứ gì đó để nước mưa không nhểu xuống ngay chổ khách đang ngồi uống cà phê.
     Không có ai giúp hắn cả và cũng không có ai giúp cái thằng như tôi. Ai có thể giúp mẹ tôi làm chuyện ấy nếu không phải là tôi. Có ai hình dung được bên rìa trái bên đường, ở góc bên cái bờ của một vùng trủng như cái ao cạn đó, mẹ tôi đang sống trên một cái sàn nhỏ được dựng tạm bợ rất dể bị sụp đỗ. Mùa mưa, mặt nước gần đụng đáy sàn. Sự ẩm thấp quanh năm làm cho cách thanh gỗ, ván sàn được chấp nối tạm bợ ngày dể gãy vỡ. Ai mà biết được hôm nào đó, nguyên cái sàn của mẹ tôi sụp tõm xuống ao nước nước đen, đọng, đầy bèo, cỏ dại kéo mẹ tôi ngập chìm trong cái mớ hổn độn ấy.
Ở trên cao, Bảo Lộc, ai có thể hình dung ra được cái thảm cảnh ấy nếu không phải là tôi. Ở trên Bảo Lộc, có mấy ai lo ngại bị muỗi mòng quanh năm. Có mấy ai nơm nớp lo sợ sẽ bị ngập sau cơn mưa to nào đó. Ở Cần Thơ, mẹ tôi thì luôn lo sợ tất cả những điều ấy.
    Ai biết đoán biết trước được thằng em bụi đời của tôi sẽ bị một đòn trả thù nào?  Ai có thể báo tin cho tôi hay rằng mẹ tôi không phải đội mưa đi tìm thằng em tôi hoặc bà phải dìu hắn vào nhà trong cơn say lúy túy của nó hoặc trong lúc nó đang đỗ máu sau một trận chiến. Dĩ nhiên cả hai mẹ con phải sũng nước. Dĩ nhiên mẹ tôi không thể ngủ yên tối hôm ấy. Và cũng như hằng nhiều đêm khác, người đã phải nhỏ to tâm tình, khuyên can, dụ dỗ nó và kết cuộc là bà không thể chợp mắt được.
    Ai biết được có bao nhiêu cơn mưa trút xuống trong một mùa mưa? Ai mà đong đến được bao nhiêu nước rơi xuống? Và rồi có làm sao có ai hứng đo được số giọt nước mắt của mẹ tôi nhiều đến ngần nào vì thương lo, tức giận thằng em đó của tôi. Ngoài nó ra, sự xa vắng ba tôi có thể là một phần khác khiến mẹ tôi khóc. Một ít nước mắt khác bà đã khóc vì lo toan thương nhớ tôi, cái thằng đang học ở một nơi mẹ tôi chưa hề nghe đến trước đó.
    Mưa giúp trái đất này thêm xanh sạch đẹp nhưng mưa không giúp lòng tôi sạch đẹp thêm một tí nào. Trong cái bếp bám đầy mò hong, phía sau căn nhà trọ của bà Tâm, suốt một năm học ấy, mỗi buổi chiều, mỗi khi trời đỗ mưa là mỗi lúc tôi khóc. Tôi khóc vì nhớ nhà, nhớ mẹ. Tôi khóc vì lo cho cái thân phận của em tôi. Tôi khóc vì tủi thân, cô đơn và những điều tôi không biết dùng lời để nói. Tôi khóc vì những bài toán khó không thể giải nỗi, những cái tên khoa học của các loại cây rừng khó nhớ. Tôi khóc vì vừa nhận được một bức thư với những hàng chữ viết ngoằn ngoèo của mẹ.
Đi chợ xong, Bác Luận ngồi vào bàn học trong phòng khách. Mạnh Hùng và em nó, Mạnh Tiến, đang vô tư chơi cờ ca rô hoặc đang cười đùa với cậu Doãn hay chỉ đang nghe gì đó trên radio. Tôi một mình làm bếp và khóc.
     Khói từ cũi ướt có thể khiến ai đó khóc nhưng cái thứ khói cay ấy vô hiệu đối với tôi, người đã quen thuộc rồi cái thứ khói ấy từ lâu rồi. Từ lúc 9 tuổi rưởi, tôi đã quen chuyện bếp núc, đánh vảy chặt kỳ, mang, mổ bụng cá, nhặt đầu tép. Tôi nấu được tất cả các món thức ăn mẹ tôi đã nấu. Tôi có thể chế biến một vài món mới lạ. Tôi đọc mục “làm bếp” trong các tạp chí phụ nữ của chị tôi. Tôi đã từng làm món “gà nấu bia” một cách khá chuyên nghiệp. Ở Cần Thơ không ai có thể tưởng tượng ra tôi đã làm bếp như thế nào trên Bảo Lộc.
  Tôi không hề có chút e ngại khi tôi hằng ngày phải làm một ký cá, loại cá ương được chở lên từ Phan rang. Nước lạnh trên Bảo Lộc đã khiến cho việc làm bếp “chua hơn”. Cá đã ngã màu ửng hồng hoặc bốc mùi rẻ hơn cá tươi. Nhũng giọt mưa nặng hạt rơi xuống mái tole nhà bếp, những cơn mưa phùn, gió lộng làm trời lạnh hơn, âm u hơn đã lắm lúc khiến tôi lo sợ hơn. Tôi lo sợ vẫn vơ trong khi đang có một nỗi lo sợ quá lớn, sự bất thành của 3 năm lên đó học.       
   Những cơn mưa ấy là một phần khá lớn trong ký ức của tôi về tuổi mộng mơ, tuổi sắp bước vào đời trong khi học trên Bảo Lộc và về những gì tôi đã nghĩ đến mẹ tôi.
                                                               Rạch Giá Mar 4, 2013
                                                                 Thành Xì- TL 71

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

BẢO LỘC- MẠ CHÁNH

(Ở Bảo Lộc nhiều người biết tiếng lò nem của bà Chánh nhưng rất ít ai biết Mạ Chánh có một tình sữ thật độc đáo.)

   Tại số 23/3 đường Gia Hội, xóm Trần Trạch, mạ Chánh đã được sinh ra và lớn lên trong phủ của bà Công chúa Đồng Phú. Là con út trong một gia đình nho giáo dòng giỏi thứ 25 của vua Thiệu Trị, đang học lớp 5, Cours Supérieur, tuổi 15, mạ Chánh không biết chi ngoài việc học lấy bằng Primaire Élémentaire.  
   Cậu học sinh con một Trương Chánh từ huyện Tam kỳ, Quảng Nam, được gia đình gửi ra Hội An trọ học. Sống gần một khu nhà thổ, nơi ăn chơi ồn ào náo nhiệt của giới mày râu, cậu học trò vốn thường nghịch phá ấy đã có rất ít tiến bộ. Dù chỉ theo nghề nem chả của ông bà, ba ruột của Chánh luôn luôn mong cậu con một ấy học giỏi. Vốn không sanh được con, cô dượng của cậu xem Chánh như con ruột. Cha ruột và cha nuôi, một thầy thuốc, cùng quyết định đưa cậu Chánh đang học lớp đệ tứ, rời Hội An ra học trường Tư Thục Thuận Hóa, cố đô Huế.
    Một hôm, một người bạn của dì của Mạ đến xin cho một cậu học trò Chánh lớn hơn Mạ 4 tuổi ở trọ học. Vốn rất ít nói nhưng học khá giỏi, Chánh nhanh chóng khiến cho ông ngoại thương yêu. Dù tuổi cao đang bệnh hoạn, ông luôn quan tâm đến người học trò xứ Quảng ấy. Mỗi khi có quà bánh, thức ăn ngon, ông đều nhắc cô con gái út chia phần cho Chánh. Biết sức khỏe yếu dần, người cha xứ Huế rất muốn cho “con ni” gần với “thằng nớ” hơn. Quá thương Chánh, ông ta luôn thầm nghĩ ra cách để giữ người học trò xứ Quảng ấy ở lại Huế luôn. Ông bảo Trương Đức Chánh dạy kèm cho cô con gái út môn toán và Pháp văn, 3 buổi tối một tuần. Được sống trong khung cảnh nên thơ của vùng có nhiều đền đài lăng tẩm núi Ngự sông Hương, Trương Chánh còn bị một sức hấp dẫn rất mạnh từ người con gái Huế mà chàng giảng dạy.
   Sau khi nghỉ tết năm Ất Dậu, 1944, Trương Chánh từ Tam Kỳ, Quảng Nam trở ra Huế với một cái chân bị băng bó. Thay vì hỏi han “ông thầy dạy kèm” vừa bị tai nạn gì, cô học trò nhỏ, Trần Thị Mãi Tiếu, cứ che miệng cười ra vẻ trêu chọc. Chàng đã cứ tưởng là,
  “Mãn mùa toóc gạo rơm khô,
   Bạn về quê bạn biết nơi mô kiếm tìm?”
Tiếu càng ít quan tâm đến cái vết thương ấy, ông thầy Chánh càng dỗi hờn. Chánh chỉ còn biết trách thầm,
“Người mô mà vô tình như rứa?”
Sự vô tình ấy như thúc giục thêm chàng trai xứ Quảng, họ Trương tiến thêm một bước. Sau gần một năm dạy kèm cho cô học trò Huế, một buổi tối, trong giờ học, thầy Chánh viết ra trên một mẩu giấy nhỏ một thông điệp vô cùng vắn tắc và độc nhất vô nhị. Lòn tay xuống dưới mặt bàn, dùng chân khều chân của cô học trò nhỏ, thầy Chánh trao một mảnh giấy nhỏ,
Tiếu có thương anh không?”
Đang rất lo lắng về 10 bài toán phải nộp vào sáng mai, nhất là đang ngồi trong bàn học gần giường bệnh của cha, không hé miệng nói đến nửa lời, người học trò Mãi Tiếu vò ngay mảnh giấy nhỏ ấy và buông nó rơi xuống sàn nhà.
Không màng đến chuyện gì chung quanh, thầy Chánh lòn tay xuống bàn cố trao cho người học trò đang ngồi thẹn thùng trước mặt một mảnh giấy nữa, với cùng một câu hỏi,
Tiếu có thương anh không?”
Lần nào cũng vậy, chữ Tiếu được chàng viết hoa và gạch dưới. Lần nào đón nhận, người thiếu nữ Huế chưa biết thế nào là thương yêu ấy cũng vò nhỏ rồi buông rơi nó xuống sàn nhà, thầm mong sao cho thời gian trôi qua thật nhanh.
  Tình về Đại Lược. 
   Duyên ngược Kim Long.
  Tới đây là chỗ rẽ của lòng.
  Gặp nhau còn biết trên sông bến nào?”
Một bên, người con gái 16 tuổi, “ốt dột”, không nói một lời nào. O Mãi Tiếu chỉ cuối rủ mái tóc dài che mặt, trong lòng vừa lo sợ vừa hờn giận. Bên phía bên kia bàn, người thanh niên họ Trương, 20 tuổi, cũng không nói một lời nào mà cứ tiếp tục viết và trao cho O Tiếu mảnh giấy khác cho đến hết buổi học. Những mẩu giấy bị vò nhỏ ấy vươn vãi khắp dưới mặt bàn.
   “Núi cao chi lắm núi ơi,
    Núi che mặt trời không thấy người thương.”
    Sau khi không được nàng phúc đáp, chàng bèn viết thư về cho cha ruột và cha nuôi. Hai người cha lập tức ra Huế để gặp ngay người anh cả của Mãi Tiếu để xin làm đám hỏi và có thể là cưới “chạy tang”. Bà mẹ của Tiếu liền phản đối, vì theo lời bà giải thích,
“O Tiếu còn nhỏ lắm, còn phải đi học. Mai này, sau khi ông quy tiên, mạ còn trông nhờ vào O, chăm sóc kề cận chứ hỉ.” 
Ba của Tiếu thì cho rằng đến lúc sắp ra đi như vầy ông chỉ muốn nhìn thấy cảnh Trương Chánh trở thành con rể. Ông mong sao được cặp tân lang tân nương dâng cho ông miếng bánh, ly rượu lễ.  
   Biết ngày một yếu dần, ông đồng ý làm một đám cưới gấp trước khi ông trút hơi thở sau cùng.
Khoảng 11 giờ đêm hôm ấy, với 3 mâm trầu rượu, 1 trên bàn thờ tổ tiên, một trên bàn thờ Phật và một mâm lễ. Xính lễ của gia đình họ Trương là một đôi bông tai và 3 tờ giấy bạc Đông Dương. Cạnh giường bệnh, người anh rễ của Mãi Tiếu viết tay tờ giấy hôn thú. Mãi Tiếu không được mặt áo cưới, không trang điểm, không có họ nhà gái chúc mừng, cho quà và không có lạy xuất gia. Khi cặp nam nữ ấy đang đứng sánh đôi thắp hương bàn thờ tổ tiên, tiếng pháo nổ trước sân khiến nhiều người hàng xóm chạy đến xem. Ông được đở dậy để nhìn thấy quang cảnh đám cưới của cô gái út. Để ông hưởng chút ít lễ cưới, người con rễ đút cho ông một tí bánh. Ông vui lòng nhấm nháp trên đầu môi. Một số người dự lễ lại có ý kiến để ông nhấm chút rượu. Ông mỉm cười nhìn đôi tân lang tân nương rồi nhấm nháp một chút rượu được người rễ lớn dâng đến miệng. Cốc rượu lễ vừa được lấy ra, Ông cũng vừa ngả đầu nhẹ về phía phải, nhắm mắt ra đi trong tiếng khóc rống lên của mọi người.
    Sau cái đám cưới chạy tang ấy, cô dâu Tiếu thi đậu bằng Primaire và chú rễ Chánh thi đậu Diplôme và được bà mẹ vợ làm một cặp vịt vừa để cúng người chồng quá cố vừa để khao chàng rễ hiền, hiếu học.
    Suốt đời Mạ chỉ có ba Chánh và cuộc tình của Mạ thật đáng đọc.
                                                           Rạch Giá 21- 05- 2013
                                                               Thành Xì- TL 71

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

CẦN THƠ- MỐI TÌNH CỦA TÀI BỘT

   Trong khi về Cần Thơ để có một thời gian tốt nhất cho việc luyện, ôn thi, Tài Bột có một mối tình éo le, lãng mạng mà ít ai có thể nghĩ ra.
   Sau khi an vị tại nhà tôi được 2 ngày, Tài Bột nhờ tôi chở hắn đến nhà của người cháu bà con của mẹ hắn. Theo con hẻm dọc theo kinh Tham Tướng, vào đến khúc quẹo bị che khuất um tùm vì những chòm tre, khóm trúc, chúng tôi hỏi ra nhà của ông Út Tốn. Bị bệnh gan vàng da gần 10 năm nay, tuổi đời lớn hơn chút ít, nhưng ông Tốn trông già hơn chúng tôi rất nhiều. Theo vai vế, ông Tốn gọi Tài Bột bằng anh. Mừng vì có khách đến nhà, ông hoạt bát hẳn lên. Gọi con gái pha trà, ông cố gắng kéo ghế mời chúng tôi ngồi. Vừa rót nước trà mời khách, vừa hỏi chuyện chúng tôi. Ông Tốn rung giọng hỏi tôi.
“Nhà anh Thành có xa đây lắm không?”
“Tôi ở đường Lê Lai. Đi xe gắn máy đến đây khoảng 10 phút thôi.”
“Tôi sẽ viết thư xin Bác Mộc, mẹ của anh Tài để anh ấy về đây trú tại nhà tôi. Chúng ôi mang ơn của Bác Mộc nhiều. Nay chắc Bác cho chúng tôi một dịp để đền đáp.”
   Thằng bạn học hiền lành như ông bụt, trắng như bột sau đó dọn đến nhà anh Tốn.
Hai cô con gái của anh Tốn nhỏ nhắn, gọi Tài Bột bằng Cậu. Mất mẹ từ lúc lên 12, Phương Mai nào phải vừa chăm lo cho em, Phương Thảo, vừa phải quán xuyến công việc nhà và chạy chữa cho bố. Làm lò rượu nhiều năm, nhắm nháp quá nhiều loại rượu, uống quá nhiều với khách hàng, bố của Phương Mai bị đau gan và mất sức làm việc. Cô gái nhỏ nhắn ấy trở thành người lao động chính. Dù có hai người thợ phụ việc, Phương Mai vẩn phải đầu tắt mặt tối 30 ngày một tháng. Cái chuồng lợn sau vườn cũng do một tay Mai tạo dựng. Cô em gái nhỏ Phương Thảo chỉ có việc đi học và rửa bát đĩa khi có thì giờ.
    Vốn vất vả, mồ côi mẹ từ bé, Phương Mai không hề hé răng than thở một điều gì. Thức dậy trước 4 giờ sáng là điều mà cô trưởng nữ ấy đã quen thuộc từ lâu nay. Có một ông khách quý, Mai dậy sớm hơn một tí. Vừa đánh thức cậu Tài xong, Mai mang đến cái thau nhôm nước mưa và cái khăn sạch để cậu rửa mặt. Cái bàn chải của Cậu Tài đã được Mai cẩn thận quẹt kem lên từ lúc nào. Trong khi cậu Tài còn đang dở dang chuyện vệ sinh buổi sáng, Mai cũng đang chuẩn bị pha cà phê và ấm trà ngon cho cậu. Cái mát lạnh tĩnh mịch của sáng sớm trong khu vực này và sự phục vụ chu đáo của cô cháu gái đã khiến cho ông bạn của tôi học rất “vô” trong 2 tuần đầu. 
   Phương Mai nhỏ hơn Tài Bột một tuổi. Thuở thơ ấu của nàng đã không đẹp đẻ lắm vì bố mẹ nghèo, họ là hai nhân công cho mẹ của Tài. Sau khi bố nghiện rượu nặng, mẹ nàng buồn lo đến nỗi mắc bệnh. Họ dời về Cần Thơ khi Mai vừa lên 5. Họ lập một lò rượu để có rượu ngon cho ông Tốn uống và để giử chân ông tại nhà. Lúc lên 7 Phương Mai đã biết cho lợn ăn, rắc men rượu lên sàn cơm vừa đủ ấm, đo độ cồn…
Thương mẹ vất vả, Mai nghỉ học năm học hết lớp đệ tứ. Sau khi mất mẹ, nàng gánh vác hết những việc trong nhà. Chăm sóc cha bệnh, lo cho em học, nuôi một đàn heo chuồng, trông coi một lò rượu nhỏ là việc của nàng. Không có chút vui thú gì của tuổi dậy thì, nàng lớn lên theo cách của một thanh niên mạnh mẽ, nhiều cá tánh, cương quyết. Trông bề ngoài, nàng rắn rỏi bao nhiêu, thì trong lòng, nàng mềm mại bấy nhiêu. Tài Bột là người thanh niên đầu tiên nàng để tâm đến. Những gì Mai thiếu thốn là những gì Tài Bột có thừa. Điều Phương Mai khâm phục Tài cũng là điều nhiều người thiếu nữ khác đồng tình, con nhà khá giả lên Bảo Lộc học 3 năm và về Cần Thơ 3 tháng để ôn thi vào đại học. 
     Tài Bột bổng nhận ra rằng Phương Mai không phải chăm sóc cậu theo cái cách một ân nhân của gia đình, một vị khách quý mà là một sĩ tử, một người thanh niên nàng đang âm thầm yêu thương. Sau cà phê, trà và món điểm tâm hàng sáng, buổi trưa nào Tài cũng được một mâm thức ăn ngon, rau tươi, và khăn lạnh. Buổi cơm chiều nào Tài cũng được thêm một món đặc sản của Cần Thơ cậu chưa hề biết qua. Chiều tối Tài Bột được trái cây, chè lạnh và thức ăn khuya.  Chưa bao giờ Tài Bột được chăm sóc như thế. Chưa bao giờ Tài Bột được quan tâm đến như thế.
    Cậu nhớ lại những tháng năm trên Bảo Lộc. Trước hết, cậu phải chịu đựng nhóm bạn cùng phòng ồn ào không bao giờ để tâm đến sách vỡ. Dọn đến ở chung với một anh chàng khác người hút thuốc lá liên tục, la cà suốt với chúng bạn sau giờ học. Ở chung phòng với tôi, hắn yên tâm hơn nhưng rất đổi cô đơn vì chúng tôi có một cách biệt lớn. Hắn chọn thi khối A còn tôi chọn khối B. Hắn rụt rè khi quyết định việc gì đó còn tôi thì cương quyết làm cho bằng được điều tôi muốn làm. Hắn học từ sau buổi cơm chiều đến 1 giờ sáng lúc mà tôi thức dậy để “mài”. Chủ nhật hắn đi lễ sáng rồi về phòng trong khi tôi rời phòng trọ vào trường để học suốt ngày. Hắn không có chi trong đầu để ray rức, lo toan trong khi tôi có đầy trong tim trong óc những chuyện không thể nói ra được.
     Nó đến nhà tôi để tâm sự với tôi sau một buổi lễ chiều ,
“Mai chăm sóc tao như một người yêu chứ không phải một người cậu.”
     Tôi tra gạn nó,
“Làm sao mi biết?”
“Cái ánh mắt, cử chỉ và gương mặt ửng hồng khi tao hỏi hoặc cảm ơn. Mai còn có vẻ chải chuốt hơn trước nữa cơ.”
 “Thế mi thấy thế nào.”
Hắn nhìn vào mắt tôi,
“Thành Xì ơi. Tao ngại quá! Bận lòng quá tao học “không vô.” Thật đấy! .”
Tôi chặt lưỡi,
“Bà bác có biết chuyện này không?”
“Làm sao mẹ tớ hay biết gì! Nhưng ông Tốn có vẻ đoán ra được chuyện này.”
“Thế thì gay đấy. Hay là cậu quay về đây với tớ nhé.”
Tuần sau cũng vào chiều Chủ nhật, Tài Bột quay lại nhà tôi bằng chiếc Honda Dam với hai bàn tay không.
“Ơ hay? Sao thế?”
Tài Bột gải tai bức tóc,
“Mai khóc quá chừng khi nghe tao muốn dọn đi. Cô ta… cô ta đã nói yêu tao.”
“Thế cơ à? Rồi cậu nói làm thế nào?”
Xoay xoay cái đôi dép sandal nó đang mang, hai bàn tay nó đan xen vào nhau, Tài Bột thật sự khó nói.
“Tớ nín thin.”
“Nhưng có ai nghe thấy gì không?”
“Hôm qua, lúc sáng sớm tinh mơ, ai đâu mà người ta biết chứ?”
Hai đứa tôi yên lặng một đỗi. Tôi chợt thở ra,
“Cậu cứ bảo với Mai là chờ cậu thi xong đi cậu sẽ trả lời, nhé.”   
   Được tôi cố vấn, Tài Bột, người cùng ở chung phòng với tôi một năm học, ra về với vẻ an tâm hơn lúc hắn đến.
                                                               (Còn tiếp)

THÔNG CHẢO

                                          

   Dù học khác lớp, A3, nhưng chơi bóng rổ với nhau hằng ngày, thỉnh thoảng đi học về cùng đường, ở cùng một khu vực, Bùi Chí Thông, Thông Chảo, có những điều trong thời “mài đủng quần” ở ghế nhà trường mà tôi mục kích, ghi nhớ và muốn viết ra đây để góp phần vào cái đẹp cái đặc biệt của những chàng nam sinh, những người có những cái đầu chải brillantine láng bóng, quần áo lượt là, mặt mày trắng trẻo, nhưng lại có kẻ trông như lao công, phu mỏ.
   Cao to hơn hẳn trong nhóm, lưng căng phồng phẳng rộng, ở trần, dang nắng nhiều buổi trưa trước giờ học, nó đen như cái chảo. Có khiếu tếu lâm, thích cười đùa nghịch, Thông Chảo là một thằng bạn đáng mến và có sức lôi cuốn nhất đến cái tuổi ấy trong bao nhiêu “cầu thủ bóng rổ nhí” chúng tôi. Trong lúc giải lao, chúng tôi cuối người thấp xuống để uống nước máy từ cái robinet thấp ngang tầm đầu gối. Nó làm nhiều đứa tôi ôm bụng cười ho sặc sụa, chảy nước mắt sống. Mỗi khi có “độ” ăn nước đá đậu ở xe đẩy của chú Xồi, nó chọc phá chú như thể một thằng cháu vui tính lâu ngày về thăm ông chú ruột. Nó xin thêm tí nước đường, nó múc thêm vài hột đậu hoặc chan thêm một chút nước cốt dừa. Nó dành bào nước đá vào ly của thằng này, thêm nước xi rô màu vào ly của thằng khác. Khi uống nước giải khát, nó dùng hai ngón tay kẹp cái vòi của ấm trà giống y như cái cách tụi con trai đi “tháo nước ra ngoài.” Sau khi đi xem đội bóng Thọ Nhơn tập luyện vài lần, nó bắt chước cách lên rỗ của “A Chảy” nó cũng nháy được đánh mông nhẹ nhàng của “A Húi”. Nó làm cho chúng tôi vừa buồn cười vừa khâm phục. Nó là người không thể thay thế được.
   Rỏ ràng Thông Chảo có tài, có năng khiếu tếu lâm bẩm sinh. Chàng ta biết làm mắt lé, lận cặp môi dầy ra ngoài, rung lắc hai vú, mông và cái bụng mở đủ kiểu. Nó có khi nghĩ ra, kể cho chúng tôi nghe các món ăn lạ lẫm,
“Tao hiện khoái món:“Môi Mỹ đen xào hẹ.”
“Hôm qua tao vừa ăn món:“Móng tay chiên giòn.”
Hoặc có khi nó mô tả cách xút bóng,
“Một tay kéo áo xuống, tay kia xoáy bóng.”
“Móc bóng từ sau lưng rồi lăn tròn tới một vòng.”
Có lần nó lén đưa đôi giày đang bốc mùi nồng nặc vào mũi thằng Tòng đang nằm lim dim ngũ trưa.
   Nó tập được cách nói của thầy này, nó nhớ thuộc lòng cách nói của một cô khác. Nó chỉ cho chúng tôi xem cái tính cách độc đáo của thầy Phi, cái điều lạ lùng của thầy Lực, của cô Hồng... Nó đã khiến Mẫn Lùn đã phải nhảy vào cuộc. Hai anh chàng đã khiến những buổi tập chơi bóng rỗ của chúng tôi thật đáng nhớ. Mỗi khi ngồi lại bên nhau để nghỉ ngơi sau một ván đấu 20 điểm, hắn nghĩ ra đủ cách, đủ câu chuyện để chọc cho chúng tôi cười. Chưa bao giờ nó bị ai đó cự cải hay hờn mát gì nó sau khi bị nó chọc ghẹo. Chưa bao giờ nó giận hờn ai hay có vẻ buồn bả ưu sầu như thể nó chẳng có gì để buồn.
   Có lần nó chọc tôi, người vừa từ bỏ theo nhóm “chạy xe Honda”, còm cỏi nhất, chơi dở nhất trong nhóm,
“Mầy sau này có lấy vợ, chọn cô nào mập cở như tao để tối ngũ không phải đắp mền, để khi đi đau bệnh có người ẳm bồng .”
Nó chọc thằng Mẫn Lùn,
“Sau này nếu mày có bồ cao ráo. Muốn hôn nó, mày cứ nhảy lên ôm cổ nó.”
   Mỗi khi có lớp học buổi chiều tối, khi có những chiếc dài trắng thướt tha vào sân trường, nó càng chơi hay càng tếu phá như nó vừa có thêm một phép thuật gì vậy.
Không ai trong chúng tôi có bạn gái. Không ai trong chúng tôi để ý đến nàng nào. Không có ai thích kể về một nữ sinh nào như thể mọi đứa tôi chỉ yêu “quả bóng rổ.” Giống như đa số chúng tôi, Thông Chảo không chừa hai môn bóng đá và bóng chuyền. Nó sút mạnh phạt khá mạnh và “phá banh” cũng khá hay. Nó đở quả phát bóng rất cao của thằng Phúc Lùn mà không cần phải chuẩn bị gì.
   Mỗi khi có bóng ở đường biên cuối sân bóng, dùng thân mập, nặng ký nhất trong nhóm, nó hít văng chúng tôi ra ngoài sân. Có khi chúng tôi phải tự nhảy ra khỏi sân bóng để không phải dính vào cái lưng đang nhầy nhụa mồ hôi dầu của nó. Ai cũng ngại hoặc lười ôm quả bóng về nhà, hắn thì không. Thông Chảo đã không những vui vẻ vân vê quả bóng mà khoát cái áo sơ mi trắng trên một vai, để lộ gần hết cái thân trần trụi từ trường về. Môi dầy, cười híp mắt, tiếng cười dòn tan, Thông Chảo thật đáng nhớ, thật xứng với cái nick name đó.
    Nhóm muốn đi lên Bảo Lộc của chúng tôi phải vào NLS Cần Thơ đầu niên học 1968- 69. Về sân trường cũ, chúng tôi đánh với nhóm P.T G. đang tập trong sân hằng chiều. Đội Bụi Gia Trang tụi tôi như có thêm một nguồn lực mới, một kỹ thuật mới, một tốc độ mới nhất là sau khi chúng tôi đã tập chung với nhóm lính Mỹ ở sân trước nhà thờ Tin Lành, lộ 20. Có một cái gì khác hơn trước đây, một phe áo trắng, một phe áo nâu. Chúng tôi mặc đồng phục có số áo. Bên phe kia cũng có bộ áo mới. Thằng Định Vịt Xiêm hay Liêm Hút được cử làm trọng tài cho thêm phần nghiêm túc.
   Thông Chảo vẫn còn là một sứ giả hòa bình giửa hai nhóm. Lý Thái Lâm thật ít nói nhưng chơi hay hơn nhiều. Những thằng khác trong Bụi Gia Trang cũng theo bước của “Anh hai Lâm” chuyền nhanh, di chuyển liên tục, sút xa chuẩn xác. Đội “Bụi Gia Trang” của chúng tôi chơi hay hơn. Chúng tôi đã nhích lên một nấc. Nhóm đi Bảo Lộc như thể đang chuẩn bị lên đường.
    Hay tin tôi sắp đi học, Thông Chảo đã đến nhà tôi vài buổi chiều để tâm tình, tra gạn, tranh luận, phân tích một cách nghiêm túc như một nhà giáo dục học, một kẻ trưởng thành rất có trách nhiệm về việc đi học xa nhà, không giúp được gia đình, một mái nhà có cơ nguy bị hư hỏng. Nhà đông anh chị em có công việc làm ổn định, và là em út, Thông Chảo khó lòng nghĩ đến chuyện như tôi sắp làm dù nó cũng rất thích được học hỏi nhiều hơn, khám phá nhiều điều mới mẻ hơn và được thay đổi nhiều hơn như chúng tôi.
    Mỗi dịp hè về, tết đến, hắn đều đến nhà thăm tôi. Đường Lê Lai khi đó được tráng nhựa, chỉ mất 5 phút để gặp tôi, Thông Chảo thường ghé đến chơi với tôi hơn trước đây. Và những anh chàng khác, Thiên Tài, Bảo Toàn, Đức Ngân, Hét Quắn, Khuê Bầu, cũng theo chân hắn. Thông Chảo phỏng vấn tôi,
“Mầy thấy việc đi học xa nhà có lợi nhiều hay ít?”
“Mầy đã học được gì từ trường NLS Bảo Lộc?”
“Tụi mày có chơi bóng rổ trên đó không? Trời lạnh chơi đả hơn phải không?
Giờ đã mặc áo nâu của NLS Cần Thơ rồi, giờ không còn rất tinh nghịch như hồi còn bé, hắn tò mò hỏi tôi,
“Mầy có yêu ai trên đó chưa?”
“Có nàng nào để mắt đến mầy chưa?
“Con gái trên Bảo Lộc dễ thương không?”
“Mầy có làm cho gia đình buồn lòng về điều gì không?”
   Thông Chảo làm tôi thấy ý nghĩa của việc đi học xa nhà hơn ai hết. Chính nó làm tôi thấy hảnh diện vì tôi đã đem về Cần Thơ, về mái nhà xưa, về trường cũ, khá nhiều điều mới mẻ tốt đẹp.
                                                    (Còn tiếp)