Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

BÀ MẸ NUÔI- 3

Ngày càng hiểu thấu tình thương của bà, tôi đã gọi bà bằng má và bà đã làm nhiều điều để minh chứng rằng tôi đúng là một người con trong gia đình.
    Ngày qua ngày tôi càng hiểu được cô em ít nói, hơi cộc cằn, rất hiếu học và dỉ nhiên là rất bất đắc chí. Ngày qua ngày chúng tôi thân mật nhiều hơn nhất là sau khi mẹ nuôi của tôi mua một chiếc xe buýt. Đèo cô ta ra bến xe sáng sớm, đưa cô ấy về đến nhà rất trể, giúp cô em chuyện này, kể cho nàng nghe điều nọ, tôi có nhiều cảm xúc nhiều hơn một người anh nuôi. Như Ngọc đôi lần làm tôi xao xuyến khi nàng cho tôi biết nàng cần tôi đến như thế nào, nàng quý mến tôi ra sao. Tôi hoặc phải nói ra lòng mình hoặc phải ém nhẹm tình cảm của tôi với nàng và có lẽ tôi sẽ phải làm một kịch sĩ rất giỏi trong một sân khấu rất thực.
   Hè sau đó, bà mẹ nuôi đưa hai đứa tôi đi Vũng Tàu. Bà có thể vừa vô tình vừa cố ý cho tôi một cơ hội để tôi thật gần với Như Ngọc. Ngoài biển, cạnh bên nhau, tôi bất ngờ đặt tay lên tay của cô em và tỏ tình. Nàng nhìn tôi tha thiết và ánh mắt nàng đã trả lời tôi. Chúng tôi thay phiên hôn nhau suốt trên đường từ Vũng Tàu về. Ngay hôm sau đó tôi thú thật với bà Không ngạc nhiên như tôi đã nghĩ, mẹ nuôi tôi vui vẻ đón nhận cái tin này và bà hoạch định một buổi lễ đính hôn. Bà ôn tồn giải thích,
“Má thương con như con ruột. Đây là lúc má vừa gả chồng cho con gái vừa cưới vợ cho con trai.”
Vì sợ cả nhà ganh tị, chống đối, bà mời ông đi Taxi với hai đứa tôi ra nhà hàng Continental để ăn một tiệc nhỏ- tiệc đính hôn. Ngay sau đó bà trao tôi một sợi dây chuyền to do chính bà tự chọn. Bà bảo tôi đeo vào cho Như Ngọc như là quà đính hôn của tôi.
    Mọi người trong nhà có thái độ nghi ngờ, chống đối bằng nhiều cách khác nhau. Chúng tôi phải đương đầu với nhiều lời đàm tiếu, thành kiến, bài kích. Họ rỉ tai với mẹ nuôi tôi điều này, họ nhỏ to với bà điều khác. Bà, nửa là mẹ nuôi nửa là mẹ vợ, luôn yêu thương, tin tưởng và bảo vệ tôi cho đến một hôm tôi bị người chị thứ Bảy chạm tự ái của tôi, một gả đào mỏ dưới con mắt của y thị.
Tôi đã chào bà và xin bà cho tôi không về nhà một thời gian. Không bao lâu sau đó họ âm thầm nhưng khá quy mô làm một chuyến đi lớn cho cả 200 người tính luôn cả nhà. Trong lúc đang đi thực tập tại Ô Môn Cần Thơ, chờ gần đến ngày họ khởi hành, tôi đánh điện tín cho nàng,
“Chúc mọi chuyện tốt lành.”
Mẹ nuôi tôi viết thư thăm tôi và bà luôn mong tôi được bình an, đỗ đạt. Có lần bà nghẹn lời khi hỏi tôi,
“Nếu tụi nó đi hết thì con làm sao hả Thành?”
Tôi trả lời ngay không suy nghĩ,
“Thì con ở lại đây với ba má.”
Chuyến đi của họ đã không thành nhưng việc học của tôi thì tốt đẹp xuông sẻ. Tôi được giữ lại trường như là một cán bộ thể thao. Ông già vài lần giới thiệu với khách rằng tôi là rễ. Bà vui mừng vì tôi bình tâm trở về với gia đình bà mặc dù Như Ngọc bị shock thêm một lần nữa. Sau khi tôi về Rạch Giá thăm mẹ ruột và được Công ty Vật Tư Tổng Hợp mời về làm và chơi bóng đá cho họ. Bà đã quyết định rất nhanh, quên đi cái ích kỷ của bà mẹ vợ. Bà nghiêm túc khuyên tôi.
“Con nên về RG. Thứ nhất là vì con gần mẹ ruột để báo hiếu. Thứ hai là con gần biển và gần cơ hội thăng tiến. Nếu vì sợ xa Như Ngọc, má bắt nó xuống thăm con.”
   Tôi vâng lời dạy của bà đi về đây tháng 4 năm 1979. Bà luôn giữ lời hứa. Cách 3 tuần bà bảo Như Ngọc xuống RG thăm tôi. Sau khi cô ta quyết định tá túc với tôi một thời gian, tôi bán sữa đậu nành để tạm mưu sinh. Bà viết thư thăm hỏi,
“Cả nhà mình hiện giờ chỉ có hai đứa con là đang tự lo thân được thôi. Má rất mừng vì hai con đang chung sống với nhau hạnh phúc.”
  Bất ngờ nghe tin một chuyến đi, Như Ngọc quyết định chia tay tôi. Một lần nữa cô ta không toại nguyện. Ngán ngẫm cô gái út cứ luôn đòi đi, luôn thay đổi, bà đã xúi tôi,
“Con cứ có con với nó đi. Mọi chuyện để má lo hết cho.”
Tôi nghe theo lời bà nhiều chuyện nhưng tôi đã không làm chuyện đó. Bà không thể tin vào tai khi tôi cho biết tôi còn giữ gìn cô ấy trinh trắng. Trong một chuyến xuống đây thăm tôi, cô ta thản nhiên xúc phạm tôi, vị hôn phu của nàng. Tôi đã viết thư cho cả hai để từ hôn vào tháng 3 năm 1973. Hơn một năm sau tôi lập gia đình.
  Câu chuyện tưởng như tạm dừng ở đấy. Đến tháng 9 năm 1984, hai ông bà được chị Bảy lảnh qua New Zealand để đòan tụ và Như Ngọc đứa con duy nhất còn lại được theo cha mẹ. Mẹ nuôi của tôi sau đó theo các con khác qua Mỹ. Như Ngọc có việc làm và kết hôn với một người rất hiền lành do chính bà lựa chọn.
  Mẹ con tôi từ đó cách xa nhau nửa vòng trái đất nhưng chúng tôi rất đều đặn thư từ qua lại. Bà đã viết trong thư như thể bà là người mẹ ruột,
“Hai con yêu thương của Má. Hôn hai con và hai cháu nội của má.”
“Má luôn cầu Chúa ban phước lành cho hai con và hai cháu của má.”   
Hoặc những dòng sau đây đã khiến tôi nghẹn ngào,
“Má luôn nhớ nhiều điều về con…Biết con đang dạy ở nhà thờ RG, má rất hảnh diện…”
“Được thư con má mừng quá. Má chờ tụi nói về đông đủ rồi đọc thư của con cho tụi nó nghe.”
“Làm sao má hôn con được đây hả Thành…”
    Ông bà không hạnh phúc lắm khi ở chung với thằng con thứ chín độc thân. Ông bị stroke và ra đi vào năm 1995. Bà viết thư báo tin và gửi hình của ông cho tôi. Như Ngọc rước bà về Cali để sống chung với gia đình cô ấy. Bà nhớ ông, nhớ các con khác đang ở xa và nhớ Việt Nam. Như Ngọc đi vắng nhà thường xuyên nên không thể trực tiếp chăm sóc bà.  So với mẹ ruột của tôi bà không hạnh phúc, sung sướng bằng. Trong nỗi buồn, tuổi già bà bị stroke và âm thầm ra đi vào ngày 28 tháng 12 năm 1999.
   Sau khi mẹ ruột tôi được an táng, người ta thấy tôi đặt trên bàn thờ 2 di ảnh song song nhau. Dưới di ảnh của bà mẹ nuôi của là một cái hộp bằng nhôm. Bên trong đó tôi đã xếp cẩn thận tất cả những bức thư đầy lời lẻ yêu thương bà đã viết cho tôi từ bên New Zealand và từ Mỹ.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét