Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

MÃNH BẰNG

                            

    “Mãnh bằng” ở đây không có nghiã là “a certificate” của tiếng Anh nó là một trong những bài hát nổi tiếng của nhóm AVT của cố nhạc sĩ Lữ Liên, và đó đã là bài hát mà chúng tôi đã biểu diển hai lần tại “Đại Thính Đường.”

     Trong năm học lớp mười, 1971, chúng tôi chưa đóng góp gì nhiều cho trường ngoại trừ việc ba đứa tôi tham gia vào chương trình văn nghệ cuối năm với bài hát “Mãnh bằng.” Trọng Thỏ là thằng nhát như thỏ nhưng nó đàn hay như một nghệ sĩ. Cậu Doãn có giọng hát bè rất độc đáo và nó vốn là người Bắc. Biết loại nhạc của AVT này từ hồi còn bé, thường ngân nga hát một mình suốt bài “Mãnh bằng” thành thục, tôi nghiễm nhiên trở thành người tập hát cho nhóm chúng tôi dẩu rằng tôi không phải là người hát hay nhất. Tôi cũng là người quyết định trang phục cho nhóm. Tôi nhớ rất rỏ trang phục của ban AVT, áo gấm thụng 3 màu, khăn đống, và các cây đàn đúng truyền thống Việt Nam.

    Nhưng với truyền thống của nhóm Bụi Gia Trang từ hồi ở NLS Cần Thơ, tôi chọn ngay áo kaki vàng. Câu hỏi còn lại là:mặc quần gì?”. Tôi cũng phải quyết định luôn, quần Jeans xanh bạc màu. Tôi phải tra hỏi từng thằng trong lớp, đi mượn quần về cho hai chàng kia mặc thử rồi phải sửa lại cho vừa và tôi tìm cho ra ba sợi dây nịch cùng màu, cùng kiểu.             Đêm đầu tiên, khi đi xem chương trình một biểu diển, ba đứa tôi quá choáng ngợp vì cái phong cách chuyên nghiệp của lớp đàn anh- 11 Thủy Lâm. Họ không có một nét gì của một ban nhạc học trò. Họ chơi nhạc Rock và hát tiếng Anh như một ban nhạc trẻ của Sài Gòn, thậm chí tôi cho rằng còn hay hơn. Đại Thính Đường là nơi chúng tôi lần đầu tiên bước vào. Nhạc rock là thứ lần đầu tiên tôi nghe thấy. Tôi không có cái ấn tượng xấu về nó như thằng Trọng Thỏ- cổ hủ, nhưng tôi trân trọng mọi điều tôi được tận mắt tận tai nghe thấy. Các ban, các lớp khác cũng diển khá hay với dàn nhạc, trang phục, trang điểm và có khi còn múa phụ họa nữa chứ. Họ đã khiến hai anh chàng cùng ban nhạc của tôi chùng bước.  Tôi kích động họ bằng một câu đơn giản,
    “Mỗi người có một cách riêng để khẳng định mình. Bài mình hát là vô địch.”

   Không có ông bầu cũng không có lấy một cổ động viên, tự ba đứa tôi tập và mỗi đứa tự chia đoạn, đọc lời thoại và nhắc nhau tập luyện. Trọng Thỏ nói thoại với giọng nam bộ, Cậu Doản dĩ nhiên là nói giọng bắc rồi và tôi phải “chơi” giọng Huế- khó nhất. Tôi cũng phải đứng ra trách nhiệm về ca từ, cách biểu diển, thậm chí phải ngâm câu hát câu đầu tiên. Ban nhạc AVT xử dụng đàn sến, đàn cò và đàn tỳ bà. Chúng tôi chỉ có mỗi một cây đàn Ghi ta. Cây đàn của tôi được Trọng Thỏ chọn vì nó có tiếng vang và nhìn gọn đẹp . Đêm sau, bài chúng tôi diển được xếp áp chót khi mà không khí trong Đại Thính Đường đã thật sự thấm trộn vào cái chất học trò của ngôi trường này, hồn nhiên, trân trọng, hết mình, trào phúng và độc đáo. Chúng tôi ra sân khấu lần đầu tiên trong đời và đã hát bài này hay nhất trong đời học trò từ trước cho đến lúc đó,
   “Cái bằng đâu lạ gì ai ơi. Cái bằng đo chỉ một gang thôi mà sao con gái mà sao con gái họ ham quá trời.”

      Câu hát này được tán thưởng nhiều hơn chúng tôi có thể nghĩ ra nỗi. Tràng vỗ tay và tiếng cười từ khán giả làm nức lòng ba đứa tôi. Tôi nói lời thoại,
   “Nhưng mà em bé nói với anh ra làm” răng”?”  rất ư là Huế đến mức sau này có lời đồn đại là tôi người gốc Huế. Buổi diển là một khởi đầu rất đẹp trong sự nghiệp văn nghệ của ba đứa tôi nói riêng, của lớp chúng tôi nói chung và của trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc nữa chứ- nếu đem so với trường T.H Lê Lợi?

      Năm lớp 12, năm chúng tôi thi ra trường- đậu hoặc rớt- đi lính, Thầy Hùng Đô La được nhà trường giao làm trưởng ban tổ chức văn nghệ. Thầy rất đồng tình với bài Mãng Bằng mà tôi đề nghị và vì rất hiểu nổi khó khăn của việc học thi nên đã tuyên bố trước lớp,
“Tụi em cứ tự sắp xếp tập tành cho thuần thục. Tụi em lên sân khấu và hát được là hay rồi. Không cần lên Đại Thính Đường để dợt trước gì cả.”

     Lần này- lần diển cuối cùng của chúng tôi ở trường này, tôi chọn mặt áo nâu, 3 cái áo cùng màu nâu cùng kiểu. Lần này chúng tôi đã thật sự hiểu ý nghĩa của bài hát, cái thâm thúy của ca từ mà nhạc sĩ Lữ Liên chắc phải cực công lắm để viết ra. Tôi nhận ra bao nỗi cay đắng của việc có hay không có một mãnh bằng. Lần này tôi thấu rỏ cái ý nghĩa của bao đêm tôi học khuya, bao khó khăn của những bài toán tôi giải được, bao niềm vui nổi buồn tôi sắp phải mang theo đến hết cuộc đời và  bao nhiêu điều tôi không thể thố lộ được hoặc vì ngôn từ Việt Nam không có đủ để tôi diển tả. Tôi thật thấm thía cái mất mát, xa cách ngôi trường, cái khoản thời gian tuyệt vời mà tôi đã cảm nhận được. Lần này tôi đã nói giọng Huế giống hơn lần trước và lần này tôi có hai khán giả rất đặc biệt: Bác Thiện- người sẽ đải chúng tôi nồi chè đậu và Bích Vân- người tôi tình cờ gặp bên của hông Đại Thính Đường trước khi vào diển. Chúng tôi hát hay hơn lần trước nhiều và tôi có đủ tự tin để nhìn xuống khán giả- chật ních rạp đêm ấy. Tôi vào câu đầu tiên rất ngọt,
À này anh... sách vẫn có câu...cho rằng xưa nay... nghịch nhất là ma, thứ nhì là quỷ... ấy đến thứ ba là học trò. Nhưng mà có học mới biết rằng lo. Có thi mới biết… cam go…đoạn trường.”
Trọng Thỏ- bận tay chơi đàn- nên hát không khác lần trước bao nhiêu. Nhưng Cậu Doản, với giọng đặc chất Bắc, hát hay hơn lần trước nhiều và hay nhìn tôi mỉm cười hơn.
     “ Có người thi để làm quan sang. Có người thi cử mà vinh quang. Còn tôi mong kiếm... còn tôi mong kiếm cơm ăn nhờ bằng.”

    Ba giọng của chúng tôi trộn vào nhau. Ý nghĩa của câu hát trộn vào cuộc đời của học trò của mọi người từng cắp sách đế trường. Chắc chắn ban nhạc AVT, Lữ Liên, Vân Sơn và Tuấn Đăng- khi ấy còn sống- cũng vỗ tay tán thưởng và mỉm cười với tụi tôi thôi,
   “Thật đúng người, đúng bài và đúng lúc!”,
   “Mấy tay này hát nghe cũng được chứ nhỉ!”.
Mấy anh chàng chuẩn bị lều chỏng lên kinh ứng thí” chắc phải rúng động. Các chàng nào lâu nay bỏ bê việc học vì nhiều lý lẻ khác nhau rồi sẽ thắm cái đoạn này đến hết cuộc đời,
“Ngày xưa lúc tuổi còn ấu thơ tình tang, bố tôi mà thường nói con ráng học cho mà chuyên cần. Học nhiều thì ấm vào thân...ối a… biếng lười sau chỉ...tình tang... bám chân...đàn bà! Vợ con nó bắt coi nhà... đuổi gà... Biết nhục thì ráng... ối a ... học mà làm to. Tú tài nên ký.. nên cò...tình tang. Bác sĩ mà dân kiết, dân cúm, dân ho là giàu. K sư tay trắng xây lầu.. tang tình. Luật sư dắt vợ... ối a lại giàu hồi môn. Ráng mà học lớp sĩ quan. Vợ sinh năm một, nhiều lon… đếm con mà lượm tiền.”

       Tiếng reo hò, vổ tay huýt sáo nghe dài hơn các bài khác trong đêm đó. Với chúng tôi nó không quan trọng bằng cái điều mà chúng tôi vừa rót vào lòng các học sinh và thầy cô giáo cái ý nghĩa của học hành, thi cử, may rủi, thành bại trong đời và cái thâm thúy của tiếng Việt trong ca từ của bài độc nhất vô nhị này từ thập niên 60 cho đến tận ngày nay.
  Riêng với tôi, thế nào tôi cũng dâng cho mẹ tôi xem một mãnh bằng, “Tú Tài Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc- ngành ThủyLâm.

                                                                             Rạch Giá , Nov 22, 09
                                                                              Lương Ngọc Thành

                                                                              Thành Xì TL71-74