Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

CHA NUÔI- 15


    Tôi nhận được quyết định làm việc như là một cán bộ thể thao của trường. Nhiều người mừng vui cho tôi trong khi tôi không có cảm nhận gì đặc biệt. Điều đặc biệt nếu có là việc tôi dắt Long Vân về Rạch Giá thăm mẹ tôi.
     Ba tôi có vẻ hơi tươi tỉnh hơn chút ít. Ông sửa soạn ít quà cho tôi đi Rạch Giá. Ông dặn dò Vân gì gì đó tôi không nghe rỏ. Ông giờ đây có bạn, có người ông nhờ cậy. Bà Liễu rất thường đến thăm gia đình tôi. Bà Liễu lo lắng cho Vân như con cháu. Tôi nhắc lại với ba Năm là tôi sẽ về đúng hẹn và tôi sẽ làm điều tôi đã hứa với ba tôi- làm cho Long Vân vui. Tôi bồn chồn lo lắng như một đứa con trai lưu lạc từ phương xa về thăm mẹ. Ba Năm đưa cho tôi một số tiền làm lộ phí và một gói quà cho mẹ tôi. Tôi nghẹn ngào,
“Con về thăm má con xem sao rồi con sẽ liệu cách nào đó để lo cho cả nhà.”
“Con đưa em đi cho nó khuây khoả vài ngày rồi về hai cha con mình tính.”
Ba Năm tiển chúng tôi ở bến xe. Long Vân bịn rịn vì đây là lần đầu tiên em xa nhà. Sau khi bị nạn, Vân đã nghỉ học. Em ở trong nhà suốt ngày. Em có khi khóc suốt đêm. Trông thấy em xanh xao, phờ phạt, ba tôi và tôi đều lo sợ. Ba vuốt tóc em, dặn dò đủ điều như một bà mẹ tiển con về bên nhà chồng,
“Con về dưới quê phải cố giỏi giang, phụ công chuyện nhà. Má của anh Thành ở dưới đó có một mình. Con cố làm sao cho bà thật vui. Cái gì không biết phải hỏi bà nghe con. Con cần gì phải hỏi ý kiến anh con nghe hông? Đi tàu ghe có bị gì, có anh con kế bên. Đi chợ búa phải cẩn thận, xuồng ghe lắc lư dễ té dễ  ngã lắm nghe con. Chỉ ăn uống đồ đun sôi, nấu chín thôi nghe con. Không ghé lại quán tiệm nào hết. Muốn làm việc gì cũng phải xin phép bác gái hoặc anh con trước nghe con.”
Tôi nắm chặt tay ba tôi:
“Có con bên cạnh em suốt ngày mà. Ba đừng lo.”
Để Vân có thể nghỉ ngơi, tôi quyết định ghé lại Cần Thơ. Tôi giới thiệu với gia đình người hàng xóm Vân là người em họ tôi dắt xuống Rạch Giá đi vượt biên. Họ tin lời tôi ngay và tôi và nhờ tôi tìm cho họ vài chổ đi bảo đảm. Tôi mượn chiếc Yamaha của người chủ nhà để đưa Vân đi chơi. Tôi chỉ cho Vân trường tôi học, chợ búa, bến Ninh Kiều. Tôi muốn làm em quên đi cái ồn ào náo nhiệt của Sài Gòn nên tôi ghé lại vườn ổi bải cát, một khu vực vắng vẻ. Hai đứa tôi ngồi yên đón gió mát thổi từ giòng sông Hậu. Em tựa nhẹ vào vai tôi và tôi để yên như vậy khá lâu. Nắm nhẹ bàn tay nhỏ nhắn của Vân, tôi liếc nhìn vào gương mặt hơi gầy guộc của em. Em nhìn xa xăm, lặng thinh. Chúng tôi đang có quá nhiều thứ để lo toan và nhiều điều để nói ra đến nỗi cả hai không nói được gì. Tôi không hề nhắc đến chuyện gì có thể khiến nàng chạnh lòng. Bất ngờ, em ôm eo tôi chặt như sợ có ai vồ lấy tôi. Em áp má vào lưng tôi. Em làm cho ai nấy đều lầm tưởng rằng em là nhân tình nhỏ tuổi của tôi. Chúng tôi đã hưởng được một khoản thời gian bình yên, thanh tịnh nhất từ bé cho đến lúc ấy.
     Sáng hôm sau chúng tôi đi chuyến xe đò sớm nhất. Tôi mừng vì Vân không bị say xe, không khó chịu vì mùi xăng dầu. Em chăm chú nhìn cảnh vật bên đường rồi nhìn tôi. Em làm tôi cảm thấy con đường đi Rạch Giá ngắn lại nhưng con đường đời của chúng tôi thì dài thêm ra gấp đôi.
“Anh à! Anh sẽ nói với má làm sao?”
“Có làm sao đâu?”
“Ý em hỏi là anh giới thiệu với má em là ai.”
“Thì là em của anh chứ còn là ai nữa.”
“Rồi tối em ngủ ở đâu?”
“Em ngủ chung với má nghe?”
“Em phải làm sao?”
“Thì em làm như ở nhà mình vậy đó.”
Tôi ước phải chi Vân là em ruột để em có thể ở lại đó với mẹ tôi phụ giúp bà một thời gian. Tôi ước chi em giỏi nấu nướng, nội trợ. Tôi ước chi tôi đã có đủ thì giờ bên em để tôi dạy em những điều mà ba chúng tôi cần. Tôi tiếc không đưa em đi học may. Tôi trách mình không mua được cho em một máy may. Tôi tội nghiệp cho em không có mẹ dạy dỗ mà những điều các cô gái khác thừa mứa. Tôi thương em như một cô em cùng cha khác mẹ- mồ côi sớm. Mẹ tôi thích mọi việc nhà phải được làm nhanh chóng. Mẹ tôi thích có người kề cận, lắng nghe và người đó phải chìu ý của bà. Tôi biết thật khó tìm một người phụ nữ như vậy để làm vui lòng mẹ tôi. Những người bạn gái của tôi chắc phải tự rút lui khi nghe tôi nói về các tiêu chuẩn đó. Cô Hằng có thể làm được nhiều điều cho tôi nhưng thật khó có điều gì cô ấy có thể làm mẹ tôi hài lòng. Còn Long Vân, cô gái nhỏ tuổi nhưng lớn gan này có thể làm phật lòng mẹ tôi bất cứ lúc nào. Em với vết thương lớn này có thể trở nên ngông cuồng hoặc ngu ngơ bất cứ lúc nào.
Mẹ tôi người đàn bà đến nay chịu quá nhiều bất hạnh, bất công đến nỗi mỗi việc nhỏ nào tôi làm cũng chỉ nhằm khiến cho bà vui mà thôi. Sự hiếu thảo với mẹ- nhất là đối với mẹ tôi- không thể được đo lường bằng bao nhiêu vàng, tiền hay vật chất mà là những điều nhỏ nhặt đơn giản có thể làm cho bà mỉm cười, vui lòng. Tôi sẳn lòng lấy một người phụ nữ tôi không thương yêu nhưng miển sao người đó làm mẹ tôi hài lòng. Tôi sẳn lòng đánh đổi tất cả để đổi lấy sự hài lòng của mẹ tôi. Ai mà hiểu được điều này cũng sẻ dể dàng hiểu ra tại sao tôi có thể làm được những điều tôi đã làm được trên Bảo Lộc. Ai mà hiểu được những nỗi đau đớn của mẹ tôi cũng sẻ dể dàng hiểu được tại sao đến giờ này tôi mới về thăm mẹ. Hôm nay tôi mang về cho bà hai thứ lớn: việc tôi tốt nghiệp đại học và một cô em gái- con của người cha nuôi.
“Má khó không anh? Em không biết phải làm sao cho má vui nữa.”
Câu hỏi của Vân khiến tôi giật mình. Tôi nói nhanh để trấn an  cô em,
“Anh thấy má dể lắm. Nhưng cũng dể giận hờn như những người khác.”
“Em thấy lo quá. Hay là anh kiếm chổ nào cho em ở lại đi. Anh đi thăm má một mình nhe.”
Ba Năm sẽ rất buồn khi tôi phải để em tôi phải làm như vậy. Má tôi sẽ rất tò mò muốn biết cô gái bé nhỏ này là ai. Và hơn thế nữa, em sẽ rất tủi thân khi tôi một mình về thăm mẹ.
“Anh biết là má anh yêu thích có con gái lắm. Anh đoán thế nào má cũng thương em như ba thương anh vậy.”
Nàng đưa mấy ngón tay lên như muốn nhéo tôi,
“Sao anh biết?”
Tôi vội kêu lên ui da, ui da như để phụ diển với cô em gái,
“Thì má cứ hay nói như vậy, cứ ước ao có con gái hoài mà.”
“Em cũng không biết sao nữa.”
“Có gì anh đở cho em hết. Đừng lo lắng gì hết nghen!”
                                                                       (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét