Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

BÀ MẸ NUÔI- 2

Buổi sáng chủ nhật kế đó dường như trôi qua rất chậm chạp và tôi không biết phải làm gì.
  Không phải việc tôi đã gặp bà ấy mới khiến cho tôi tin rằng có nhiều nhân đạo trên đời này. Bà là người đầu tiên làm cho tôi ngạc nhiên hạnh phúc rằng tôi được yêu thương được mong đợi. Tôi đón xe buýt lúc khoảng 2:00 để tôi có thể đến nhà bà lúc khoảng 3 khi bà và những người trong nhà đã có  một giấc ngủ trưa và nhờ vậy tôi sẽ được tiếp đón tử tế hơn.
   Tôi đã bị sốc ngay khi nhìn thấy căn nhà ở 20A Hiền Vương (Võ Thị Sáu bây giờ). Tôi thấy tự thương hại tội nghiệp cho bản thân mình và tự hỏi nhiều điều. Nhìn quanh để tìm kiếm điều gì, bất kỳ ai để hỏi về bà để tôi tự tin gỏ cửa hay tôi phải quay về, tôi rất mừng khi có một phụ nữ trẻ đang bước đến nhấn chuông gọi cửa.
Hơi lúng túng, tôi hỏi trổng lốc,
"Dạ có phải đây là nhà của Dì Ba, người thấp lùn không vậy?"
"Ah, đúng rồi. Anh là.."
Câu trả lời bị gián đoạn bởi một giọng nói từ trên một cửa sổ tầng một.
"Thành hả? Cả nhà đang đợi cháu nè, Dì Ba xuống ngay đây."

Tôi nghe tiếng chân vội vả xuống lầu. Vài giây trôi qua và bà tự tay mở cửa. Vui mừng nắm tay tôi, bỏ mặt người khách vừa nhấn chuống, bà nói nhanh,
"Lên đây! lên lầu theo Dì Ba nè".
Đưa tôi vào phòng và bảo tôi ngồi chờ xong bà vội vả trở xuống lầu. Tôi ngồi yên hồi hộp điều gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên, tôi đã nghĩ rằng tôi có thể đến, tôi cũng có thể ra đi.
Như Ngọc, con gái út, bước vào với một ly nước chanh. Cố tươi cười tự nhiên, cô ta nói ngay,
“Anh Thành phải không? Má nhắc anh hoài đó.”
Tôi gật đầu nói lí nhí điều gì đó tôi không thể nhớ nỗi. Cô mời tôi uống nước và nói tiếp,
"Má nói …anh chơi guitar hay lắm."
Cô gái càng tự nhiên bao nhiêu, tôi càng rung bấy nhiêu,
"Anh đàn một bản cho em nghe nhen?"
Như bị thôi miên, tôi mất kiểm soát và đàn đọan đầu bài Romance không hay như tôi từng chơi trước đây. Bất ngờ, cô gái vổ tay nhẹ khen tôi nhưng đó là khoảnh khắc bối rối nhất trong đời tôi.
Dì Ba tươi cười khi thấy chúng tôi trò chuyện. Sự hiện diện của tôi làm thay đổi không khí gia đình. Lần lượt tôi gặp anh Tư, chị Bảy, chị Tám, thằng thứ 9, nhỏ hơn tôi một tuổi đang học ĐH Nông Nghiệp và Út Hải. Tôi đã tự hỏi,
"Ta có gì mà được Dì Ba ưu ái, các con của Dì tỏ ra thân thiết với ta thế?"
Mỉm cười thật tươi, dì ba hỏi tôi xem tuần tới tôi có thể về chơi nữa không,
"Có", Ngọc thay mặt cho tôi trả lời.
"Cháu chỉ sợ phải đi đá banh ở đâu đó." Tôi nhẹ nhàng tiếp lời.
Bà phân trần,
“Đá banh xong rồi về. Tụi nó mong gặp cháu nữa nhen, Thành."
Nhờ cái cách mà bà, Như Ngọc và Út Hải tiếp tôi, tôi cảm thấy bớt căng thẳng. Tôi lại về tuần kế đó. Vào tối chủ nhật tháng 4, trời hanh khô, dưới ánh trăng, ngoài balcony, ngồi trên ghế dựa với Như Ngọc cạnh bên, bà bảo tôi đàn những bài tôi yêu thích. Cô em gái thứ mười, Như Ngọc, như một con mèo nhỏ ngoan ngỏan, chăm chú nghe tôi đàn. Như tên tội nhân phải đánh đàn để được ân xá, tôi chơi liên tiếp những bài classic quen thuộc. Gần về khuya, tôi đánh bài Leyenda như muốn xin kết thúc. Như Ngọc nghiêm nghị hỏi tôi,
“Tuần sau anh mang đàn của anh về và dạy em vài bài nhé.”
Tôi như thể vừa có một cơ hội để được mản hạn tù. Ít ra tôi cũng cần cho 2 người trong nhà này để làm cho họ vui lòng và được họ mong đợi tôi về.
   Tôi chỉ nàng các hợp âm của bài “A time for us”. Chúng tôi tập cho đến khuya. Tôi như ở trong một thế giới mới và nàng rỏ ràng có một niềm vui mới. Nhờ tiếng đàn, chúng tôi ngày càng gần nhau. Nhờ Dì Ba và Như Ngọc, tôi có một thứ tôi rất cần, hạnh phúc gia đình, dẫu cho đó là thứ vay mượn mà thật lòng tôi không muốn có và tôi luôn cảm thấy bất an.
   Hằng 3 tuần liên tiếp, tôi quen dần cái nhịp sống, lối sống của gia đình này nhưng tôi không đóan được bao lâu tôi mới có thể nhập cuộc hoặc gần với họ trừ Dì Ba và Như Ngọc ra. Dượng Ba, yếm thế, cô đơn, ít nói nhất nhưng không làm tôi e ngại lắm. Anh cả- còn đang cải tạo- có lẻ đang nghi ngờ tôi. Anh ba, chị tám có vẻ không màng đến sự có mặt của tôi. Tôi thường tự hỏi,
“Hạnh phúc có phải tùy và cái gì ta có, chổ ta ở và đang ở với ai chăng? Hay nó chỉ tùy vào việc ta cảm thấy như thế nào và ta nghĩ đến cái gì?
Tôi thường nghĩ đến Long Kh’mer, nghĩ về sự cô đơn của nó trong chính gia đình của nó. Tôi nhớ Má Chánh, Má Năm và tôi không thể không nghẹn ngào khi nghĩ về mẹ ruột của tôi.
   Vào đầu tháng 5, tôi được nghỉ hè 3 tuần. Như một tên tù được đi phép, tôi xin Dì Ba cho tôi lên Bảo Lộc. Như Ngọc xoe tròn mắt nhìn tôi,
“Có việc gì mà anh không ở lại đây?”  
Tôi ấp úng giải thích,
“Anh lên đấy phụ việc trong một lò nem của Má Chánh.”
Út Hải vội vả vào cuộc,
“Anh Thành ở đây đi. Hai anh em mình đi buôn đồ cổ cho anh Tư.”
Vài người khác trong nhà cũng bận tâm việc tôi vắng mặt ba tuần.
Chị Bảy, đẹp hiền ngoan nhất nhà và thương mẹ nhất nhà, hỏi tôi,
“Có ai làm cho Thành buồn không?”
Rít một hơi thuốc dài, nhún vai, Hòang Anh lên giọng hỏi tôi,
“Thành có chắc ở trên đó được không?”
Dì Ba hiểu tôi như người mẹ ruột,
“Cháu cứ lên đó đi nhưng có gì cháu không hài lòng thì quay về đây. Cả nhà đang mong cháu, nghen Thành.”
    Có vẻ như Dì Ba là người hiểu tôi nhất cho đến lúc ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét