Ngoài những chuyến đi từ cổng trường Nông Lâm Súc theo Cậu Doãn đón xe đò lên nghe nhạc Lê Uyên Phương tại quán Lục Huyền Cầm, tôi còn có một người đặc biệt từ Cần Thơ ghé thăm và đưa tôi thẳng lên Đà Lạt bằng xe hơi.
Một ngày nắng ấm tháng 3 năm ấy, thật chẳng khó khăn gì với Hồng Hạnh để tìm ra tôi trưa hôm Chủ nhật đó khi tôi đang học trong trường- nhưng thật khó cho tôi để từ chối lời mời của nàng đi Dalat, nhất là phải bỏ một buổi tối học tại nhà. Hạnh tha thiết hơn bao giờ hết,
“Hạnh muốn mời anh Thành lên đó cho biết chỗ Hạnh ở. Sau này có cần gì, anh cứ lên đấy nhé.”
Bà Hương, mẹ nàng, với chất giọng Bắc nhẹ nhàng, nói thêm vào để lung lay tôi,
“Cháu là người Hạnh thân nhất. Biết cháu học trên này, Hạnh nằng nặc ghé tìm cháu và sáng sớm mai bác tài xế đây sẽ đưa cháu về lại Bảo Lộc nhé.”
Bao nhiêu cặp mắt của “dân áo nâu ăn cơm tháng” tại quán cơm Thiện và café Ngọc Lan đổ dồn vào chúng tôi khiến tôi nóng lên như đang đá banh giữ trưa nắng gắt khiến tôi quên mất rằng trong đầu tôi có một ánh mắt buồn bả lo lắng của mẹ tôi. Gởi mấy cuốn sách lại cho Tài Bột, quên cả chào nó, tôi vội bước lên xe và đóng xầm cửa lại, như đóng ập lại những ẩn ức, bức xúc những điều chất chứa lâu nay trong tôi, khi có rất nhiều tiếng trầm trồ của chiếc áo nâu đang đứng bên lề đường và trước các cửa quán hai bên đường.
Vừa liếc mắt nhìn tôi, mỉm cười tươi như hoa, Hồng Hạnh xuýt xoa và vừa nói vừa lúc lắc, ngoe nguẩy cái ngón tay trỏ về phía tôi,
“Không ai còn nhìn ra Lương Ngọc Thành nữa đâu nhé!?”
Như chuẩn bị sẳn từ lúc nào, Hạnh lấy ra bức ảnh trắng đen khổ 9x6 đưa cho tôi xem,
“Thành còn nhận ra ai trong ảnh này không?”
Trông thấy thật tội nghiệp, nhỏ thó đứng giữ Cô Thủy và Hạnh, tôi của ngày ấy- lớp năm trường tiểu học Tham Tướng, Cần Thơ- 7 năm trước đây - thật quá khác biệt so với tôi bây giờ, người đầy đặn, trắng trẻo. Hạnh cười vui như vừa được trao món quà mà nàng rất đắc ý,
“Thành giữ nó đi làm kỷ niệm.”
Không màng đến sự có mặt của mẹ, Hạnh không giấu diếm những nỗi vui mừng được gặp lại tôi. Như là người bạn học cũ, từ lâu nay nàng phải dọ hỏi, tìm hiểu và đã đến thăm cô Thủy, đến tận nhà tìm tôi vài lần mỗi khi có dịp trở về Cần Thơ. Mừng vì có bạn cũ của tôi đến thăm, mẹ tôi đưa cho nàng xem cái phong bì có in hàng chữ Trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc- bên phía trái theo hàng dọc. Sau khi hỏi thăm một vài tay mặc áo nâu nào đó đứng trước cổng, chú tài xế đã lái xe vào trong trường, dừng trước dãy A, trước lớp, trong khi tôi đang đứng trên bục gỗ giải toán một mình. Hai mẹ con nàng ngồi im lặng trên xe nhìn tôi lắc đầu thán phục trong khi chú tài xế đi nhẹ nhàng đến trước cửa gọi tên tôi. Hạnh đã trước đó nhiều lần kể cho mẹ nàng khá nhiều về tôi và về những ý định của nàng. Giờ đây rất tha thiết, nhẹ nhàng, Hạnh hỏi nhỏ tôi,
“Thành có cần Hạnh giúp gì không? Đừng ngại nhé.”
Tôi rất cảm kích sự chăm sóc, thân thiện, gần gủi của Hạnh từ cái ngày tôi bị trúng gió 7 năm trước trong giờ ra chơi khi tôi đã được cô Thủy và nàng tận tình chăm sóc. Tôi còn giữ thật cẩn thận cây viết Pilot nàng tặng tôi ngày chia tay năm học hết lớp năm. Tôi còn nhớ cái mùi độc đáo “Pall Mall”, cái làn khói mỏng mảnh ấy của điếu thuốc đầu tiên tôi hút ngay trước mặt nàng tối hôm đó. Làm sao tôi có thể quên cái hôm tôi, lần đầu tiên trước mặt nàng, trước khi tôi vào trung học đệ nhị cấp, cố ý làm cho nàng biết rằng tôi không còn là thằng nhóc nữa đâu đấy.
Tôi bổng như rơi rụng vào một khoảng không gian thật rộng lớn của cái thời trẻ con “mặc quần xà lỏn đen, ngón tay trỏ xách tòn ten cái bình mực bằng nhựa” và “cái áo trắng cụt tay, ngắn củn cởn, điểm lấm tấm vài giọt mực.”-đi đến trường Tiểu Học Tham Tướng. Tôi hình dung ngay được cái vị bùi bùi béo béo của những hạt đậu đen trong ly đá đậu có nước cốt dừa lạnh teo. Tôi có thể mô tả cái ly “đá bào chan xi rô, nửa đỏ nửa xanh, mà tôi từng lè lưởi liếm láp mỗi đầu giờ học. Tôi không thể nào quên những miếng khô mực ngọt thơm với cái mùi tương ớt Hạnh đã chia cho tôi. Tôi thèm được ăn lại những đĩa gỏi đu đủ chua cay với mấy lác rau thơm xanh rì nổi bật trên nền gỏi trắng hồng và vài miếng khô bò đen xì. Tôi nuốt nước bọt khi tưởng tượng ra miếng cắn vào ổ bánh mì chan nước sauce ướt nhẹp có lần Hạnh bảo tôi thử. Tôi nhớ những cái đụng chạm vào vai Hạnh trên đường đi học về. Tôi nhớ ơi là nhớ những nụ cười của Hạnh khi có 10 điểm môn toán do copy bài của tôi, những giọt lệ trên gò má của Hạnh khi nàng cầm tờ giấy bài kiểm với con số 1 đỏ lè vừa giọt nước mắt làm nhòe trên góc trái của tờ giấy tập.
Liếc nhìn quanh chiếc xe, nhìn cảnh vật chung quanh, nhìn lại mình, tôi như vừa biến thành một kẻ dân dã ngu si đang ngồi trên một cỗ xe với một nàng công chúa và hoàng hậu kẻ sẽ đưa tôi lên một khu đồi núi hoang vắng tĩnh mịch mặc dù sau cửa sổ những dảy đồi trà xanh dưới nắng sáng ấm chạy lùi lại. Màu xanh thẫm mát mắt thỉnh thoảng bị xen với màu vàng của vài khóm hoa Quỳ vàng lên lề đường. Cái biển báo đèo Prenn và cái áo khoát bằng da rộng mà Hạnh vừa choàng lên vai tôi vừa đưa tôi về thực tế. Hạnh, như một người chị lớn, dặn dò tôi, đứa em ngoan hiền đang học xa nhà,
“Thành phải giữ gìn sức khỏe mới học giỏi được. Nè! Còn hút thuốc không?”
Rút ra từ cái giỏ xách tay một gói Pall Mall, dúi vào túi áo tôi, Hạnh nói thật nhỏ vào tai tôi nửa đùa nửa thật với một chút trêu chọc,
“Khi nào lạnh, nhớ nhà, nhớ Hạnh, Thành mới được hút đấy nhé.”
Đờ đẫn như kẻ vừa bị ai đó hớp hồn, nhận lấy bao thuốc từ tay nàng, cúi gầm mặt xuống, tôi hơi cà lăm ,
“Cám ơn Hạnh nhe. Thành sẽ giữ nó hoài thôi.”
Bật cười thành tiếng, Hạnh nói rất tự nhiên,
“Hạnh sẽ gởi lên cho Thành hàng tháng mà.”
Bị giật mình, tỉnh ngũ, Bà Hương nhanh trí, phụ họa với cô con gái duy nhất, cái kho báu duy nhất, người bà yêu thương nhất,
“Hạnh rất giữ lời. Cháu cần gì cứ bảo cái Hạnh gửi lên cho. Đừng ngại.”
Cố gắng pha giọng Bắc, tôi nhẹ nhàng lên tiếng trả lời chung hai người,
“Thưa bác! Cháu rất cám ơn bác và Hạnh. Nhưng… nhưng mẹ cháu hằng tháng có gửi đủ rồi ạ.”
“Ai đâu mà biết học trò như cháu cần những thứ gì nào. Cứ bảo với Hạnh đi nhé! Không có gì cháu phải ngại cả nhé. Là người nhà cả mà. Thế nhé!”
Nghe mẹ nói thế, Hạnh nhoẻn miệng cười với tôi trong khi tôi thẹn thùng đỏ mặt tía tai vì tôi vừa nói dối- mẹ tôi chưa hề gửi cho tôi bất cứ thứ gì ngoài tấm “manda” hàng tháng. “Là người nhà cả mà” có ý nghĩa gì nhiều không? Bà Hương vừa biết tôi. Hạnh vừa gặp lại tôi sau 7 năm đấy thôi?! Cái không khí trong xe bổng nóng bừng lên nhất là khi tôi nhận ra Hạnh đang nắm tay tôi. Có một dòng điện vừa chạy nhanh vào mọi ngóc ngách trong cơ thể tôi như thể nước vừa dâng khắp các khe nức trên mặt đất ruộng khô cằn nhiều năm hè nắng hạn. Cánh đồng trong bổng chốc trở nên tươi tốt cho mọi thứ sinh vật, cây cỏ. Nước thiết yếu cho mọi sinh vật. Tình cảm, sự thông hiểu chăm sóc nhau, giống như nước. Sự tiếp xúc, đụng chạm thể xác, giống như một nhu cầu thiết yếu nào khác, trở nên quan trọng hơn nhiều thứ khác. Vốn đã thiếu tình thương, thiếu sự chăm sóc, tiếp xúc của mẹ và chị, nay tôi như một con bệnh được một y sĩ chăm sóc như ngày nào tôi được cô Thủy cạo gió Hồng Hạnh xức dầu và đưa tôi về nhà. Giờ Hạnh cần tôi hay tôi cần nàng. Giửa hai đứa tôi có một thứ ràng buộc gì đó không thể nhìn thấy, không thể mô tả được như thực vật cần thán khí còn loài người cần cái dưỡng khí do thực vật thải ra vậy. Chúng tôi có một điểm chung như mọi người có: “tình yêu thương mẹ.”
Trên một dốc thoai thoải, bên lề đường, mẹ tôi bổng hiện ra, vẩy tay như gọi xe dừng lại. Bà nhìn tôi buồn bả và tôi ấp úng vì đó là lần đầu tiên tôi bị mẹ bắt tận tay- trốn học. Cái tốt xấu, thiện ác đang nổ ra trong tôi và câu nói của thầy Vũ Thủy, “Cái hạ ngã luôn kéo ta xuống…” Xe đang lên đèo. Hồng Hạnh và mẹ nàng đưa tôi lên Dalat hay tôi đang bị họ kéo xuống vực xâu. Mẹ ơi! Mẹ có biết không?
(Còn tiếp)
Rạch Giá Apr 29, 2011
Ngọc Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét