Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

CHA NUÔI - 4

Tiếng rít của cái thắng xe làm tôi giật mình. Long Vân bị đẩy chờm ra phía trước. Tôi vội ôm ghì em lại. Cả hai chúng tôi không nói với nhau câu gì nhưng trong lòng tôi, tôi có nhiều điều muốn nói ra, hoặc phải nói ra. Điều đầu tiên mà tôi phải nói ra là tôi rất hạnh phúc. Về sống với Bác Năm và em là điều tôi chưa hề nghĩ đến bao giờ. Về hè ở Bảo Lộc nữa hay không thì lại là điều hiện tôi có thể quyết định ngay từ bây giờ.
Từ nay tôi sẽ coi Vân như em ruột, Bác Năm như ba ruột của tôi vậy. Những ngày nghỉ hè tôi phải dành cho họ thôi. Má Chánh sẽ buồn nhưng chắc thông cảm cho tôi. Tôi tự nhiên ghì nhẹ Long Vân vào lòng và tôi hỏi:
-         Em đang nghĩ gì thế? Em có coi anh như anh ruột của em không?
-         Em không biết nữa. Anh phải hứa đừng bỏ em lại như Ba Long, mẹ Vân của em vậy. Chừng nào anh học xong, anh về ở đây luôn nhe. Anh đi làm gần nhà thôi. Em nấu cơm, giặt đồ cho anh. Mình kêu ba nghỉ làm đi. Anh có tiền lương mà đúng không anh?
Anh sẽ không bỏ em và ba đâu nhưng còn em thì sao. Em sẽ phải có biết bao nhiêu điều riêng tư cho em. Em sẽ phải có biết bao nhiêu khát vọng, lý tưởng để theo đuổi. Em phải có cái tổ riêng cho em chứ. Em phải làm những điều mà ba Long và mẹ Thúy Vân mong muốn: “có gia đình hạnh phúc”.
      Chúng tôi ăn tối tại Nhà hàng Continental trên đường Đồng Khởi- vừa đổi tên thành- Cửa hàng Ăn Uống Đồng Khởi. Ba gọi những món mà có hai lần Bác Long đã ăn ở đây và rất thích. Tôi thấy làm việc gì Bác cũng nhắc đến Bác Long. Gắp cho mỗi đứa một miếng thịt vịt, Bác nói với chúng tôi:
-         Ở đây quay vịt ngon lắm. Một lác còn dư bao nhiêu, mang hết về! Ngày mai mình khỏi phải đi chợ.
Tôi chưa hề ăn miếng thịt nào ngon như thế này. Tôi chưa bao giờ đi ăn nhà hàng sang trọng như thế này. Ba má tôi sống bằng tiền lương công chức. Ông uống bia hàng ngày. Ông có một người vợ bé và 2 đứa con. Làm sao họ có hạnh phúc hoặc có thể đi “ăn” nhà hàng như thế này được? Có một lần ba tôi xuống Cần Thơ đi buôn thuốc sát trùng- vì chưa nhận được đủ số tiền hàng, ba tôi phải ở lại một ngày để chờ.
Trưa hôm ấy, tôi vẫn đi chợ như bình thường cho 3 người trong nhà. Trên đường ra chợ, tôi chợt nhận ra là tôi có thể làm một món mới lạ mà ba tôi có thể nhâm nhi để uống bia, hai anh em tôi ăn cơm như một món mặn nhưng đặc biệt là má tôi không hề hay biết. Khi ấy tôi bằng tuổi với Long Vân bây giờ. Mặc quần xà lỏn vải thô, áo sơ mi ngắn ngủn, tay mang cái giỏ đệm, tôi đến hàng thịt hỏi mua một khúc ruột heo để làm món khìa- phá lấu-
Tôi hỏi thăm bà bán hàng thịt cách để làm sạch cái ruột và cách để nấu cái món tôi dành riêng cho ba tôi. Trưa ấy, tình cờ và may cho tôi, ba tôi không đi ăn ngoài. Ông đưa tiền cho tôi mua bia. Mừng vì có dịp để nấu cho ba mình một món khoái khẩu, tôi cố nấu cho ngon thơm và trang trí cái dỉa ruột khìa rất khéo. Ba tôi vô tình đã không biết- vì tôi đã không nói ra, nhưng tôi thì không bao giờ quên cái chuyện ấy cũng như tôi không bao giờ bửa ăn ngày hôm nay. Bác Năm vẩn ăn lạt, đơn giản. Bác nói nhỏ với tôi:
       - Bác vừa nhận được tiền hàng đầy đủ. Mừng cho cả nhà ta. Con nhắc em ăn no, ăn nhiều cho mau lớn. 
 -  Bác ăn chay như vậy hoài làm sao bác có sức đi làm?
 -  Bác già rồi, việc ăn uống không quan trọng. Thôi con lo ăn hết đi có sức để học.
Ba ruột của tôi hiện giờ không biết tôi đang làm gì, học gì, ở đâu, sống như thế nào. Còn ba ruột của Long Vân giờ này ở trên suối vàng hay đâu đó chắc là rất hài lòng khi thấy con mình như thế này. Sau bửa ăn, ba dắt chúng tôi vào khu thương xá Tax. Vân trầm trồ khen hết món này sang món khác. Một thế giới mầu sắc sinh động đang mở ra trước mắt em. Một rừng hàng hóa, đồ đạc đang bao quanh em. Em ướm thử một cái áo đầm, và tỏ vẻ rất thích. Bác Năm biểu em vào phòng thay đồ và rất vừa lòng khi thấy em bước ra. Tôi không mua một thứ gì cả. Tôi viện cớ là tôi đã có đủ hết rồi. Bác Năm dắt chúng tôi một quán kem ở góc đường nào đó tôi không rỏ lắm. Trời Sài Gòn hôm đó mát dịu. Trong quán kem máy lạnh ấy, tôi còn cảm thấy lạnh chứ đừng nói chi tới em Long Vân. Cô bé ngồi sát vào người tôi. Tôi choàng tay lên bờ vai nhỏ bé của em gì nhẹ em vào lòng tôi. Bác Năm dặn dò gì đó mà chúng tôi không thể nghe được. Một lúc sau, cô gái hầu bàn mang ra một cái bánh kem nhỏ nhắn được trang trí rất tinh xảo. Tôi nhìn thấy ngay hàng chữ: “Happy birthday to Long Vân” và dỉ nhiên có đèn cầy sinh nhật trên đó .
-         Tại cái quán này, Long đã gặp Thúy vân. Tại cái bàn này ba đã ngồi chung với họ. Hôm nay sinh nhật của Long Vân. Ba muốn con gái của ba ngồi ở cái chổ mẹ con đã từng ngồi. Vân nè! Con ước gì. Thành con đốt đèn cầy lên cho em đi con! Happy birthday to Long Vân!
Ông chìa ra cái hộp quẹt. Tôi thấy tay ông hơi run. Không thể nào ông run vì lạnh, hơi lạnh từ cái máy điều hòa nhiệt độ ngay ở góc phòng này. Tôi tin rằng ông đã run vì cái lạnh trong tâm khãm, trong tim, trong niềm vui và sự xúc động vì ông đang làm được làm cái điều cả ba ông và ba tôi chưa hề nghĩ đến. Tôi cũng không thể bật que diêm được ngay. Tay tôi cũng hơi run rẩy. Long Vân không không hề hay biết điều này- 2 người đàn ông, một già, một trẻ, đang run rẩy vì xúc động. Sự xúc động rất dể hiểu và cũng rất đáng trân trọng. Em nhìn thấy hơi vàng vọt dươi ánh đèn cầy. Em cũng xúc động vì cái hạnh phúc quá bất ngờ này. Bất chợt em òa lên khóc. Những người trong quán tế nhị nhìn chúng tôi. Bác Năm đưa tay xoa đầu và kéo em vào lòng. Hai giọt nước mắt vừa ứa tuôn ra trên gò má tôi, nóng hổi.
-         Thổi tắt đèn cầy đi con. Họ dặn ba trước rồi. Trong phòng máy lạnh không nên đốt gì hết. Xong con giúp em cắt bánh đi. Chia làm ba cho đều. À quên nửa, làm bốn chứ. Chừa cho ba má Long Vân một miếng chứ. Thúy Vân thích bánh kem ở đây lắm!
Tôi tay cầm dao, tay dụi mắt, cố gắng pha trò để cho cả ba vui lên.
-         Chia xong để con đi mượn cái cân để cân lại cho chắc ăn. Nhưng mà ai nhỏ nhất thì hưởng phần ít nhất phải không ba?
Tôi tự nhiên thốt ra tiếng ba mà không hề ngượng ngập. Tôi pha trò một câu mà tôi trước đó chưa hề nghỉ ra. Tôi nhận ra mình tự nhiên hơn lúc nào hết. Long Vân lườm tôi. Em không đáp trả nhưng chỉ gật gù như thể là tôi có lý lắm vậy, như thể là em tôn trọng tôi lắm vậy.
-         Thôi, Vân lấy phần bánh cho ba coi. Con ước gì không nè? Con?
Vân lúng túng nhưng cũng lấy ra được một phần tư miếng bánh mời ba ăn. Em cũng cho tôi một phần như vậy nhưng không nói tiếng mời tôi. Chắc em hơi giận tôi rồi. Tôi làm bộ như không biết. Ba người chúng tôi có những suy nghỉ cảm xúc khác nhau nhưng chúng tôi có chung một thứ: Gia Đình. Ba Năm đã ở với Ông bà nội nuôi. Vân đang ở với ba nuôi. Còn tôi? Tôi đang cùng Vân chia cái mái nhà nhỏ nhưng rất ấm cúng này.
-         Con ước được ở với ba hoài. Ba đừng bỏ con đi hoài. Anh Thành về ở với mình hoài…
Long Vân nhỏ nhẹ nói với chúng tôi. Hai bàn tay nhỏ nhắn của em đang vò nát cái góc khăn trải bàn, mặt cuối xuống vì quá e thẹn và bờ vai nhỏ bé gầy guộc hơi run nhẹ. Tôi tự nhiên nhận thấy tôi cũng run theo.
-         Ba phải đi làm chứ con. Nhưng con bây giờ có anh rồi. Ba giao cho anh con quyền huynh thế phụ. Đầu năm học tới, anh dắt con đi học, đi họp phụ huynh và thay mặt ba lo cho con mọi chuyện. Được không Thành? Thôi con kêu ảnh là anh hai đi nhe! Hai anh em con ăn hết bánh đi rồi nói gì thì nói sau.
Hai đứa, không ai biểu ai ăn một chút xíu là xong hết dĩa bánh ngọt. Tôi đưa cho em cái khăn giấy trên một khay đan bằng tre được xếp nấp rất khéo. Tôi phải mở ra giùm cho em. Vân mân mê cái khăn giấy và hỏi tôi:
-         Anh hai bán cho em bao nhiêu tiền vậy? Bà nào ở xóm mình cũng dặn em là đừng nhận khăn của ai cho hết. Như vậy xui xẻo lắm. Nếu lúc mình không có tiền, mình mua chịu. Anh bán chịu cho em nhe, em không có tiền.
Ông già và tôi phì cười. Tôi thì chợt nhận ra rằng người lớn ít học và dị đoan đã tiêm nhiễm trẻ con nhanh đến mức đáng lo ngại. Hồi còn bé, tôi cũng bị nhiều giáo điều nhiều lời căn dặn kiểu như vậy. May mắn thay trong ba năm học ở Bảo Lộc, tôi có dịp tránh xa những người hàng xóm tốt bụng nhưng không tốt trong cách suy nghỉ và cách họ nhìn thế giới chung quanh họ. Ông Năm chưa hề hỏi tuổi của tôi. Ông chỉ nghe tôi kể là tôi học năm thứ hai đại học, hiện tình gia đình tôi ra sao và tôi trong tâm trạng thế nào. Ông chưa hề để ý xem tôi có tin dị đoan hay không. Còn tôi thì tuyệt nhiên biết rỏ rằng ông chỉ tin vào luật nhân quả và ai có tấm lòng vàng như ông ta vậy.
-         Anh không bán gì cho em hết. Anh chỉ cho em những gì anh có thể có được. Anh sẽ cho em nhiều thứ em mà không thể tin được. Anh nghỉ rằng anh cũng đang có tấm lòng vàng như ba vậy.
Tôi tự nhủ như vậy và mỉm cười với em, lắc lư cái đầu như thể không đồng ý bán cho em cái khăn giấy đó vậy. Từ nay tôi như có thêm sức mạnh, có thêm ý tưởng, trách nhiệm và có thêm một gia đình nữa. Một gia đình mà tôi đã không tốn một chút công sức nào xây dựng. Một công trình đang dở dang được giao cho tôi để tôi hoàn tất, để tôi làm nó tuyệt vời hơn so với thiết kế trong bản vẽ. Em như một tòa lâu đài chưa được trang hoàng, chưa được gắn đặt các công trình phụ nào cả, vườn hoa, bải cỏ, hồ sen, ban công và nhiều thứ khác nữa. Tòa lâu nài nào cũng cần có tường rào, cổng vào, gác canh và đường hầm thoát hiểm. Tòa lâu đài nào cũng cần có một đội quân bảo vệ, đội nhóm đầu bếp, phục dịch và người quản lý. Nếu tôi xây xong cho em các công trình phụ, các con người kia tôi tìm ở đâu ra. Có phải tôi vừa tự phát thảo một công trình thứ hai thật khó khả thi. Một mình tôi làm sao có thể lo cho em được những điều ấy. Là một sinh viên xuất thân từ một gia đình nghèo, không hạnh phúc làm sao tôi có thể hoàn chỉnh những chuyện đó. Ba ruột của tôi đã chưa hề cho tôi một món quà nào. Ông chưa hề dạy tôi một điều gì. Đáng buồn nhất là ông chưa hề gây cho tôi một ấn tượng nào cả. Bác Năm, tôi mới gặp, vừa là cha nuôi của em vừa là cha nuôi của tôi. Người đàn ông giản dị này đã có những suy nghĩ giản dị, có một cách thể hiện giản dị và ông ta đã có một giấc mơ cũng thật giản dị. Một cách giản dị, ông chọn tôi làm con nuôi vì một phần ông cảm thấy thương tôi một phần vì ông không thể thương yêu và dạy bảo cho Long Vân nhiều như những người cha khác. Một cách rất đơn giản, ông ta chia cho tôi trách nhiệm và cũng rất đơn giản ông ta trao cho tôi phần thưởng- có công và có thưởng. Phần thưởng là phân nửa giá trị của cái gia đình này, phân nửa những gì ông tạo ra cho Long Vân đến nay, phân nửa cái mà lẻ ra cuộc đời này sẽ ban tặng cho ông: “Người cha tốt”. Tôi như vừa là người anh lớn mà cũng vừa là người cha nhỏ tuổi của Long Vân. Tôi phải vinh dự hay do dự khi nhận “cái phân nửa” này đây? Tôi phải vui vẻ hay phải buồn lo khi nhận lấy nó. Tôi phải nói cho mọi người biết hay âm thầm dấu kín chuyện này. Tôi phải làm trách nhiệm của tôi với mẹ ruột, đang ở rất xa Sài Gòn này, với thằng em ruột cũng ở rất xa nơi này và trách nhiệm của cuộc đời của chính tôi nữa chứ?
-         Hai đứa con còn muốn ăn gì thêm không? Ba kêu xích lô về hay ta đi một vòng nữa nghen.
-         Anh Hai chưa có quà gì cho con hết, Ba ơi!
-         Để từ từ anh con nghĩ ra chứ. Tại ba không cho nó biết trước. Phải hông, Thành?
Ba Năm rất đúng. Tôi rất ngạc nhiên đã gặp ông vài tháng trước. Tôi rất ngạc nhiên khi đến cái gia đình “2 cha con” đó của ông. Tôi rất ngạc nhiên khi dự đám sinh nhật này của Vân và tôi còn sẽ phải ngạc nhiên về nhiều điều nữa.
-         Tuần sau anh về. Anh sẽ đem quà về tặng em nhe?
-         Thôi đi. Em nói chơi mà. Anh hai là sinh viên còn đi học, làm gì có tiền mua quà cho em?
-         Anh đi làm thêm!
-         Anh đi làm thêm rồi làm sao anh học bài?
-         Anh sẽ cố học bài.
-         Anh cố học bài thì làm sao anh có thì giờ đi làm thêm?
-         Anh cố gắng gấp đôi.
-         Anh cố gắng gấp đôi thì làm sao anh có thì giờ về thăm ba về em được?
Em lý luận rất đúng. Em ra vẻ hiểu biết và sắc xảo. Ba Năm nhìn nghe hai chúng tôi đấu khẩu với nhau và ra vẻ thích thú. Lâu nay ông chưa hề nghe Vân nói nhiều và nhanh nhẩu đến như vậy bao giờ. Đó có thể là một loại quà mà con cái nên dành tặng cho ba mẹ. Đó có thể là một thứ hạnh phúc mà không phải ai cũng có thể có được.   
-         Em không cần quà của anh nửa đâu. Em nói thiệt mà. Tuần sau anh về nhé. Tuần sau cô em đến nhà mình chơi đó. Cô em dễ thương lắm.
-         Anh đã hứa rồi mà.
-         Cô em cũng thương em lắm đó.
Tôi nghe như có một vết cắt đâu đó trên người tôi, đau nhói. Cô giáo thương em. Bạn bè thương em. Một chàng nào đó thương em. Em sẽ không cần đến tôi nữa sao? Không chắc là như vậy. Tôi phải tìm hiểu ai thương em và như thế nào.
     Chúng tôi là những người khách cuối cùng rời quán. Đường phố Sài Gòn hôm đó vắng vẻ. Lòng tôi chợt thấy trống trải như đường không có khách bộ hành. Ba Năm thư thái, hài lòng. Vân hơi buồn ngủ nhưng vui lắm. Tôi thì vui buồn lẩn lộn. Vết đau bớt đi rồi. Đem đó tôi và ba Năm đều khó ngủ. Tôi nghe tiếng mớ của Vân khá rỏ. Không biết ba Năm có nghe không.
-         Anh hai! Anh hứa rồi mà. Anh hai! Anh hai!
 
 
                                                      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét